Bạo lực từ giới công quyền gây bức xúc trong xã hội |
Phạm Chí Dũng, BBC: Công an phường xã có quyền “tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu” là nội dung quan trọng nhất và cũng khiến gây tranh cãi nhiều nhất trong giới đại biểu Quốc hội và chuyên gia pháp luật chưa đến nỗi hoàn toàn vô cảm.
Nội dung đầy tính “sáng tạo” trên nằm trong khoản 2 Điều 25 của Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, theo đó ngoài quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an có các quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập hồ sơ, phân loại và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm xác định có dấu hiệu tội phạm…, công an xã, phường còn được tăng quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu.
Nội dung đầy tính “sáng tạo” trên nằm trong khoản 2 Điều 25 của Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, theo đó ngoài quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an có các quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập hồ sơ, phân loại và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm xác định có dấu hiệu tội phạm…, công an xã, phường còn được tăng quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu.
Tản quyền hóa và nạn “tự tử”
Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng đột biến trong những năm gần đây trên khắp các vùng đất nước chắc chắn là một trong những nguồn cơn chính yếu để Bộ Công an và sở công an các tỉnh thành tìm cách “tản quyền”.
Thế nhưng trong một nền hành chính mà nạn “trên bảo dưới không nghe” ngày càng tồi tệ, tình trạng tản quyền hóa đã lan tràn từ lâu, với quyền năng sinh sát nằm trong tay một đội ngũ công an phường xã rất thiếu được đào tạo bài bản nhưng lại thừa thãi tinh thần “kiêu binh”. Hệ lụy quá bất tương xứng như thế đã dẫn tới hậu quả một số công an viên và dân phòng ấu trĩ về kinh nghiệm đến mức không thuần thục ngay cả thủ đoạn… đánh người.
Cái chết của một người đàn ông có tên là Ngô Thanh Kiều trong đồn công an ở Phú Yên vào năm 2012 do bị đánh vào chỗ hiểm là một điển hình của rất nhiều điển hình về điều mà cộng đồng quốc tế lên án cảnh sát Việt Nam sử dụng nhục hình.
Nạn nhục hình càng đáng được ghi khắc vào những năm gần đây. Cùng với hiện tượng nổi lên ngày càng nhiều tiêu cực của ngành công an Việt Nam, những cái chết được mô tả là “tự mình giết mình” cũng nối tiếp nhau sinh thành. Hàng loạt vụ việc được công an địa phương báo cáo là “tự treo cổ” đã xảy ra: Nguyễn Công Nhựt ở trụ sở công an thuộc Bình Dương, anh H. cũng ở trụ sở công an thuộc Bình Dương Bình Dương, Bùi Thị Hương ở trụ sở công an thuộc Bình Phước, Đỗ Văn Bình ở trụ sở công an thuộc Đà Nẵng, Đặng Trung Trịnh ở trụ sở công an thuộc Hải Dương…
Đặc biệt từ năm đầu 2013, khi Tổ chức Ân xá quốc tế lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam tính từ thời điểm năm 1975 và báo chí “lề trái” quật khởi tính phản biện, cho đến nay có ít nhất 15 cái chết do “tự tử” trong đồn công an bị giới truyền thông phát hiện.
Chính bởi thực trạng quá tối tăm như thế, khi Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự được đưa ra thảo luận, các đại biểu quốc hội đã phải đặc tả về một nguyên nhân sâu xa khiến người dân sợ hãi về dự thảo này: tại các trụ sở của công an xã, huyện liên tiếp xảy ra những vụ chết người mà nguyên nhân đều “rất khó hiểu, khó tin và khó chấp nhận”.
Cảnh sát và dân phòng bị cáo buộc bạo lực với dân
Cả nước là “cơ quan cảnh sát điều tra”
Nhiều chuyên gia pháp luật cũng cho rằng nếu đưa lực lượng công an xã vào điều tra ban đầu là rất nguy hiểm. Lý do là ngoài việc tìm ra tội phạm, việc bảo mật thông tin ban đầu là vô cùng quan trọng.
Việc này công an xã khó đáp ứng được và sẽ có nhiều tiêu cực phát sinh như tuồn thông tin ra ngoài, bao che tội phạm… gây khó cho cơ quan cảnh sát điều tra điều tra sau này. Một sự thật là khi quyền lực của “quan xã” càng cao bao nhiêu thì việc quản lý càng gặp khó khăn bấy nhiêu.
Vào lần này, điểm bổ sung và đặc biệt khác với Pháp lệnh công an xã năm 2008 chính là việc công an phường xã có quyền “tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu” trong Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
“Nếu công an phường, xã được tham gia điều tra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người bị đánh bầm dập lúc xét hỏi” – phần đông dư luận người dân lập tức phản ứng gay gắt khi dự thảo trên còn e ấp phía sau tấm rèm buông nơi tĩnh phòng quốc hội.
Ngay Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng phải thừa nhận: “Hiện chưa có nước nào trên thế giới lại đưa công an xã, phường… vào lực lượng điều tra. Mục tiêu của dự luật là tinh gọn đầu mối, song chia nhỏ như thế này đang làm phức tạp, tạo ra nhiều lỗ hổng hơn”.
Còn câu hỏi mà người dân phóng ra là cơ chế để quản lý lực lượng tác nghiệp công an phường xã sẽ được thực hiện như thế nào khi chưa có sự chuẩn bị về nhân lực, phương pháp và các biện pháp giám sát cũng như các chế tài cần thiết?
Tuy thế và như thường lệ, cơ quan pháp luật Quốc hội vẫn không thể thỏa mãn được những vấn đề vừa ẩn chứa tính quan liêu vừa ngoài tầm kiểm soát của họ. Dù có thể “thông cảm” với tình trạng vừa quá tải vừa muốn né tránh trách nhiệm của các cơ quan công an cấp trung ương và cả cấp tỉnh thành, nhưng mặt bằng văn hóa và nghiệp vụ quá kém cỏi của lớp công an phường xã là không thể biện minh được cho cơ chế đùn đẩy chức trách trong nội bộ.
Một khi đã được tăng quyền và kế thừa truyền thống quá tản quyền về hoạt động giám sát, đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng quân hồi vô phèng ở không ít địa phương và đối với không ít công an viên. Thay vì truy bắt tội phạm, sẽ không thiếu trụ sở công an phường xã biến thành cơ quan cảnh sát điều tra giả hiệu.
Một số công an viên có thể lạm dụng và cả lợi dụng quyền điều tra ban đầu của mình để “bắt cóc” công dân nhằm mục đích trả thù riêng tư hoặc làm tiền. Tệ nạn “mãi lộ công đường” trong ngành công an cũng do đó sẽ chỉ có tiến chứ không thể lùi…
Xem thường Công ước chống tra tấn?
14/3/2014 - đúng vào ngày tưởng niệm cái chết của đảo Gạc Ma sau cuộc đánh úp của hải quân Trung Quốc, tại một hội nghị tổng kết việc thi hành Bộ luật hình sự năm 1999, đại diện Bộ Công an đã tống đạt một đề nghị hết sức chuyên biệt về chuyên chính vô sản: để đáp ứng toàn diện, đầy đủ hơn yêu cầu trong tình hình hiện nay, bộ luật Hình sự sửa đổi sắp tới cần nghiên cứu hình sự hóa nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội đang xảy ra trong thời gian qua như: tổ chức lập hội trái phép, kêu gọi xóa bỏ hoặc thay đổi Hiến pháp…
Lời tống đạt trên chắc chắn càng làm khó cho danh thể vốn khá úa tàn của Nhà nước Việt Nam trước Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Tổng quan, Bộ Công an đã tích tụ đến 4 kiến nghị trái ngược và xúc phạm lòng dân chỉ trong vòng một năm qua. 3 kiến nghị trước thuộc về “quyền nổ súng” dành cho cảnh sát cơ động để “trấn áp bạo loạn”, “báo chí phải tiết lộ nguồn tin” dành cho báo giới và “hình sự hóa xử lý hội đoàn” dành cho xã hội dân sự.
Nếu yêu cầu thứ tư về “tản quyền” cho công tác điều tra ban đầu của công an phường xã được Quốc hội lặng gật nhẹ bẫng như đã từng nhất trí tuyệt đối cao về Hiến pháp sửa đổi 2013, tương lai nhục hình nhiều khả năng sẽ đột biến gia vị ở rất nhiều vùng miền, trong đất nước mà một nhà thơ đã mô tả “Thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S”.
Nhiều cái chết “mình tự giết mình” sẽ còn xảy ra vào những tháng ngày tới, trong khi Bộ Công an và Bộ Ngoại giao vẫn thản nhiên “tiếp tục triển khai hội nghị về Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc” như một sự làm vì.
Không có nhận xét nào: