Hai Kiến Nghị Đòi Đình Chỉ Vụ Án Blogger Nguyễn Hữu Vinh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 2, 2015

Hai Kiến Nghị Đòi Đình Chỉ Vụ Án Blogger Nguyễn Hữu Vinh

Hai kiến nghị của bà Lê Minh Hà đề nghị đình chỉ vụ án của chồng mình – blogger Nguyễn Hữu Vinh

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2014

KIẾN NGHỊ ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN
V/v: Đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án
“Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258, BLHS

Kính gửi: Ông Nguyễn Hoà Bình Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao

Tôi là Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh, hiện cư trú tại 4D Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, gửi tới ông kiến nghị như sau.

- Căn cứ vào bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công An;

- Căn cứ vào bản kiến nghị của Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, địa chỉ số 156 Lê Đức Thọ kéo dài (Trần Vĩ), phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội;

Tôi nhận thấy Cơ quan An ninh Điều tra (CQANĐT) đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng cũng như sử dụng các chứng cứ làm căn cứ buộc tội không hợp pháp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do của chồng tôi, cụ thể như sau:

Lệnh bắt khẩn cấp vi phạm các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS)

1. Lệnh bắt khẩn cấp dựa trên chứng cứ được thu thập một cách bất hợp pháp

Theo hồ sơ vụ án, CQANĐT, Bộ Công an đã căn cứ vào tin báo là Công văn số 469/CV ngày 01/04/2014 của Cục Bảo vệ Chính trị 6 (Cục 6), Tổng cục An ninh I để khởi tố vụ án.

Tại Công văn 469/CV ngày 01/04/2014, Cục 6 cho biết trước đó Cục đã nhận được: Văn bản số 223/CV-FPT-TEL-NOC và 283/CV-FPT-TEL-NOC, ngày 19 và 31/03/2014 của Công ty cổ phần Viễn thông FPT; văn bản số 486/VDC-CN và 495/VDC-CN, ngày 31/03 và ngày 01/04/2014 của Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC.

Các Văn bản này thông báo kết quả việc họ (FPT, VDC) theo yêu cầu của Cục 6 đã theo dõi và cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho Cục 6. Hành vi này của FPT, VDC là trái với quy định của điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 và khoản 2 Điều 26 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, khi không có quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

CQANĐT khi nhận được tin báo của cơ quan, tổ chức đã không tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin một cách đầy đủ theo quy định của Điều 103, BLTTHS và khoản 2 Điều 10, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLTBCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC để xác định thiệt hại của tổ chức, cá nhân người bị hại, danh tính của tổ chức, danh tính cá nhân trước khi quyết định khởi tố vụ án.

Với việc vi phạm trình tự thu thập chứng cứ ngay từ đầu, toàn bộ các tiến trình tố tụng sau đó đều đương nhiên không có hiệu lực.

2. Lệnh bắt khẩn cấp không thỏa mãn điều kiện bắt khẩn cấp của BLTTHS


Lệnh bắt khẩn cấp ngày 05/05/2014 của CQANĐT, Bộ Công an đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy theo điểm c, khoản 1, Điều 81, BLTTHS 2003: “Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.” và sau đó ra lệnh tạm giam ông Vinh và bà Thúy là vi phạm tố tụng.

Tại các bút lục số 331, 332 trong hồ sơ vụ án thể hiện khi khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy cùng ngày 05/05/2014 không thu được chứng cứ nào ngoài một số các bài viết được in ra tại nhà từ máy tính của ông Vinh, bà Thúy.

Bản kết luận điều tra số 14/ANĐT ngày 30/10/2014 của CQANĐT sau này cho rằng các bài viết in ra được xác định là chứng cứ, bao gồm: ở máy tính của ông Vinh có 06 bài in từ blog chepsuviet.wordpress.com, ở máy tính của bà Thúy có 02 bài in ra từ blog diendanxahoidansu.wordpress.com.

Ông Vinh không ký biên bản khám xét mà chỉ có 02 người chứng kiến ký là: Ông Phạm Văn Vinh, Cảnh sát khu vực phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội và ông Ngô Sỹ Lợi, người láng giềng.

Bà Thúy không ký biên bản khám xét mà chỉ có 02 người làm chứng kiến ký là: Ông Hoàng Chí Thanh, Cảnh sát khu vực phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội và bà Nguyễn Thị Khiêu, người láng giềng.

Không có căn cứ để khẳng định những người chứng kiến việc khám xét ngày 05/05/2014 là có kiến thức, hiểu biết về internet nên việc chứng kiến của họ là không có giá trị khách quan. Điều này đồng nghĩa CQANĐT không có căn cứ cho rằng các bài viết được in ra ở trên là chứng cứ, hay đó là các dấu vết của tội phạm tại chỗ ở của ông Vinh, bà Thúy.

Các bài viết trên mạng internet Cơ quan điều tra đều biết trước và hoàn toàn có thể in ra từ internet và thu giữ máy tính của ông Vinh, bà Thúy để in ra các tài liệu lưu trong đó mà không ai (ông Vinh, bà Thúy) có thể tiêu hủy được hoặc cản trở.

Chứng cứ làm căn cứ luận tội được thu thập không đúng quy định pháp luật.


CQANĐT chỉ căn cứ vào các văn bản của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông (Công ty cổ phần viễn thông FPT, Công ty điện toán và truyền dẫn số liệu VDC, Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội HTC, Công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone) để khẳng định tính liên quan của các thông tin cung cấp với bị can Nguyễn Hữu Vinh và bị can Nguyễn Thị Minh Thúy mà không trưng cầu giám định là vi phạm Điều 64 và Điều 66 BLTTHS.

Các văn bản do các doanh nghiệp trên cung cấp không đảm bảo tính khách quan (điều 10 BLTTHS), tính hợp pháp để xác định trách nhiệm hình sự của các bị can.

Kết luận giám định ngày 19/09/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông không phải là chứng cứ hợp pháp, bởi vì:

1. Căn cứ Luật giám định tư pháp 2012, Khoản 1, Điều 2, quy định:

“Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.”

Như vậy, giám định tư pháp là việc sử dụng các kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn để xác lập chứng cứ vật chất liên quan đến hoạt động điều tra vụ án.

Do đó, các tài liệu là 37 bài viết theo Quyết định trưng cầu giám định số 60/ANĐT-P3 ngày 07/08/2014 của CQANĐT mà Kết luận giám định ngày 19/09/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông là những chứng cứ phi vật chất không thuộc đối tượng của giám định tư pháp.

2. Căn cứ:


Luật giám định tư pháp 2012, Khoản 1, Điều 3 về “Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp”, quy định: “Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn.”

Khoản 2, Điều 41 về “Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp”, quy định: “Ban hành quy chuẩn giám định tư pháp hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp theo yêu cầu và đặc thù của lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý.”

Thông tư số 24/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, kKhoản 1, Điều 10 về “Áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp;”, quy định:

“Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được thực hiện căn cứ vào quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hiện hành (bao gồm Tiêu chuẩn quốc gia và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông) và các văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung cần giám định.”

Có thể khẳng định, kết luận giám định ngày 19/09/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông không tuân theo một quy chuẩn chuyên môn nào trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hiện hành.

Do đó, kết luận giám định ngày 19/09/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông không phải là chứng cứ hợp pháp.

KIẾN NGHỊ:

Căn cứ khoản 3 điều 58, khoản 1 điều 107, khoản 1 điều 169 BLTTHS 2003, tôi đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao:

- Ra quyết định đình chỉ vụ án “Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258, BLHS"; và

- Trả tự do ngay cho ông Nguyễn Hữu Vinh Và bà Nguyễn Thị Minh Thuý. Xin trân trọng cảm ơn.

Người làm đơn

LÊ THỊ MINH HÀ

Nơi nhân:
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang;
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng;
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng;
- Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình.
------------------


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---&---
Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2015

KIẾN NGHỊ ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN
(Lần 2)

V/v: Đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án
“Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258, BLHS

Kính gửi:
- Ông Nguyễn Hoà Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
- Các cơ quan liên quan của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao


Tôi là : Lê Thị Minh Hà, sinh năm 1958

Nghề nghiệp: nghỉ mất sức, thường trú tại: số 5/2/4D phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự,quận Đống Đa, TP.Hà Nội

Là vợ :
Ông Nguyễn Hữu Vinh sinh năm 1956.
Hộ khẩu thường trú : số 5/2/4D phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Địa chỉ nơi ở: Phòng số 1508, tòa nhà G03, khu đô thị Ciputra, phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Ông Vinh bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an bắt khẩn cấp ngày 05/05/2014 và bị khởi tố bị can ngày 14/05/2014, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam – B14 của Bộ Công An, huyện Thanh Trì, Hà Nội.


Ngày 30/10/2014, Cơ quan An ninh Điều tra – Bộ Công an đã ra Kết luận điều tra số 14/ANĐT, đề nghị truy tố hai bị can Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy theo Điều 258 Bộ luật Hình sự về tội “lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Ngày 27/11/2014, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 18/QĐ-VKSTC-V2.

Ngày 26/01/2015, Cơ quan An ninh Điều tra – Bộ Công an đã ra Kết luận điều tra bổ sung số 03/KLĐTBS, tiếp tục đề nghị truy tố ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Căn cứ:


- Điều 112 Bộ luật Tố tụng Hình sự về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra

- Điều 169 Bộ luật TTHS về đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án

- Điều 107 Bộ luật TTHS về những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự

Chúng tôi kiến nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra Quyết định đình chỉ vụ án vì những lý do sau đây:

1. Có vi phạm nghiêm trọng về mặt thủ tục trong giai đoạn điều tra

- Lệnh bắt khẩn cấp dựa trên chứng cứ được thu thập một cách bất hợp pháp. Chứng cứ đó là dữ liệu thuê bao Internet của ông Vinh và bà Thúy, bị Cục Bảo vệ Chính trị 6, Bộ Công an tiến hành theo dõi mà không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, xâm phạm nghiêm trọng quyền bí mật thư tín, điện tín, điện thoại và các hình thức thông tin điện tử của công dân.

- Lệnh bắt khẩn cấp không thỏa mãn điều kiện bắt khẩn cấp của BLTTHS

- Chứng cứ làm căn cứ luận tội được thu thập không đúng quy định pháp luật.

Căn cứ luận tội dựa trên kết luận giám định ngày 19/09/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây không phải là chứng cứ hợp pháp theo quy định tại Luật giám định tư pháp.

Chúng tôi đính kèm theo kiến nghị này bản Kiến nghị đình chỉ vụ án ngày 21/11/2014 của chúng tôi gửi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đã thể hiện đầy đủ các phân tích pháp lý liên quan đến các vi phạm tố tụng này.

2. Hành vi của ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy (nếu có) không cấu thành tội phạm

- Điều 258 Bộ luật Hình sự quy định như sau: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

- Nếu hành vi đăng tải 24 bài viết lên Internet mà Cơ quan An ninh Điều tra cáo buộc cho ông Vinh và bà Thúy là đúng sự thật, thì những hành vi này không cấu thành bất cứ hành vi phạm tội nào, bởi cho đến nay chưa có bất kỳ tổ chức, công dân nào phản ánh quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm do việc đăng tải các bài viết này; đồng thời, đại diện của Nhà nước là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chưa có bất kỳ tuyên bố nào nói rằng lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm.

Những lý do trên đây cho thấy vụ án đã được tiến hành một cách trái pháp luật, và không có hành vi phạm tội nào có thể được chứng minh thông qua bản Kết luận điều tra và Kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan An ninh Điều tra – Bộ Công an. Chúng tôi đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét vụ án một cách khách quan, vô tư và dựa trên căn cứ pháp luật.
Người làm đơn




LÊ THỊ MINH HÀ

Nơi nhân:
- Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình;
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang;
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng;
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng;
- Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình. 
Hai Kiến Nghị Đòi Đình Chỉ Vụ Án Blogger Nguyễn Hữu Vinh Reviewed by Unknown on 2/08/2015 Rating: 5 Hai kiến nghị của bà Lê Minh Hà đề nghị đình chỉ vụ án của chồng mình – blogger Nguyễn Hữu Vinh CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độ...

Không có nhận xét nào: