Những ngày vừa qua, dư luận xã hội “xôn xao” trước việc công an bắt giữ công dân Trần Vũ Hải- Luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội- “như con chó, con lợn”. Theo Luật sư Hải, việc bắt và giữ ông là trái pháp luật; còn phía công an – thông qua cơ quan truyền thông của đảng- gọi là “triệu tập”. Luật pháp qui định khi nào công an được triệu tập người dân?
“Mời” hay “triệu tập”?
Theo Tự điển mở (Wiktionary) Việt Nam, động từ “triệu tập” cũng có nghĩa là “mời”. Và trang tự điển này cho ví dụ: “triệu tập hội nghị”. Tuy nhiên, trên thực tế, khi được công an gửi “giấy mời” làm việc với “giấy triệu tập” làm việc, thái độ và tư cách “pháp lý” thể hiện hoàn toàn khác nhau. Chả thế mà một Luật sư đã trả lời trên một trang “chuyên Luật” đầy cảm tính là “khi được công an “mời” thì bạn có quyền không có mặt, nhưng khi công an “triệu tập” thì buộc bạn phải có mặt”! Như vậy, để buộc công dân phải có mặt, công an cứ sử dụng “giấy triệu tập”? Một Luật sư khác thì lý giải: “Công an có quyền mời hay triệu tập (như nhau), tuy nhiên theo tôi (LS này) công an nên sử dụng Giấy mời để tránh bức xúc cho người dân”. Rõ ràng, “giấy triệu tập” và “giấy mời” không như nhau, “triệu tập” sẽ gây “bức xúc” cho người dân hơn. Ngay như đối tượng- theo qui định pháp luật- “phải có mặt theo giấy triệu tập…” thì Bộ công an cũng còn qui định được sử dụng “giấy mời” nếu là những “chức sắc” trong Tôn giáo; người danh tiếng; nhân sĩ, trí thức…và đảng viên!
Vậy, theo “Luật định” Công an được “triệu tập” công dân khi nào? Trong trường hợp Luật sư Trần Vũ Hải, công an có được quyền “triệu tập” do “liên quan 2 Luật sư bị đánh”; hay do “có đơn khiếu nại”, “có đơn tố cáo” của người dân hay không?
Công an chỉ được “triệu tập” trong tiến hành tố tụng vụ án hình sự
Trước hết, quyền “bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của “mọi người” (chứ không chỉ là “công dân”) được Hiến pháp qui định rõ tại khoản 1 Điều 20. “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định” (khoản 2 Điều 20 Hiến pháp). “Luật định” ấy được qui định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng Hình sự (“BLTTHS”) là: “Việc bắt và giam giữ người phải theo qui định của Bộ luật này”. Như vậy, việc công an “triệu tập” hiểu là hành vi “bắt buộc”, “cưỡng chế có mặt”…ngoại trừ “trường hợp phạm tội quả tang”, buộc phải theo Luật định.
Điều 35 BLTTHS chỉ qui định cho phép Điều tra viên “được phân công điều tra vụ án hình sự” (tức vụ án đã được khởi tố) có quyền triệu tập và hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Cũng theo qui định tại khoản 3 Điều 49; khoản 4 Điều 51; khoản 3 Điều 52; khoản 3 Điều 53; khoản 2 Điều 54 và điểm a khoản 4 Điều 55, những đối tượng nêu trên “phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra”. Riêng “bị can” (tức “là người đã bị khởi tố về hình sự”- khoản 1 Điều 49 BLTTHS) trong trường hợp “vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã” theo khoản 3 Điều 49 BLTTHS. Và theo khoản 1 Điều 134 BLTTHS “Trong trường hợp người làm chứng đã được cơ quan điều tra…triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra…thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải”.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 60 và khoản 2 Điều 61 BLTTHS qui định “người giám định” và “người phiên dịch” cũng “phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra”, nhưng lại không qui định cơ quan điều tra được “triệu tập” Người bào chữa và Người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Người bào chữa có quyền “có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can…” theo qui định khoản 2 Điều 58 BLTTHS.
Như vậy, theo Luật định, chỉ khi vụ án đã được khởi tố, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra đã có quyết định phân công Điều tra viên trong việc điều tra vụ án hình sự (đã khởi tố), lúc ấy, “Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án” mới “được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”, và phải “theo kế hoạch- đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án- duyệt” (khoản 1.1 mục 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11).
Khoản 1.4 mục 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) nêu rõ: “Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định”.
Như vậy là rõ, nếu không phải là “Người tham gia tố tụng” trong một vụ án hình sự cụ thể, công dân không thể bị “triệu tập”. Không phải là “Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” thì không được sử dụng Giấy triệu tập. Việc sử dụng Giấy triệu tập phải đúng Luật định.
Trong trường hợp của Luật sư Trần Vũ Hải, giả thiết, có “đơn khiếu nại” hay “đơn tố cáo cuả một số hộ dân Thái Nguyên, tố cáo ông Hải nhận tiền mà không hỗ trợ pháp lý”, chưa kể vụ việc (nếu có thực) cũng chỉ là “tranh chấp dân sự”. Nếu công an xem đây là “tố giác” tội phạm, cũng chỉ có quyền “kiểm tra, xác minh nguồn tin…” theo qui định tại Điều 101 BLTTHS để quyết định có khởi tố hay không, trong thời hạn Luật định. Khi chưa có Quyết định khởi tố vụ án, phân công Điều tra viên chính, thì chưa thể “triệu tập” LS Hải. Và nếu LS Hải không phải là “bị can” hay “người làm chứng” thì không thể bị “áp giải”, hay “dẫn giải”. Ngay cả việc “áp giải”, “dẫn giải”, khoản 2.1 mục 2 Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11) cũng nêu: “Việc áp giải bị can tại ngoại hoặc dẫn giải người làm chứng là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và rất dễ bị phản ứng. Vì vậy, Điều tra viên phải xem xét rất thận trọng; chỉ nên áp dụng khi thật cần thiết để làm rõ các nội dung quan trọng của vụ án và trong các trường hợp họ cố tình vắng mặt không có lý do chính đáng”.
Đối chiếu “Luật định”, việc “cưỡng bức” LS Hải “như một con chó, một con lợn”, nếu không có Quyết định bắt, tạm giữ người theo thủ tục hành chính, vào sáng ngày 12/11/2015 là “bắt, giữ người trái pháp luật”, “làm nhục người khác”.
Cần làm gì khi công an “ triệu tập”
Luật định rõ, đối tượng có thẩm quyền “triệu tập” là Điều tra viên chính của vụ án, Người được “triệu tập” phải có tư cách tham gia tố tụng trong vụ án hình sự.
Lẽ vậy, khi được “triệu tập”, đòi hỏi đầu tiên phải là có “Giấy triệu tập” (theo mẫu) sử dụng trong tố tụng hình sự. Bộ công an “nghiêm cấm” triệu tập bằng điện thoại hoặc thông qua người thứ ba mà không có “giấy”. Thứ đến phải xác định Giấy triệu tập có được ký hợp pháp, tức người ký đúng thẩm quyền, nhân danh cơ quan điều tra triệu tập để làm việc phục vụ công tác điều tra cho vụ án hình sự mà mình là Người tham gia tố tụng. Nếu mình chưa nhận được giấy tờ gì xác nhận trước đó (như là Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Giấy mời làm việc do có liên quan hành vi phạm tội, bị hại, nhân chứng…) thì cần yêu cầu công an cho biết Quyết định khởi tố vụ án Hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, Quyết định phân công Điều tra viên… Chỉ sau khi xác định vụ án hình sự được khởi tố, mới bắt đầu thời hạn điều tra (khoản 1 Điều 119), mới xác định được ai là bị hại, ai là bị can, ai là bị cáo, ai là nguyên đơn dân sự, ai là bị đơn dân sự, ai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, ai là người làm chứng, ai là người bào chữa, ai là người giám định, ai là người phiên dịch… để tham gia tố tụng.
Nếu công an không chứng minh được “vụ án hình sự đã khởi tố”, thẩm quyền của Điều tra viên, tư cách tham gia tố tụng của người nhận được Giấy triệu tập trong vụ án, chưa được giải thích rõ ràng về quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng riêng theo từng loại tư cách Người tham gia tố tụng, công dân có quyền từ chối làm việc và tố cáo hành vi “trái pháp luật” của người “triệu tập”.
Cần nhấn mạnh đến Điều 35 Thông tư số28/2014/TT-BCA: “Khi triệu tập, hỏi cung bị can tại ngoại; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, Điều tra viên phải thực hiện theo đúng quy định về trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Thông tư liên tịch số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/01/2006 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trong quá trình thực hiện việc triệu tập cần chú ý:
- Phải có Giấy triệu tập bị can tại ngoại, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo danh sách, kế hoạch đã được Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra duyệt. Giấy triệu tập phải ghi đầy đủ các nội dung về việc triệu tập, tư cách tham gia tố tụng của người bị triệu tập.
- Giấy triệu tập bị can tại ngoại, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải gửi cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (qua Công an xã, phường, thị trấn) nơi người bị triệu tập cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi quản lý người bị triệu tập để các cơ quan này chuyển đến cho họ.
- Điều tra viên không được đưa giấy triệu tập cho bị can tại ngoại, người bị hại, người làm chứng hoặc người có liên quan trong vụ án để chuyển cho bị can tại ngoại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Trường hợp cần thiết và được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Điều tra viên được đi cùng với đại diện cơ quan, chính quyền địa phương để chuyển Giấy triệu tập.
- Điều tra viên phải tiếp và làm việc với người bị triệu tập tại trụ sở cơ quan Công an hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của họ. Trường hợp cần tiếp và làm việc với người bị triệu tập ở ngoài nơi quy định nêu trên, phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v… làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín cửa cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra”.
Không có nhận xét nào: