Dự Thảo Làm Mới Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 12, 2013

Dự Thảo Làm Mới Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Đinh Tấn Lực: Xét rằng, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) hiện hành ra đời đã quá lâu, từ cuối thế chiến thứ hai của thế kỷ trước, kinh qua cả cuộc chiến tranh lạnh với kết thúc nhung lụa làm thay đổi bản đồ thế giới, xem ra nay không còn theo kịp tình hình thời đại trong cuộc chiến tranh mát mẻ giữa các cực mới ló dạng của quyền lực đô và quyền lực mềm, và trong bối cảnh tiến bộ tin học vũ bão hiện giờ;

Xét rằng, Bản TNQTNQ không đáp ứng được sự khác biệt cơ bản về quyền con người, do bởi sự khác biệt văn hóa và lịch sử của từng dân tộc, từng quốc gia, đặc biệt là giữa những quốc gia có nhiều ngàn năm văn hiến với những quốc gia tân lập vài ba thế kỷ, chưa đủ bề dày cách mạng dựng nước và giữ nước;

Xét rằng, CHXHCNVN đã trúng cử Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốcvới số phiếu cao nhất; đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định là nghiêm túc thực hiện cam kết quyền con người; đã tưng bừng tổ chức hội thảo tăng cường mạng lưới về quyền con người; đã được Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhìn nhận là bảo đảm quyền con người ngày càng tốt hơn; đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế: Công ước Genève về bảo hộ nạn nhân chiến tranh, đối xử nhân đạo với tù nhân chiến tranh – Công ước về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc – Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội – Công ước về các quyền dân sự chính trị – Công ước về quyền trẻ em – Công ước Genève về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế – Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng – Công ước về ngăn chặn và trừng trị tội ác Apartheid – Công ước số 5 về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia lao động công nghiệp – Công ước số 6 về làm việc ban đêm của trẻ em trong công nghiệp – Công ước số 14 về quy định nghỉ hằng tuần cho lao động công nghiệp…; đã long trọng ký “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác”; đã nhiệt liệt ủng hộ lời kêu gọi chống bạo lực đối với phụ nữ; đã từng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nhấn mạnh là luôn luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng; đã chính thức được Đại hội đồng lần thứ 19 các quốc gia thành viên Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới bỏ phiếu tín nhiệm là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới(nhiệm kỳ 2013 – 2017); và đáng nói nhất là đang được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết tiếp tục cùng nỗ lực hợp tác đểViệt Nam giữ vững vị trí tiên phong trên thế giới về tiến trình cải tổ Liên hợp quốc…;

Xét rằng, với tổng kết thực tiễn mênh mông thành tích tham gia và ở vị trí tiên phong cải tổ LHQ vừa kể, đặc biệt là theo quy trình Sửa Đổi Hiến Pháp 1992 đạt mức thắng lợi long trời lở đất suốt mấy tháng vừa qua, CHXHCNVN có đầy đủ tư cách xứng đáng không thể tranh cải để đề nghị làm mới Bản TNQTNQ 2014, với kết quả có thể thấy trước và đảm bảo là sẽ nghìn lần hay hơn bản tuyên ngôn hiện thời, bởi đáp ứng được nguyện vọng, thế giới quan, cùng sự lựa chọn đúng đắn của nhân loại về công trình xây dựng một xã hội toàn cầu vì hòa bình, thịnh vượng, tiên tiến, công bình, và văn minh.*

Nội dung đầy tính nhân văn của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 2014 sẽ đặt trọng tâm trên những ý niệm cơ bản sau đây:

1. Ý niệm Tuyệt đối Bình đẳng:

MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU CÓ QUYỀN BÌNH ĐẲNG TRONG GIAI CẤP CỦA HỌ.

Ở mức cao nhất là những người đang phải gánh vác trách nhiệm điều hành đất nước rất nặng nề. Họ có quyền bình đẳng trong việc sử dụng tài nguyên quốc gia, định hướng tiến lùi cho dân tộc, và sử dụng mọi phương tiện quốc gia cho những nhu cầu mà giai cấp cai quản đất nước nhận định là hợp lý và ích lợi nhất theo nguyên tắc mọi người vì mình.

Còn đại khối dân chúng thuộc giai cấp hoàn toàn được hưởng kết quả của thành phần điều hành đất nước nêu trên. Khối dân chúng này có quyền tuyệt đối bình đẳng về mọi nghĩa vụ. Họ có quyền đóng góp cho đất nước theo sự điều động hợp tình hợp lý vừa nói của giai cấp điều hành đất nước.

2. Ý niệm Tôn trọng Khác biệt:

NHÂN QUYỀN PHƯƠNG ĐÔNG KHÁC XA PHƯƠNG TÂY VÀ CẢ HAI PHẢI BIẾT TÔN TRỌNG LẪN NHAU.

Thực tế không cho phép chúng ta tự bịt mắt mình và đánh đồng mọi loại nhân quyền trên khắp thế giới. Nhân quyền quan trọng đối với nước giàu là to lớn bao nhiêu thì còn quan trọng nhiều hơn nữa đối với những nước chưa giàu hay đang giàu lên; đó là chưa kể các nước XHCN luôn đề cao nhân quyền trong phạm vi pháp luật. Do đó, các quốc gia trong LHQ bắt buộc phải tôn trọng sự khác biệt của nhau, nên phải để từng chính phủ hay đảng cầm quyền định nghĩa và tùy nghi thực thi nhân quyền ở quốc gia sở tại.

3. Ý niệm Tương lân Hỗ trợ:

PHƯƠNG TIỆN THỰC HIỆN NHÂN QUYỀN CẦN ĐƯỢC CHIA SẺ ĐỒNG ĐỀU CHO MỌI NƯỚC.

Mọi dân tộc trong cộng đồng thế giới phải đại đoàn kết, biết tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển trong một mặt trận liên hợp thống nhất đảm bảo trật tự toàn cầu; có nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bởi một chính đảng duy nhất và trong sạch lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiệt tình với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là sự hợp tác viện trợ không hoàn lại, để các nước chưa kịp giàu có đủ điều kiện thực thi tốt những dự án nhân quyền sâu sắc, phức tạp, đầy khó khăn và cực kỳ tốn kém.

Mở rộng ra, ý niệm này không chỉ dừng lại ở mực xóa đói giảm nghèo trong từng quốc gia, mà còn nhắm mục tiêu thu ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo đang là những hố sâu đáng ngượng giữa các quốc gia trên mặt địa cầu.

4. Ý niệm Văn hóa Đa dạng:

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI VỪA LÀ MỤC TIÊU VỪA LÀ ĐỘNG LỰC CỦA CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI LIÊN HỢP QUỐC.

Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. LHQ cần xây dựng một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; coi chủ nghĩa thế giới liên hiệp đại đồng là vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trên toàn thế giới, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một thế giới văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.

5. Ý niệm Đồng thuận Quốc tế:

MỌI DÂN TỘC ĐỀU CẦN VÀ CÓ ĐIỀU KIỆN XÂY DỰNG SỰ ĐỒNG THUẬN QUỐC TẾ THAY VÌ ĐỐI ĐẦU.

Xã hội loài người là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn thế giới, khác hẳn về chất so với các xã hội bộ lạc manh mún cạnh tranh sống còn để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân, phe nhóm, hay quốc gia.

Do đó, LHQ có nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện để từng chính đảng cầm quyền hay chính phủ là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của nhân loại. Đồng thời, tất cả phải cùng xác định đại đoàn kết toàn cầu là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cải tổ LHQ; không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc…
****

Dựa trên những ý niệm cơ bản và tinh thần quốc tế nói trên, các quyền làm người trong Bản TNQTNQ hiện thời sẽ được cập nhật, điều chỉnh, thay thế hay bổ sung bằng những khung quyền thích ứng sơ đẳng như được liệt kê dưới đây:

Quyền được sống trong hòa bình bằng mọi giá: Khi có nước ngoài cần thêm lãnh thổ, lãnh hải hay cần nới rộng không phận vì những nhu cầu cốt lõi của nước họ, thì người dân nước bạn, đặc biệt là giai cấp đang gồng gánh trách nhiệm điều hành đất nước, phải có quyền trao tặng một phần, hay toàn phần chủ quyền cho nước đó trong tinh thần “láng giềng hữu nghị & ổn định lâu dài”. Quyền được sống và được cai quản hiển nhiên là cao nhất, lại phù hợp với ý niệm đồng thuận thay cho đối đầu nói trên.

Quyền khai thác chung: Khi có một hay nhiều nước khác nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải, thì người dân nước bạn, đặc biệt là giai cấp đang gồng gánh trách nhiệm điều hành đất nước, phải chứng tỏ tinh thần sớm tối có nhau là “hợp tác toàn diện & ổn định lâu dài”, có quyền quyết định đồng ý một phần hay toàn phần, để cùng khai thác chung và hưởng lợi riêng.

Quyền làm nguội: Khi nhân dân trong nước tỏ ra thiếu hiểu biết và đầy cảm tính trong các cuộc tụ tập phản đối các hành động gây hấn hay xâm lăng mềm lẫn cứng của nước khác, thì giai cấp đang gồng gánh trách nhiệm điều hành đất nước phải chứng tỏ tinh thần của chữ Nhẫn là “ổn định lâu dài & hướng tới tương lai”, có quyền tuyên truyền giải thích và cả quyền tập trung phục hồi nhân phẩm, cải tạo lao động, thậm chí phóng tay trừng trị, trong mục tiêu không làm nóng lên mọi xung đột đang giải quyết bằng ngoại giao mềm mỏng.

Quyền tự nguyện đền ơn chính phủ: Khi chính phủ hay đảng cầm quyền vô tình làm chảy tan những quả đấm thép, làm vỡ nợ công, hay kiệt quệ ngân sách, thì nhân dân tuyệt đối có quyền thắt lưng buộc bụng và lao động phụ trội, kể cả lao động xuất khẩu, để trả nợ nước, có thể kéo dài nhiều thế hệ, coi như một cách đền ơn chính phủ hoặc đảng cầm quyền đã tận tình chăm sóc đời sống cho mọi người dân trong nước, cả thời chiến lẫn thời bình.

Quyền im lặng tuyệt đối: Không một ai phải phô bày các suy nghĩ của mình, dù bằng lời nói, chữ viết, hay bất kỳ phương tiện nào khác. Mọi chính phủ hay đảng cầm quyền trên toàn thế giới phải tuyệt đối tôn trọng và giúp mọi người thực thi quyền này.

Quyền sống vô thần và không theo một hệ thống đạo đức, luân lý nào: Không một ai được kích động tiếng nói lương tâm của người khác. Mọi chính phủ hay đảng cầm quyền phải xem việc khơi gợi lương tâm đó là một dạng khủng bố tinh thần, lương tri và tình cảm người khác. Đồng thời, phải tận lực giúp đỡ người dân sống theo các giá trị vật chất và luôn tập trung vào tiêu chí “làm giàu là vinh quang”.

Quyền được định giá nhân phẩm: Trong nền kinh tế thị trường, nhân phẩm sẽ được định giá theo luật cung cầu, nên có thể cao thấp hay chênh lệch khác nhau tùy từng nước và tùy theo nhan sắc thể hình. Mọi công dân trên thế giới đều có quyền tự định giá nhân phẩm cho mình mà không cần chờ những tổ chức buôn người, hay phải theo một bảng giá cố định của bất kỳ nước nào.

Quyền sống vô cảm, phục vụ duy nhất cho chính mình: Quyền này phải được hiểu rộng là không chỉ vô cảm với người chung quanh, mà còn được quyền vô cảm với toàn xã hội và quyền từ khước mọi quan điểm về tình hình đất nước, đặc biệt là từ khước mọi viễn kiến về các thế hệ tương lai vốn không dính gì đến hiện tại.

Quyền để đầu óc nghỉ ngơi không phải đi tìm thông tin: Tạo hóa sinh ra bộ óc con người tự nó đã có đủ mọi thứ cần thiết. Cố tình nhồi nhét, nong rộng đầu óc là hành động ngược với tiến trình phát triển tự nhiên. Mọi người sinh ra đều có quyền từ chối thông tin. Mọi chính phủ hay đảng cầm quyền có nhiệm vụ giúp đỡ bằng mọi cách cho nhân dân sở tại thức thi quyền này, kể cả việc dựng tường lửa, phá sóng, hay tăng giá 3G.

Quyền đòi hỏi nhà nước đổi mới công tác tôn giáo: Đổi mới công tác tôn giáo, trước hết, cần đổi mới nhận thức, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Do đó, nhân dân mọi quốc gia đều có quyền kiến nghị yêu cầu nhà nước liên tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, sao cho tốt đời đẹp đạo.

Quyền kiến nghị yêu cầu nhà nước tăng cường sự lãnh đạo: Một khi chính phủ hay đảng cầm quyền quá bận việc thường nhật mà sao lãng vệc chỉ đạo sít sao mọi ngóc ngách sinh hoạt xã hội, thì người dân nước đó có toàn quyền yêu cầu nhà nước phải tập trung tăng cường lãnh đạo trong những lãnh vực liên hệ. Điều này còn được coi là một nghĩa vụ thường trực của công dân. Cụ thể là công dân của mọi quốc gia đều có quyền đề xuất thành lập những phòng tiếp dân xuống tới cấp huyện hay xã.

Quyền có được quan hệ lao động tốt hơn: Tức là phải khuyến khích hoạt động chăm sóc công nhân của các công đoàn, theo đúng tinh thần Rosa Luxemburg, bất kể là công đoàn là của chủ xí nghiệp hay do công nhân bầu ra theo đề bạt của chủ nhân. Vì lý do chủ nhân xí nghiệp cũng là những công dân có đầy đủ quyền làm người, do đó, luật lao động phải được thông qua bởi hiệp hội chủ nhân, đồng thời, mọi cuộc đình công đều phải được sự đồng thuận rốt ráo giữa công đoàn và chủ nhân xí nghiệp. Thêm nữa, mọi người đều có quyền yêu cầu nhà nước xây dựng cho các nhà máy điện hạt nhân để có đủ điện sử dụng, hay xây dựng đường sắt cao tốc để tiện lợi cho trẻ em đi học, người lớn đi làm.

Quyền nông dân có đất: Nông dân thiếu đất không khác gì đảng thiếu cương lĩnh. Do đó, mọi nông dân trên mặt địa cầu đều có quyền ngang nhau về việc sử dụng đất trong một thời hạn nhất định. Chỉ trừ trường hợp nhà nước sở tại của từng nước nhìn ra nhu cầu quy hoạch sân gôn, rì-sọt, cao ốc chung cư… thì mới được thu hồi đất, trong tinh thần bảo đảm không để nổ đạn hoa cải hay đạn Colt. Mọi nhà nước có bổn phận chu toàn nghĩa vụ đảm bảo tối đa quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, tiến tới việc hình thành một bộ luật thu hồi đất áp dụng trên toàn thế giới.

Quyền phát huy vai trò của báo chí trong việc ngăn chận tác động xấu của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan: Công dân thuộc mọi quốc gia đều có quyền đòi hỏi giới báo chí khuyến khích mọi người chăm trồng cây xanh ngăn lũ, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, đồng thời, báo chí phải thực hiện tốt chức năng thông tin về tai họa biến đổi khí hậu sinh ra hạn hán, bão tố, lũ lụt… bất kể là trong khi hay sau khi nó xảy ra. Tất nhiên phải ngoại trừ những trường hợp xả lũ để cứu đập đúng quy trình.

Quyền bình đẳng giới trong truyền thông: Mọi nhà báo nhà đài đều được coi là bình đẳng, không phân biệt nam-nữ trong công tác, chức vụ, lương bổng hay mức bồi dưỡng, theo đúng tinh thần các buổi hội thảo quốc tế mà Việt Nam từng tổ chức hay tham dự. Mọi người đều có quyền ngang nhau trong việc kêu gọi tăng cường mọi nỗ lực để loại bỏ tận gốc tất cả các biểu hiện phân biệt đối xử đối với phụ nữ, đặc biệt là nạn bạo lực. Đồng thời, mọi công dân trên thế giới đều có quyền kiến nghị nhà nước sở tại tổ chức những Hội Nhà Báo để quản lý chặt chẽ tất cả nhân sự có chức năng truyền thông trong luồng chính thống, làm nền cho một Hội Nhà Báo Thế Giới.

Quyền tham gia các chiến dịch bài trừ thông tin xấu: Mọi người đều có quyền ngang nhau về thông tin và được thông tin. Tuy nhiên, các loại thông tin không phù hợp với chính sách quốc gia, nhất là trong thời đại bùng nổ các mạng liên kết xã hội, đều được coi là thông tin ngoài luồng và cần được triệt để giới hạn. Do đó, mọi công dân trên thế giới đều có quyền tham gia những chiến dịch bài trừ thông tin xấu, đặc biệt khuyến khích tham dự những chiến dịch tầm cao mà VN từng mệnh danh là Điện Biên Phủ Trên Mạng.

Quyền tham gia các trại sáng tác: Trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật, mọi công dân trên thế giới đều có quyền đề nghị nhà nước tổ chức để có thể tham gia các trại sáng tác thường xuyên, tại bản xứ hay kết hợp với các chuyến du lịch nước ngoài, hầu có thể phát huy tài năng sáng tác đúng theo xu thế phát triển của nhà nước bản xứ. Ngoài ra, mọi người đều có quyền kiến nghị nhà nước sở tại tổ chức những Hội Nhà Văn để được chăm sóc nghiêm nhặt về đời sống tinh thần của từng người. Từ đó xây dựng một Hội Nhà Văn Thế Giới

Quyền tham gia phát triển chiến lược và chính sách quốc gia bảo vệ tác quyền: Trong thời đại tin học bùng nổ, và cả trước đó, đã có rất nhiều cá nhân đạo văn, đạo thơ, góp nhặt công sức sáng tác của người khác làm tư tưởng riêng của mình, gây tổn hại cho những tác giả chính chủ. Mọi công dân trên thế giới đều có quyền đưa ra công luận những trường hợp đạo văn, đạo thơ kiểm chứng được, hầu nâng cao ý thức bảo vệ tác quyền. Chỉ ngoại trừ một vài trường hợp thật cá biệt, có thể nguy hiểm đến tính mạng do bởi sự trả thù của những cá nhân hay tập thể quyền thế khác thì không nên.

Quyền bình đẳng của những người khuyết tật: Mọi công dân trên thế giới, kể cả cư dân trên mạng, đều có quyền ngang nhau về mọi mặt, không phân biệt khuyết tật thể lực, tinh thần hay tâm lý, kể cả những người bị chứng hoại não, liệt kháng đầu óc hay lười tư duy, chực chờ người khác suy nghĩ giúp rồi hành xử theo chỉ đạo. Mọi sự kỳ thị đều phải được nghiêm trị để thế giới là một nơi an toàn cho nhân loại.

Quyền an toàn giao thông: Tất cả nhân loại trên mặt đất đều có quyền được an toàn khi tham gia giao thông, ngoại trừ cầu sập, phà chìm, hay máy bay đáp một bánh… LHQ cần khuyến khích tuyệt đại đa số nhân dân các nước phát huy phong trào an toàn giao thông trên toàn thế giới, bằng cách đi bộ, đi xe đạp, hoặc du dây cáp qua sông, vừa an toàn, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa giảm thiểu nạn ô nhiễm không khí, lại vừa tạo điều kiện để nhà nước sắm công xa sang trọng, làm rạng danh đất nước.

Quyền an toàn y tế: Loài người tồn tại đến ngày nay là nhờ biết dùng thuốc, tất nhiên không chỉ thuốc lá hay thuốc phiện. Do đó, y tế là bộ phận quan trọng nhất của mỗi quốc gia để chăm sóc cho việc bảo tồn nòi giống. Mọi công dân đều có quyền ngang nhau về việc phòng bệnh, thông qua các loại chủng ngừa; và trị bệnh, thông qua hệ thống nhà thương giường đôi, giường ba, tối đa là giường bốn người, với những bác sĩ lương y như từ mẫu.

Quyền an toàn giáo dục: Mọi công dân trên thế giới đều có quyền ngang nhau về việc thụ hưởng một nền giáo dục phải đạo, tức là tiên học lễ (cho hậu, rồi) hậu học văn. Học sinh các nước đều có quyền được trang bị kiến thức tổng quát, với hệ thống sách giáo khoa tiên tiến giảng rộng mọi từ, kể cả từ “thùng giác”, hay làm toán với những ngón tay bị chém đứt. Qua đó, học sinh được kiểm tra bằng hệ thống PISA để xếp hạng trình độ giáo dục của mọi quốc gia trên toàn thế giới.

Quyền thoát khỏi cảnh nghèo: Mọi công dân trên thế giới đều có quyền ngang nhau về công cuộc làm giàu, bất kể là dân đen hay quan chức. Chiến dịch 531 của CHXHCNVN là một thành quả vượt bực nổi danh trên toàn thế giới về nỗ lực xóa đói giảm nghèo, trước tiên là cho giai cấp điều hành quốc gia, vì đó là mặt tiền của đất nước.

Quyền phòng chống tham nhũng: Công dân thuộc mọi quốc gia đều có quyền ngang nhau về phòng chống tham nhũng. Ngược lại, chính phủ hay đảng cầm quyền của mọi quốc gia đều có bổn phận cam kết tận tâm phòng chống tham nhũng, nhưng vì cũng là những thành viên có đầy đủ quyền con người, nên không nhất thiết phải từ chức theo lời hứa, mà chỉ cần xử lý hành chánh hoặc chuyển đổi sang một chức vụ khác cao hơn. Như thế, các cấp điều hành quốc gia đều được trang bị đầy đủ kinh nghiệm để gầy dựng một phong trào tự giác phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chuyển ma túy bằng đường hàng không… trên toàn thế giới.

Quyền kiến nghị nhà nước nâng cao tính chiến đấu của các bộ phận giữ gìn ổn định xã hội: Bao gồm mọi cơ quan an ninh, công an, cảnh sát, quân đội, cục thống kê, vụ dư luận… đặc biệt là nâng cao tính chiến đấu của nhà báo nhà đài. Sao cho hình ảnh đất nước mọi nơi đều tươi đẹp và mọi công dân đều am hiểu nguy cơ của sự mất ổn định do sự tụ tập đông người.

Quyền vạch mặt bọn phản động hay khủng bố: Khi chính sách sai sót của đảng cầm quyền bị đưa ra ánh sáng công luận thì nhân dân sở tại, đặc biệt là bộ phận không nhỏ an ninh, công an… có đầy đủ quyền vạch mặt chỉ tên những ai chỉ trích chính phủ, vì đàng sau sự chỉ trích đó hoàn toàn là những âm mưu lật đổ nhà nước, gây rối loạn sự ổn định chính trị xã hội của cả nước. Điều này phải được hiểu rộng ra là một nghĩa vụ chứ không chỉ là quyền.

Quyền an toàn thân thể, đặc biệt cho công an và an ninh, dù mặc sắc phục hay không. Vì sự an toàn của lực lượng dân phòng, công an, an ninh ảnh hưởng đến sự an toàn của cả xã hội nên phải được tuyệt đối bảo vệ.

****

Trên đây chỉ là một khung sườn sơ thảo. CHXHCNVN tình nguyện đề xuất bộ phận đầy kinh nghiệm trong quy trình sửa đổi hiến pháp VN vừa qua cùng nhau cật lực triển khai một bản dự thảo đầy đủ chi tiết hơn cho Bản TNQTNQ 2014.

Để chốt lại, toàn bộ lãnh đạo VN ngày nay đều một lòng thiết tha với con đường tiến lên hàng đầu của nhân loại. Chắc chắn nhân loại sẽ còn tiến xa hơn ngày nay rất nhiều một khi thế giới tuyệt đối tin tưởng vào khả năng điều hành của dàn lãnh đạo Hà Nội đương nhiệm, trong vị trí là thành viên mới nhất của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, và tích cực ủng hộ cho bản dự thảo TNQTNQ 2014 ra đời đúng thời hạn.

Trong trường hợp cần thiết, CHXHCNVN sẽ tận tình giúp đỡ mọi quốc gia, bất kể bạn-thù, về những kinh nghiệm mênh mông mà VN đã rút tỉa được trong tám thập niên qua. Chúng tôi có những diễn giả từng diễn thuyết sôi nổi hùng hồn tại Cuba gần đây, từng khiến ông Ô-ba-ma kinh ngạc, và đặc biệt từng khiến Thủ tướng Giăng Mắc Ê-rô của Pháp quốc phải bò lăn ra bái phục…

Chúng tôi sẽ không ngần ngại đến bất cứ nước nào để truyền bá thêm tư tưởng cải tổ LHQ.

05-12-2013 – Chuẩn bị chào mừng sinh nhật Bản TNQTNQ 1948.

Blogger Đinh Tấn Lực sao y bản chánh.
Dự Thảo Làm Mới Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Reviewed by Unknown on 12/06/2013 Rating: 5 Đinh Tấn Lực: Xét rằng, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) hiện hành ra đời đã quá lâu, từ cuối thế chiến thứ hai của thế kỷ trư...

Không có nhận xét nào: