Dấu Hiệu Ngày Tận Thế Của Một Chế Độ Độc Tài - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 1, 2014

Dấu Hiệu Ngày Tận Thế Của Một Chế Độ Độc Tài

Cùng Đinh: Ở nước ta, hàng ngày cứ đến chương trình phát thanh quân đội nhân dân, mở đầu với câu: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân;…, kẻ thù nào cũng đánh thắng!” hoặc trong mười hai lời thề, dù ông Hồ Chí Minh người đẻ ra Quân đội nhân dân Việt Nam có đạo lời thề của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa là: “quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu!” thì cũng đã khẳng định chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là bảo vệ tổ quốc, hoàn toàn không vì một nhóm lợi ích, cá nhân nào khác.

Nhà nước nào chẳng có Hiến Pháp, nhưng rất ít nhà nước trong Hiến Pháp mặc định quyền cai trị toàn diện và tuyệt đối thuộc về một đảng mà lại là Đảng Cộng sản như ở Việt Nam.

Việc trưng cầu dự thảo Hiến Pháp năm 2013 vừa qua thực chất Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn. Nhưng vì quá bất cập, ngày càng lộ rõ bản chất cực đoan, đi ngược xu thế tất yếu của lịch sử và thời đại, hơn nữa do làn sóng đấu tranh đòi dân chủ ngày một dâng cao khiến Đảng Cộng sản Việt Nam không còn cách nào khác, buộc phải lợi dụng “súng ống” và bộ máy “láo toét” trong tay bày ra việc này để tiếp tục lừa bịp, ăn cắp quyền phúc quyết của dân chúng, níu kéo chút quyền lực hão trước khi chế độ này phải cuốn gói về với ông tổ Marx – Lenin của họ ở bên kia thế giới.

Ai cũng biết việc tổ chức trưng cầu dự thảo Hiến Pháp năm 2013 này là do Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo, tổ chức và giám sát. Nhưng vì không thể trực tiếp đưa bàn tay lông lá của mình ra làm được nên buộc họ phải ngụy tạo bằng hệ thống “Nhà nước của dân” để thực hiện.

Tổ chức nhà nước nào chẳng có các cơ quan: Quốc Hội, Tư pháp và Chính Phủ, cho nên dù dự thảo Hiến Pháp có đưa ra trưng cầu và dân chúng có tham gia thế nào chăng nữa thì các cơ quan kia và các vị hiện đang đứng đầu các cơ quan ấy trước mắt cũng ít bị xuy xuyển. Bên Quốc Hội, cơ quan soạn thảo Hiến Pháp năm 2013 tuyên bố “không có vùng cấm”, “mọi người được tự do phát biểu ý kiến của mình…” cũng chỉ là chuyện thường tình, nhưng không ngờ lúc ấy trên các kênh thông tin lại rộ lên dư luận đề nghị đưa Điều bốn ra khỏi Hiến Pháp lần này. Biết đâu sự việc lại có thể bùng lên thành mồi lửa châm ngòi cho đông đảo công chúng biến điều mong mỏi xưa nay thành sự thật. Nguy cơ tiềm ẩn đang đe dọa trực tiếp đến quyền độc tài cai trị Nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam không dễ xem thường. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đâu có lường trước được sự việc lại có thể nghiệt ngã đến như vậy, quả bóng bây giờ lại rơi ngay vào chính thủ lĩnh của gần ba triệu “lực lượng tiên phong” là mình, kẻ chủ mưu đã phát đi thông điệp “sửa đổi Hiến Pháp năm 2013” này.

Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, những kẻ cùng hội, cùng thuyền càng im ắng bao nhiêu thì Nguyễn Phú Trọng càng cuống cuồng bấy nhiêu. Cụ thể như trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ông ta đã không thể kìm nổi, mất bình tĩnh đến mức buộc phải sổ ra lời khuyến cáo, dọa bóng những ai tham gia dự thảo Hiến Pháp năm 2013 trái ý mình. Dẫu ai có bảo Trọng lú, Trọng ngu đi chăng nữa và dù có phải đơn thương độc mã Nguyễn Phú Trọng cũng quyết tử thủ đến cùng để cố giữ cho bằng được Điều bốn Hiến Pháp năm 2013 bằng bất cứ giá nào.

Thế rồi Hiến Pháp năm 2013 đã được thông qua một cách dễ dàng, thực ra đó cũng là điều dễ hiểu bởi guồng máy “súng ống” và tuyên truyền “láo toét” đầy ân huệ kia sao lỡ phản chủ, hơn nữa Quốc Hội hiện nay cũng chỉ là cơ quan dân bầu trá hình của Đảng. Biết vậy, giá cứ im đi còn bớt thối, đằng này trên các phương tiện thông tin lề Đảng, có những vị với đầy đủ học hàm, học vị hẳn hoi, đồng thời là đại biểu Quốc hội – “đại diện cho cử tri” đấy lại thản nhiên phát biểu: “đông đảo”, “đại bộ phận” thậm chí “phần lớn” nhân dân đồng thuận với nội dung bản dự thảo Hiến Pháp sửa đổi năm 2013. Tuy nhiên bất kỳ ai thử về một xóm hoặc khu phố nào đó hỏi những người dân ở đây xem có mấy người nhìn thấy, chưa nói là được đọc cái bản dự thảo Hiến Pháp này, chúng tôi dám chắc sẽ có kết quả hoàn toàn trái ngược với lời phát biểu của những vị đại biểu kia.

Qua đó mới thấy “Đảng ta” rất thành công trong việc nuôi “lũ vẹt cảnh”, sẵn sàng bán rẻ danh dự, chẳng ngại đem cái mặt thớt ra đánh đĩ cùng thiên hạ. Trơ trẽn, mặc nhiên dối trá, lừa bịp không hề biết xấu hổ.

Đúng thực tế, thì chỉ có thiểu số hoặc rất ít người (kể cả Đảng viên) do ngộ nhận hoặc trót dính sợi dây bổng lộc hậu hĩnh đang hưởng, không thể thoát khỏi ý thức hệ mà đồng tình với bản Hiến Pháp năm 2013 vừa rồi. Cho nên, nay Quốc Hội có thông qua đi chăng nữa thì bản Hiến Pháp này đâu có xứng đáng là khế ước – tâm nguyện của đông đảo nhân dân Việt Nam. Cố tình bám giữ bản dự thảo Hiến Pháp năm 2013 này là để níu kéo quyền lực chứ đâu phải vì dân tộc. Bởi không theo kịp xu thế phát triển của thời đại nên Hiến Pháp năm 2013 sẽ không thể có sức sống, rồi cũng chỉ lay lắt như “loài tầm gửi” trên thân cây gỗ mục, một món nợ, một nỗi nhục để lại cho muôn đời con cháu!

Ở Việt Nam, chế độ toàn trị cho phép những người cộng sản được độc quyền quyết định mô hình xã hội thông qua các kỳ đại hội Đảng của mình. Mặc dù hiện nay không còn trên “đỉnh cao” của “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”, buộc phải tụt xuống nấc thang thấp hơn là “định hướng xã hội chủ nghĩa” một cái tên thật mĩ miều không đâu có; nhưng bản chất háo danh, hiếu thắng đến cực đoan của những người cộng sản vẫn không hề thay đổi. Biểu hiện sinh động nhất là ngay từ năm ba mươi của thế kỷ trước, khi vừa mới ra đời Đảng này đã có những khẩu hiệu “bất hủ” định hướng cho tiêu chí hành động của mình là: “Trí, phú, địa hào; đào tận gốc, trốc tận rễ!”, hoặc cực kỳ “văn hóa” sau này như: “Triệt để bài trừ ma túy, thầy bói và chó dại!”, “Mua công trái là yêu nước!” thậm chí rất kêu: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội!”. Khẩu hiệu treo khắp hang cùng ngõ hẻm, nhưng đất nước cứ tụt hậu, tắc tị, đời sống dân chúng mỗi ngày thêm khốn khó, những khẩu hiệu kia mai mốt dần, rồi câm bặt, vứt xó.

Từ đấy ta mới thấy các lực lượng “thù địch”, “phản động” như Hoa Kỳ cách đây trên 140 năm trong diễn văn Gettysburg Tổng thống Abraham Lincoln có câu: “Từ dân, do dân và vì dân” hoặc trong miền Nam 40 - 50 năm trước khẩu hiệu cũng chỉ có đúng bảy chữ: “Tổ quốc, danh dự và trách nhiệm!” sao thấy khúc triết, ý nghĩa và đầy đủ đến thế, thậm chí luôn luôn đúng, hay gấp nhiều lần những câu khẩu hiệu của những người cộng sản đang treo nhan nhản bấy lâu.

Ở nước ta, hàng ngày cứ đến chương trình phát thanh quân đội nhân dân, mở đầu với câu: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân;…, kẻ thù nào cũng đánh thắng!” hoặc trong mười hai lời thề, dù ông Hồ Chí Minh người đẻ ra Quân đội nhân dân Việt Nam có đạo lời thề của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa là: “quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu!” thì cũng đã khẳng định chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là bảo vệ tổ quốc, hoàn toàn không vì một nhóm lợi ích, cá nhân nào khác.

Đất nước nào chẳng vậy, quân đội là để bảo vệ tổ quốc. Trừ xã hội phi dân chủ, vì lợi ích nhóm và bằng mọi thủ đoạn mà chế độ độc tài lưu manh hóa, lôi kéo, biến lực lượng này thành công cụ phục vụ cho riêng mình, sao nhãng trách nhiệm thiêng liêng của dân tộc.

Lực lượng công an với hai chữ đi kèm là NHÂN DÂN cũng đã ẩn chứa đây là lực lượng của nhân dân và vì sự bình yên của nhân dân, chứ hoàn toàn không có sự đối lập với lợi ích hợp pháp của nhân dân. Cho nên lực lượng này cũng không thể là công cụ riêng của nhóm lợi ích nào cả.

Một lực lượng bảo vệ vòng ngoài, một lực lượng đảm bảo trật tự bên trong xã hội, nước nào chẳng có hai lực lượng này. Thế nhưng gần đây nhiều lần trên các kênh thông tin lề Đảng phát đi, phát lại thông điệp của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bài nói chuyện với hai lực lượng này lại khẳng định: Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân là hai lực lượng “sống còn của chế độ”!

Lâu nay từng ngày, từng giờ chuyện giang sơn trước họa xâm lăng nóng bỏng của đế quốc Đại Hán, chuyện dân oan sôi sục vì tham quan ô lại, nền kinh tế ngày càng tụt hậu so với những nước trong vùng, nội bộ đầy rẫy những phe phái lợi ích Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đâu có quan tâm, quyết sách gì, ông ta chỉ quan tâm, chú trọng đến “chế độ”, nói cách khác là sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam hay cụ thể hơn nữa là cái ghế quyền lực của mình!

Một khi tướng đã buông xuôi, bỏ mặc giang sơn và thờ ơ tới sự bình yên của dân chúng, hô quân về giữ thành (chế độ) cũng có nghĩa thể chế này đã bất lực, thua cuộc, chỉ còn phương sách lui quân cố thủ, được ngày nào hay ngày ấy, vô hình trung đã phát đi cho chúng ta một thông điệp: Chế độ này sắp tới ngày cáo chung!

Sài Gòn, tháng 01/2014.


Dấu Hiệu Ngày Tận Thế Của Một Chế Độ Độc Tài Reviewed by Unknown on 1/07/2014 Rating: 5 Cùng Đinh: Ở nước ta, hàng ngày cứ đến chương trình phát thanh quân đội nhân dân, mở đầu với câu: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với d...

Không có nhận xét nào: