Phóng viên Bill Hayton tại Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội
khi còn là phóng viên BBC
|
Bill Hayton - Gửi cho BBC từ London
Việt Nam là đất nước cấm cửa các tác giả vì những gì họ viết ra.
Tôi biết điều này vì nó vừa xảy ra với tôi.
Cách đây hai tháng Học viện Ngoại giao mời tôi tới tham dự hội nghị thường niên về Biển Đông (dự kiến khai mạc 19/11 tại TPHCM).
Nay tôi đã từ bỏ hoàn toàn cố gắng tham dự.
Đây là sự thất vọng lớn vì nghị trình hội thảo rất hấp dẫn và nó đáng ra sẽ là cơ hội để hiểu đúng đắn quan điểm của Việt Nam về tranh chấp trên Biển Đông.
Nhưng giờ cuốn sách tôi viết về các tranh chấp này với các phỏng vấn ở Philippines, Singapore, Thái Lan cũng như ở Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian tới, sẽ không có cái nhìn của Việt Nam.
Tất cả chỉ vì Bộ Công an.
Tôi và một số người khác trong hai tháng qua đã gửi nhiều thư điện tử cũng như gọi điện thoại về vấn đề visa nhưng kết quả vẫn như lúc khởi đầu.
Trong tuần gần đây nhất, Học viện Ngoại giao đã cố gắng tìm giải pháp và trong vài ngày qua Đại sứ quán Anh ở Hà Nội cũng cố gắng giúp đỡ.
Và hôm nay có xác nhận là Bộ Công an đã từ chối cấp visa.
Chỉ vì cuốn sách?
Lý do duy nhất mà Bộ Công an có thể có để cấm tôi là họ không thích cuốn sách tôi viết cách đây hai năm về Việt Nam, cuốn 'Vietnam: rising dragon' (Việt Nam: con rồng trỗi dậy).
Đây là lý do duy nhất.
Vì tôi không có liên hệ với các tổ chức bất đồng chính kiến, tôi chưa từng có âm mưu lật đổ Nhà nước hay Đảng Cộng sản Việt Nam và tôi cũng chưa bao giờ vi phạm quy định xuất nhập cảnh.
Dĩ nhiên khi tôi là phóng viên BBC ở Hà Nội cách đây sáu năm, tôi thường xuyên vi phạm Luật Báo chí - nhưng mọi phóng viên nước ngoài ở Việt Nam đều vi phạm Luật Báo chí gần như hàng ngày.
Không phóng viên nước ngoài nào có thể hoạt động ở Việt Nam trong khuôn khổ các giới hạn hà khắc của Luật Báo chí.
Luật này yêu cầu mọi nhà báo nước ngoài phải báo trước với chính quyền năm ngày trước khi làm bất cứ động tác gì cho nghề báo, mọi cuộc phỏng vấn, điện thoại, mọi thư xin thông tin.
Tất nhiên điều đó là không thể thực hiện được, hạn chót đây cũng là bất khả thi. Vì vậy, mọi nhà báo nước ngoài tự nhiên cứ phải 'phạm luật' và chính quyền cũng nhắm mắt làm ngơ, cho đến khi nào phóng viên nước ngoài viết điều gì mà Bộ Công ai không hài lòng.
Đây là một trong những lý do Việt Nam nằm ở cuối các danh sách xếp hạng tự do báo chí.
Nhưng các nhà báo nước ngoài khác lại không bị cấm nhập cảnh cho dù phạm Luật Báo chí.
Nhà báo Bill Hayton từng hoạt động tại Việt Nam
Vậy tại sao tôi lại là mối đe dọa đối với Bộ Công an? Liệu Bộ Công an có nghĩ rằng cuốn sách của tôi có thể hỏng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Đó là cuốn sách phản ánh Việt Nam hiện đại một cách trung thực, công bằng và chừng mực.
Nó bao gồm cả khen và chê, kể lại trung thực về hoạt động của hệ thống chính trị, cách Đảng duy trì quyền lực và họ quan hệ với thế giới bên ngoài ra sao?
Có rất ít điều trong sách có thể coi là mới với người Việt Nam bởi họ biết rõ hầu hết những điều tôi viết.
Tôi nghĩ tội của tôi là đã công khai các điều này bằng tiếng Anh để các chính phủ nước ngoài và các nhà tài trợ có thể đọc được.
Cuốn sách được nhiều người đón đọc. Ít nhất một trường đại học ở Mỹ khuyến cáo các sinh viên nghiên cứu về Đông Nam Á đọc sách này.
Chưa ai nói với tôi về bất cứ sai sót hay điều không chính xác nào và cũng không ai nói sách không công bằng hay thiên lệch.
Có lẽ đây là lý do sách không được phép in tại Việt Nam.
Có lẽ đây cũng là lý do mà giờ tôi bị cấm vào Việt Nam.
Dường như Bộ Công an coi viết sự thật về Việt Nam đương đại là một tội.
Và chuyện tôi viết bài này sẽ chỉ làm cho cái nhìn của Bộ Công an đối với tôi càng thêm thiếu thiện cảm.
Nhưng điều quan trọng là mọi người biết tới hành động ngăn cản tự do ngôn luận và cản trở việc công bố quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông của Bộ Công an.
Không có nhận xét nào: