Ăn ít ngon nhiều - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 3, 2012

Ăn ít ngon nhiều

Chu Thập - Hưởng được nhiều lợi ích nhứt của thời đại thông tin toàn cầu này có lẽ là tuổi già. Tôi biết có các cụ Việt nam ở đây tuổi quá “thất thập cổ lai hy”, không những có riêng cho mình một trang Facebook mà còn “rủ rê” bạn bè, con cháu chia sẻ hình ảnh rất sôi nổi. Riêng tôi nhận thấy ích lợi của Internet qua kinh nghiệm của các “bạn già” của tôi. Sau mấy chục năm lưu lạc, nhứt là sau biến cố tan đàn xẻ nghé năm 75, mỗi người một nẻo, tưởng chỉ còn hy vọng gặp nhau “trên nước thiên đàng”. Vậy mà đùng một cái, nhờ Internet, những người học trò dưới mái trường xưa “hồi nẳm” khắp thế giới lại bắt liên lạc được với nhau. Đêm ngày rảnh rỗi, chẳng biết làm gì cho hết giờ cho nên vào “meo đàn” để tán gẫu về đủ thứ chuyện, từ kỷ niệm xưa, văn chương, chính trị, tôn giáo, bù khú đến y tế, sức khỏe và tiếu lâm. Văn chương, chính trị, tôn giáo...thì đầy dẫy trên các trang mạng. Tôi chỉ đơn giản bấm vào “delete” cho khỏi mất giờ. Nhưng chuyện y tế, sức khỏe và nhứt là tiếu lâm thì tôi không bao giờ bỏ qua. Xét cho cùng cười vẫn là liều thuốc bổ tốt nhứt.

Mới đây, một ông bạn già của tôi đưa lên “meo đàn” một bài viết về giá trị của trứng gà. Tôi không rõ bài viết xuất xứ từ đâu; không thấy tên tác giả mà cũng chẳng tìm được tạp chí đăng bài viết. Nhưng cách trình bày, lập luận và dẫn chứng cũng khá thuyết phục. Trong vài hàng giới thiệu bài viết, ông bạn già của tôi viết rằng ổng thấy “quá đã” khi đọc bài. Tôi cũng thấy “quá đã” sau khi đọc biết về lợi ích của trứng gà.

Tôi có nuôi năm bảy con gà mái đẻ, loại gà suốt đời “đồng trinh sạch sẽ” chỉ biết đẻ mà không bao giờ biết đến gà trống. Gà mái của tôi không những “chạy bộ” mà còn “leo rừng” nữa. Giáp giới với vườn nhà tôi là lâm viên quốc gia. Năm nay, gặp thời “La Nĩna” kéo dài, mưa liên tu bất tận, cho nên giun dế lúc nhúc, các chị gà của tôi tha hồ đánh chén. Tôi không nhớ rõ đã đọc được ở đâu đó, giống vật nào được nuôi một cách lành mạnh thì thịt của chúng cũng lành mạnh. Gà mái của tôi có một cuộc sống “tốt” cho nên không chỉ thịt mà trứng cũng “tốt”. Nhìn cái lòng đỏ “đỏ au” thì đủ biết trứng gà của tôi lành biết chừng nào. Chỉ có điều, dù cho trứng có ngon đến đâu, từ lâu nay, kể từ khi thế giới bị “ám ảnh” bởi mấy chữ “Cholesterol” (mỡ trong máu) và tôi bắt đầu ý thức về sức khỏe, thì tôi nhìn trứng chẳng khác nào mèo thấy mỡ. Thèm lắm, nhưng thèm mà lại không được và cũng không dám ăn thả cửa.  

Thuở nhỏ, cái món trong nhà thường bị tôi ăn cắp nhứt là trứng gà. Nhiều chị gà đẻ một lúc cho nên thỉnh thoảng tôi có chôm một vài cái trứng, mẹ tôi cũng chẳng hay biết. Tôi thèm trứng không chỉ vì thiếu dinh dưỡng, mà vì thấy hễ cứ có trứng gà so thì mẹ tôi lại dành để biếu ông cha sở. Với bà, hễ của ngon vật lạ thì phải dành cho nhà lãnh đạo tinh thần. Trứng gà quả là của ngon vật lạ thật, bởi vì, với tôi, ăn trứng theo dạng nào cũng thấy ngon. Ăn cắp một cái trứng, dùng một cây kim chích vào trứng, bất kể vỏ trứng có được sạch hay không, đưa miệng hút ra cái lòng đỏ thì phải nói như nhà văn Duyên Anh là “sướng rên mé đìu hiu” thôi. Lúc mới đến trại tỵ nạn, chưa nghe người ta đe dọa về cholesterol trong trứng, tôi thích mua trứng, đập vỡ ra, gạn lòng trắng sang một bên, cho lòng đỏ vào một ly “bảy úp” (7 Up), quậy đều rồi thưởng thức. Vừa thấy ngon miệng lại vừa tin rằng đây là thức uống bổ dưỡng nhứt.

Cho tới nay, món ăn vật lạ nào tôi cũng có nếm qua và sẵn sàng từ bỏ vì lý do sức khỏe. Nhưng riêng trứng gà thì phải nói là lúc nào tôi cũng thèm “nhỏ rãi”. Đặc biệt, cái món trứng gà luộc, dầm mắm nêm và chấm với các thứ đọt rau luộc thì chẳng có sơn hào hải vị nào bằng. Vậy mà nhà tôi lúc nào cũng đóng vai “thiên thần hộ thủ” để canh giữ kẻo tôi bị “sa chước cám dỗ” với trứng gà. Mỗi tuần nhà tôi chỉ cho tôi ăn đúng 3 cái trứng mà thôi! Có gân cổ cãi đến đâu cũng không bao giờ được phép vượt qua giới hạn đó!

Tôi thấy “quá đã” khi đọc bài viết về lợi ích của trứng gà mà ông bạn già vừa chia sẻ trên meo đàn. Đọc xong, tôi “mời” nhà tôi lại bên máy vi tính, khoe bài viết và thấy như mình vừa làm được một khám phá mới trong y học.

Tất cả những dữ kiện được đưa ra trong bài viết đều phủ nhận cái mớ kiến thức mà tôi đã tiếp thu được về trứng gà. Chẳng hạn, bài viết khẳng định rằng trứng gà không phải là loại thực phẩm giàu cholesterol. Cholesterol tập trung ở lòng đỏ trứng gà, nhưng là loại cholesterol tốt, rất cần thiết cho cơ thể, nhứt là trong việc sinh sản tế bào. Vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng trứng gà là thủ phạm chính tạo ra “máu trong mỡ” dẫn đến các bệnh về tim mạch.

Điểm nhấn trong bài viết mà tôi muốn nhà tôi phải chú ý là số lượng trứng được phép tiêu thụ mỗi ngày. Tác giả bài viết cho biết: theo thống kê hàng năm, trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ 300 quả trứng trong một năm...Cholesterol trong lòng đỏ trứng gà kết hợp với một số yếu tố khác như glycerol, cholin, phosphor và các thứ acid béo để tạo ra lecithin. Lecithin có đặc tính “nhũ tương hóa” rất mạnh, nghĩa là có sức giúp chất béo hòa tan được trong máu cho nên cholesterol hòa vào máu để đi đến những chỗ tế bào bị hư hại và sửa chữa lại, nhờ vậy mà cơ thể không bị tổn thương. Còn lượng cholesterol dư thừa thì lại được đưa về gan để giúp tạo ra muối mật và các nội tiết tố điều hành cơ thể. Như vậy, mỗi ngày ta nên ăn một cái trứng là vừa. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mỗi tuần chỉ nên dùng 5 trứng.

Còn một chi tiết khác trong bài viết mà tôi lấy làm đắc ý nhứt đó là: trứng không có hại cho gan. Ngày xưa, khi khoa học còn sơ khai, người ta thí nghiệm bằng cách lấy lòng trắng trứng tiêm vào da thỏ thì thấy da thỏ bị phù, nổi mẩn ngứa cho nên bảo rằng trứng gây dị ứng. Và vì thời đó người ta nghĩ rằng dị ứng là do yếu gan nên qui cho trứng là thủ phạm tác hại đến gan. Gần đây, ở thập niên 1960 trở về trước, các hiểu biết về cholesterol chưa rõ ràng cho nên thấy lòng đỏ trứng có chứa cholesterol thì cho rằng trứng không tốt. Thật ra, từ đầu thập niên 1980 đến nay, người ta đã chứng minh rằng cholesterol của trứng là cholesterol tốt và trứng chẳng những không hại, mà còn có lợi cho gan nữa vì trứng có chứa chất cholin giúp bảo vệ gan.

Cuối cùng, tôi cũng rất lấy làm tâm đắc khi tác giả bài viết   khẳng định rằng trứng không làm cho nóng và khó tiêu. Tự nó, trứng không tạo ra cảm giác nóng. Có “nóng” chăng là bởi vì trứng được chiên với nhiều dầu mỡ và nhứt là thức ăn thiếu rau quả và không đa dạng mà thôi.

Bài viết đã hầu như đánh tan được cái mặc cảm “thèm trứng” của tôi. Tôi nghĩ bụng: từ nay tha hồ ăn trứng mà chẳng sợ bất cứ di hại nào! Tôi nhìn nhà tôi với ánh mắt “van lơn”: xin nâng số lượng trứng được phép ăn mỗi tuần cho tôi! Nhưng lạ quá, tôi thấy bài viết chả lay động được nhà tôi một ly ông cụ nào. Trước sau như một, nhà tôi vẫn giữ nguyên cái liều lượng trứng dành cho tôi: mỗi tuần không được quá 3 trứng!

Trong quan hệ vợ chồng, để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi, mấy ông bạn già của tôi luôn ứng xử theo hai nguyên tắc: nguyên tắc một, vợ luôn luôn đúng; nguyên tắc hai: nếu vợ sai, hãy trở về nguyên tắc một. Nghe như đùa, nhưng về chuyện vệ sinh, ăn uống và giữ gìn sức khỏe, tôi thấy hai cái nguyên tắc “quái gở” trên đây lại đúng phóc!

Thật ra, bài viết về giá trị của trứng gà trên đây có giải tỏa được nơi tôi một vài “ẩn ức”, nhưng vẫn không có đủ sức thuyết phục tôi từ bỏ cái khuôn vàng thước ngọc của cha ông chúng ta là “liệu cơm mà gắp mắm”. Về sức khỏe và ăn uống thì chẳng có thước đo hay liều lượng chung nào cả. Mỗi cơ thể mỗi khác. Sức chịu đựng và đòi hỏi của cơ thể ông tây bà đầm có khi cũng khác với người Á đông da vàng. Họ ăn bơ sữa và uống rượu “từ trong bụng mẹ” chẳng sao cả. Mình chạy theo là ngất ngư luôn!

Có người uống rượu như hũ chìm. Có người đụng vào là thấy 36 ông sao ngay. Có người uống cà phê thế nước. Có người uống một hớp vào là thấy nóng bụng và trằn trọc suốt đêm. Có người mỗi tháng rước vào cơ thể vài ký lô đường chẳng sao cả. Nhưng có người, chỉ cần mỗi ngày một hai muỗng cà phê đường là thấy có chuyện. Cũng có người cuối tuần nào cũng đình đám hội hè mà người cứ còm nhom. Nhưng có người sau một tiệc cưới là tăng nửa ký lô ngay vòng số 2 ngay lập tức...Nói chung, về sở thích thì không nên tranh luận và cũng chẳng nên thúc ép người ta phải như mình. Về sức khỏe cũng vậy, mỗi người tự “đi guốc” trong bụng dạ mình mà lo kiêng cữ hay tự đặt ra một ranh giới phải tuân giữ.

Thời nào và ở đâu cũng thế, điều độ vẫn được xem là một nhân đức. Minh triết Đông Tây đều dạy rằng “nhân đức nằm ở bậc trung dung” (virtus in medio stat). Có lẽ triết gia Pháp Blaise Pascal cũng nghĩ đến cái mức “trung dung” này chăng khi ông bảo rằng người ở giữa thú vật và thiên thần: “Con người không phải là thiên thần, mà cũng chẳng là thú vật. Ai muốn làm thiên thần đều trở thành thú vật”. Nhân loại bao phen khốn đốn có lẽ cũng vì những người muốn chối bỏ nhân tính để làm thiên thần và cưỡng bách mọi người cũng phải lột xác như thế. Những thiên đường mù hay những quần đảo Gulag là điểm đến tất yếu của những “thiện ý” muốn cải tạo con người như thế.

Là một tín hữu Kitô, tôi thường được khuyên bảo hãy sống tiết độ. Tôi cho rằng tiết độ hoàn toàn khác với khổ chế. Khổ chế là từ bỏ và trốn chạy khỏi cái thế giới vật chất này để đi tìm tự do và niềm vui tinh thần. Tiết độ không hề có nghĩa là từ bỏ hưởng thụ hay là tìm cách hưởng thụ càng ít càng tốt.  Người biết sống tiết độ là người vẫn yêu mến cái thế giới vật chất mà Thượng Đế đã xem là “tốt đẹp” khi tạo dựng ra nó. Người biết sống tiết độ là người vui hưởng cuộc sống mà vẫn cố gắng đi tìm sự tự do tinh thần. Với người tiết độ thì như người Việt nam chúng ta vẫn nói “ăn ít ngon nhiều”.

Ba cái trứng mà nhà tôi quy định cho tôi được phép “hưởng dùng” mỗi tuần quả là thước đo của sự tiết độ mà tôi thấy cần phải tuân giữ. Có tiết độ mới thấy được vẻ đẹp và giá trị của cuộc sống. Cuộc sống còn đáng sống là bởi ta còn muốn thèm sống.

Trong Mùa Chay của Kitô giáo, tôi cũng nhận thấy rằng tiết độ trong việc ăn uống không phải là điểm đích mà chỉ là một “thử thách” nhỏ để tập “sống đạo” hay đúng hơn là phương thế, là “bài học vỡ lòng” để đạt được những giá trị khác cao cả hơn. Có những điều cần tập tiết độ hơn như tiết độ trong suy nghĩ, lời nói và nhứt là cái nhìn, nhận thức về người khác. Về mặt này, tiết độ quả là rất khó nhưng thật cần thiết để tạo một bầu khí trong lành cho chính mình và với người khác. Chỉ cần một chút quá đà trong suy nghĩ, người ta dễ rơi vào thành kiến và chủ quan. Mà đã thành kiến và chủ quan thì người khác là zê-rô còn “tui” phải là con số một. Và đó cũng là con đường ngắn nhứt để dẫn đến quá khích, cuồng tín và cực đoan. Cuồng tín và cực đoan trong chính trị và nhứt là trong tôn giáo, xét cho cùng, cũng là một thái độ thiếu tiết độ. Thiếu tiết độ trong suy nghĩ và ứng xử cho nên mới thiếu khoan nhượng, cảm thông, dung hòa và tha thứ.

Tôi vẫn nghĩ: đi hết con đường Mùa Chay mà vẫn không thấy mình suy nghĩ và sống trong tinh thần khoan nhượng, cảm thông và tha thứ hơn thì dù có kiêng khem, dù có luôn ngoan ngoãn “tuân thủ” quy định “ba cái trứng mỗi tuần” cho đến chết đi nữa cũng chẳng “có đạo” hơn!
Ăn ít ngon nhiều Reviewed by Admin on 3/27/2012 Rating: 5 Chu Thập - H ưởng được nhiều lợi ích nhứt của thời đại thông tin toàn cầu này có lẽ là tuổi già. Tôi biết có các cụ Việt nam ở đây t...

Không có nhận xét nào: