Ân Sủng Của Chúa, Cơ Chế Xin Cho & Hiện Tượng Kim Chi - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 1, 2013

Ân Sủng Của Chúa, Cơ Chế Xin Cho & Hiện Tượng Kim Chi

Gocomay - Mấy hôm nay cư dân mạng bàn ra tán vào nhiều về chuyện NSƯT Kim Chi gửi thư cho Hội Điện Ảnh từ chối làm hồ sơ (đơn) xin bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Với lý do giản dị: “Không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm”. Thông điệp ngắn ngủi ấy ngay lập tức đã gây sự chú ý rất lớn của dư luận cả trong và ngoài nước. Vậy cái bằng khen kia danh giá tới cỡ nào? NSƯT Kim Chi là ai mà dám to gan khước từ ân sủng của vị chúa tể (thủ tướng) vào hàng quyền lực nhất đất nước như vậy?

Cơ chế xin cho

Các ngành khác ra sao thì tôi không rõ. Riêng ngành nghệ thuật (dưới sự quản lý của Bộ Văn hoá) thì chỉ có đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) và Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) đợt đầu vào năm 1984 là các nghệ sỹ không phải làm đơn. Còn từ đợt 2 trở đi đều phải có đơn từ xin xỏ đàng hoàng. Các đơn này phải có đầy đủ chữ ký xác nhận của các hội đồng cơ sở như từ các Hãng xưởng lên đến Cục; Hội; Bộ… cho tới hội đồng của nhà nước. Sự xét duyệt tưởng như vô cùng chặt chẽ này tuy đều có các tiêu chuẩn (mà tiêu chuẩn về chính trị là hàng đầu) sau đó đến các tiêu chuẩn qui định về các tác phẩm đoạt giải… Nhưng vẫn không tránh khỏi những tiêu cực, bất công.

Cố đạo diễn-NSND Ngọc Quỳnh
Đó là lý do tại sao đạo diễn Ngọc Quỳnh người đạo diễn 2 bộ phim Tài liệu nổi tiếng là “Đầu sóng ngọn gió”“Luỹ thép Vĩnh Linh” đều được giải cao trong các Liên hoan phim quốc tế và trong nước đã bị trượt danh hiệu NSND đợt đầu. Khiến cả hai vợ chồng bỏ ăn và ôm nhau khóc suốt mấy ngày giời…

Lại có bà đạo diễn hữu danh vô thực, nếu xét về đầu phim được giải (theo tiêu chí đề ra) thì đủ tiêu chuẩn. Nhưng xét về năng lực thì ai cũng thấy bàn tay của người khác làm thay. Do đó bà chỉ đạt danh hiệu NSƯT mà tõn NSND khiến bà đâm đơn kiện khắp nơi. Làm chậm cả đợt công bố danh hiệu nghệ sỹ tới hàng năm trời. Cho tới đợt 2012 vừa rồi, mặc dù bà đã về hưu, không có tác phẩm nào mới đoạt giải. Nhưng quan trên vẫn “bốc xôi làng” cho bà ta. Chắc là để tưởng thưởng một điển hình tiêu biểu về sự kiên trì làm đơn (cả đơn xin lẫn đơn kiện) chăng?

Ngoài hai danh hiệu NSND và NSƯT cao qúi (chủ yếu được xác lập trên cơ sở tham gia làm các phim đoạt giải), các nghệ sỹ còn có thể nộp đơn xin các giải thưởng như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải Thưởng Nhà Nước. Tất cả những ai nộp đơn (dù xin danh hiệu nghệ sỹ hay xin xét giải thưởng ) đa phần đều phải giữ gìn phẩm hạnh về chính trị (“đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” với tất cả mọi người…) có như vậy mới mong thành chánh qủa được. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Như trường hợp nhạc sỹ Phạm Tuyên chẳng hạn. Ông cương quyết không chấp nhận phải làm đơn từ để xin xỏ. Mà nói nếu nhà nước thấy ông xứng đáng mà trao giải thì ông cũng không khước từ. Nhưng trường hợp của ông Tuyên vẫn phải có đơn, đơn này do Hội nhạc sỹ của Hà Nội thay mặt nhạc sỹ làm giúp. Nên cơ chế xin cho vẫn được thiết lập một cách nghiêm ngặt cho tới giờ phút này.

Trường hợp của NSƯT Kim Chi

Nghệ sỹ Kim Chi và Bà Nguyễn Thị Định
 (chụp ở R…)
Nghệ sỹ Kim Chi, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Chi (chị còn có tên thời sống ở R là Dương Khánh Phương) là sinh viên miền Nam tập kết ra bắc và vào học lớp diễn viên khoá 1 Trường Điện ảnh VN (năm 1959), trước May đúng 14 năm (May học QF-K.6 năm 1973). Học xong, ra trường được khoảng 2 năm, cả hai vợ chồng chị Kim Chi (chồng cũng quê Nam Bộ là nhà quay phim nổi tiếng Hồng Sến) được cử vào chiến trường B-3 (Đồng Tháp Mười-Nam Bộ). Chồng quay phim tài liệu còn vợ thì trong Đoàn Văn công Giải phóng. Nếu ai đã từng được xem 2 bộ phim tài liệu nổi tiếng của Hồng Chi (tên ghép của Hồng Sến-Kim Chi) ”Đường ra phía trước” (giải Huy chương vàng LHP QT Moscow-1969; Bông sen vàng LHP Việt Nam 1973) và phim “Nghệ thuật tuổi thơ” (giải Ap-xa-ra vàng tại Liên hoan phim Phnôm Pênh 1969 và giải Bông Sen vàng tại LHP Việt Nam 1973) thì sẽ hiểu những năm tháng đẹp nhất của đôi nghệ sỹ trai tài gái sắc này trong thời chiến tranh ác liệt sống và làm việc như thế nào.

Nhà quay phim Hồng Chi (con trai thứ 2
của Kim Chi và Hồng Sến)
Họ có với nhau 2 mặt con. Mai Phương, là con gái đầu, hiện là biên kịch (Mai Phương có 2 cô con gái đang là các diễn viên có nhiều triển vọng…).

Hồng Chi là con trai thứ 2, hiện là quay phim nổi tiếng của Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS).

Có nột chuyện vui, cách đây 2 năm có bác nhà văn rất nổi tiếng, khoe Mai Phương là con của ông ta trên báo chí. Chả biết thực hư ra sao nhưng bác này đã bị ăn một cái tát nẩy đom đóm mắt của phu quân hiện nay của bà Kim Chi trước đông đảo đồng nghiệp về dự Đại Hội Nhà văn ở Hà Nội. Làm xôn xao dư luận xã hội.

Trở lại chuyện phong danh hiệu nghệ sỹ! Trong số 30 hồ sơ được phong danh hiệu NSƯT của ngành Điện ảnh đợt gần đây nhất (2012), có 3 vị nữ diễn viên nổi tiếng là Tố Uyên; Đức Lưu và Kim Chi thuộc diện đặc cách. Tại sao lại gọi là đặc cách? Vì cả 3 vị đã đóng góp nhiều cho ngành điện ảnh, nay đã già, về hưu đã lâu nên hầu như không còn đóng phim để gọi là đem ra thi thố để có giải thưởng nữa. Nên Hội Điện ảnh đã để nghị đưa vào “danh sách đặc cách” để các nghệ sỹ đó đỡ bị thiệt thòi. Điều này là sự ghi nhận (tuy muộn màng) nhưng rất phục thiện của Hội ĐAVN. Khiến Nghệ sỹ Kim Chi rất cảm động mà bày tỏ rằng:

“Mặc dù tôi từ chối làm hồ sơ Thủ tướng khen, nhưng tôi đầy lòng biết ơn Hội Điện Ảnh Việt Nam đã luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của tôi:

- Đã ủng hộ để tôi được phong tặng nghệ sỹ ưu tú

- Đã cho tôi tham dự trại viết điện ảnh năm 2011

- Đã bình xét tôi là cá nhân xuất sắc năm 2011

Hội viên Hội Điện ảnh có hàng ngàn người trong cả nước. Tôi nghĩ mình được quan tâm như thế cũng đã nhiều và tôi thấy vui”

Diễn viên Kim Chi và các đồng nghiệp thời ở R…
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như cát tát nẩy đom đóm mà Kim Chi ủy nhiệm cho phu quân của mình đối với kẻ ba hoa chích choè giữa Đại hội Nhà văn kia, thật chả thấm gì so với cát tát trực diện vào “những kẻ làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” như thế này. Đó chính là khí phách can trường của người nghệ sỹ chân chính. Trong thời loạn đã dám xả thân, hy sinh cuộc sống an bình nơi hậu phương để lao vào tuyến lửa ăn bờ ở bụi, đối mặt với bao gian khó hiểm nguy. Những tâm hồn và khí phách lớn như thế họ đâu cần phải “đi nhẹ nói khẽ cười duyên” để nhận ban phát những nắm “xôi chùa ngọng miệng” để phải hổ thẹn với biết bao đồng đội can trường của mình đã bỏ mạng sống qúi giá… đến bây giờ vẫn chưa được trở về… dù chỉ là nắm xương khô.

Muốn lý giải cho thấu hiện tượng Kim Chi, phải trở về cội nguồn cái “dòng sông định mệnh” khắc nghiệt ấy mới có thể cắt nghiã tại sao bà đã hành động một cách “bất thường” như thế.

Nghệ sỹ Kim Chi hiện nay
Khi được (BBC) hỏi liệu bà có sợ bị ảnh hưởng tới bản thân khi đưa ra lá thư này, nghệ sỹ nói, thậm chí cả khi người ta tạo ra những tai nạn để bà “chết” đi nữa, thì điều đó cũng không đáng sợ vì “tôi sống ngay thẳng, sống cho tử tế”.

Những ý kiến trái chiều

Xung quanh việc làm của nghệ sỹ Kim Chi, bên cạnh những ý kiến khâm phục, khen ngợi, cho đây là sự kiện “sấm sét giữa trời quang” làm không ít trí thức, văn nghệ sĩ – vẫn chỉ chăm chăm tỉa tót cho "bộ lông cánh" của họ phải giật mình hổ thẹn.

Mặc dù vậy, cũng có vài ý kiến phản biện, lập luận rằng, với cơ chế XIN-CHO như hiện nay, không ngửa tay XIN thì ai người ta CHO. Kể cả khi có thành tích mà xin không khéo chắc gì đã đậu? Từ đó họ suy diễn đại loại rằng:

“Tôi không dám nói Bà Kim Chi có xứng đáng và có bao nhiêu % cơ may được khen, nếu làm hồ sơ xin. Tuy nhiên, nói rằng Bà Kim Chi từ chối lời khen của Thủ tướng là chưa chính xác vì … ai lại ký cho những người “chưa xin” hoặc “không chạy” danh hiệu “cao quý” bao giờ!

Nghe nhiều rồi, bây giờ nếu nghe nữa cũng chẳng lấy gì làm lạ. Ấy là: đóng kịch ấy mà, biết trước là Hội có đề nghị cũng không được cho nên bày trò “giãy nãy” từ chối làm hồ sơ. Ưa được nổi tiếng ấy mà …”

Lại còn kèm thêm cả lời đe doạ nữa:

“Tưởng trước sau gì cũng không có cơ may được giấy khen của Thủ tướng bèn bày trò xin giấy khen của LÒNG DÂN để kiếm tiền tài trợ nước ngoài!? Sắp tới, có dư luận gì về đời tư của Bà Kim Chi thì tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.

Không muốn uống rược mời thì phải chuẩn bị uống rượu phạt thôi. Không muốn được KHEN tất sẽ bị cười chê, chê bai rồi thì chế nhạo, chế tài, cưỡng chế, thậm chí cưỡng… cưỡng gì đó không chừng.

Vợ chồng nghệ sỹ Xuân Quỳnh với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một TAI NẠN giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương.

Dù không phải lập hồ “XIN”, Bà Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Cũng chưa nghe báo mộng bà thấy buồn, thấy nhục vì “chữ ký” ai đó trên giấy khen.”


Có người cho rằng đây là giọng điệu của một trong đám âm binh của thầy trò “đồng chí X” (mà gần đây trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ HN - Hồ Quang Lợi gọi bằng cái tên rất kêu “Dư luận viên xã hội”). Chắc tụi này muốn bôi bác và đe doạ cái dũng khí “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ” (chữ của Võ Văn Tạo) của con cháu Bà Trưng đây. Nhưng thưa đồng chí “Dư luận viên XH” ơi, năm nay đã là 2013 rồi. Chứ không phải là năm 1988 nữa đâu nhé. Với lại khi nghệ sỹ Kim Chi viết thư cho Hội ĐAVN và lại đồng ý cho hậu duệ của nhà thơ Xuân Sách công bố trên Facebook thì chị đã coi cái chết tựa lông hồng rồi. Chính vì thế đừng đem chết chóc của vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ và cháu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi ở dốc Cầu Phú Lương-Hải Dương cách đây 1/4 thế kỷ ra đe doạ làm gì cho mất công.

Thay lời kết

Cách đây hơn 7 năm, trong một bức thư hiếm hoi (có hồi âm) của tôi gửi cho một người bạn đồng môn trong nước (lúc đó anh ta đã ngấp nghé ở vai trò lãnh đạo cao nhất ngành điện ảnh), bàn về chuyện danh hiệu và giải thưởng tôi đã viết thế này:

Những giải thưởng cao trong nước và quốc tế cũng như điạ vị, các danh hiệu nghệ sỹ lớn nhỏ do nhà nước phong tặng là vô cùng cao quí nhưng vẫn chưa đủ. Nếu được đổi tất cả những cái danh giá ấy để mang lại những khởi sắc cho sự nghiệp mà bạn đang là một nguời đứng mũi chịu sào thì có lẽ bạn cũng không đắn đo gì có đúng không? (* Xem thêm ở dưới đây)

Lúc đó anh bạn của May đang thăng tiến vững chắc trên con đường tới cái ghế danh giá bậc nhất của ngành điện ảnh. Hẳn anh ta cũng cho những ý kiến của May như dạng: “người ở lĩnh vực khác, ở nơi khác, sống trong điều kiện khác…. lại tỏ ra quan tâm…” (http://www.hongngatfilm.com/2012/12/nam-moi-tay-2013.html) nên hơi đâu mà để lọt lỗ tai…

Bởi vậy, chắc chắn việc làm đầy bản lĩnh của nghệ sỹ Kim Chi vừa qua sẽ làm cho các “nghệ sỹ, trí thức phẩm trật mũ cao áo dài lòe loẹt đông như châu chấu” (chữ của Văn Tạo) ở xứ ta phải suy ngẫm và xem lại những việc làm bon chen, hèn nhược một cách thái quá của mình. Để khỏi phải ngộ nhận ”sống chết với nghề” một cách hoang tưởng phù du!


Ân Sủng Của Chúa, Cơ Chế Xin Cho & Hiện Tượng Kim Chi Reviewed by Unknown on 1/17/2013 Rating: 5 Gocomay - Mấy hôm nay cư dân mạng bàn ra tán vào nhiều về chuyện NSƯT Kim Chi gửi thư cho Hội Điện Ảnh từ chối làm hồ sơ (đơn) xin bằng k...

Không có nhận xét nào: