James Steinberg & Michael O’Hanlon: Trong cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tháng 6 năm ngoái tại California, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia. Kể từ đó, những diễn đàn đối thoại chính thức mới đã được tổ chức (điển hình là những cuộc đối thoại quân đội trực tiếp được bộ trưởng quốc phòng hai nước tuyên bố gần đây), nhằm bổ trợ cho các diễn đàn có sẵn như Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (với sự tham gia của các quan chức ngoại giao và kinh tế hàng đầu của hai nước). Nhưng bất chấp những nỗ lực đó, lòng tin giữa Washington và Bắc Kinh nói riêng – và giữa hai quốc gia nói chung – vẫn còn rất thấp, và khả năng xảy ra xung đột ngẫu nhiên hoặc có chủ đích giữa Mỹ và Trung Quốc có vẻ đang gia tăng. Xét tới những phí tổn khổng lồ mà một cuộc xung đột như vậy có thể sẽ mang lại cho cho cả hai phía, việc tìm ra cách để ngăn chặn được nó là một trong những thách thức quốc tế quan trọng nhất cho những năm và những thập kỷ sắp tới.
Có thể dễ dàng kể đến những nhân tố đang bào mòn lòng tin. Bối cảnh an ninh và kinh tế Đông Á đang trải qua thay đổi to lớn mang tính kiến tạo, chủ yếu bắt nguồn từ sự trỗi dậy kinh tế vượt trội của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây. Phép màu kinh tế đó đã giúp Trung Quốc có thể gia tăng năng lực quân sự và nâng tầm vai trò chính trị trong và ngoài khu vực. Giới lãnh đạo và các chiến lược gia nổi bật của Trung Quốc đang gắng sức quả quyết rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ diễn ra trong hòa bình và không đe dọa đến các nước láng giềng hay trật tự chính trị và kinh tế quốc tế đang tồn tại. Nhưng nhiều thành viên trong cộng đồng thế giới vẫn tỏ ra lo ngại và thậm chí hoài nghi, do nhận thức rõ rằng trong lịch sử và lý thuyết quan hệ quốc tế có rất nhiều ví dụ về những xung đột nổ ra từ những va chạm giữa một cường quốc thống trị và một cường quốc đang trỗi dậy.
Hơn nữa, những hoài nghi đó lại được khích động thêm bằng chính những hành động gần đây của Trung Quốc, từ những hoạt động hàng hải cứng rắn trên biển Hoa Nam (biển Đông) và biển Hoa Đông cho tới việc đơn phương tuyên bố thiết lập một “vùng nhận dạng phòng không” xung quanh quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku) trên biển Hoa Đông. Và những nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ đang ngày càng thêm lo ngại về lộ trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và học thuyết “chống tiếp cận, chống xâm nhập” (Anti-Access/Area-Denial hay A2/AD), được họ coi như là một nỗ lực được che đậy yếu kém của Trung Quốc nhằm làm suy yếu khả năng bảo vệ các lợi ích và hỗ trợ cho những cam kết liên minh của Hoa Kỳ ở phía Tây Thái Bình Dương.
Cùng lúc đó, chính quyền Obama cũng đang tích cực xúc tiến kế hoạch tái định hướng chiến lược của họ, còn gọi là “xoay trục” hay “tái cân bằng” sang Châu Á. Họ khẳng định rằng động lực của họ là tăng cường sự ổn định trong khu vực nhằm phục vụ lợi ích của tất cả các bên, thay vì bao vây và đe dọa Trung Quốc. Nhưng có rất ít quan chức Trung Quốc, đặc biệt trong giới quân đội và an ninh quốc gia, tin là như vậy. Họ cũng nghiên cứu lịch sử và lý thuyết quan hệ quốc tế của mình và kết luận rằng giống như hầu hết những cường quốc thống trị trước đây, Hoa Kỳ cũng quyết tâm duy trì vị thế bá chủ của mình, làm cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc và khiến nước này dễ bị tổn hại. Để chứng minh rằng Mỹ có hung ý, họ chỉ ra việc Hoa Kỳ tăng cường năng lực [quân sự] như mở rộng khả năng phòng vệ tên lửa khu vực; xây mới và tăng cường sắp đặt các căn cứ ở Australia, Guam và Singapore; tiến hành các cuộc diễn tập quân sự và do thám gần lãnh thổ Trung Quốc trong thời gian gần đây, cũng như duy trì các liên minh an ninh đã có từ thời Chiến tranh Lạnh. Và, như họ khẳng định, thì cách lý giải hợp lý duy nhất cho khái niệm quân sự mới nổi của Mỹ – “tác chiến không– biển” (“air-sea battle”) – là mong muốn cưỡng ép Trung Quốc bằng cách đe dọa nước này với một cuộc tấn công phủ đầu mạnh mẽ và dứt khoát.
Do sự không chắc chắn bao trùm lên tương lai an ninh của Châu Á, hành động của mỗi bên đều có thể được hiểu và hợp thức hóa thành các biện pháp phòng ngừa khả năng thù địch hay gây hấn trong tương lai từ bên còn lại. Nhưng chính cách tư duy duy lý ngắn hạn như vậy lại có thể tạo ra thêm sự ngờ vực và mất tin tưởng lâu dài, khiến cho lời tiên đoán về xung đột trong tương lai tự trở thành hiện thực – chính vì vậy, việc tìm ra biện pháp tối ưu để giải quyết hay giảm thiểu một thế lưỡng nan an ninh kinh điển như vậy là vô cùng quan trọng.
Một cách để ngăn ngừa những xung đột không cần thiết là giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ những nhận thức sai lầm. Những nhận thức này có thể xuất phát từ hai hướng khá đối lập: từ việc một bên nhìn nhận ra một mối đe dọa [từ bên kia] trong khi không có, hoặc không tin vào việc bên kia chỉ có ý định bảo vệ lợi ích của mình. Điều này nghĩa là thách thức thực tế cho cả Washington và Bắc Kinh là xua tan những nỗi sợ hãi không có thật trong khi duy trì khả năng răn đe bằng những đe dọa thực sự khi cần thiết. Điều đáng mừng là cả lịch sử và lý thuyết đều cho thấy 4 công cụ có thể hữu ích trong việc này: kiềm chế, có đi có lại, minh bạch và linh hoạt.
Kiềm chế là sẵn lòng từ bỏ những hành động có thể củng cố an ninh của mình nhưng đồng thời sẽ mang vẻ đe dọa một bên nào đó. Có đi có lại là sự phản ứng tương xứng của một bên trước những hành động của bên kia – trong trường hợp này, đó là một dấu hiệu cho thấy sự kiềm chế được hiểu là nhẫn nhịn (thay vì yếu kém) và được phản hồi bằng thi đua thay vì lợi dụng. Sự minh bạch giúp trấn an nỗi sợ hãi rằng những động thái mang vẻ tích cực của đối phương che dấu những ý định thù địch khác. Và sự linh hoạt cung cấp một biên độ an toàn trong việc giữ cho khủng hoảng khỏi leo thang và giúp các bên dễ dàng hơn trong việc cố gắng bắt đầu quá trình kiềm chế, có đi có lại và minh bạch hóa. May thay cho các bên là, có rất nhiều những biện pháp thực tiễn mà cả Washington và Bắc Kinh có thể áp dụng vào chính sách an ninh quốc gia của mình nhằm gia tăng lòng tin và làm giảm nguy cơ xung đột.
Tư duy theo cách thông thường
Từ góc độ của Washington, điều không rõ ràng nhất về những dự định tương lai của Trung Quốc bắt nguồn từ sự gia tăng nhanh chóng và vững chắc về chi tiêu quân sự của Trung Quốc, và cùng với nó là sự đầu tư vào các loại vũ khí thông thường cao cấp, tạo ra thách thức cho năng lực của Hoa Kỳ. Quả thực là mức chi tiêu quân sự hiện tại của Trung Quốc theo những đánh giá rộng rãi nhất– ở mức xấp xỉ 200 tỉ USD hàng năm, hay khoảng 2% GDP – vẫn chỉ chưa bằng một phần ba so với chi tiêu của Mỹ (hiện nay là 600 tỉ USD một năm, hay 3,5% GDP). Ở mức tăng trưởng hiện tại, ngân sách quân sự hàng năm của Bắc Kinh sẽ không thể bằng với mức của Washington cho tới tận năm 2030. Và thậm chí đến lúc đó, Hoa Kỳ vẫn có thể dựa vào kho dự trữ vũ khí hiện đại, kinh nghiệm chiến đấu trong nhiều năm và chi tiêu của đồng minh cũng như các đối tác (hiện nay vào khoảng 400 tỉ hàng năm).
Nhưng nếu Trung Quốc muốn xoa dịu những e sợ từ quốc tế và ra hiệu rằng mục tiêu của họ là tự vệ chính đáng thay vì vươn sức mạnh ra bên ngoài và đe dọa các quốc gia khác, nước này có thể thực hiện nhiều bước đi mang tính xây dựng. Biết rằng chi tiêu của Mỹ không chỉ dành vào năng lực ở Châu Á mà còn trên toàn thế giới, sẽ là hợp lý khi cho rằng Trung Quốc có thể tự vệ thích đáng chỉ với khoảng một nửa số chi tiêu mà Hoa Kỳ bỏ ra. Bằng cách giảm tỉ lệ gia tăng ngân sách quân sự trong những năm tới, Trung Quốc có thể ra hiệu rằng mục tiêu của họ là chỉ tự vệ thay vì đạt được cân bằng tuyệt đối. Và Trung Quốc cũng có thể hạn chế mua các hệ thống vũ khí (như các loại tên lửa đạn đạo chống tàu tầm xa), những vũ khí mà mục đích sử dụng của chúng có vẻ trái ngược với khẳng định rằng nước này hoan nghênh sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt nếu được mua với số lượng lớn. Rộng hơn nữa, Trung Quốc có thể minh bạch hơn về ngân sách và chi tiêu quân sự, và làm sáng tỏ hơn những mục tiêu của học thuyết A2/AD của họ.
Về phần mình, Hoa Kỳ có thể từng bước chứng minh rằng quá trình hiện đại hóa lực lượng quân sự thông thường của nước này không nhằm đe dọa những lợi ích an ninh chính đáng của Trung Quốc. Một biểu hiện của sự kiềm chế như vậy là việc ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ đang suy giảm. Nhưng trong việc này, Washington vẫn có thể làm được nhiều hơn, điển hình như làm rõ mục đích của khái niệm “tác chiến không- biển”, đổi tên nó thành “chiến dịch không- biển” (“air-sea operations”), đưa thêm các quân chủng khác tham gia vào chính sách châu Á của Hoa Kỳ bên cạnh hải quân và không quân, và thay đổi một số điểm mang “hàm ý công kích” trong học thuyết không-biển của họ, những điểm có vẻ trực tiếp đe dọa đến khả năng chỉ huy-kiểm soát cũng như các tài sản chiến lược của Trung Quốc với một đòn tấn công phủ đầu ngay từ đầu nếu xung đột diễn ra. Để những thay đổi trong học thuyết như vậy đáng tin hơn, Hoa Kỳ có thể ngừng thu mua thêm tên lửa đạn đạo điều khiển từ xa và máy bay ném bom chiến lược, những vũ khí nếu mua với số lượng lớn có thể được xem như đe dọa đến sự tồn tại của Trung Quốc. Bằng việc triển khai những khí tài thông thường một cách đa dạng mà không phụ thuộc quá nhiều vào sự leo thang sớm (bao gồm những căn cứ vững chắc hơn và những tài sản khó bị phá hủy hơn trong một cuộc tấn công), Washington có thể góp phần làm giảm khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang Mỹ-Trung và nguy cơ nổ ra xung đột trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng.
Từ vũ trụ tới không gian ảo
Biện pháp xây dựng lòng tin nổi bật nhất trong Chiến tranh Lạnh là những thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược mà, dù gặp một số vấn đề, cuối cùng đã giúp Washington và Moscow tăng cường ổn định trước khủng hoảng và hạn chế chạy đua vũ khí hạt nhân tiến công và phóng vệ. Vì nhiều lý do, những thỏa thuận kiểm soát vũ khí chính thức sẽ không phù hợp với quan hệ Mỹ-Trung hiện nay như với quan hệ Mỹ-Liên Xô, thậm chí trong một số trường hợp có thể phản tác dụng. Tuy nhiên, có một số giải pháp trong lĩnh vực vũ khí đặc biệt có thể làm giảm nghi ngờ giữa hai bên và khả năng leo thang xung đột vô ý hay xung đột quá sớm.
Lấy ví dụ về vấn đề không gian vũ trụ. Biết được sự phụ thuộc sâu sắc của Hoa Kỳ vào vệ tinh cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự, các nhà hoạch định Trung Quốc rõ ràng đang cân nhắc làm thế nào để vô hiệu hóa những lợi thế mà vũ trụ mang lại cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ. Nhưng chính vì sự phụ thuộc này, Hoa Kỳ sẽ buộc phải hành động mạnh mẽ và nhanh chóng nếu tin rằng những vệ tinh của mình đang gặp nguy hiểm, khiến cho khó có thời gian để tìm bằng chứng hay các biện pháp ngoại giao để ngăn chặn khủng hoảng. Vì lý do này, Washington bắt buộc phải có các biện pháp tăng cường an ninh cho những tài sản vũ trụ của mình, và những biện pháp này cũng sẽ được Bắc Kinh chú ý hơn, do dần dần họ cũng sẽ nâng cao năng lực vũ trụ của mình. Không có gì đảm bảo được sự an toàn tuyệt đối trong vũ trụ, do mỗi vệ tinh dân sự điều khiển được đều có khả năng phá hủy một vệ tinh khác. Nhưng bằng việc áp dụng các biện pháp như thỏa thuận giữ khoảng cách an toàn xung quanh các vệ tinh, các chuẩn mực hành xử vẫn có thể được thiết lập nhằm hợp thức hóa việc sử dụng vũ lực để tự vệ mà không bị coi là khiêu khích. Ở đây sự linh hoạt cũng là quan trọng, vì Hoa Kỳ sẽ cần có những hệ thống vũ trụ và trên không có số dư dự phòng để bù đắp cho tình trạng dễ bị tổn thương không thể tránh khỏi.
Tương tự, Hoa Kỳ và Trung Quốc, và lý tưởng nhất là cùng các quốc gia khác, có thể đồng ý thông qua một hiệp ước ngăn cấm va chạm hoặc các vụ nổ có thể sinh ra những mảnh vỡ trên độ cao xấp xỉ 1.000 dặm trong không gian, tại vùng mà những vệ tinh tầm thấp thường xuyên hoạt động. Khu vực này đã có nhiều mảnh vỡ đến mức có thể làm cho những hoạt động vũ trụ trong tương lai trở nên nguy hiểm, và do những thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa thường diễn ra ở cao độ thấp hơn, thỏa thuận như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích mà gần như không có bất lợi nào. Cả hai bên cũng có thể thỏa thuận không phát triển hoặc thử nghiệm các vũ khí chống vệ tinh hoặc các vũ khí không đối đất. Tất nhiên, chỉ hạn chế thử nghiệm sẽ không loại trừ khả năng sử dụng các loại vũ khí này, nhưng chúng có thể làm giảm đi mức tự tin vào chúng của mỗi bên, cũng như làm giảm sự sẵn lòng đầu tư và phụ thuộc vào những vũ khí đó, vốn được coi là có thể gây bất ổn lớn trong khi chưa chắc đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Sự kiềm chế có thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường lòng tin trong lĩnh vực hạt nhân. Ví dụ, việc Trung Quốc vẫn còn kiềm chế triển khai vũ khí hạt nhân cho đến nay càng khẳng định rằng học thuyết về [vũ khí] hạt nhân của nước này mang tính phòng vệ. Tương tự, việc Hoa Kỳ kiềm chế không triển khai một lượng lớn hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo vốn có thể vô hiệu hóa khả năng trả đũa của Trung Quốc củng cố thêm cho việc Mỹ có ý định phòng thủ. Kể cả khi không được chính thức hóa, việc tiếp tục kiềm chế như vậy vẫn giúp xây dựng niềm tin, điều có thể được củng cố nếu hai bên thông qua Hiệp ước Cấm Thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện cũng như thực hiện những cơ chế xác minh đi kèm.
Các biện pháp như trên có thể được tăng cường nhờ những thỏa thuận minh bạch như cơ chế “vùng trời mở”, giúp cho sự kiềm chế của hai bên đáng tin hơn nữa. Cơ chế này có thể được xây dựng dựa trên thỏa thuận giữa Hoa Kỳ, Nga và các nước thuộc NATO và Khối Hiệp ước Warsaw trước đây trong việc tiến hành những chuyến bay qua lãnh thổ của nhau (khoảng 100 chuyến bay mỗi năm) theo một hiệp ước có từ đầu những năm 1990. Các nước đều biết cách bảo vệ những bí mật quan trọng trước những chuyến bay của nước ngoài qua lãnh thổ của họ, vì thế thỏa thuận trên không phải là điều đáng quan ngại cho an ninh của mỗi nước. Nhưng một hiệp ước như vậy có thể xoa dịu sự bực bội của Bắc Kinh trước các chuyến bay do thám thường xuyên của Hoa Kỳ gần đường bờ biển Trung Quốc. Thậm chí, như cựu Cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski đã đề xuất, [Hoa Kỳ] có thể cắt giảm số lượng những chuyến bay do thám này một cách vừa phải – một biện pháp rất đáng cân nhắc, đặc biệt nếu Trung Quốc sẵn lòng đáp lại bằng việc tăng cường tính minh bạch.
Không gian mạng là vấn đề đặc biệt khó khăn. Cũng như trong vấn đề vũ trụ, sự phụ thuộc cao của Hoa Kỳ vào cơ sở hạ tầng mạng ảo chính là một điểm yếu và đặt ra áp lực phải nhanh chóng đáp trả trước mọi cuộc tấn công, thậm chí trước khi nguồn gốc của cuộc tấn công được làm rõ. Cùng với đó, sự tập trung của Mỹ dành cho “phòng thủ chủ động” đối với các cơ sở hạ tầng này trong thời gian gần dây dường như ám chỉ rằng Washington sẵn lòng tấn công nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa có thể xuất hiện, bất chấp mối nguy hiểm từ các hành động leo thang trả đũa.
Có rất nhiều lý do để tin rằng ít có khả năng cả Washington và Bắc Kinh sẽ nhắm vào các cơ sở hạ tầng mạng của nhau, trừ khi cả hai đứng bên bờ vực xung đột lớn. Sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau của hai nước chí ít cũng bảo vệ cả hai khỏi khả năng bị tấn công bất ngờ. Nhưng những bên khác, bao gồm cả các chủ thể phi quốc gia như các phần tử khủng bố hoặc tin tặc, có thể chủ định làm giả những cuộc tấn công như vậy nhằm kích động một cuộc khủng hoảng hay thậm chỉ là chiến tranh. Chính vì lý do đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc nên đồng ý cùng hợp tác điều tra các vụ tấn công mạng “nặc danh”, tạo dựng tính minh bạch và cam kết có uy tín nhằm tránh nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng dân dụng của mỗi bên. Đồng thời, sự linh hoạt là đặc biệt quan trọng trong vấn đề không gian mạng, vì các nước càng khắc phục được những điểm yếu của mình trước các cuộc tấn công bất ngờ thì họ càng có nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân thực sự của vấn đề và làm giảm nguy cơ leo thang xung đột ngoài ý muốn.
Nguồn: James Steinberg & Michael O’Hanlon (2014), “Keep Hope Alive: How to Prevent U.S.-Chinese Relations From Blowing Up”, Foreign Affairs, Vol. 93, No. 4, pp. 107-117.
Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Lê Hoàng Giang
Theo: Nghiên Cứu Quốc Tế
Không có nhận xét nào: