VRNs (22.12.2014) Giáng Sinh là Mùa Hồng Ân, mọi người hợp lời tạ ơn và vinh danh Thiên Chúa, đồng thời là Mùa An Bình cho nhân loại: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).
Cầu nguyện là nhu-cầu-tâm-linh-có-thật của mọi người, không trừ bất kỳ ai – kể cả người vô thần. Thật vậy, ngay cả những người vô thần và theo chủ nghĩa duy vật cũng vẫn cầu nguyện, dù họ không muốn nhận là mình “có chút” duy tâm. Bạn bảo mình không duy tâm ư? Vậy tại sao bạn lại “lâm râm khấn vái” trước người quá cố, khi gặp nguy hiểm, và vẫn thắp nhang vái tứ phương? Phải chăng bạn đang tự mâu thuẫn? Tự mâu thuẫn là giả dối với chính mình, là tự lừa dối mình đấy!
Với “nhu cầu có thật” đó, NS Lê Kim Khánh (*) cũng đã cầu nguyện chân thành qua ca khúc “Lời Con Xin Chúa”. Ca khúc này là lời cầu nguyện của một cô gái không được gần người yêu trong đêm Chúa giáng sinh. Ca khúc có tiết tấu chậm như ru lòng lắng đọng, giai điệu du dương, buồn nhưng không ủy mị, buồn theo phong cách hướng thượng, và được kết hợp với âm thể thứ thể hiện lòng chân thành khi cầu nguyện.
Ca khúc “Lời Con Xin Chúa” của NS Lê Kim Khánh (*) nói về tình yêu đôi lứa phải xa cách nhau vì chiến cuộc, là lời cầu nguyện cho bản thân, cho tình yêu đôi lứa và cho quê hương Việt Nam. NS Lê Kim Khánh nói rất tự nhiên: “Dương trần đã vang lên bài thánh ca, mùa Đông năm ấy Chúa sinh vì ta. Năm ấy không xa bây giờ, vào một mùa giáng sinh xưa, nửa đêm đi lễ anh đưa”. Cô gái bồi hồi nhớ đến ngày xưa Chúa giáng sinh vì yêu thương loài người, rồi nhớ lại kỷ niệm tình yêu đẹp, kỷ niệm ngọt ngào khi hai người còn hạnh phúc bên nhau, cùng nhau đi lễ nửa đêm mừng Chúa giáng sinh, nhưng Nô-en năm nay không có người yêu bên cạnh vì chàng phải chiến đấu nơi sa trường. Trai thời loạn là vậy, và các cô gái cũng bị “vạ lây”. Niềm riêng của cô gái cũng làm chạnh lòng bao người cũng đã hoặc đang mang tâm trạng tương tự.
Tứ thời bát tiết luân phiên thay đổi. Mùa Đông nối tiếp mùa Đông, Giáng Sinh nối tiếp Giáng Sinh. Và dù muốn hay không thì Giáng Sinh cũng lại về, kỷ niệm cũng ùa về, ký ức của chị cứ ngồn ngộn: “Nay mùa giáng sinh đã về, Chúa ơi! Lòng con như thấy thiếu đi niềm vui. Đi lễ năm xưa bên người, giờ này chỉ có riêng tôi, quỳ bên hang đá lẻ loi”. Nói là “như thiếu niềm vui” chứ thực ra làm gì có niềm vui, vì ngày xưa có hai người cùng quỳ gối cầu nguyện trước hang đá mà nay chỉ có một người lẻ loi với nỗi cô độc. Nhìn người ta vui mà mình không cười được, có phải là cái lạnh mùa Đông làm đôi môi tê cóng?
Ký ức chồng lên ký ức, kỷ niệm cứ đan quyện vào nhau. Tất cả vẫn mới và còn nóng hổi. Thấy mọi người vui mừng trong Đêm Bình An mà riêng cô gái lại thiếu niềm vui, chỉ mình ên bên Hang Đá, nên cô chợt thấy thương mình và nhớ người xa… Một mình cô lặng quỳ cầu nguyện và tâm sự với Chúa Hài Đồng, niềm hy vọng vẫn tràn trề, mong sớm có ngày uyên ương hội ngộ, đoàn tụ sum vầy.
Cô gái không ích kỷ chỉ cầu cho mình, mà còn cầu cho đồng bào Việt Nam khi nghĩ tới chiến tranh đã khiến bao người không có niềm vui ngay trong đêm Giáng Sinh, và chân thành cầu nguyện: “Cầu xin ơn Chúa xót thương, thương nhà Việt Nam chinh chiến thê lương. Lòng con sao mãi vẫn vương, ngày đêm trông ngóng người yêu vắng xa”. Trong thời chiến không ai lại không khổ, mỗi người đều có nỗi khổ khác nhau, nhất là cái chết luôn rình rập. Cô gái không chỉ cầu nguyện cho riêng mình, cho người yêu, mà cô còn cầu nguyện cho quê hương mau hết chiến tranh tương tàn. Rất lô-gích, vì đất nước có hòa bình thì mọi người mới an tâm và vui sống bên nhau.
Cô gái rất nhớ người yêu, có thể cô cũng đang thầm hỏi: “Người ấy có nhớ mình không?”. Lòng mình vấn vương mà người xa biền biệt. Buồn lắm! Tình yêu mạnh hơn Tử thần, nhất là khi người ta còn trẻ. Dù xa mặt nhưng không cách lòng, cô gái vẫn nặng tình và son sắt chung thủy. Cô gái tâm sự với Chúa: “Bao mùa giáng sinh vẫn một mối tình, cầu xin ơn Chúa chứng cho lòng con, ban xuống cho con phước lành, hòa bình thay chiến chinh nhanh, tình yêu mãi thắm màu xanh”. Hòa bình luôn là khát vọng cháy bỏng của con người, và chính mình cũng mong muốn. Vì thế, nếu chưa gieo được hạt-hòa-bình thì cũng đừng gieo mầm-đau-khổ cho tha nhân.
Tình yêu là thế. Thương lắm, nhớ lắm, nhưng vẫn lo sợ về tương lai với nhiều lý do… Niềm thương nỗi nhớ đó được ví von là “Trăm Nhớ Ngàn Thương” (ca khúc của NS Lam Phương). Nhiều lắm, làm sao kể xiết được! Cô xin Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng Xót Thương ban ơn cho chị, cho đất nước, và cho những người yêu nhau, để “tình yêu mãi thắm màu xanh”.
Có nhiều loại chiến tranh: Thế chiến, quốc chiến, nội chiến, ngoại chiến, gia chiến (chiến tranh gia đình), tâm chiến (chiến tranh trong mỗi con người), hàn chiến (chiến đấu với cái nghèo),… Biết bao loại chiến tranh. Chiến tranh xảy ra hằng ngày trong xã hội, trong cộng đồng, trong dòng tu, trong gia đình, trong hội đoàn, trong mọi tầng lớp, ngay cả giữa hai người bạn thân nhất, thậm chí giữa cha mẹ và con cái hoặc giữa hai vợ chồng.
Chắc chắn chiến tranh nào cũng gây đau khổ, tang thương về thể lý hoặc tinh thần. Vì thế ai cũng khao khát hòa bình đích thực. Chắc chắn hòa bình mãi là niềm khao khát tột đỉnh của cả nhân loại, dù lương hay giáo.
Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Đó là một trong Tám Mối Phúc Thật – còn gọi là Bát Phúc, Bài Giảng Trên Núi, Hiến Chương Nước Trời, hoặc Đệ Nhất Tuyên Ngôn Độc Lập.
Chiến tranh bom đạn, chiến tranh hạt nhân, hoặc chiến tranh tinh thần đều gây ra những nỗi nguy hiểm và tang thương tương tự, mỗi loại chiến tranh đều có “nét riêng” cần phải chấm dứt ngay, càng sớm càng tốt. Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới không còn chiến tranh bằng súng đạn nhưng chiến tranh tinh thần vẫn đang xảy ra từng giây, từng phút ở mọi nơi, ngay trong tâm hồn của mỗi người…
Thưởng thức lại ca khúc “Lời Con Xin Chúa” không phải để khơi lên “đống tro tàn tang tóc”, mà để cảm thông với những con người đã và đang chịu đau khổ, bằng cách này hoặc cách nọ, về thể lý hoặc tinh thần, và để có dịp cầu nguyện cho họ, nhất là vào Mùa Nô-en An Bình này.
Lạy Chúa Hài Đồng, muôn tâu Thượng Đế, lạy Hoàng Tử Bình An, lạy Vua Công Lý, xin ban cho chúng con được hưởng nền hòa bình đích thực xuất phát từ chính tâm hồn của mỗi người. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) NS Lê Kim Khánh cũng chính là NS Tuấn Hải, tên thật là Hồ Nhất Duy, sinh năm 1953 tại Bạc Liêu. Năm 17 tuổi, Tuấn Hải lên Saigon học. Tại đây ông bắt đầu viết nhạc cho “Tuyển Tập Tình Ca Tuổi Trẻ” của Nguyễn Đình Nghĩa và Phạm Kim Long, với bài đầu tay là ca khúc “Người Yêu Không Đến”. Nhìn chung nhạc của Tuấn Hải ít thâu thanh cho ca sĩ hát mà chỉ xuất bản tờ nhạc nên ít được phổ biến. Một vài bài tiêu biểu như: Có Lẽ, Cơn Mê Tình Ái, Đẹp Lòng Người Yêu, Đôi Lòng Nguyện Cầu, Giận Hờn, Mắc Cỡ, Một Trăm Phần Trăm, Nửa Đêm Khấn Hứa, Nguyện Cầu, Như Một Cơn Mê, Tâm Sự Ngày Cưới, Trót Dại,… Sau 1975, ông không còn sáng tác và sống cùng gia đình tại Tân Bình, Saigon.
MP3 do ca sĩ Lệ Thu thể hiện: http://nghenhacvang.net/song/580/loi-con-xin-chua-2.html
Video do ca sĩ Tâm Đoan thể hiện: http://chiasenhac.com/hd/video/v-video/loi-con-xin-chua~tam-doan~1077069.html
Không có nhận xét nào: