Thế Nào Là Tin ? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 3, 2013

Thế Nào Là Tin ?

VRNs - 11.03.2013:  Sài Gòn - Hiến pháp, câu chuyện thời sự

Câu chuyện thời sự nóng bỏng hiện nay hẳn là chuyện nhà nước kêu mời nhân dân cả nước góp ý sửa đổi bản Hiến pháp 1992. Sau các nhà trí thức, các lãnh đạo tôn giáo đã nhập cuộc. Gần đây nhất là các lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Tin Lành Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý, Giáo Hội Cao Đài Việt Nam.
Trước đó thì phía Công Giáo, các Giám Mục đã có thư nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là một văn kiện đặc biệt quan trọng và thể hiện một đường lối hoàn toàn mới so với thái độ hoà hoãn, ngoan ngoãn nếu không nói là sợ sệt đối với chính quyền cộng sản từ nhiều năm nay. Điều đáng tiếc là một văn kiện quan trọng như thế có thể soi sáng cho bất cứ ai muốn đóng góp tích cực xây dựng đất nước trong lúc này lại không được Uỷ Ban Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sử dụng mọi phương thế để phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp tín hữu Công Giáo.
Sáng kiến của giáo xứ Phan-xi-cô Đa-kao

Không rõ trên cả nước đã có bao nhiêu linh mục quản xứ đánh giá đúng mức tầm quan trọng của văn kiện này và phổ biến cho giáo dân, nhưng tại giáo xứ Phan-xi-cô Đa-kao Sài Gòn thì Chúa nhật 03-03-2013 vừa qua, Cha Quản xứ đã có sáng kiến giới thiệu văn kiện này cho giáo dân trong tất cả các thánh lễ, hơn thế nữa còn in ra 600 bản để ai muốn thì đưa về nhà đọc và nghiên cứu.

Chuyện mới nhất ngày 10-03

Chúa nhật 10-03 tôi lên mạng thì thấy có mấy nơi trong thành phố đã xảy ra chuyện cũng vừa xảy ra tại Đa-kao. Đó là cán bộ đến tận nhà dân mang theo bản Hiến pháp 1992 cùng với mấy đề nghị sửa đổi, và được yêu cầu ký tên đồng ý. Giáo dân đặt câu hỏi: Phải làm gì, ký hay không ký ?

Trang bìa của tập sách cán bộ phường xã ở Sài Gòn mang đến từng nhà và bắt ký tên đồng ý, 
mà không hề cho họ có thời gian đọc và nghiên cứu. (Hình: VRNs)

Nhắc lại chuyện cũ

Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin nhắc lại một chuyện cũ: Sau biến cố 1975, những ai theo một tôn giáo đều bị phân biệt đối xử: công chức không được tiếp tục làm việc ít là trong một số ngành nghề, sinh viên không được vào đại học… Có người đến hỏi tôi: “Thưa cha, trong mục tôn giáo con đề không tôn giáo, hay đạo thờ ông bà, cha nghĩ sao?” Tôi nói: Muốn trả lời câu hỏi này cho đúng, ta chỉ cần nhớ lại lời Chúa Giê-su: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối bỏ Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33) Chỉ vì lời đó của Chúa Giê-su mà bao thế hệ Ki-tô hữu từ hai ngàn năm nay đã thà chọn cái chết. Vậy thì đối với tôi, chối Chúa khi khai lý lịch là một cách chối đạo kiểu mới. Bởi vì, tin là lựa chọn, không thể đi nước đôi.

Trở lại với việc sửa đổi bản Hiến pháp 1992, khi đưa ra bản nhận định và góp ý sửa đổi bản Dự thảo Hiến pháp 1992, các Giám Mục muốn chỉ rõ những bất cập của bản Hiến pháp này, đồng thời đưa ra những đóng góp cụ thể liên quan đến:
– quyền con người,
– quyền làm chủ của nhân dân,
– việc thi hành quyền bính chính trị,

tất cả phải dựa trên nền tảng căn bản là truyền thống văn hoá phong phú của dân tộc Việt Nam. Các nhận định và góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đều dựa trên giáo huấn của Giáo Hội, và đi cho tới cùng thì đó là của Chúa Giê-su mà đối tượng phục vụ là con người. Nói cho gọn lại, đi ngược lại giáo huấn của Chúa Giê-su không thể là gì khác hơn là chối bỏ Ngài.

Đã qua rồi thời những chuyện ép bỏ đạo cách lộ liễu thô thiển như ép người tín hữu giẫm chân lên cây Thập Giá. Cách ép chối đạo kiểu mới tinh vi hơn. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tin bao giờ cũng là một sự lựa chọn, một sự lựa chọn căn bản. Hôm nay người tín hữu Công Giáo không còn phải sợ nếu không ký vào bản ủng hộ Hiến pháp 1992 với đôi điều sửa đổi theo ý nhà nước thì sẽ bị cắt phiếu mua lương thực hay chất đốt. Nhưng ngay trong hoàn cảnh nghiệt ngã của các tín hữu miền Bắc trước cuộc di cư vĩ đại 1954, các tín hữu vẫn cố gắng vượt lên mọi gian khổ để thể hiện một niềm tin sắt đá, phần lớn nhờ có những vị lãnh đạo can đảm phi thường.

Hôm nay khi các Giám Mục của chúng ta vượt lên sợ hãi để cùng với toàn dân mạnh dạn nói lên tiếng nói của những người vì gắn bó với dân tộc mà đòi hỏi một sự thay đổi tận căn cho đất nước, chống lại chế độ độc tài đảng trị, tôi nghĩ sẽ là một trọng tội nếu chúng ta không hết lòng ủng hộ các Giám Mục của chúng ta. Trong những tình huống như hiện nay, kim chỉ nam của người Ki-tô hữu phải là lời dạy của thánh Gia-cô-bê : “Bạn hãy cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18).

Sài Gòn, ngày 11 tháng 03 năm 2013
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

địa chỉ mới : pascaltinh2011@gmail.com
Thế Nào Là Tin ? Reviewed by Unknown on 3/12/2013 Rating: 5 VRNs - 11.03.2013 :  Sài Gòn - Hiến pháp, câu chuyện thời sự Câu chuyện thời sự nóng bỏng hiện nay hẳn là chuyện nhà nước kêu mời nh...

Không có nhận xét nào: