Lo ngại sửa đổi Luật Luật sư ở VN - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 11, 2012

Lo ngại sửa đổi Luật Luật sư ở VN

Nguyễn Hoàng - Phòng Thương mại Âu châu (Eurocham) và Phòng Thương mại Úc (Auscham) bày tỏ quan ngại về Dự thảo Sửa đổi Luật Luật sư dự kiến sắp được Quốc hội Việt Nam thông qua.

Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam, ông Preben Hjortlund viết “Nếu các điều khoản sửa đổi Luật Luật Sư được thông qua, các sửa đổi đó sẽ đe dọa đến khả năng hoạt động lâu dài của các công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

"Các sửa đổi này, nếu được thông qua, về tổng thể sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam"
(Preben Hjortlund, Chủ tịch Eurocham Việt Nam)
“Các sửa đổi này cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài cần đến các dịch vụ tư vấn pháp lý tại Việt Nam và đặc biệt về tổng thể sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Hjorlund nói trong thư đề ngày 01/11/2012.

Auscham trong khi đó nói "việc giải thích mở rộng các điều khoản sửa đổi theo đó giới hạn phạm vi hành nghề của các văn phòng luật nước ngoài tại Việt Nam có thể sẽ làm giảm hoạt động kinh doanh của Úc tại đây".

“Thực hiện một biện pháp hạn chế, bảo hộ trong thời điểm khó khăn về kinh tế có thể là những bước tụt lùi cho Việt Nam và sẽ gửi ra một tín hiệu nguy hiểm cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông John Burns, Chủ tịch Auscham tại Việt Nam viết trong thư đề ngày 02/11/2012 gửi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

BBC được biết Phòng Thương mại Hoa Kỳ sắp gửi một thư tới nhà chức trách Việt Nam trình bày quan ngại tương tự.

‘Sân chơi bình đẳng’

Đại biểu Quốc hội sẽ được lấy ý kiến để theo dự kiến thông qua Luật Luật sư sửa đổi vào tuần sau.

Phản ứng của các phòng thương mại kể trên diễn ra sau khi 18 công ty luật Việt Nam vào ngày 19/09/2012 gửi kiến nghị tới các cơ quan của Quốc hội và Bộ Tư pháp nói rằng "Việt Nam còn thiếu cơ chế cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và tuân thủ pháp luật giữa tổ chức luật sư nước ngoài và tổ chức luật sư Việt Nam".

“Luật Luật sư hiện hành còn thiếu các giải pháp mang tính chiến lược phát triển luật sư Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chưa phù hợp với các cam kết WTO của Việt Nam”.

"Luật Luật sư có quy định cấm luật sư nước ngoài tư vấn pháp luật Việt Nam nhưng không đưa ra cơ chế quản lý, giám sát điều này"

Kiến nghị của 18 công ty luật Việt Nam

“Luật Luật sư có quy định cấm luật sư nước ngoài tư vấn pháp luật Việt Nam nhưng không đưa ra cơ chế quản lý, giám sát điều này. Luật Luật Sư cũng cấm hãng luật nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Toà án Việt Nam.

"Trên thực tế có nhiều tổ chức luật sư nước ngoài đã tham gia tư vấn luật Việt Nam, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, đàm phán, đòi nợ và chỉ thuê luật sư Việt Nam làm nhà thầu phụ trong giai đoạn tố tụng trước tòa"

Bản kiến nghị của các công ty luật Việt Nam nói thêm rằng “một số qui định và thiếu sót được đề cập trong Luật luật sư không những không phù hợp mà còn gây cản trở cho một nghị quyết của Bộ Chính trị”.

'Rất thất vọng'

"Một vài trong số các đề xuất trong bản kiến nghị không nhất quán với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế Giới"

Phản hồi của 12 công ty luật nước ngoài

Một thực tế đáng chú ý là một số văn phòng luật Việt Nam hiện có sử dụng luật sư nước ngoài. Tương tự, hãng luật nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có khá nhiều luật sư Việt Nam hành nghề tại đây.

Phản hồi lại bản kiến nghị của các công ty luật Việt Nam, 12 hãng luật nước ngoài vào ngày 24/10/2012 đã gửi thư tới các cơ quan của Quốc hội và Bộ Tư pháp nói họ "rất thất vọng về nội dung kiến nghị của 18 công ty luật Việt Nam"

"Một vài trong số các đề xuất trong bản kiến nghị không nhất quán với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO) và biểu cam kết dịch vụ mà Việt Nam đã ký kết khi gia nhập WTO năm 2007".

Các hãng luật nước ngoài mô tả điều họ gọi là "Uy tín của chúng tôi giúp nâng cao mức độ tín nhiệm và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực như là một điểm đến để đầu tư".

"Việc Việt Nam đi ngược lại với các xu thế đó sẽ không chỉ là quay lại tự cô lập mình về ngành nghề pháp lý mà còn gửi ra cho cộng đồng đầu tư quốc tế một thông điệp tại thời điểm nhạy cảm hiện nay khi tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước đang rất căng thẳng", các công ty luật nước ngoài nói trong thư.

'Sang sân Quốc hội'

12 công ty luật nước ngoài cũng mô tả điều họ gọi là “Nhiều công ty trong số chúng tôi đã được “địa phương hóa” và ngày càng mang đậm bản chất Việt Nam hơn nhờ có nhiều luật sư Việt Nam đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong các công ty luật chúng tôi...

"Đề xuất sửa đổi về cơ bản đã được hoàn thiện và quá trình bây giờ có thể xem là được chuyển sang sân của Quốc hội rồi"

Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ Trợ Tư Pháp

Một trong các quan ngại mấu chốt, theo giới quan sát, đối với các hãng luật nước ngoài là liệu các luật sư Việt Nam làm việc cho các công ty luật nước ngoài có được phép tiếp tục tham gia soạn thảo các hợp đồng thương mại và điều lệ kinh doanh …theo tinh thần của Luật Luật sư sẽ được sửa đổi hay không.

Trả lời BBC ngày 14/11, bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ Trợ Tư Pháp, cho biết “Thư kiến nghị của các văn phòng luật sư Việt Nam cũng chỉ là một góp ý bởi bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào cũng có quyền được góp ‎ý.

"Sửa đổi gì thì cũng phải theo nghị quyết 71/2006/QH11 của Quốc hội và cam kết của Việt Nam với WTO.

“Đề xuất sửa đổi về cơ bản đã được hoàn thiện và quá trình bây giờ có thể xem là được chuyển sang sân của Quốc hội rồi", bà Yến nói thêm.

BBC đã liên lạc với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc Hội Phan Trung Lý để tìm hiểu diễn biến mới nhất về chủ đề trên. Ông Lý từ chối bình luận và nói "Tôi không phụ trách vấn đề này".

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội theo dự kiến sẽ xem xét lấy ‎ý kiến của các đại biểu quốc hội về dự luật sửa đổi này vào ngày 20/11.

Lo ngại sửa đổi Luật Luật sư ở VN Reviewed by Em Binh on 11/16/2012 Rating: 5 Nguyễn Hoàng  - Phòng Thương mại Âu châu (Eurocham) và Phòng Thương mại Úc (Auscham) bày tỏ quan ngại về Dự thảo Sửa đổi Luật Luật sư dự ...

Không có nhận xét nào: