Bảo vệ người dân trong hiến pháp nhân bản - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 7, 2012

Bảo vệ người dân trong hiến pháp nhân bản

Nguyễn Học TậpỞ nước ta, Đảng và Nhà Nước tự nhận là "của dân, do dân và vì dân". 


Nói như vậy, ai cũng nói được. 

Nhưng Đảng và Nhà Nước có phương thức nào để bảo vệ dân, để cho rằng mình là "của dân, do dân và vì dân" không? 

Những dòng dưới đây là những gì Hiến Pháp Nhân Bản của thiên hạ tiên liệu, ngay cả lúc Hiến Pháp được ban hành, để có thể ngẩng mặt nói mình là "của dân, do dân và vì dân". 

- "Tự do cá nhân bất khả xâm phạm. 

Mỗi người có quyền được bảo toàn mạng sống, toàn vẹn thân thể và danh dự của mình. 

Mỗi người được tự do triển nở hoàn toàn con người của mình, miễn là không làm tổn thương đến quyền lợi người khác, không vi phạm thể chế hiến định và lề luật luân lý ( Điều 2, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD). 

- "Không thể chấp nhận bất cứ mọi hình thức bắt giam, lục xét, điều tra, trưng thu , hoặc các phương thức giảm thiểu tự do cá nhân nào, nếu không có án trác có lý do của tư pháp, trong các điều kiện và theo thể thức luật định . 

Mọi áp bức, bạo lực, khủng bố trên thân xác và tinh thần của người bị giảm thiểu tự do đều sẽ bị trừng phạt .( Điều 13, doạn 2 và 4 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

- "Tính cách có thể được chấp nhận và thời gian kéo dài của việc trất hữu hay giảm thiểu tự do chỉ có vị thẩm phán có quyền định đoạt. Trong trường hợp quyền tự do bị truất hữu không do cơ quan tư pháp ra lệnh, cần phải cấp bách yêu cầu quyết định của tư pháp. Cảnh sát tự mình không có quyền cầm giữ ai đến ngày hôm sau, khi bị bắt. Các chi tiếc sẽ được luật pháp quy định" 

Bất cứ ai tạm thời bị bắt giam vì tình nghi phạm pháp, nội trong ngày hôm sau phải được đem đến trước quan toà. Vị quan toà phải thông báo cho đương sự lý do bị bắt giam, nghe đương sự trình bày hay làm cách nào để đương sự có thể biện minh. Sau đó quan toà hoặc phải đưa ra trác án giam giữ có lý chứng, hoặc phải ra lệnh phóng thích tức khắc. Nhân viên công lực tự mình, không có quyền giam giữ ai ( Điều 104, đoạn 2 và 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD) 

A –Thể Chế Nhân Bản đứng ra bảo đảm cho tự do cá nhân, sau khi xác nhận phẩm giá con người ở địa vị tối thượng và trung tâm điểm trong tổ chức Quốc Gia. 

Với câu 

- "Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần các xã hội trung gian , nơi mỗi cá nhân phát triển con người của mình, và đòi buộc chu toàn các bổn phận liên đới không thể thiếu trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội" (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) (Cf. PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG THỂ CHẾ NHÂN BẢN VÀ DÂN CHỦ) , 

Thể Chế Nhân Bản nhìn nhận con người như là giá trị tối thượng trên các giá trị nền tảng của Thể Chế, trên đó một Quốc Gia văn minh, tôn trọng con người được xây dựng. 

Quốc Gia được thiết lập là để phục vụ con người. 

Mục đích của nguyên tắc nền tảng đang bàn của Thể Chế Nhân Bản là bảo vệ tự do cá nhân: 

"Tự do cá nhân bất khả xâm phạm. 

Mỗi người có quyền được bảo toàn mạng sống, toàn vẹn thân thể và danh dự của mình" (Điều 2, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức) . 

Quan niệm tự do cá nhân phải được bảo vệ được đã có từ ngàn xưa, từ lúc có con người. 

Tự do cá nhân nói riêng và các quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người nói chung, được viết thành văn bản và có hệ thống từ thề kỷ XVIII, với Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776 và Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp 1789. 

Nhưng dấu vết của ước vọng con người cho mình có được tự do, chúng ta có thể tìm thấy trước hơn nữa, trong sắc lệnh của hoàng gia Anh,"Habeas Corpus“. Hoàng gia Anh dành cho mình quyền giải thoát các thần dân bị cáo khỏi uy quyền của các lãnh chúa và đem về xét xử bằng toà án của triều đình, để cứu sống họ. 

Dần dần nguyên tắc trên trở thành tập tục cho quyền của cá nhân được bảo toàn mạng sống khỏi bị hành hạ, ngược đãi bằng bạo lực, theo cách hành xử tùy lúc, tùy hứng của các lãnh chúa (hay của bọn côn đồ công an và xã hội đen đối với giáo dân Con Cuông chẳng hạn) 

Dấu vết tự do cá nhân được bảo vệ, chúng ta có thể tìm thấy trong "Habeas Corpus" , như vừa nói, nhưng ước vọng con người được tự do khỏi áp bức, hành hạ, giết chết không phải chỉ mới phát xuất từ đó, mà hiện hữu từ lúc có con người. 

Hơn ai hết, người Anh đã xác tín điều đó, nên nền tảng dân chủ và nhân bản của Quốc Gia đối với họ không phải chỉ là những gì được ghi trên các văn bản viết ra, mà còn cả những gì tiềm tàng trong trong ý thức của con người, được thể hiện trong niềm tin và cách thức hành xử của con người theo tập tục qua bao thế hệ. 

Người Anh gọi niềm tin và lối hành xử đó trong tập quán là "Common Laws" (Luật lệ chung của mọi người, theo xác tín, tâp tục). 

Bởi đó chúng ta không lạ gì những tuyên ngôn, thỉnh nguyện, văn bản về nhân quyền như 

- Magna Charta Libertatum 1215, 

- Petition of Rights 1628, 

- Bill of Rights 1689 , 

trên thực tế là những bản văn Hiến Pháp liệt kê các quyền và tự do người dân, đòi buộc giới đương quyền phải tôn trọng, được người Anh viết ra như là những gì họ chỉ nhắc lại, nhìn nhận và xác quyết những điều đã có sẵn trong "Common Laws". 

Để tránh cho bài viết quá dài, chúng tôi xin tạm gát lại các tư tưởng về 

- tự do cá nhân, 

- tự do cá nhân theo quan niệm luật tự nhiên, 

- tự do cá nhân trong quan niệm khế ước 

và đi thẳng vào những gì phải có, để áp dụng thực tế bảo vệ an ninh cá nhân và mạng sống người dân 

(nhưng chi tiếc vừa kể, qúy vị có thể xem thêm, www.thegioinguoiviet.net, n.10, cfr. TỰ DO CÁ NHÂN). 

Và đây là những phương thức được Hiến Pháp Nhân Bản tiên liệu để bảo vệ người dân: 

1 - Nguyên tắc Quốc Gia Pháp Trị. 

"Mỗi người được tự do triển nở hoàn hảo nhân phẩm của mình, miễn là không làm tổn thương đến quyền của người khác, không vi phạm thể chế hiến định và lề luật luân lý" (Điều 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). (cfr. THỂ CHẾ QUỐC GIA PHÁP TRỊ), 

Tính cách tương đối hóa và giới hạn của tự do cá nhân trong cuộc sống chung của Cộng Đồng Quốc Gia, chúng ta vừa có dịp đề cập đến ở trên. 

Nhưng đọc phần 2 của câu văn, 

"… miễn là không làm tổn thương đến quyền của người khác, không vi phạm thể chế hiến định và lề luật luân lý", 

chúng ta có cảm tưởng rằng Thể Chế Nhân Bản chỉ cho phép việc "triễn nở hoàn hảo nhân phẩm" dưới hình thức tiêu cực, "miễn là..."

Nhân phẩm con người của cá nhân khỏi bị "quyền của người khác…, thể chế hiến định và lề luật luân lý" giới hạn. 

Suy nghĩ kỹ hơn, ý nghĩa của quan niệm căn bản Thể Chế Nhân Bản không phải chỉ có ý nghĩa như vậy. 

Trong cuộc sống chung với người khác và liên hệ với quyền của người khác, không hẳn tự do cá nhân, "phát triển hoàn hảo con người của mình" chỉ có điều bất lợi là bị giới hạn. 

Sống chung với người khác và liên hệ với quyền của người khác cũng giúp chúng ta phát triển chính con người của chúng ta. 

Cuộc sống chung trong xã hội là cuộc sống trong đó hiểu biết của người khác giúp chúng ta mở mang hơn, hoạt động của người khác đem lại lợi ích cho họ mà cũng cho cả chúng ta, cho mỗi người chúng ta và cho công ích. 

Cũng vậy, "thể chế hiến định và lề luật luân lý" không phải chỉ là những khuôn viên bó buộc chúng ta không thể vượt thoát ra bên ngoài, mà là nền tảng Thể Chế Nhân Bản, với sự tôn trọng phải có, như là những điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể phát triển con người của chúng ta. 

Nói cách khác, thể chế hiến định và nền tảng luân lý là khuôn sườn, là ngôi nhà bảo bọc, bênh vực con người, chống lại mọi yếu tố tác hại, nghịch cảnh để con người có môi trường và điều kiện phát triển hoàn hảo chính mình và giúp phát triển cho đồng bào mình. 

Bởi đó, Thể Chế Nhân Bản, tôn trọng con người và tôn trọng phương thức dân chủ đa nguyên, đa dạng xây dựng đất nước, nhưng không phải là thể chế mềm nhũng không xương sống: 

- "Không thể chấp nhận bất cứ một sự sửa đổi nào đối với Hiến Pháp nầy, có liên quan đến mối tương quan giữa Liên Bang và các Tiểu Bang, đến sự tham dự của các Tiểu Bang vào quyền lập pháp hay đến các nguyên tắc đã được nêu ra ở điều 1 và điều 20" (Điều 79, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). 

(Điều 1, liên quan đến phẩm giá bất khả xâm phạm của con người và điều 20, định nghĩa Cộng Hoà Liên Bang Đức là Quốc Gia Cộng Hoà, Liên Bang, Dân Chủ và Xã Hội). 

Như vậy, dù Nhân Bản và Dân Chủ, chúng ta cũng có những nguyên tắc nền tảng bất di dịch của Thể Chế phải tôn trọng để bảo đảm cho con người. 

Thiếu Thể Chế Nhân Bản và lề luật luân lý làm nền tảng cho , 

-Thể Chế, là độc tài, khuynh đảo, lạm dụng quyền bính để phục vụ đảng phái và lối sống mọi rợ, nếu không phải là lối sống thú vật (con người hơn con vật bởi con người có tư cách sống theo lý trí, luân lý, không phải chỉ biết hành động theo bản tính). 

- Và với cuộc sống xã hội làm môi trường cho cuộc sống liên đới hỗ tương , Thể Chế Nhân Bản hiến định và lề luật luân lý làm điều kiện thuận lợi và giềng mối, con người được đặt vào hoàn cảnh và điều kiện sống thích hợp, hợp với bản tính tự nhiên của mình (xã hội tính, dân chủ và bình đẳng và phương cách hành xử xứng đáng với nhân phẩm con người), để tự do phát triển con người của mình, tung tăng như cá tự do bơi lội trong nước. 

Trong những hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi đó, con người tự do phát triển nhân phẩm và năng khiếu của mình theo ba chiều hướng đã đề cập: 

- chiều hướng nội tâm, 

- hướng thượng 

- và huớng tha. 

2 - Bảo vệ bằng luật pháp. 

"Không thể chấp nhận bất cứ hình thức bắt giam, lục xét, điều tra, cầm giữ, trưng thu hoặc các hình thức giảm thiểu tự do cá nhân nào, nếu không có án trác có lý do của tư pháp, trong các điều kiện và theo thể thức luật định" (Điều 13, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

Đoạn văn vừa kể của những nguyên tắc nền tảng Thể Chế Nhân Bản, được viết ra dưới hình thức hình thức nổi bậc, "dành quyền tuyệt đối cho tư pháp" (riserva assoluta al potere giudiziario). 

Là đoạn văn quan trọng, liên quan đến bản thân con người, để bảo toàn thân thể và tinh thần của mỗi cá nhân, đoạn văn của Hiến Pháp phải được viết ra bằng tất cả các phương thức bảo đảm luật pháp thông dụng của các Hiến Pháp văn minh, nhứt định bảo đảm cho con người, trung tâm điểm và có địa tối thượng trong tổ chức Quốc Gia: 

a ) * Dành quyền hạn chế cho luật pháp (riserva di legge) : 

đoạn cuối cùng của câu văn, "trong các điều kiện và theo thê thức luật định", là hình thức bảo chứng tương đối thông thường "dành quyền hạn chế cho luật pháp", được hầu hết các văn bản Hiến Pháp đều áp dụng. 

Đó là hình thức dành quyền hạn chế cho luật pháp hay chính xác hơn là dành quyền cho Quốc Hội, cơ quan dân cử duy nhứt, có quyền "lập pháp", "chuẩn y hay bác bỏ" các điều khoản luật, biến các dự thảo, đề án luật thành đạo luật thực định có hiệu lực bắt buộc.. 

Nói các khác, không ai có thể can thiệp vào con người, "...bắt giam, lục xét, điều tra, trưng thu hay giảm thiểu tự do", nếu không được luật pháp do Quốc Hội thường nhiệm đã "chuẩn y hay bác bỏ", trong các trường hợp và theo các thể thức được cho phép. 

b) * Dành quyền hạn chế tăng cường đối với luật pháp (riserva rinforzata di legge) . 

Như vậy, Hiến Pháp giao cho Quốc Hội thường nhiệm "lập pháp", soạn thảo, "chuẩn y hay bác bỏ" luật pháp và thiết định "các điều kiện và theo thể thức" nào nhân viên công lực phải hành xử, không được như bọn công an phi nhân và kém văn minh chửi bới, đánh đập, đả thương, "trấn nước mụ Uá", "bịt miệng Cha Lý giữa phiên toà" không cho mình tự biện hộ, ném rác và phân hôi thúi và nhà chi Trần Khải Thanh Thủy để trả thù và giết chết người dân, cũng như đang đánh đập giáo dân Con Cuông, giáo phận Vinh trong mấy ngày nay. 

Nhưng nói như vậy, không phải Hiến Pháp "khoán trắng" cho Quốc Hội muốn "lập pháp" cách nào, "trong các điều kiện và theo thể thức luật định" thế nào cũng được, mà chính Hiến Pháp đứng ta" thiết định" trước, "các điều kiện và theo thể thức luật định", như là lằn mức không thể vượt qua. 

Nói cách khác, Hiến Pháp đã "thiết định" cho Quốc Hội phải "thiết định", luật pháp, "trong các điều kiện và theo thể thức luật định" đã được Hiến Pháp "thiết định", không thể vi phạm, đi ra ngoài hay loại bỏ những gì Hiến Pháp đã xác định, nếu không muốn các đạo luật mình "chuẩn y hay bác bỏ" bị Viện Bảo Hiến phán quyết là vi hiến và trở thành vô dụng (Điều 93 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). 

Đó là phương thức "hạn chế tăng cường đối với luật pháp" (riserva rinforzata di legge). Và đó là ý nghĩa của đoạn văn chúng ta ghi lại ở đầu bài: 

- "Mọi áp bức, bạo lực, khủng bố trên thể xác và tinh thần của người bị giảm thiểu tự do, đều sẽ bị trừng phạt". 

Quốc Hội không thể "lập pháp", cho phép bất cứ ai "Đảng và Nhà Nước mình" hay công an hống hách ở phường xóm cũng vậy, hành xử ngược lại đối với lằn mức được Hiến Pháp xác định. Bởi vì đó là nguyên tắc nền tảng của toà nhà Nhân Bản: 

- "Phẩm giá con người bất khả xâm phạm" (Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). 

- "Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi mỗi cá nhân phát triển con người của mình" (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

- "Mọi áp bức, khủng bồ trên thân xác và tinh thần của người bị giảm thiểu tự do, đều sẽ bị trừng phạt"

- "Không có bất cứ trường hợp nào, một quyền căn bản của con người bị vi phạm đến nội dung thiết yếu của nó" (Điều 19, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). 

Như vậy sự việc công an "bề hội đồng", xúm nhau đánh đập kỷ sư Đổ Nam Hải mới đây ở đồn công án; xung vào tư gia, chửi bới, mắng nhiếc, đánh đập, giết chết và bắt bỏ tù "bọn Tin Lành" khi "tụi nó" họp nhau tại tư gia để thờ phượng Chúa, vì "nhà thờ tụi nó bị ủi sập"; cũng như trên 50 công an, xúm lại áp đảo và trấn nước "mụ Úa" ở Kiên Giang mới đây làm cho những ai còn có lương tri con người phải đặt câu hỏi về 

- giá trị của Hiến Pháp 1992 CHXHCNVN "không có con người" không? , như Hiến Pháp 1977 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết, (Hortz S.J , La Nuova Costituzione Sovietica, in Civiltà Cattolica, 1978, 340) 

- cách "lập pháp" quái đảng của Quốc Hội mình, 

- hay đó là về cách hành xử "cóc cần luật pháp", mọi rợ của "Đảng và Nhà Nước mình" đồng loã với công an ? 

c) * Dành quyền tuyệt đối cho tư pháp. 

Phương thức thứ ba được Thể Chế Nhân Bản nêu lên trong câu trích dẫn ở phần đầu của đoạn đang bàn, đó là phương thức "dành quyền tuyệt đối cho tư pháp", (riserva assoluta al potere giudiziario) để bảo vệ tự do cá nhân: 

- "Không thể chấp nhận bất cứ một hình thức giam giữ...nếu không có án trác có lý chứng của tư pháp". 

Giả xử Chính Quyền và cánh tay quyền lực của Chính Quyền đã vượt qua hai trạm kiểm soát đầu tiên, 

- được Quốc Hội chuẩn y ban hành luật pháp để áp dụng và luật pháp của Quốc Hội tuân theo những điều khoản "không thể vượt qua" đã được Viện Bảo Hiến phán quyết và cho phép thi hành (Điều 100, đoạn 1 Hiến Pháp Cộng Hoà Liên Bang Đức) , 

- Chính Quyền và công an các cấp của Chính Quyền cũng chưa dám vì cầm được cuốn luật trong tay, hoá mắt thiên hạ để xông vào tư gia, mò mẫm trên thân thể, lột quần lột áo dân chúng để lục xét, chớ đừng nói gì chữi bới, đánh đập, đả thương, bắn giết, bắt bỏ tù. 

Bởi lẽ đó là những động tác liên hệ, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân cá nhân của người dân, nên Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ "dành quyền tuyệt đối cho tư pháp", chỉ có khi nào cơ quan tư pháp ra án trác có lý chứng, ra lệnh và cho phép cơ quan Chính Quyền mới được xử dụng: 

- "Không thể chấp nhận bất cứ hình thức giam giữ, lục xét, điều tra, giam giữ, trưng thu hoặc các hình thức giảm thiểu tự do nào khác, nếu không có án trác có lý chứng của tư pháp,..." 

Bởi lẽ, 

- "tính cách chấp nhận được và thời gian giảm thiểu tự do chỉ có vị thẩm phán mới có quyền ra lệnh. Dù sao đi nữa, việc truất hữu quyền tự do không do quyền tư pháp quyết định, phải thôi thúc tư pháp quyết định liền sau đó. Cảnh sát không có quyền bắt giữa ai qúa ngày hôm sau khi bị bắt giữ..." (Điều 101, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). 

- "ai bị tạm thời bắt giữ vì tình nghi can phạm tội trạng, có cùng lắm là ngày hôm sau phải được trình diện trước quan toà, để quan toà báo cho biết lý do anh ta bị bắt giữ, hạch hỏi anh ta và lắng nghe đương sự trình bày lý do phản cung. Vị quan toà phải tức khắc ra lệnh bắt giữ với án lệnh được viết thành văn bản và có lý chứng, nếu không phải ra lệnh thả lập tức" (Điều 101, đoạn 3, id.). 

Và rồi "án trác có lý chứng đó của tư pháp", nếu người dân cho là oan ức, không xác thực, tự mình hay cùng với người khác có thể kháng cáo lên các cơ quan có thẩm quyền: 

- "Bất cứ ai vị cơ quan công quyền vi phạm các quyền của mình, đều có thể đệ đơn tố cáo đến cơ quan tư pháp thường nhiệm" (Điều 19, đoạn 4 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). 

- "Mỗi người tự mình hay cùng chung với người khác có quyền đệ trình thỉnh nguyện thư hay đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền hay đến cơ quan đại diện dân chúng" (Điều 17, id.). 

Và các cơ quan có thẩm quyền hay đại diện dân chúng đó có thể là 

- Tổng Thống Cộng Hoà (Điều 87 và 90, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), 

- Lưỡng Viện Quốc Hội (Điều 50, id.), 

- Tối Cao Pháp Viện (Điều 103, id.), 

- Viện Bảo Hiến (Điều 136, đoạn 1, id.). 

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng những nguyên tắc nền tảng được Thể Chế Nhân Bản tuyên bố là những điều khoản luật thực định để tổ chức Quốc Gia, có giá trị bắt buộc phải thi hành (precettive), được tuyên bố dưới hình thức " mệnh lệnh tính", chớ không phải chỉ là những lời tuyên bố suông, hay những câu tuyên bố có tính chương trình hành động (programmatiche). 

Bởi lẽ ngay ở quan niệm nền tảng đầu tiên của văn bản Thể Chế đã xác định: 

"Các quyền căn bản được kể sau đây có giá trị bắt buộc đối với các cơ chế Quốc Gia, lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là những quyền đòi buộc trực tiếp" (Điều 1, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức) ; (Cf. PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG THỂ CHẾ NHÂN BẢN VÀ DÂN CHỦ). 

Vậy thì những 

- "hình thức bắt giam, lục xét, điều tra, cầm giữ, trưng thu hoặc các hình thức giảm thiểu tự do cá nhân nào…đều không thể được chấp nhận", 

là một điều khoản luật "có giá trị bắt buộc trực tiếp đối với các cơ chế Quốc Gia". 

Nói cách khác, bất cứ ai , tư nhân cũng như cơ chế Quốc Gia nào hành xử ngược lại, là cách hành xử vi phạm vào các điều khoản nguyên tắc nền tảng của Thể Chế Nhân Bản, nền tảng trên đó chúng ta ao ước xây dựng Quốc Gia chúng ta trong tương lai, không những phạm pháp mà còn là hành động vi hiến, bất cứ chủ thể đó là ai. 

Và vì là quyền "có giá trị bắt buộc trực tiếp" được chỉ định các chủ thể bị quy trách (lập pháp, hành pháp và tư pháp) , nên người dân có thể tố cáo (actionable) đòi buộc quyền tự do của mình phải được tôn trọng, đến các cơ quan có thẩm quyền được Hiến Pháp chỉ định. 

Điều đó cho thấy rằng tự do cá nhân trong Thể Chế Nhân Bản là 

- những quyền thực hữu (diritti sostanziali), 

- được bảo vệ bởi luật lệ thực định (legge positiva), 

- có chủ thể được quy trách (soggetti imputati) rõ ràng, 

- là những qui luật bắt buộc (precettive). 

Ngoài ra trong câu "… hoặc các hình thức giảm thiểu cá nhân nào…", Thể Chế Nhân Bản cũng lưu ý đến những trường hợp khác trong đó tự do cá nhân không phải chỉ bị giảm thiểu bằng áp bức, giam cầm, cưỡng bách, lục soát, trưng thu trên thân thể, mà còn cả những trường hợp bị dọa nạt, đặt điều kiện và lường gạt gian dối làm cho con người không có khả năng đủ để xử dụng tự do của mình. 

Trong lao tù và trong các bệnh viện, nhứt là bệnh viện chuyên về thần kinh, cá nhân có thể bị doạ nạt, đặt điều kiện, bị áp đặt phải chịu chữa trị theo phương pháp nầy hay theo phương pháp khác, trái với ý muốn của mình. 

Ở những trường hợp vừa kể cá nhân đương cuộc có thể đệ đơn tố cáo những ai có trách nhiệm các nhà giam và bệnh xá vi phạm tự do cá nhân đến tư pháp. 

Và cơ quan tư pháp có thể xét xem chủ thể đương cuộc có là những chủ thể thực sự nguy hiểm đến sức khoẻ, 

- "...là quyền cá nhân và lợi ích xã hội, phương hại đến an ninh, tự do và nhân phẩm con người" (Điều 41, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), 

định giá tương xứng giữa nguyên nhân và hậu quả để có những phán đoán cân nhắc tương xứng. 

Cũng trong tinh thần vừa kể để bảo vệ tự do cá nhân, người đương cuộc có thể tố cáo những trường hợp gian xảo lường gạt, biến chất hóa thức ăn (adulterazione alimentare) chẳng hạn, bằng cách trộn vào thức ăn, đồ uống, thuốc hút, dầu thơm để làm cho người tiêu thụ bị nguy hai thân thể, bị nghiện ngập phải tìm mua loại nhu yếu vừa kể. 

Trường hợp vừa đề cập làm cho cá nhân không còn đủ khả năng để xử dụng trí óc sáng suốt để tự do lựa chọn của mình. 

Những trường hợp đang bàn đã và đang xãy ra ở các quốc gia tân tiến, và tổ chức Quốc Gia có bổn phận "nhận biết và bảo vệ" quyền bất khả xâm phạm của người dân như là những quyền 

- "có giá trị bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp,như là những quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp". 

3 - Trong trường hợp cần thiết và khẩn trương. 

"Trong các trường hợp cần thiết và khẩn cấp được luật pháp quy định rõ, cơ quan công quyền có thể áp dụng những phương thức tạm thời, nhưng phải báo cho quyền tư pháp biết trong vòng 48 tiếng đồng hồ và, nếu cơ quan tư pháp không không chấp thuận trong vòng 48 tiếng đồng hồ kế tiếp, các phương thức tạm thời vừa kể phải được coi là đã bị thu hồi và không còn bất cứ hiệu lực nào" (Điều 13, đoạn 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

Nhưng dù sao đi nữa thì: 

- "Mọi áp bức, bạo lực, khủng bố trên thân xác và tinh thần của người bị giảm thiểu tự do đều sẽ bị trừng phạt" (Điều 13, đoạn 4 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) 

Với đoạn văn vừa kể Thể Chế Nhân Bản tuyên bố phương thức bảo vệ tự do cá nhân dưới hình thức "dành quyền tương đối cho luật pháp" (riserva relativa di legge), Quốc Hội thường nhiệm có thể soạn thảo ra những đạo luật xác định trường hợp và thể thức can thiệp phải tuân theo: 

- "trong các truờng hợp cần thiết và cấp bách, Chính Quyền có thể..." 

do tình trạng cần thiết và khẩn cấp đòi hỏi. 

Cần thiết và khẩn cấp để làm gì? 

Đó là những trường hợp cẩn thiết và gắp rút để bảo vệ thế chế dân chủ, tự do và nhân bản hiến định, ngăn chận những hành động nguy hiểm đối với 

- "lợi ích xã hội, có phương hại đến an ninh cá nhân, tự do và nhân phẩm con người" (Điều 41, đoạn 4, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

Nói cách khác, trong trường hợp cướp giựt, phạm pháp sát nhân, khủng bố, chiến tranh hay có thể gieo rắc bệnh truyền nhiễm nguy hại sức khoẻ dân chúng… 

Trong các trường hợp đại để như vậy, các nguyên tắc căn bản của Thể Chế Nhân Bản cho phép cơ quan công lực có quyền áp dụng tạm thời các phương thức giảm thiểu tự do. 

Và dù cho tự do cá nhân bị giảm thiểu trong trường hợp "dành quyền tuyệt đối cho cơ quan tư pháp" hay "dành quyền hạn chế cho pháp luật pháp", hoặc "dành quyền hạn chế tăng cường đối với luật pháp", chính Hiến Pháp đứng ra xác định những lằn mức không thể vượt qua: không có bất cứ trường hợp nào Thể Chế Nhân Bản cho phép dùng 

- "Mọi áp bức, bạo lực, khủng bố trên thân xác và đối với tinh thần của người bị giảm thiểu tự do, đều sẽ bị trừng phạt" (Điều 13, đoạn 4 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) 

hay nói như Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức: 

- "Không có bất cứ một trường hợp nào, trong đó một quyền căn bản có thể bị xúc phạm đến nội dung thiết yếu của nó" (Điều 19, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). 

Bởi lẽ đi ngược lại với nguyên tắc tối thượng nền tảng đầu tiên mà Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ tuyên bố : 

"Phẩm giá con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là nhận biết và bảo đảm nhân phẩm đó" (Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức), 

Bởi lẽ đó là hành động của súc vật, vì coi con người như súc vật. 

Hiến Pháp của Đảng và Nhà Nước "của dân, do dân và vì dân" và "đỉnh cao trí tuệ" có tiên liệu những phương thức thực dụng như vừa kể, để bảo vệ dân hay không? 

Hỏi cách khác: bọn côn đồ công an và xã hội đen đang đánh đập giáo dân Con Cuông, giáo phận Vinh, như súc vật. Hành động đó dựa trên thể thức "quốc gia pháp trị nào ?" và "điều khoản nào bảo vệ bằng luật pháp" để đàn áp dân ? 

Hiến Pháp của Đảng và Nhà Nước "của dân, do dân và vì dân""đỉnh cao trí tuệ" có tiên liệu điều khoản nào bắt buộc để bảo vệ dân hay chỉ là Hiến Pháp "đỉnh cao trí tuệ" "mỵ dân" (démagogique ) chỉ tuyên bố để mà tuyên bố ? 

Hiến Pháp là văn bản nền tảng để thiết định, kiến trúc, tổ chúc Quốc Gia, 

Nếu Hiến Pháp đã là Hiến Pháp "mỵ dân", thì ai còn chờ đợi đến "lập pháp", "hành pháp" kể cả "tư pháp", công an côn đồ và xã hội đen súc vật có cách gì đối xử Nhân Bản với người dân? 

Hỏi để những thành phần còn có lương tri của Đảng và Nhà Nước "của dân, do dân và vì dân" trả lời.

Nguyễn Học Tập - thanhnienconggiao
Bảo vệ người dân trong hiến pháp nhân bản Reviewed by Hoài An on 7/30/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập -  Ở nước ta, Đảng và Nhà Nước tự nhận là "của dân, do dân và vì dân".   Nói như vậy, ai cũng nói được.  ...

Không có nhận xét nào: