Hoàng Trường: Những nỗ lực ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm vẽ lại các đường biên giới trên biển khiến cho các nước láng giềng của nước này, và Mỹ, lo ngại về một cuộc chiến tranh. Nhưng liệu hành động gây hấn này phản ánh một chính phủ đang lớn mạnh về quyền lực – hay là một chính phủ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp?
Vùng biển bao quanh hòn đảo ở phần này của thế giới, từ cực Nam của bán đảo Triều Tiên tới quần đảo Indonesia, đã luôn đóng vai trò như một kiểu đường cao tốc mở về văn hóa, thương mại và di cư không ngừng. Trong những thời kỳ trước đây, các nhà sử học của khu vực này đã đi xa đến mức gọi đường thủy dài bao quanh cả Biển Hoa Đông lẫn biển Đông là Địa Trung Hải của Đông Á. Nhưng gần đây, người ta bắt đầu so sánh nó với phần khác của châu Âu theo cách đáng lo ngại hơn, một khu vực bị chia rẽ từng nổi tiếng là ngòi nổ dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất: bán đảo Balkan.
Với sự trắng trợn lớn hơn bao giờ hết, Bắc Kinh đã bắt đầu hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% vùng biển Đông, các vùng biển nằm trong cái mà Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn”, một di tích thuộc kỷ nguyên dân tộc chủ nghĩa đầu thế kỷ 20 của nước này, khi mà lần đầu tiên nó được phác họa để thể hiện quan điểm của Trung Quốc về những đặc quyền truyền thống của mình. Đường chín đoạn này không có được chỗ đứng quốc tế và phần lớn đã không được chú ý tới mãi cho tới gần đây khi Trung Quốc phục hồi lại nó. Giờ đây nó xuất hiện trong mọi tấm bản đồ của Trung Quốc. Kể từ năm 2012, nó đã được rập nổi trong các cuốn hộ chiếu mới cấp cho công dân nước này.
Cũng được biết đến là “đường lưỡi bò”, vì cái cách mà nó vươn ra từ bờ biển phía Nam của Trung Quốc, đường này “liếm trọn” một khu vực mà gần 40% thương mại thế giới và đại đa số dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua đó, qua Eo biển Malacca, giống như xuyên qua lỗ kim. Một nhận xét từ thế kỷ 16 – “Bất cứ ai làm chủ được Malacca sẽ nắm được yết hầu của Venice” – vẫn cho thấy tầm quan trọng hàng hải của khu vực này.
Nếu Trung Quốc có thể áp đặt ý chí của họ ở biển Đông, thì có ít nhất 5 bên tuyên bố chủ quyền đối thủ – tất cả đều là các nhà nước châu Á nhỏ và yếu hơn nhiều – sẽ bị giới hạn ở dải biển hẹp dọc theo những đường bờ biển của họ. Trung Quốc sẽ giành được an ninh lớn hơn cho những tuyến đường trọng yếu cung cấp dầu và các hàng hóa khác của mình; khả năng tiếp cận riêng biệt đối với những khu vực nhiều cá và những lớp trầm tích dầu lớn dưới biển đầy tiềm năng; một khu vực đệm lớn hơn nhiều chống lại cái mà nước này coi là sự xâm phạm của Hải quân Mỹ; và, không kém phần quan trọng, uy tín và vị thế mà nước này đã tìm kiếm từ lâu, trên thực tế trở thành bá quyền của Thái Bình Dương, và tự đặt mình vào vị thế có thể áp đặt đòi hỏi kéo dài hàng thập kỷ của nước này là Đài Loan chịu sự kiểm soát của nó. Có thể cho rằng Trung Quốc sẽ đạt được sự bành trướng lãnh thổ lớn nhất bằng bất kỳ sức mạnh nào kể từ sau khi đế chế Nhật Bản thôn tính những phần lớn của châu Á trong nửa đầu của thế kỷ 20.
Từ lâu người ta đã dự tính được sự bành trướng của Trung Quốc. Nhiều quan sát viên đã nói rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới, mà trong đó một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ dần dần tìm cách đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương, là không thể tránh khỏi. Bất kỳ một cuộc xung đột nào như vậy đương nhiên sẽ trở nên nguy hiểm bất cứ khi nào nó xảy ra, vì Mỹ có khả năng sẽ ra sức chống lại những nỗ lực này. Nhưng điều ngạc nhiên – và đáng lo ngại – là tiến trình cho cuộc xung đột này, hay ít nhất là giai đoạn bắt đầu của nó, dường như đã đẩy nhanh trong suốt gần hai năm qua. Một cách đột ngột và hung hăng, Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy các lợi ích quân sự của nước này trên khắp khu vực, khiến cho các nước láng giềng và Mỹ không kịp trở tay.
Kể từ giữa năm 2013, thoạt nhìn, Trung Quốc có vẻ đã cố ý gây hấn gần như bừa bãi ở mọi nơi xung quanh vành đai phía Đông của nước này. Tháng 7/2013, một đội tàu chiến của Trung Quốc, xuất phát từ một cảng ở phía Bắc, lần đầu tiên đã đi vòng quanh Nhật Bản. Bắc Kinh dường như đang gửi đi hai thông điệp: rằng nó đã sẵn sàng đương đầu với kẻ thù lịch sử của mình, và rằng Trung Quốc sẽ không còn bị kiềm chế bên trong cái mà nó gọi là Chuỗi đảo thứ nhất, chuỗi đảo kéo dài xuống bờ biển của Trung Quốc, ngăn cản khả năng tiếp cận dễ dàng của hải quân ra Thái Bình Dương mênh mông.
Ngay trước Lễ Tạ ơn năm 2013, Bắc Kinh đã bất ngờ đưa ra tuyên bố về một “Vùng nhận dạng phòng không”, khẳng định quyền kiểm soát không lưu trên những vùng trời ở phía trên vùng biển nằm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, không chỉ bao gồm các khu vực mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền, mà còn đối với các khu vực thuộc tuyên bố chủ quyền của Hàn Quốc, nước mà Trung Quốc thường có được các mối quan hệ “êm thấm”. Lầu Năm Góc, nơi cử máy bay giám sát thường xuyên bay qua khu vực này, ngay lập tức nói rằng họ sẽ phớt lờ sự khẳng định này của Trung Quốc; tuy nhiên, Mỹ thực sự đã khuyên các hãng hàng không thương mại tuân theo các quy định mới của Trung Quốc.
Chỉ vài ngày sau khi Vùng nhận dạng phòng không được tuyên bố, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, một con tàu mua lại từ Ukraine năm 1998 và mới được tân trang, đã bắt đầu cuộc hành trình trên biển đầu tiên của mình với một đội tàu tấn công đầy đủ của hải quân đi theo. Điều đó gần như là một sự tái hiện kinh điển chính sách ngoại giao pháo hạm từng được các quốc gia phương Tây thực hiện. Với một đội hộ tống gồm hai tàu khu trục và hai khinh hạm chống tàu ngầm, tàu Liêu Ninh hướng thẳng ra vùng biển Đông bị tranh chấp quyết liệt. Vào đầu tháng 12/2013, trước khi thậm chí có thể tiến vào khu vực tranh chấp gần Philippines và Việt Nam, một trong những con tàu hộ tống của Trung Quốc đã có một cuộc đối đầu nguy hiểm với tàu của Mỹ, tàu tuần dương Cowpens có trang bị hệ thống Aegis.
Tàu tuần dương của Mỹ khi đó đang theo dõi việc triển khai của tàu Liêu Ninh trong các vùng biển quốc tế, thì tàu của Trung Quốc đột ngột lao vào đường đi của tàu Cowpens và dừng ngay trước mũi tàu này, buộc Cowpens phải bẻ lái gấp nhằm tránh va chạm. Theo một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, lý do khiến tàu này không nhường đường một cách đầy bất thường là tàu Cowpens đã xâm phạm “lớp phòng thủ bên trong” của đội tàu hộ tống, một khu vực bất khả xâm phạm trước nay chưa từng nghe thấy bao trùm hơn 2.800 dặm vuông – tương đương với một nửa diện tích bang Connecticut. Sau sự cố này, Hải quân Mỹ đã bỏ công sức nhấn mạnh rằng không được phép coi việc Mỹ bẻ lái tránh va chạm là một tiền lệ. Đô đốc Samuel J. Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, nói: “Quân đội Mỹ, các lực lượng của tôi trong Khu vực chịu trách nhiệm (AOR) trên Thái Bình Dương sẽ hoạt động tự do trong các vùng biển quốc tế. Đó là điểm mấu chốt. Chúng tôi sẽ hoạt động ở đó… Và đó là thông điệp gửi tới tất cả các quân đội đang hoạt động tại khu vực đó”.
Tháng 1/2014, một đơn vị hải quân khác của Trung Quốc đã tuần tra bãi đá James shoal, một khu vực mà cả Đài Loan lẫn Malaysia đều tuyên bố có chủ quyền, tại đó đơn vị hải quân này đã tổ chức một lễ kỷ niệm trên tàu bị chỉ trích gay gắt mà trong đó các thủy thủ “tuyên thệ quyết tâm” bảo vệ các lợi ích trên biển của Trung Quốc.
Vào tháng 2/2014, ba tàu chiến của Trung Quốc tuần tra Ấn Độ Dương, lần đầu tiên chạy xuyên qua Eo biển Sunda nhỏ hẹp nằm giữa đảo Java và đảo Sumatra của Indonesia, và cuối cùng diễn tập, mà không hề thông báo trước, ngoài khơi vùng lãnh thổ của đảo Christmas thuộc Australia. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, không hài lòng về việc đồng minh lịch sử này của Mỹ vào năm 2011 đã cho phép Mỹ luân chuyển tới 2.500 lính thủy đánh bộ qua một căn cứ huấn luyện tại miền Bắc Australia, như là một phần của chiến lược “xoay trục” sang châu Á đã được Chính quyền Obama công bố, một sự dịch chuyển các tài sản quân sự của Mỹ sang Thái Bình Dương, và là một sự phản ánh tính trung tâm ngày càng tăng của khu vực này đối với kinh tế toàn cầu.
Những tháng tiếp theo đều duy trì một nhịp điệu tương tự, với những hành động khiêu khích của Trung Quốc, nếu có thì, ngày một mạnh mẽ hơn. Vào đầu tháng 5, khoảng 80 tàu của Trung Quốc, nghe nói gồm có 7 tàu hải quân, đã đi cùng với một giàn khoan thăm dò nước sâu trị giá 1 tỷ USD khi nó được lai dắt vào khu vực chỉ cách bờ biển của Việt Nam 120 hải lý và sẵn sàng hoạt động. Trung Quốc tuyên bố rằng giàn khoan này được triển khai bên trong vùng lãnh thổ biển của chính nước này, cho dù gần bờ biển của Việt Nam hơn – và cho dù vị trí này hoàn toàn nằm trong khu vực 200 hải lý của Việt Nam, một đường ranh giới được tất cả các nước ven biển công nhận là vùng đặc quyền kinh tế. Một cuộc “cưỡi ngựa đấu thương” đã diễn ra sau đó, kể cả việc các tàu của Trung Quốc dùng vòi rồng nhằm ngăn chặn các đối thủ của mình, và các vụ đâm va tàu ở cả hai phía. Cuối cùng, phải đối mặt với sức mạnh vô cùng nổi trội của Trung Quốc, Việt Nam thực chất buộc phải viện đến các cuộc phản kháng ngoại giao gây khó chịu. (Vào giữa tháng 7/2014, Trung Quốc tuyên bố rằng giàn khoan này đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và sẽ di chuyển đến đảo Hải Nam của Trung Quốc).
Trong suốt năm vừa qua, Trung Quốc cũng đã sử dụng các chiến thuật mang tính quân phiệt ít hơn nhưng không kém phần trắng trợn nhằm khẳng định quyền kiểm soát trên Thái Bình Dương – đáng chú ý nhất là bằng việc xây dựng các đảo nhân tạo tại các vùng biển tranh chấp bên ngoài quần đảo Trường Sa. Trên những đảo mới này và các mỏm đá xa xôi khác, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ và nhà ở cho các binh lính Trung Quốc. Nước này dường như hy vọng sử dụng sự hiện diện trên đảo của mình nhằm hỗ trợ và nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh chúng.
Dù những hành động khiêu khích này ban đầu có thể tỏ ra là muốn có hay không muốn có như thế nào đi nữa, cuộc đấu tranh mà Trung Quốc đã tiến hành để chi phối Tây Thái Bình Dương hoàn toàn không phải là bừa bãi. Thay vào đó, nó được hiểu đúng nhất là một kịch bản được dàn dựng công phu thành nhiều chương hồi. Chừng nào mà Trung Quốc còn có được cái mà họ muốn, thì những giai đoạn đầu có khả năng sẽ được diễn ra phần lớn tại biển Đông, nơi mà nước này có được sự khác biệt to lớn và ngày một tăng về sức mạnh so với các bên nhỏ hơn nhiều – Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Indonesia. Nhưng cuộc đấu tranh này cuối cùng sẽ trở nên trực diện hơn bao gồm cả Nhật Bản và vùng ngoại vi của nước này, nếu tính toán sai lầm không đưa cuộc xung đột đó lên đến đỉnh điểm sớm hơn. Trong suốt năm 2013, tác giả đã đi nhiều nơi trong khu vực, nói chuyện với các nhà ngoại giao và các nhà tư tưởng quân sự chủ chốt trong các nước láng giềng của Trung Quốc – những nước giờ đây đang đua nhau phản ứng trước những hành động xâm nhập của Trung Quốc – để biết được nhận thức của họ về việc mọi thứ có thể diễn ra như thế nào, và Mỹ có thể trở nên dính líu đến đâu, một cách cố ý hay không cố ý. Điều tiếp theo là nhận thức của họ về bàn cờ và nước cờ có thể có ở Thái Bình Dương – và ở đâu thì mọi thứ có thể có một bước ngoặt nguy hiểm.
Không có nhận xét nào: