Người công dân tốt theo Giáo lý của Hội thánh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
9 tháng 3, 2012

Người công dân tốt theo Giáo lý của Hội thánh

Nguyễn Ngọc Nam Phong - Trong cuộc họp của Tổ công tác hỗn hợp Tòa thánh Vatican và Việt Nam ngày 28/2/2012 vừa qua, câu nói của Đức Giáo hoàng Benedict 16 trích trong Huấn từ gửi các Đức Giám mục Việt Nam nhân chuyến Ad Limina năm 2009: “Một người Công giáo tốt và là một người công dân tốt”, lần nữa được nhắc lại trong Bản Thông cáo chung:

“Cả hai bên đã nhắc lại giáo huấn của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI về việc sống Phúc Âm giữa dân tộc, và những lập trường của ngài về việc là một người Công giáo tốt và là một công dân tốt; nhấn mạnh cần tiếp tục có sự hợp tác giữa Giáo Hội Công giáo và chính quyền, để thực thi những giáo huấn ấy một cách cụ thể và thiết thực trong mọi hoạt động.”

Đây không phải là lần đầu tiên câu nói này của Đức Giáo hoàng được chính quyền Hà Nội sử dụng như “lá bùa” trong các cuộc tạm gọi là “đối thoại” giữa Giáo hội Công giáo với chính quyền Việt Nam, với nhiều hàm ý.

Nhiều tờ báo của đảng khi nhắc lại lời này của Đức Giáo hoàng còn bịa thêm rằng: “Huấn từ của Giáo hoàng không gợn chút mâu thuẫn nào với chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam”, làm như Giáo hoàng cũng ủng hộ các “chủ trương lớn của đảng” như cấm công dân yêu nước biểu tình chống ngoại xâm, bán biển đảo tài nguyên cho Trung cộng, cưỡng chế đất đai tài sản hợp pháp của công dân một cách trái pháp luật….

Ở đây, muốn hiểu thế nào là người “Công giáo tốt và là công dân tốt”, thiết nghĩ cần phải trở về với Giáo lý và huấn quyền của Hội thánh, để xem Giáo hội quan niệm thế nào về người công dân tốt.

Công đồng Vaticanô 2, trong Hiến Chế Mục Vụ, số 74 viết: “Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó, chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi công ích. Họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền, nhưng phải tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Tin Mừng”.

Ở đây, nên lưu ý, Công đồng nhấn mạnh, nếu có tôn trọng thì “tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên, luật Tin Mừng”, chứ không phải luật thiết định dù cho đó là luật do Quốc hội ban hành, nếu luật đó đi ngược lại hoặc tước đoạt những quyền cơ bản của công dân.

Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 1915 viết: “Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội. Các phương thức tham gia có thể thay đổi tuỳ từng nước, từng nền văn hoá. “Phải ca tụng đường lối của những quốc gia đang để cho các công dân được tham gia càng đông càng tốt vào việc nước trong sự tự do đích thực”.

“Cũng như mọi bổn phận luân lý khác, việc mọi người tham gia vào công trình công ích, cũng đòi hỏi các thành viên của xã hội hoán cải không ngừng. Phải kết án nghiêm khắc những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với những đòi hỏi của công bình. Cần chăm lo phát triển những định chế nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người”.

Giáo lý Công giáo, số 2242 khi nói về người công dân tốt còn khẳng định mạnh mẽ hơn: “Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin mừng. Khi những đòi hỏi của chính quyền nghịch với lương tâm ngay thẳng, Kitô hữu từ chối vâng phục chính quyền, vì phải phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng chính trị: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Như vậy, theo Giáo lý của Hội thánh Công giáo, người công dân tốt là người “tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội” và khi tham gia vào đời sống xã hội, “họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền.” Họ phải “nghiêm khắc phê bình những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với những đòi hỏi của công bình.” Họ phải sống theo lương tâm mình, “không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi của luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin mừng”.

Bên cạnh đó, Giáo lý Công giáo số 2243 còn lưu ý các công dân: “Không được sử dụng vũ khí chống lại một chính quyền áp bức, trừ khi hội đủ các điều kiện sau đây: 1. Có bằng cớ hiển nhiên chắc chắn vi phạm nghiêm trọng và lâu dài các quyền căn bản./. 2. Sau khi đã dùng mọi phương thế khác đều vô hiệu./ 3. Không gây ra những xáo trộn tệ hại hơn./ 4. Có đủ cơ sở để hy vọng thành công./ 5. Nếu không tìm được giải pháp nào khác tốt hơn.”

Hẳn nhiên, khi dùng ý tưởng: “Một người Công giáo tốt là một người công dân tốt”, để huấn dụ các Đức Giám mục Việt Nam và qua các Đức giám mục Việt Nam gửi tới cộng đồng dân Chúa Việt Nam, Đức Giáo hoàng Benedict 16 đã không đi ra ngoài những gì mà sách Giáo lý và Công đồng Vatican II đã minh thị về người công dân tốt.

Vấn đề là nhà cầm quyền Hà Nội khi trích dẫn lời này của Đức Giáo hoàng đã cố tình không hiểu, hoặc cố tình áp đặt cách hiểu về từ “công dân” theo ý chí riêng của họ. Đối với nhà cầm quyền Hà Nội, công dân đồng nghĩa với việc ủng hộ và bảo vệ đảng cộng sản, đến độ nói như ông Bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành: “bất cần biết đúng sai”.

Trong thực tế, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn thường trích dẫn các câu nói của các Đức Giáo hoàng, của Hội đồng Giám mục Việt Nam và ngay cả trích dẫn lời Chúa, không phải để làm rõ những khái niệm, để tìm một sự đồng thuận, nhưng họ thường lấp liếm kéo lái dư luận rằng: Lời Chúa, huấn quyền hay ““Huấn từ của Giáo hoàng không gợn chút mâu thuẫn nào với chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam”, cũng là của đảng cộng sản Việt Nam.

Có một thời, câu nói “Đồng hành với dân tộc” được nhà cầm quyền Hà Nội áp đặt cho người công giáo, sử dụng thường xuyên, đến độ, nhiều giáo dân và ngay cả một số chức sắc Giáo hội mặc cảm cho rằng Giáo hội cần đồng hành với dân tộc, trong khi người công giáo Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời dân tộc Việt Nam. Nếu có phải “đồng hành cùng dân tộc” thì chính đảng cộng sản Việt Nam mới phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, vì họ đang đi ngược lại lợi ích của dân tộc Việt Nam, khi để Trung cộng lấn chiếm biển đảo, khi nhăn nhở tuyên bố “chỉ biết còn đảng còn mình”.

Do đó, thật dễ hiểu vì sao, sau hơn hai mươi năm tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao, Tòa thánh và Việt Nam vẫn chỉ ra đươc những thông cáo chung chung và sau mỗi cuộc họp của ủy ban hỗn hợp Tòa thánh và Việt Nam, truyền thông nhà nước lại được dịp nhắc lại một cách đầy khiêu khích: chỉ có Vatican mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam” thôi, chứ Việt Nam thì chẳng muốn?

Có thể nói rằng, bao lâu đôi bên còn chưa đồng thuận trong quan điểm, trong cách giải thích các khái niệm, thì bấy lâu tiến trình bang giao còn gặp trở ngại; hoặc nếu Tòa thánh thực sự mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì phải chấp nhận những điều kiện và ủng hộ những cách hiểu mà nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra.

Về phần mình, dù Tòa thánh và Việt nam có thiết lập quan hệ ngoại giao hay không, thì mỗi tín hữu Việt Nam – giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, đều phải sống những gì mà Giáo lý, Công đồng và huấn quyền đã dạy: trở thành những công dân tốt, chống lại những lạm dụng của công quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, công bằng và văn minh.

3/3/2012
Người công dân tốt theo Giáo lý của Hội thánh Reviewed by Admin on 3/09/2012 Rating: 5 Nguyễn Ngọc Nam Phong - Trong cuộc họp của Tổ công tác hỗn hợp Tòa thánh Vatican và Việt Nam ngày 28/2/2012 vừa qua, câu nói của Đức Giá...

Không có nhận xét nào: