Những vụ án mạng, những vụ vi phạm nhân quyền liên tục xảy ra trong những ngày qua làm cho “dân mạng lề trái” cuốn hút vào để chuyển tin, chia sẻ, nhận định... Tuy nhiên, bên cạnh những vụ việc thông tin được thổi bùng lên, thì có những vụ việc lại bị thờ ơ. Điều tôi muốn nói, đó là vụ thảm sát tại Nghệ An làm chết 4 người trong một gia đình và vụ việc gần 20 bạn trẻ tại Sài Gòn mặc áo in hình zombie bị an ninh ngăn chặn, bắt đem đi và có người chưa biết hiện đang bị giam ở đâu.
So với vụ thảm sát tại Bình Phước làm chết 6 người trong một gia đình (07.7), với vụ thảm sát xảy ra trước đó (02.7) tại Nghệ An làm chết 4 người cũng trong một gia đình, thì nỗi đau, tính chất man rợ chẳng kém là bao. Điều khác có chăng giữa hai vụ thảm sát này là gia thế của hai gia đình nạn nhân: vụ thảm sát tại Bình Phước xảy ra với một gia đình đại gia buôn gỗ, còn vụ thảm sát tại Nghệ An xảy ra với một gia đình nghèo xác xơ, nơi vùng núi xa xôi hẻo lánh (bản Phồng, xã Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An).
Với vụ thảm sát xảy ra tại Bình Phước, thông tin xuất hiện liên tục trên báo mạng, các status, comment của facebook. Ngược lại, vụ thảm sát xảy ra tại Nghệ An rất ít người quan tâm nhắc tới. Cũng vài người nhắc, kêu gọi quan tâm tới họ, nhưng dường như vụ thảm sát này không “mặn mà” để mọi người viết status, shares hay comment.
Thiết nghĩ, lúc này trên báo mạng và các diễn đàn của “giới bàn phím lề trái” quan tâm đến vụ việc tại Bình Phước là cần thiết, vì diễn biến của vụ án đang dần hé lộ những mâu thẫu mà hai thanh niên được cho là người gây án và gia đình của họ có khả năng trở thành người chịu oan sai. Tuy nhiên, khi lên tiếng và nói về vụ thảm sát tại Bình Phước thì cũng đừng quên vụ thảm sát tại Nghệ An. Bốn người trong gia đình này thực sự là người nghèo. Một trong bốn người chết có một bé trai mới tám tháng tuổi. Họ không được ông to cỡ như Bộ trưởng công an đến viếng như ông đã đến viếng các nạn nhân ở Bình Phước. Và nếu có tìm ra hung thủ, chắc chắn cũng chẳng có vị đại gia nào đó đứng ra thưởng cả tỷ đồng cho Ban chuyên án. Gia đình nạn nhân vụ thảm sát ở Nghệ An nghèo, và dường như những người cảm thương, đau xót cho số phận của họ cũng nghèo. Hãy lên tiếng cho họ. Nói về nỗi đau của họ để chia sớt và cầu nguyện cho hương hồn họ.
Đối với gần 20 người trẻ mặc áo in hình zombie tập trung tại phố Nguyễn Huệ, Quận 1, Sài Gòn vào tối ngày 11.7 vừa qua, trên website Dân Luận và FB Việt Tân cho biết: những bạn trẻ này rủ nhau mặc áo in hình zombie tới phố Nguyễn Huệ để chụp ảnh thì đã bị an ninh, công an mật vụ bắt đi. Đến sáng ngày 13.7 những người trẻ này đã được thả. Riêng anh chàng có tên Nguyễn Thanh Tước, tên facebook là Nguyễn Phi thì vẫn bị câu lưu. Chiều ngày 13.7, năm công an áp tải anh này về nhà để lục soát áo zombie và lấy đi máy tính. An ninh không cho Nguyễn Phi nói chuyện với gia đình. Họ áp tải Nguyễn Phi về rồi lại dẫn anh đi.
Cần biết một chút về phong trào zombie này. Biểu tượng zombie là cái đầu lâu người với hộp sọ rỗng, hai con mắt một to một nhỏ. Biểu tượng ấy muốn chuyền tải thông điệp “hãy thông não và mở to mắt” để hiểu và nhìn sự thật về xã hội Việt Nam.
Nói về nguồn gốc phong trào zombie hiện nay, Dân Luận cho biết: “Sau khi tung ra bản ráp #DMCS vào tháng 1/2015, Nah aka Nguyễn Vũ Sơn đã kêu gọi sử dụng avatar #ZombieNguyen trên FB làm biểu tượng nhận diện các bạn trẻ đồng chí hướng.” Và phong trào này “không được lãnh đạo bởi một cá nhân nào”. Phong trào “ được nuôi bằng sự bất mãn, căn ghét của người dân đối với chế độ”.
Nhận định về phong trào zombie, trên Dân Luận viết: “Với người lớn tuổi thì #DMCS dường như hơi nặng nề, dung tục và khó lôi kéo được những người có liên quan đến ĐCSVN tham gia vào phong trào vì nó trực diện thóa mạ quá khứ của nhóm này. Tuy nhiên, về phía giới trẻ thì họ cho rằng #DMCS có hiệu ứng "cool" cần thiết để lan tỏa, và nó cũng đồng thời thể hiện tâm trạng bất tuân xã hội của họ.”
Việc những người trẻ này bị ngăn chặn và câu lưu cách tùy tiện đã xảy ra đến nay là ngày thứ 3, nhưng thông tin về họ thực sự ít so với những vụ an ninh câu lưu, bắt giam thành viên các nhóm xã hội dân sự trước đây. Có thể những người trẻ này không dấn thân như “các nhà dân chủ”, họ không thuộc nhóm, tổ chức nào nên ít người lên tiếng bênh vực và thông tin về họ, về vụ việc họ bị ngăn cản, câu lưu bất hợp pháp. Tuy nhiên, đừng quên lên tiếng bênh vực những người trẻ này. Họ là những người thực sự đã không thờ ơ với hiện tình dân tộc theo cách thức của người trẻ.
Viết vài dòng về vụ thảm sát tại Nghệ An và những người trẻ phong trào zombie bị ngăn chặn, câu lưu, tôi chỉ muốn mời gọi mọi người: Giữa bao vụ việc xảy đang xảy ra, đừng quên người nghèo, đừng thờ ơ với người trẻ!
Không có nhận xét nào: