“tinh thần Assisi” cho ngày lịch sử 27-10-1986. |
(TNCG) - Ngày 04/01/2012 vừa qua, vài giờ sau khi cùng dùng bữa với Thủ Tướng Malasia, các nhà lãnh đạo của Hiệp Hội Kitô Giáo Mã Lai (CFM), bao gồm hầu hết các Giáo Hội và các tổ chức kitô giáo trong nước, đã công bố một bản thông cáo với giọng điệu đặc biệt cứng rắn. Họ yêu cầu thủ tướng Najib Razak tôn trọng luật pháp và bắt tay vào việc rỡ bỏ cả kho luật pháp và quy định cho phép chính quyền liệt các tín đồ Kitô Giáo vào cương vị xã hội hạ cấp.
Hiệp Hội CFM, quy tụ 90% tín hữu Kitô Giáo ở Malasia, có các thành viên chính là Hội Đồng các Giáo Hội Malasia, Cộng đoàn kitô hữu Tin Lành quốc gia và cả Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Malasia. Hiệp Hội cũng yêu cầu thủ tướng cho ngừng ngay những vụ tấn công mà nạn nhân là các kitô hữu trong suốt 12 tháng vừa qua, cho dù là xâm hại trực tiếp thân thể hay qua các cơ quan truyền thông do Nhà Nước kiểm soát.
Thủ tướng Najib Razak đã xây dựng cho mình hình ảnh một lãnh tụ hồi giáo ôn hòa và được biết đến trên sân khấu quốc tế vì có những hoạt động giúp cho hài hòa tôn giáo (1); tuy vậy, theo Hiệp Hội CFM, hình ảnh đó sẽ không đứng vững nếu ông ta không dứt khoát hành động để ngăn chặn những mưu toan có thể “phá hủy” hoạt động của ông trên các lãnh vực này.
“Năm ngoái (…), chúng tôi đã là chứng nhân của những biến cố chưa từng thấy mà các tín đồ Kitô Giáo là nạn nhân của những cáo buộc vô cớ, những xỉ vả mà cảnh sát cho là đúng và ghi nhận những khiếu nại này. Hơn thế nữa, các bộ phận chính thức của chính phủ, trong đó có truyền thông Nhà Nước, đã hành động cùng chiều hướng đó một cách vô tội vạ”. Đó là những điều người ta có thể đọc được trong bản thông cáo mang chữ ký của vị chủ tịch Hiệp Hội CFM, giám mục Anh Giáo Ng Moon Hing, giám mục giáo phận Tây Malasia.
Cụ thể, bản thông cáo yêu cầu Nhà Nước Malasia tôn trọng phán quyết của Tòa Án Tối Cao ngày 21/12/2009, cho phép tuần báo Công Giáo “The Herald” được sử dụng từ “Allah” để gọi “Thiên Chúa” trên tờ báo bằng tiếng Mã Lai này (2). Trước những thể hiện thù nghịch của một số nhóm hồi giáo, nhà cầm quyền đã từ chối không thi hành phán quyết trên và tờ báo Công Giáo vẫn chưa được sử dụng từ này trong các trang báo. Đối với Hiệp Hội CFM, chính phủ phải khẩn trương “khởi sự tiến trình rỡ bỏ những luật pháp, quy định, chính sách, chỉ thị và những lệnh lạc khác nhằm hạn chế hay cấm cản các tôn giáo khác ngoài hồi giáo không được sử dụng từ Allah và một số từ khác”.
Theo Đức Cha Ng, sở dĩ những vị trách nhiệm của các Giáo Hội Kitô Giáo đã phải nặng lời và nêu lên trước công luận những khiếu nại của họ đối với chính phủ, là vì đây là cách duy nhất để có kết quả. Đức Giám Mục Anh Giáo cho biết các nhà lãnh đạo Kitô Giáo “đã quá ngán ngẩm” những cuộc gặp gỡ tối cao ở Putrajaya, thủ phủ hành chính quốc gia, vì chúng chỉ dẫn tới “trây ỳ” trong việc thực hiện những giải pháp được nêu ra trên bàn hội nghị. “Chúng tôi ghi nhận một khoảng cách to lớn đến mức báo động giữa những gì quý vị mong đợi và những gì diễn ra – hay đúng hơn là không diễn ra – trên hiện trường”, Đức Cha Ng tuyên bố, và nhắn thêm với Thủ Tướng : “Chính sách ôn hòa mà ngài thể hiện, hình như không được chuyển tải đồng đều xuống tới các tầng cấp của bộ máy chính quyền”.
Xin nêu một ví dụ điển hình về sự xúc phạm và hạn chế mà tín đồ Kitô Giáo phải gánh chịu. Đó là cách đây vài tuần lễ, ngay trước Lễ Giáng Sinh, hai giáo xứ Công Giáo ở vùng ngoại ô Kuala Lumpur đã nhận được yêu cầu của cảnh sát đòi cung cấp danh tính và địa chỉ những người trong ca đoàn và danh sách các bài thánh ca Giáng Sinh sẽ hát trong các ngày 24 và 25/12/2011. Theo cảnh sát, cần phải có giấy phép đặc biệt mới được hát những bài hát đó dù là ở tư gia hay ở giáo xứ. Theo một vị linh mục Công Giáo thì, “sự viện dẫn một cách nghiêm khắc và hạn chế luật pháp hiện hành liên quan đến phụng vụ và tự do tôn giáo có thể hiểu được, nhưng nó hoàn toàn tách rời với thực tế. Sau khi phản đối với nhà cầm quyền, giáo dân đã nhận được từ chính phủ một bản thông cáo cải chính về sự cần thiết phải có một giấy phép như vậy”.
Cũng trong bản thông cáo của Hiệp Hội CFM, Đức Cha Ng yêu cầu Thủ Tướng thành lập một Bộ trách nhiệm các công việc của các tôn giáo ngoài Hồi Giáo với nhiệm vụ bảo vệ và bênh vực quyền lợi của các tôn giáo thiểu số, như Kitô Giáo, Phật Giáo, Đạo Sikh, Lão Giáo hay Ấn Độ Giáo (3). Việc thành lập một Bộ như thế, dường như đã được nêu ra trong bữa ăn điểm tâm họp kín giữa Thủ Tướng và các vị lãnh đạo Hiệp Hội CFM, nhưng theo Đức Cha Ng, nếu chỉ thành lập cái Bộ này thì cũng không đủ làm ngài an tâm vì ngài khẳng định là những vị trách nhiệm Hiệp Hội CFM không có “ngây thơ” đến nỗi nghĩ rằng cái Bộ này có thể giải quyết được tất cả các vấn đề mà đồng thời không có sự thay đổi quan điểm của những Bộ khác đối với những tôn giáo thiểu số.
Về phía Thủ Tướng, sau bữa cơm với Hiệp Hội CFM, ông đã thông báo một loạt biện pháp đáp ứng những yêu cầu chính xác của các Giáo Hội Kitô. Đối với các Giáo Hội này, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo, đã từ lâu nay yêu cầu được hoạt động tự do hơn trong lãnh vực giáo dục, Thủ Tướng đã hứa hẹn là phương thức bổ nhiệm hiệu trưởng các trường mang tên “trường thừa sai”, từ nay sẽ được tiến hành với sự hợp tác chặt chẽ với các Giáo Hội. Ông cũng cam kết rằng Thánh Kinh sẽ được đưa vào chương trình các môn không bắt buộc trong các kỳ thi cúa Nhà Nước và có thể được giảng dạy trong các học đường nếu phụ huynh yêu cầu và được tiến hành ngoài giờ học bình thường. Sau hết, ông cũng đã hứa sẽ miễn thuế cho những khoản cống hiến cho các Giáo Hội và các tổ chức Kitô Giáo.
Về phương diện chính trị, tình trạng Thủ Tướng Najib Razak đang căng thẳng, đặc biệt là gần tới ngày 09/01/2012 tới đây, là ngày Tòa Thượng Thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm Anwar Ibrahim vì tội làm tình với người đồng tính. Ông Anwar Ibrahim, lãnh tụ đảng PKR, là người đứng đầu liên minh đối lập và đấu tranh trên lãnh vực công bằng xã hội và chống tham nhũng cũng như cho việc tiến tới một chính sách kinh tế không phân biệt thành phần dân tộc, và tôn giáo. Trong trường hợp các vị thẩm phán kết luận có tội, ông ta có thể bị 20 năm tù. Ngày 09/01, đảng PKR dự trù một cuộc biểu tình khổng lồ quy tụ 100.000 trước Tòa Thượng Thẩm ở Kuala Lumpur. Chính quyền có vẻ lo sợ tất cả mọi sự tụ tập quần chúng ủng hộ Inwar Ibrahim và, ngày 06/01 này, các đền thờ Hồi Giáo đã nhận được chỉ thị phải nói những bài giảng cảnh báo chống lại “sự hỗn loạn và mất trật tự”, hậu quả của các cuộc biểu tình và tụ tập bất hợp pháp.
Tin giờ chót (Người dịch) : Tòa Thượng Thẩm Kuala Lumpur sáng nay 09/01/2012 đã tuyên bố ông Inwar Ibrahim trắng án trong tiếng hoan hô của đám đông dân chúng tụ tập trước Tòa.
Chú thích:
(1) Xin xem bản tin EDA ngày 19/7/2011 về cuộc thăm viếng Vatican của thủ tướng Najib azak http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/malaisie/la-federation-de-malaisie-et-le-saint-siege-nouent-des-relations-diplomatiques
(2) Về việc gây tranh cãi liên quan đến sự sử dụng từ “Allah” bởi những người không phải là Hồi Giáo, xin xem bản tin EDA ngày 15/3/2011 và những bản tin trước : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/malaisie/le-gouvernement-accepte-de-remettre-les-35-000-bibles-en-malais-qu2019il-avait-confisquees-en-raison-de-leur-utilisation-du-mot-2018allah2019
(3) Từ 55% đến 60% người Malasia là thuộc giống dân Mã Lai và theo Đạo Hồi. Các dân tộc thiểu số (Trung Hoa : 26% ; Ấn Độ : 8% và người bản địa) bao gồm nhhững cộng đồng tôn giáo thiểu số: những người Hoa theo đạo truyền thống (24%), Kitô hữu (8%, trong đó có 900.000 tín đồ Công Giáo), Ấn Độ Giáo (7%), Phật Giáo (6%), đạo Sikhs (2%), các tôn giáo khác.
Không có nhận xét nào: