Phạm Chí Dũng: Rất có thể, lịch sử nhân quyền Việt Nam sẽ bước sang một trang mới sau kết quả đàm phán TPP, nhưng không chỉ bằng động tác thuần túy trả tự do nhỏ giọt tù nhân chính trị như trước đây, mà với một cái tên to lớn và ý nghĩa hơn nhiều: Luật lập hội và Công đoàn độc lập.
Cuối cùng thì “bao giờ cho đến tháng Mười” - như tên một bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam - công cuộc đàm phán TPP cũng đã kết thúc vào ngày 5/10/2015 sau hơn 5 năm khốn khổ, mà một trong những khốn khổ nhất lại là chủ đề “nhân quyền Việt Nam”.
Việt Nam, quốc gia được coi là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP và cũng có một chính thể luôn bị giằng xé triền miên giữa lợi ích nhóm với lý cớ “bảo vệ an ninh quốc gia” - đang tràn trề cơ hội để thực thi dân chủ hóa và quyền làm người cho công dân một cách thực chất gắn kèm cơ chế giám sát quốc tế, thay cho cái ghế hết sức hình thức kéo dài một cách bất nhẫn gần hai năm qua trong Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Hồi tưởng câu chuyện ‘tháng Tám xúc chùa Liên Trì’
Lại nhớ một câu chuyện bi hài xảy ra cách đây không lâu: vào tháng 6/2015, Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất và cũng là người trụ trì chùa Liên Trì ở quận 2, Sài Gòn, phải bức xúc thổ lộ: một số công an “khuyên” Phật tử đến chùa Liên Trì lấy lại hết hình ảnh và tro cốt của người thân; những công an này còn đe nẹt "Để nhà nước VN vào TPP tháng Tám này rồi sẽ xúc chùa Liên Trì".
Tháng Tám nào?
Thì ra vào thời gian đó, một số thông tin kinh tế trên báo chí nhà nước, được dẫn nguồn từ giới chuyên gia và vài cơ quan thuộc chính phủ, đã đề cập đến khả năng VN có thể được chính thức tham gia vào Hiệp định TPP trong quý 3 năm 2015. Có tin tức còn cho biết “tháng Tám” là thời điểm khả thi cho việc này.
Theo đó, thời điểm “tháng Tám” mà một số công an nói với Phật tử kèm đe dọa “sẽ xúc chùa Liên Trì” rất có thể xuất phát từ thông tin nội bộ của cấp trung ương (nằm dưới dạng thông báo, báo cáo hoặc chỉ thị…) về dự báo kết thúc đàm phán TPP, để từ đó triển khai thành một chủ trương - âm mưu của chính quyền TP.HCM về thời điểm sẽ diễn ra cuộc cưỡng chế không khoan nhượng đối với chùa Liên Trì, lấy “đất sạch” phục vụ cho việc phân lô bán nền của các nhà đầu tư cá mập tại dự án khổng lồ Khu đô thị Thủ Thiêm.
Tiếp sau hàng loạt hành vi vi phạm trầm trọng quyền tự do của hầu hết các tôn giáo chính ở VN như Phật giáo thống nhất, Hòa hảo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài…vào năm 2014 và đầu năm 2015, âm mưu “xúc chùa Liên Trì” là bằng chứng không thể chối cãi về “lòng thành tâm” của Nhà nước VN từ khi gia nhập Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong tháng 11/2013 đến nay, và càng chứng minh cảm xúc không hề hồi tâm của nhà nước này trong ván bài dùng tù nhân lương tâm và quyền tự do tôn giáo để mặc cả với Hoa Kỳ nhằm giành lấy một suất ăn trên bàn tiệc Hiệp định kinh tế TPP.
Sự đe dọa trên cũng trực tiếp khơi lại hành động “hồi tố” của Nhà nước VN đối với giới bất đồng chính kiến và dân chủ vào giai đoạn 2008-2012, ngay sau khi nhà nước này được tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, không những thế còn được người Mỹ nhấc khỏi Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo và nhân quyền (CPC).
Nhưng đó là chuyện của “tháng Tám”. Thế còn bây giờ thì sao, khi nhà nước VN đã đặt một chân vào ngưỡng cửa TPP?
Ưu tiên số 1 của Bộ Chính trị Đảng CSVN
Bất chấp việc Trung Quốc và một số quan chức Việt Nam không những không mặn mòi mà còn tìm cách phá đám TPP, nhiều tín hiệu bột phát từ đầu tháng 7/2015 đến nay đã cho thấy hiệp định này vẫn được Việt Nam xem là ưu tiên số 1 về lợi ích kinh tế và cả về chính trị, ngoại giao lẫn vị thế cá nhân trong chính trường trước Đại hội đảng 12. Tâm thế này đã dẫn đến triển vọng gia tốc nhanh hơn cho nền dân chủ và nhân quyền còn phôi thai ở VN sau khi TPP hoàn thành sứ mạng đàm phán gian nan giữa 12 nước thành viên.
Ngay trước chuyến công du Washington của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị Đảng CSVN đã “họp nghe về TPP”. Sau hàng loạt động tác lên - xuống giữa Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện Mỹ để thông qua cho được Quyền đàm phán nhanh (TPA, một cơ chế dành cho tổng thống Mỹ quyền quyết định để thông qua kết quả đàm phán TPP), chẳng cần phải nói, giới quan chức VN có thể thấm hiểu rằng cái bánh TPP không còn dễ nuốt như bữa tiệc WTO 8 năm về trước. Bởi thế TPP lại càng có giá hơn.
Việt Nam trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 khác hẳn với thời điểm 2007 là năm mà nền kinh tế VN ở vào điểm cực thịnh, tiêu biểu là các thị trường đầu cơ như chứng khoán, bất động sản và cả những kẻ “ngồi mát ăn bát vàng” như giới ngân hàng, còn ngân sách VN đủ tiền để chi ra một gói kích cầu lên đến 8 tỷ USD. Vào lúc này tình thế đã trở nên quá khốn quẫn đối với nhiều ngành kinh tế, trong lúc hầu hết các thị trường đầu cơ đều lao dốc thảm hại, còn ngân sách đã chẳng có nổi tiền tăng lương, làm sao dám nói đến tương lai xa xỉ cho một gói kích cầu.
Cũng khác với thời buổi VN được “đặc cách” trong WTO, giờ đây không phải tất cả các ngành đều hưởng lợi trong TPP. Nếu một số ngành như dệt may, thủy sản, gỗ, khu công nghiệp, phân phối ô tô và logistics có cơ hội hưởng lợi, thì những ngành khác như mía đường, dược và thức ăn chăn nuôi lại gặp khó.
Nhưng trực diện nguy nan hơn nhiều chính là hai tử huyệt nợ công và nợ xấu. Nếu nợ xấu đã lên đến ít nhất 25 tỷ USD thì nợ công quốc gia chiếm đến ít nhất 98% GDP. Nếu không xử lý được ít nhất một phần trong hai món nợ này, kinh tế VN rất có triển vọng rơi vào tình cảnh phá sản vô phương cứu chữa.
Một khi kinh tế bị khủng hoảng hoặc phá sản, nạn thất nghiệp sẽ tăng vọt hơn cả mức vài chục phần trăm hiện thời. Xã hội sẽ rối beng, nội trị cũng rối loạn theo, tạo ra những tác động ghê gớm đến chân đứng cuối cùng của chế độ.
Với những nguyên do vừa cơ bản vừa thâm sâu ấy, dù là phe cánh nào trong nội bộ đảng thì cũng phải trông đợi vào “kẻ cứu rỗi” TPP.
Hãy tự cứu mình
Cuộc họp lịch sử ở Atlanta (từ 30 tháng Chín đến 1 tháng Mười 2015) đã chính thức xếp tên VN như một ứng cử viên cho chiếc ghế TPP. Thế nhưng bằng vào “thành tích nhân quyền” mà không có nước thành viên nào trong TPP có thể so sánh, nhà nước VN vẫn có thể bị loại khỏi bàn ăn trong lúc những vị khách khác ung dung dự tiệc.
Khác hẳn với năm 2007, Nhà nước VN đang phải đối diện với nguy cơ bị “tái hội nhập” danh sách CPC lần thứ hai vào năm 2015 hoặc năm 2016. Từ nhiều tháng qua, một cuộc vận động trên diện rộng đã được tiến hành bởi Ủy hội tự do tôn giáo của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu, dẫn đến kết quả là vấn đề đưa VN vào lại CPC có thể được đặt ra trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015.
Cũng khác hẳn với quá khứ gia nhập WTO năm 2007, vào lần này mọi chuyện không chỉ có được mà luôn phải là bánh ít đi bánh quy lại. TPP phụ thuộc mật thiết vào cơ chế đàm phán nhanh (TPA) mà Quốc hội Hoa Kỳ đã dành cho chính quyền Obama. Nhưng cũng là lần đầu tiên, giới lập pháp Hoa Kỳ thống nhất cao về việc cài đặt điều kiện tự do tôn giáo vào TPA.
Điều đó có nghĩa là tổng thống Mỹ không có toàn quyền để quyết định TPP cho VN, nếu như Quốc hội Mỹ phát hiện Nhà nước VN tiếp tục có những hành vi bách hại và đàn áp nặng nề đối với các tôn giáo ở quốc gia này. Khi đó, không loại trừ khả năng cái ghế TPP cho VN sẽ bị Quốc hội Mỹ thẳng tay bác bỏ, cho dù đã được Chính phủ Mỹ thông qua.
Nếu được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua sớm nhất vào đầu năm 2016, giới lãnh đạo Hà Nội còn đang ngổn ngang chuyện chức quyền trong Đại hội đảng 12 sẽ chỉ còn 3 tháng nữa để thu xếp cơ chế “cải thiện nhân quyền”. Ba ẩn số cần được giải đáp là tù nhân chính trị, Luật lập hội và Công đoàn độc lập.
Và nếu Tổng thống Barack Obama thực sự muốn đặt chân đến Hà Nội vào tháng 11 tới, lại càng có lý do để phía VN nén thể diện mà phóng thích những tù nhân lương tâm đã được phía Mỹ yêu cầu đích danh.
Thời gian không còn nhiều đối với giới quan chức Việt Nam vẫn chưa bỏ được thói quen chỉ muốn nhận không muốn cho.
Nhưng điều có vẻ kỳ lạ là chính người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng lại đi tiên phong trong việc tự cứu mình.
Nhân quyền sẽ sang trang mới?
Mặc dù chuyến đi Mỹ của TBT Trọng đã được hai nước chuẩn bị từ đầu năm 2015, nhưng mãi tới tháng 9/2015 trong dư luận VN mới bắt đầu rộ lên thông tin về việc nhà nước này đã phải chấp nhận định chế Công đoàn độc lập - một điều kiện bắt buộc của TPP.
Lầu đầu tiên, những tin tức được tiết lộ trên mạng cho thấy một thỏa thuận bí mật đã được tiến hành. Theo đó, VN đã đồng ý với Hoa Kỳ trong một kế hoạch triển khai khả thi để vấn đề lao động được thực thi đúng theo đòi hỏi của hiến chương lao động TPP, trong đó phía Hoa Kỳ được toàn quyền hợp tác không giới hạn với các nghiệp đoàn độc lập ở VN. Các nghiệp đoàn độc lập địa phương của những xí nghiệp nhất định có toàn quyền hợp tác với nhau và thành lập các hiệp hội ở tầm quốc gia với sự tham gia của các nghiệp đoàn ở mỗi phân vùng…
Với những quy định chế tài khắt khe của TPP, nhà nước VN sẽ phải triển khai Công đoàn độc lập chỉ 24 giờ sau khi hiệp định này được chính thức ký kết. Nhưng muốn triển khai Công đoàn độc lập lại cần đến khung pháp lý tối cần thiết là Luật lập hội. Sau đến 23 năm kể từ Hiến pháp VN 1992, quyền tự do lập hội được hiến định của người dân không thể bị cố tình trì hoãn thêm nữa.
Rất có thể, lịch sử nhân quyền VN sẽ bước sang một trang mới sau kết quả đàm phán TPP, nhưng không chỉ bằng động tác thuần túy trả tự do nhỏ giọt tù nhân chính trị như trước đây, mà với một cái tên to lớn và ý nghĩa hơn nhiều: Luật lập hội và Công đoàn độc lập.
Không có nhận xét nào: