Phạm Trần: Lịch sử Việt Nam đã chứng minh không có bất kỳ thời đại nào, từ Vua chúa đến hậu Phong kiến và Cộng sản, dù tàn bạo và hà khắc bao nhiêu và dù có “trăm mưu ngàn kế” đề ra những luật lệ để kiểm soát và hạn chế tối đa các quyền tự do cơ bản của con người thì Nhà nước cũng không thể tiêu diệt được niềm tin của người dân vào Tôn giáo và Tín ngưỡng.
Bằng chứng đã xảy ra cho đạo Công giáo trong suốt 271 năm bị bách hại từ thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1615-1635) cho đến thời Văn Thân (1885-1886).
“Người ta ước lượng: dưới thời các chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù; nhưng dưới thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công Giáo bị sát hại.” (Trích tập sách Vụ Án Phong Thánh của tác giả Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, xuất bản năm 1987, Hoa Kỳ)
Đến thời vô thần Việt Minh Cộng Sản, dù các Tôn giáo có bị “ngăn sống cách núi” hay “làm khó đủ điều”, dân chúng vẫn âm thầm thờ phương các đấng linh thiêng theo tôn giáo hay tín ngưỡng của mình. Tình trạng hiếm Cha, thiếu Thầy, Nhà Thờ bị bỏ hoang cho thời gian tiêu hủy, Đình, Miếu bị rêu phong điêu tàn hay nhà Chùa thiếu hương khói vẫn không làm cho tín đồ nản chí bỏ đạo. Và người dân thì vẫn hiên ngang tuyên xưng ra Tôn giáo của mình với chính quyền dù có bị kỳ thị trong đời sống hàng ngày.
Và tuy lý luận duy vật coi “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” (Karl Heinrich Marx, 1818-1883) đã được người Cộng sản Việt Nam “tuyệt đối tin và áp dụng méo mó” vào đời sống bằng những Sắc lệnh, Nghị quyết, Chỉ thị, Pháp lệnh, Nghị định bắt đầu từ Sắc lệnh thời Hồ Chí Minh (Số: 234/SL14 Tháng 06 năm 1955) cho đến Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các đạo giáo vẫn tìm mọi cách vượt qua lực cản để tồn tại.
Bằng chứng nhãn tiền đã diễn ra ở miền Bắc Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) trước 1975, theo phổ biến của Bách Khoa Toàn thư (mở): “Sau cuộc di cư 1954, số linh mục còn lại tại miền Bắc chừng 28%, giáo dân chừng 60%, có những giáo phận như Thái Bình, Bùi Chu, Bắc Ninh, Phát Diệm,Hải Phòng... số người Công giáo di cư vào miền Nam khá đông. Các hoạt động chủ yếu của người Công giáo miền Bắc là giữ đạo thay vì truyền giáo bởi vì thiếu người lãnh đạo, cộng với chính sách kiềm chế tôn giáo, đặc biệt là đạo Công giáo của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả các chủng viện, trường học và hầu hết các tu viện Công giáo đều bị nhà nước tịch thu. Một số linh mục và chức sắc của xứ đạo bị bắt, đi tù trong chính sách cải cách ruộng đất (1955-1956). Ngoại trừ Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Thánh Phaolô còn lại ở miền Bắc, các dòng tu khác đều rút lui vào miền Nam. Vì nhu cầu cần có thêm linh mục nên nhiều Giám mục đã phải truyền chức "chui" (lén chính quyền) cho một số người làm linh mục.”
Tình trạng tịch thu tài sản, đất đai của các Tôn giáo và hạn chế hoạt động của các Giáo hội cũng đã diễn ra ở trong Nam kể từ sau ngày quân Cộng sản chiếm Sài Gòn 30/04/1975. Đối với các Tôn giáo hay Giáo phái không muốn để cho Nhà nước quản trị, dù có được thêm ân huệ khi gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang), hệ phái Hòa Hảo thuần túy, Cao Đài độc lập Vĩnh Long và một số hệ phái Tin Lành miền Nam v.v… vẫn thường xuyên là đối tượng bị đàn áp, canh chừng và đối xử bất công của nhà nước.
Thái độ thù nghịch với Tôn giáo và phân biệt đối xử với người dân có niềm tin vào các “đấng thiêng liêng” của đảng CSVN đã được Nhà nước thú nhận: “Do nhận thức không đầy đủ, đã có một thời kỳ chúng ta mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong việc đấu tranh chống tôn giáo. Chúng ta đã quá nôn nóng, cực đoan trong ứng xử với các tôn giáo cũng như với các cơ sở thờ tự của tôn giáo. Nhiều nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo đã bị đập phá, các sinh hoạt tôn giáo bị ngăn cấm, người có đạo bị kỳ thị. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không được đảm bảo. Chính sự nóng vội đó đã dẫn đến hậu quả xấu về mặt chính trị, tư tưởng, là cơ sở để các thế lực phản động lợi dụng chống phá cách mạng nước ta. ở điểm này, rõ ràng chúng ta đã không vận dụng tốt những quan điểm về tôn giáo của chủ nghĩa Mác -Lênin.” (Theo: Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006. tr.236.)
Nhưng đảng chưa bao giờ xin lỗi các Tôn giáo và bồi thường thiệt hại cho các Giáo hội về những “sai lầm nghiêm trọng” của mình. Ngược lại đảng và nhà nước CSVN vẫn liên tục chống phá các Tôn giáo, người hành đạo và người theo đạo từ 1954 ở miền Bắc rồi sau đó trên phạm vi cả nước từ sau 1975.
Như vậy thì không thể bảo là “do nhận thức không đầy đủ” nên đã “nóng vội” cho hành động chống Tôn giáo của đảng. Sự liên tục thù nghịch và gây khó khăn cho các tổ chức Tôn giáo không chịu gia nhập các Giáo hội quốc doanh của đảng đã phản ảnh đầy đủ trong các văn kiện về Tôn giáo, Tín ngưỡng của nhà nước.
Hai Tác giả Mai Thị Quý (Tiến sĩ triết học, Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa) và Bùi Thị Hằng (Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa) đã để lộ điều này trong một bài viết chung trên Tạp chí Triết học ngày 14/11/2011.
Họ viết: “Quan điểm của đảng ta về giải quyết vấn đề tôn giáo được thể hiện trong nhiều văn kiện của các kỳ Đại hội và được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, như Nghị quyết số 24/NQ-TW (ngày 16/10/1990) của Bộ Chính trị Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới… Chỉ thị số 37 CT-TW (ngày 2/7/1998) của Bộ Chính trị Về công tác tôn giáo trong tình hình mới… Ngoài ra, còn có nhiều chỉ thị, nghị quyết khác của đảng về các mặt công tác đối với tôn giáo nói chung và từng tôn giáo nói riêng trong từng thời kỳ. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-TW (ngày 12/3/2003) Về công tác tôn giáo. Những quan điểm của đảng ta về công tác tôn giáo được cụ thể hóa trong Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11 ra ngày 18/6/2004.”
Quan điểm này được tóm tắt trong 5 điểm:
- Một là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Hai là, thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Ba là, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là vận động quần chúng. Công tác vận động quần chúng phải động viên được đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào các tôn giáo.
- Bốn là, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, trong đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo là lực lượng nòng cốt.
- Năm là, vấn đề theo đạo và truyền đạo. Mọi tín đồ có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật.
Sau khi đã “giảng giải” về chính sách Tôn giáo của đảng qua các văn bản quy định hoạt động và quyền lợi của các Tôn giáo, hai Tác gỉa Mai Thị Quý và Bùi Thị Hằng tự mãn cho rằng: “Như vậy, quan điểm của đảng ta về tôn giáo là rõ ràng, nhất quán, đảm bảo quyền tự do, dân chủ. Trong khi đó, hiện nay, có những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước vẫn cho rằng ở Việt Nam người dân không có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó, chúng dùng nhiều thủ đoạn để kích động đồng bào có đạo gây rối, chống phá cách mạng, rơi vào âm mưu “diễn biến hoà bình” vô cùng thâm độc của chúng. Đó là những luận điệu sai lầm, xuyên tạc chính sách tôn giáo của đảng, Nhà nước ta cũng như xuyên tạc tình hình tôn giáo và các hoạt động tôn giáo ở nước ta hiện nay mà chúng ta cần kiên quyết bác bỏ.”
Gáo nước lạnh
Oái oăm thay và cũng trớ trêu cho hai cái loa “dư luận viên” Mai Thị Quý và Bùi Thị Hằng khi cả Thế giới được nghe ÔngHeiner Bielefeldt, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nói trong cuộc họp báo ngày 31/07 (2014) tại Hà Nội: “Tôi kinh ngạc thấy phạm vi của tự do tôn giáo vẫn còn rất hạn chế và không rõ ràng.”
Ông Bielefeldt đã đưa ra “những phát hiện sơ bộ và một số nhận xét” sau 10 ngày làm việc tại Việt Nam từ 21 đến 31 tháng 7 năm 2014. Ông nói với báo chí: “ Không định kiến về tính chính xác của tất cả các sự kiện thực tế của tất cả các trường hợp cụ thể đã được báo cáo với tôi, tôi tin rằng, những vi phạm nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam – nhất là ở các vùng nông thôn, tuy không phải chỉ có ở nông thôn.”
Không có gì phải bàn cãi thêm về nhận xét bi quan của ông Bielefeldt vì sự thật đã diễn ra như thế từ khi đảng CSVN cầm quyền ở miền Bắc Việt Nam sau ngày đất nước chia đôi 20/07/1954.
Chủ trương bài xích tôn giáo, tín ngưỡng và chống người có đạo để bảo vệ Chủ nghĩa vô thần luôn luôn được coi là nhiệm vụ cốt lõi hàng đầu của mỗi đảng viên Cộng sản Việt Nam.
Vì vậy, ông Bielefeldt mới nói: “Trong bối cảnh này, tôi muốn nhấn mạnh rằng thông qua nhiều cuộc trao đổi thảo luận của tôi với các thành viên của các cộng đồng tôn giáo, mà một vài tổ chức trong số đó đã chính thức đăng ký với chính quyền và thậm chí còn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mọi người đã bộc lộ nhận thức chung về những hạn chế hiện tại trong quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là các lãnh đạo cấp cao của tòa án chưa hề nghe đến bất kỳ trường hợp nào một cáo buộc vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đã được đưa ra tòa.”
Sự ngạc nhiên của ông Bielefeldt rất dễ hiểu vì hệ thống Tòa án do đảng kiểm soát và chi phối ở Việt Nam không có thói quen bảo vệ quyền lợi tinh thần của người dân, dù có thấy rõ những vi phạm của nhà nước. Đối với các Quan tòa do đảng chỉ định thì các quyền tự do của người dân, nhất là các các quyền tự do ngôn luận, tư tưởng và tín ngưỡng dù đã được Hiến pháp quy định là “dân quyền”, nhưng chúng vẫn thấp hơn và không quan trọng bẳng “quyền lãnh đạo toànxã hội của đảng”.
Hơn thế nữa, với một chế độ cảnh sát trị như ở Việt Nam thì không người dân nào dám đi kiện nhà nước đã “vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng” để tránh bị đàn áp bằng đủ mọi mưu chước của công an và “công an đội lốt côn đồ” mà chưa biết đến bao giờ vụ án mới được đem ra xét xử, nếu có.
Đặc phái viên của Liên Hiếp Quốc còn cáo buộc Chính phủ Việt Nam đã ngăn cản và làm khó dễ chuyến đi của ông: “Dự định đi thăm An Giang, Gia Lai và Kon Tum của đoàn không may đã bị gián đoạn từ ngày 28 đến 30 tháng 7. Tôi nhận được những thông tin đáng tin cậy là một số cá nhân tôi muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại. Ngay cả những người đã gặp được tôi cũng không tránh khỏi việc bị công an theo dõi hoặc chất vấn ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, việc di chuyển của tôi cũng bị giám sát chặt bởi“những cán bộ an ninh hoặc công an” mà chúng tôi không được thông báo rõ, đồng thời sự riêng tư và bảo mật của một số cuộc gặp gỡ cũng bị ảnh hưởng. Những việc này là sự vi phạm rõ ràng các điều khoản tham chiếu của bất kỳ chuyến thăm quốc gia nào.”
Tố cáo nghiêm trọng này đã bị phủ nhận bằng câu nói ngắn của Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Phạm Hải Anh: “ Về một số vấn đề ông Beilefeldt nêu tại cuộc họp báo ngày 31/7, tôi cho rằng đã có sự hiểu lầm, chưa trao đổi hết thông tin.”
Tại sao lại “hiểu lầm” vì “chưa trao đổi hết thông tin” khi bằng chứng gây khó khăn điều tra cho đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc đã rõ như ban ngày? Tại sao nhà nước Việt Nam lại không điều tra cho ra nhẽ để bảo vệ “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền” mà để bị mang tiếng xấu đã ngăn cản cuộc “thăm dân cho biết sự tình” của đặc phái viên Liên hiệp quốc?
Ông Bielefeldt còn nói: “Tôi đã được nghe một số cáo buộc nghiêm trọng về các vi phạm cụ thể đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam. Các vi phạm được báo cáo gồm có những vụ vây bắt nặng tay của công an; những trường hợp thường xuyên được mời lên đồn công an “làm việc”; các hoạt động tôn giáo bị giám sát chặt chẽ;các lễ hội và nghi thức làm lễ tôn giáo bị cắt ngang; các vụ giữ tại nhà, đôi khi trong thời gian dài; các vụ bỏ tù, đôi khi cũng trong cả một quãng thời gian dài; các vụ đánh đập và hành hung; bị mất việc làm; mất phúc lợi xã hội; gây áp lực đối với những người trong gia đình; hành động phá hoại; phá dỡ những nơi thờ tự, nghĩa trang và các nhà tang lễ; tịch thu tài sản; gây áp lực một cách có hệ thống để phải từ bỏ một số hoạt động tôn giáo nhất định và chuyển sang hoạt động theo các kênh chính thức được thiết lập cho việc thực hành tôn giáo; và gây áp lực để bắt từ bỏ tôn giáo hay tín ngưỡng. Tôi cũng đã gặp một tù nhân lương tâm tại trại giam nơi đang thụ án.”
Trong thâm tâm csvn
Ngoài ra ông Bielefeldt cũng nêu ra nhiều điều “mơ hồ”của Hiến pháp, luật pháp hay các văn kiện liên quan đến thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhằm hạn chế tối đa quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Những nhóm chữ như: “lợi ích xã hội”, “lợi dụng”, “pháp luật Việt Nam”, “không phù hợp với lợi ích chính đáng của số đông” v.v.. đã được các viên chức Chính phủ đưa ra để bảo vệ cho quyền kiểm soát các hoạt động tôn giáo.
Nhìn chung tất cả những đánh giá càng ngày càng tồi tệ về các quyền con người, đặc biệt quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam của ông Heiner Bielefeldt rất chính xác. Những “hầm chông” và “bãi mìn” đã được đảng CSVN gài đặc trong Hiến pháp khi nói về Quyền con người luôn luôn có sợi dây thòng lọng “do pháp luật quy định.” theo quy định của pháp luật” hay “do luật định”!
Những Nghị quyết, Nghị định, Pháp lệnh, Chỉ thị liên quan đến hoạt động Tôn giáo đã chồng chéo lên nhau với muôn vàn những hạn chế, điều kiện bắt buộc chỉ cốt làm mất đi hiệu lực của Hiến pháp, bộ Luật cao nhất của Quốc gia.
Và ai cũng biết từ lâu, nhà nước Việt Nam thường đưa ra những con số tu viện, chủng sinh, nhà thờ, thánh thất, đền, chùa, tu sỹ và số người đi lễ chùa, dự lễ nhà thờ của bổn đạo để phô trương Việt Nam có “tự do tôn giáo” và quyền tự do thờ phượng của người dân được nhà nước nhìn nhận và bảo vệ.
Nhưng trong đời sống thực tế thì đảng Cộng sản vô thần Việt Nam chưa bao giờ chứng minh họ đã thật tâm muốn thấy Tôn giáo “không phải là liều thuốc độc”, “không còn là thế lực thù địch”, không phải nằm trong “âm mưu diễn biến hòa bình” của Đế quốc và những người có tín ngưỡng, nhất là người theo đạo Công giáo và Tin lành cũng là những công dân như những người khác không còn bị kỳ thị và theo dõi.
Và đến bao giờ thì đảng CSVN mới hết còn xuyên tạc Công giáo và Tin lành là hai Tôn giáo được “địch lợi dụng” để chống phá đảng và Nhà nước như một Tài liệu được luân chuyển “nội bộ” ở Tỉnh Lào Cai, ngày 24 tháng 12 năm 1998?
Cũng như thế, bao giờ ở Việt Nam mới có một Quốc hội và một đảng cầm quyền không còn ngót 100% người ghi trong lý lịch chữ “KHÔNG” to tướng khi khai về Tôn giáo-Tín ngưỡng?
(08/014)
Không có nhận xét nào: