Chính quyền Việt Nam sẽ phải đối diện với những sức ép khác trong quá trình gia nhập TPP nếu như không cải thiện được vấn đề nhân quyền. Một sức ép gián tiếp đến từ hai dự thảo luật liên quan đến Nhân quyền được một số thượng nghị sĩ Mỹ đưa vào Thượng viện vào tuần này: Luật Nhân quyền cho Việt Nam và Luật Chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Đầu năm nay, Dân biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) đã đưa dự thảo luật này vào Hạ Viện và đã được thông qua bởi tiểu ban nhân quyền. Cách đây hai tuần, trước khi Quốc hội Mỹ bãi khóa, TNS Bill Cassidy (Cộng Hoà, Louisiana) đã tiếp tục đưa Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam cho bộ phận kiểm tra của Thượng Viện, và tiến hành vận động Thượng nghị sĩ ở nhiều tiểu bang khác bảo trợ cho dự luật này.
“Hai dự luật trên có tác dụng thuyết phục các vị dân biểu và thượng nghị sĩ giữ vững thái độ chống TPP nếu họ đã chống, và có thể làm thay đổi lập trường của một số nhà lập pháp Liên Bang đang ủng hộ cho Việt Nam vào TPP” - một nguồn tin nhận định.
Việc tiến hành các hoạt động bảo trợ có hiệu quả sẽ giúp cho Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam được đưa vào Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện để biểu quyết tức thì, và nó sẽ cùng với Dự Luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam sớm được đưa vào Thượng Viện.
Một trong những mục tiêu của vận động luật, dự luật nêu trên ở Quốc Hội Mỹ chính là nhằm thúc đẩy luật hóa “các điều kiện về tự do tôn giáo và quyền lao động trong tiến trình đàm phán TPP”, là cơ sở để gây áp lực, buộc Việt Nam phải cải tổ “khung luật và trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm trước khi hoàn tất tiến trình đàm phán TPP vào cuối năm nay.
Đặc biệt nếu dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam được Quốc hội Mỹ thông qua, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào giới quan chức VN ‘ăn của dân không chừa thứ gì’, đã và đang tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Dự luật chế tài nhân quyền cho phép Hoa Kỳ có thể vươn tay kiểm tra và khống chế mọi tài khoản và tài sản cá nhân trong phạm vi mà nước Mỹ có thể can thiệp.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã cấm chỉ một loạt quan chức cao cấp của Nga không được nhập cảnh vào Mỹ do vi phạm trầm trọng về nhân quyền. Nếu không đạt được ‘những cải thiện có thể chứng minh được về nhân quyền’, nhiều khả năng trong tương lai sẽ có một số quan chức VN và kể cả thân nhân của họ cũng sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Vừa qua, quyết định ân xá đối với 18,298 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù lại không có tù nhân chính trị nào. Trong khi đó, dự thảo Luật Hình sự tiếp tục giữ các điều khoản từ bị chỉ trích là “mơ hồ, bịt miệng người bất đồng chính kiến” như 79, 88, 258,…
Không có nhận xét nào: