Biển Đông: Bất Đồng Giữa G7 Và Trung Quốc Trầm Trọng Hơn - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 6, 2015

Biển Đông: Bất Đồng Giữa G7 Và Trung Quốc Trầm Trọng Hơn

Tuyên bố chung của Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 (bao gồm: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật) nhấn mạnh rằng, nhóm này chống mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Tuy không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc nhưng ai cũng biết tuyên bố vừa kể nhắm vào Trung Quốc - quốc gia vốn đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì vừa mở rộng các đảo đã chiếm của các quốc gia khác, vừa bồi đắp bảy bãi đá thành đảo nhân tạo và đang xây dựng một chuỗi căn cứ quân sự nhằm khống chế Biển Đông.

Trong tuyên bố chung lần này, G7 còn bày tỏ sự lo ngại về an ninh của biển Hoa Đông vì các chiến hạm, tàu bè của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào khu vực Senkaku - quần đảo mà Nhật đang kiểm soát nhưng Trung Quốc vẫn tuyên bố là có chủ quyền và đã đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không hồi 2013.

Nhóm bảy cường quốc công nghiệp (G7) khẳng định sự cương quyết chống việc hăm dọa, cưỡng ép bằng vũ lực tại các vùng biển Châu Á và kêu gọi tất cả các bên có liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền tôn trọng luật pháp quốc tế.

Dẫu không bị chỉ trích trực diện, Trung Quốc đã phản ứng ngay lập tức. Tuyên bố chung vừa được phát hành sau khi Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 kết thúc, bị Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc xem là “hoàn toàn sai sự thật.”

Trước đó, khi Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 khai mạc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã từng cảnh báo G7 rằng, không quốc gia nào có quyền can thiệp vào Biển Đông.

Đối chiếu tuyên bố chung của Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 lần này với tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 phát hành hồi tháng 4 vừa qua, có thể thấy, G7 đã lựa chọn thái độ mạnh mẽ, cứng rắn hơn đối với thái độ cũng như hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nói riêng và Châu Á nói chung.

Cách nay hai tháng, khi phát hành tuyên bố chung, các ngoại trưởng của G7 chỉ bày tỏ sự lo ngại về những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông vì những hoạt động đó khiến tình hình an ninh trong khu vực này thêm căng thẳng.

“Sự lo ngại” cách nay hai tháng giờ trở thành “cương quyết chống.”

Người ta tin rằng, thái độ của G7 chắc chắn sẽ tác động không chỉ đến thái độ và hành động của cả Hoa Kỳ lẫn Nhật - hai thành viên của G7 mà còn tác động đến thái độ và hành động của một số quốc gia khác.

Sau hội nghị của các ngoại trưởng G7 hồi tháng 4, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ đưa phi cơ, chiến hạm đến tuần tra tại Biển Đông. Nhật loan báo dự định tương tự. Singapore giới thiệu dự định sẽ phối hợp với Indonesia và Malaysia để thực hiện các chuyến tuần tra chung tại Biển Đông nhằm chống cướp biển. Liên Âu và Úc khẳng định quyền tự do lưu thông cả trên biển lẫn trên không ở Biển Đông là bất khả xâm phạm.

Philippines kêu gọi cộng đồng quốc tế kiềm chế Trung Quốc để tránh một cuộc chiến tranh thế giới mới vì Trung Quốc hiện nay chẳng khác gì nước Đức thời Quốc xã (thập niên 1930 - thập niên 1940).

Gần đây nhất, Malaysia - một trong bốn thành viên ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông nhưng trước nay, vẫn tìm cách né tránh, không đối đầu với Trung Quốc - vừa chính thức phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Malaysia. (G.Đ)
-------------
* Hình: Lãnh đạo các quốc gia thành viên G7. (Hình: Getty Images)
Biển Đông: Bất Đồng Giữa G7 Và Trung Quốc Trầm Trọng Hơn Reviewed by Unknown on 6/10/2015 Rating: 5 Tuyên bố chung của Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 (bao gồm: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật) nhấn mạnh rằng, nhóm này chống mọi hành độn...

Không có nhận xét nào: