'Dự Án Bauxite Không Lợi Gì Cho Đất Nước' - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 3, 2015

'Dự Án Bauxite Không Lợi Gì Cho Đất Nước'

BBC: Ảnh bên: Bộ Công Thương nói 'Đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD là vội vã, thiếu cơ sở",

Chuyên gia trong nước nói bất lợi của dự án bauxite trên Tây Nguyên là quá rõ nhưng xử lý thế nào là vấn đề phức tạp.

Ông Hà Huy Thành, cựu Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển Bền vững, nói với BBC hôm rằng "có thể nói đây là một dự án không có lợi gì cho đất nước lắm".
"Ngay từ hội thảo đầu tiên tại Đắc Nông thì chúng tôi cũng đã phát biểu rồi. Có hai mảng vấn đề. Một là về kinh tế và hai là tác động môi trường. Phần lớn các học giả đều phát biểu là không nên làm, nhưng cuối cùng chính phủ vẫn làm.
"Hiệu quả kinh tế thì rõ ràng là không có rồi. Còn về môi trường thì càng đào sâu thì càng tàn phá môi trường Tây Nguyên.

"Còn tác động xã hội thì dân cư bị di dời, đẩy sâu vào rừng hơn và có thể có những đảo lộn và tác động xã hội.

Ngay cả các nhà kinh tế từ Bộ Công thương cũng từng có ‎ ý kiến là dự án này không có lợi về kinh tế rồi. Thế nhưng chính phủ xét thấy có lợi thì chính phủ làm

Trả lời câu hỏi BBC về cái gọi là luận chứng khả thi trước khi thực hiện hiện dự án, ông Thành nói vấn đề là ai làm cái luận chứng khả thi đó.


“Ngay cả các nhà kinh tế từ Bộ Công thương cũng từng có ‎ ý kiến là dự án này không có lợi về kinh tế rồi. Thế nhưng chính phủ xét thấy có lợi thì chính phủ làm.

“Bây giờ thì sự việc như thế nào thì nó đã rõ quá rồi nhưng xử lý thế nào là vấn đề phức tạp. Không đơn giản là nói bỏ là bỏ hay nói làm là làm được nên theo tôi chắc là lại phải có các cuộc trao đổi khác để đi tới thống nhất, kể cả việc nếu làm thì sẽ làm tiếp thế nào và mở rộng đến đâu.

Nhận xét của ông Hà Huy Thành được đưa ra trong bối cảnh Bộ Công thương vừa phản hồi lại thông tin được đưa ra tại một cuộc tọa đàm về các dự án bauxite cuối tuần trước.

Tại cuộc tọa đàm này, ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc các dự án đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được truyền thông trong nước dẫn lời phân tích và kết luận rằng "nếu sản xuất đủ 660.000 tấn theo kế hoạch thì tổng lỗ năm 2015 của TVK sẽ khoảng 37,4 triệu USD".

"Bộ này đồng thời trích dẫn nhận định của đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các dự án bauxite có hiệu quả kinh tế và nhấn mạnh: Đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở",báo Thanh Niên đưa tin vào hôm 30/03.

Nhiều chuyên gia đã nhận định chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã “sập bẫy” của nhà thầu Trung Quốc, theo báo Tuổi Trẻ ra ngày 29/03.

“Ngày xưa, nói đến dự án bôxit Tây nguyên người ta lo về ảnh hưởng tới môi trường (bùn đỏ). Đến nhà máy alumina thì lo thêm vì hiệu quả kinh tế”, ông Nguyễn Thành Sơn được báo Tuổi Trẻ này dẫn lời.

Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên gây nhiều tranh cãi bấy lâu nay với tầng lớp trí thức tại Việt Nam từng mở một trang web mang tên bauxite chỉ để nói về các mối nguy hại của dự án này.

Bài 'Bô xít Tây Nguyên - Mọi con đường đều dẫn đến thua lỗ' của tác giả Tô Văn Trường đăng vào ngày 30/03 trên trang web này có đoạn:

Sau sự kiện chặt cây ở thủ đô Hà Nội, lấn sông Đồng Nai là hai vết nhơ khó rửa, người dân yêu cầu những người có trách nhiệm về dự án bô xit Tây Nguyên vượt lên chính mình, báo cáo trung thực với Thủ tướng và Nhà nước về các con số “biết nói” của dự án. Tô Văn Trường
"Thời gian gần đây, khi Thủ tướng đến thăm Tây Nguyên các cơ quan chức năng đã báo cáo vẽ lên bức tranh tươi sáng hiệu quả của hai dự án bô xit Tân Rai và Nhân Cơ kèm theo việc công ty Trần Hồng Quân tham gia xây dựng nhà máy luyện nhôm. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học phản bác lại luận điểm nói trên.

"....Với công nghệ, tư duy và quản lý hiện nay, dự án bô xít Tây nguyên còn thua lỗ dài lâu, hậu quả khó lường. Sau sự kiện chặt cây ở thủ đô Hà Nội, lấn sông Đồng Nai là hai vết nhơ khó rửa, người dân yêu cầu những người có trách nhiệm về dự án bô xit Tây Nguyên vượt lên chính mình, báo cáo trung thực với Thủ tướng và Nhà nước về các con số “biết nói” của dự án."

Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói với BBC rằng chính phủ Việt Nam nên dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên dù đã tốn tới "hai tỷ đôla" làm thí điểm.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC vào tháng 8/2014, ông Nguyên Ngọc nói nói "10 lý do" không nên làm bauxite mà ông và kỹ sư mỏ Nguyễn Thành Sơn đưa ra trong một bài viết phản đối khai thác bauxite "đang dần dần bộc lộ hết"

Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015.

Thủ tướng Việt Nam khi đó nói việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là 'chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước'.

Trong khi đó Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2011 nói "không có chủ trương cho Trung Quốc vào khai thác bauxite và đặc biệt chú ý về vấn đề quốc phòng và an ninh."
-------------

Phản biện của TS Nguyễn Thành Sơn về TKV

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-03-30


TS. Nguyễn Thành Sơn trình bày tại tọa đàm do Trung tâm Thiên nhiên và Con người (Pan Nature) tổ chức. Giaoduc.edu.vn

Vào ngày 28 tháng Ba vừa qua trong cuộc tọa đàm “Thiên nhiên và con người” do Pan Nature tổ chức TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng Sông Hồng của Than khoáng sản (TKV) cho rằng khai thác bauxite tại Tân Rai do TKV đang thực hiện sẽ lún sâu vào lỗ lã và TKV đã bị sập bẫy của nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên Bộ Công Thương, đơn vị chủ quản của TKV lại phản bác điều này. Mặc Lâm phỏng vấn TS Nguyễn Thanh Sơn để làm rõ vấn đề.

Mặc Lâm: Thưa TS hôm nay Bộ Công thương vừa cho báo chí biết là vào tháng 4 năm 2014 thì giá bán Alumina trên thế giới đã bước vào chu kỳ tăng. Điều này chống lại những gì mà TS nói trong buổi hội thảo vừa qua là TKV sẽ lỗ ít nhất là 37,4 triệu khi sản xuất 660 ngàn tấn Alumina. Xin TS cho biết ý kiến của ông về phản bác này.

TS Nguyễn Thanh Sơn: Chu kỳ nó có thể tăng nhưng giá bán nhôm thì nó không tăng. Giá bán nhôm từ 2012 tới năm 2014 thì lại giảm. Thông tin giá bán Alumina thì tôi không biết nhưng giá bán nhôm kim loại trên thị trường London từ 2012 đến nay lại giảm chứ không phải là tăng. Giá nếu tăng được như hiện nay thì vẫn cứ lỗ. Số đấy là con số tính theo TKV chứ không phải số của thị trường. Quan trọng nhất là giá thành, chi phí sản xuất. Cái giá này thì nói theo giá bán của TKV, kế hoạch của TKV chứ không phải là số của ai cả

Cái 660 nghìn đấy là bán với điều kiện giá bán được như dự kiến của TKV. Hạch toán đúng, hạch toán đủ thì chắc chắn là sẽ lỗ khoảng 37 triệu. Thế còn sản xuất mà không được 660 ngàn tấn thì còn lỗ nữa.

Mặc Lâm: Trong cuộc tọa đàm do Pan Nature tổ chức thì TS có nói là TKV đã mắc bẫy nhà thầu Trung Quốc, xin ông cho biết cụ thể hơn mắc bẫy là như thế nào ạ.

TS Nguyễn Thanh Sơn: Mắc bẫy thì thường là trong đấu thầu người ta đưa ra những con số rất là đẹp để cho người ta dễ thắng thầu, dễ được chọn thầu thế nhưng con số thực tế của người ta thì lại khác xa. Nói ví dụ như công suất, công suất của Tân Rai TKV yêu cầu là 650 nghìn tấn/năm nhưng thực tế bây giờ chỉ có 630 nghìn tấn và thậm chí TKV chưa cân đối công suất 630 ngàn tấn ấy vào trong kế hoạch của mình. Công suất thực tế thấp hơn rất nhiều so với hồ sơ dự thầu của người ta đấy là một cái bẫy rất lớn.

Hai nữa là một chỉ tiêu khác như tiêu hao nhiệt. Tiêu hao nhiệt người ta khai trong ấy rất thấp nhưng thực tế bây giờ lại rất cao, thậm chí cao ở cái mức bình quân của Trung Quốc là 17 Gig một tấn Alumina, như vậy là cao hơn mức bình quân của thế giới 3 tới 4 Meg và tính ra thiệt hại hàng trăm triệu tiêu hao nhiệt.

Lúc người ta đấu thầu, trong hồ sơ dự thầu người ta khai rất đẹp, người ta cam kết con số rất hay thế nhưng trên thực tế thì nó không đạt được như vậy. Như vậy cho thấy lúc chấm thầu, lúc xét thầu đã bỏ qua những sai lệch của người ta. Thường trong xét thầu phải làm rõ những sai lệch ấy. Phải trừ điểm hoặc phải cộng giá vào để so sánh.

Mặc Lâm: Thưa TS ông là một thành viên lãnh đạo của TKV trước đây và từng có rất nhiều bài viết quan tâm đến vấn đề Bauxite. Ông có nghĩ là một cuộc đối chất công khai với Bộ Công thương sẽ hữu ích đối với vấn đề minh bạch tất cả những gì mà TKV đang làm hay không?

TS Nguyễn Thanh Sơn: Về phần tôi thì tôi sẵn sàng và tôi tin ngoài tôi ra thì có nhiều người nữa cùng tham gia, cùng nêu ý kiến phản biện với Bộ Công thương, Chỉ sợ rằng Bộ Công thương không dám minh bạch không dám công khai tất cả mọi chuyện.

Một việc nhỏ mà Bộ Công thương vẫn không dám công khai tức là chi phí sản xuất hạch toán của dự án Tân Rai. Cho đến nay hạch toán như thế nào cũng không dám công khai. Đấy là ẩn số rất quan trọng: cái chi phí sản xuất. Lỗ là bằng chi phí trừ đi giá bán.

Không những tôi mà rất nhiều anh em cán bộ khoa học kỹ thuật sẽ có ý kiến phản biện nếu Bộ Công thương dám lật bài ngửa.

Mặc Lâm: Thưa TS theo chúng tôi biết thì dự án Bauxite đã được Bộ chính trị nhất trí và chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo thực hiện dự án này. Có bao giờ TS trực tiếp trình bày những lổ hổng của dự án Tân Rai cũng như Nhân Cơ cho Thủ tướng chính phủ hay chưa ạ, kể cả bằng thư hay kiến nghị?

TS Nguyễn Thanh Sơn: Thường trong các hội thảo thì tôi đều công khai hết và đều được đăng tải trên báo chí và những ai hỏi thì tôi sẽ trả lời thôi.

-Vâng nhưng thưa TS, Thủ tướng không thể theo dõi tất cả mọi cuộc hội thảo cũng như các bài báo mà TS phản biện vì công việc rất bộn bề, đó là chưa kể người ta cố tình dấu đi những thông tin ấy. Ông có nghĩ đã đến lúc ông cần trực tiếp cho Thủ tướng biết những gì đang xảy ra tại TKV và cụ thể là dự án Tân Rai hay không?

TS Nguyễn Thanh Sơn: Tôi nghĩ cũng có lẽ đến lúc phải báo cáo trực tiếp để Thủ tướng nghe cho nó khách quan. Bây giờ TKV đang dấu rất nhiều vấn đề. Nói ví dụ như sau khi đưa dự án Tân Rai vào hoạt động hơn môt năm nay rồi mà quyết toán vẫn chưa quyết toán, khấu hao vẫn chưa khấu hao tức là vẫn treo những chi phí rất vô lý ở đấy cho nên mới tạo ra cái lãi giả mà thực chất là lỗ thật, mà Thủ tướng thì nên biết sự thật.

Chứ còn họ nói “sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó” bằng cách bán với cái giá bèo như thế thì làm gì chẳng “sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó”? Vấn đề là có lãi hay không, hạch toán có đủ hay không? Việc ấy thì chắc Thủ tướng không biết, không để ý. Theo tôi thì nên có những cuộc hội thảo để các nhà khoa học nói cho nó hết mọi lẽ để Thủ tướng có được đầy đủ thông tin đa chiều.

Mặc Lâm: Xin TS một câu hỏi cuối, theo kinh nghiệm mà ông đã từng góp phần điều hành TKV nếu theo đà này thì hậu quả mà ông thấy gần nhất sẽ mang tới cho đơn vị này là gì?

TS Nguyễn Thanh Sơn: Theo dự kiến của tôi thì bản thân Tân Rai này sẽ gây ảnh hưởng tới TKV mà TKV thì sẽ gây ảnh hưởng đến ngành than, mà ngành than là công nghiệp lâu năm của Quảng Ninh bây giờ đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu TKV cứ lún sâu vào hai dự án Tân Rai này thì sẽ khó gỡ, ngành than sẽ sớm đóng cửa hơn thôi.

Ngành than đang đi xuống bây giờ cộng thêm hai cái Alumina của Tân Rai và Nhân Cơ nữa thì chắc là rất khó phát triển nếu không muốn nói là đóng cửa sớm. Đấy là điều mà từ trước tới nay chúng tôi lo lắng. Lo cho ngành than là chính chứ còn Bauxite thì đến một chừng mực nào đấy thì có thể đóng cửa nhưng mà nếu kéo dài tình trạng này thì ngành than không thể gánh nỗi. Cách hạch toán của TKV hiện nay là đang lấy than bù lỗ cho Bauxite

Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.
'Dự Án Bauxite Không Lợi Gì Cho Đất Nước' Reviewed by Unknown on 3/30/2015 Rating: 5 BBC: Ảnh bên: Bộ Công Thương nói 'Đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD là vội vã, thiếu cơ sở"...

Không có nhận xét nào: