HÀ NỘI (NV) - Hàng trăm trí thức và nhiều người là đảng viên đảng CSVN đang mở chiến dịch kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ bản Hiến Pháp đã có từ năm 1992 và thay bằng một bản Hiến Pháp mới tôn trọng thật sự các quyền căn bản của con người, cũng như bỏ điều 4 dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN.
Công an trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc bá quyền ở Hà Nội ngày 9 tháng 12, 2012 vừa qua. Hàng ngàn người đã ký tên trên bản kiến nghị đòi bỏ điều 88 Luật Hình Sự vì vi phạm quyền tự do hội họp, biểu tình như Hiến Pháp đã quy định. Nay CSVN đang chuẩn bị sửa lại bản Hiến Pháp 1992 nhưng vẫn giữ độc quyền cai trị cho đảng CSVN. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Chiến dịch này được mở ra nhân cơ hội nhà cầm quyền CSVN, từ năm ngoái đến nay, thúc giục “nhân dân đóng góp ý kiến để sửa đổi lại bản Hiến Pháp 1992” “để thích hợp với tình hình mới.”
Báo điện tử chinhphu.vn ngày 15 tháng 11, 2012 nói “quy định của Hiến Pháp 1992 đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp.”
Những người ký tên trên bản kiến nghị cho rằng những gì trong dự thảo sửa đổi của đảng và nhà nước CSVN là “có nhiều điểm chưa phù hợp với các quy định và chuẩn mực quốc tế về quyền con người.”
Bản kiến nghị nêu ra 7 điểm chính cần phải sửa đổi từ quyền con người, sở hữu đất đai, tổ chức nhà nước, lực lượng vũ trang, trưng cầu dân ý, thời hạn góp ý sửa Hiến Pháp. Những gì được đề nghị sửa đổi đều dựa trên tính phổ quát của quyền con người như tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và Công ước quốc tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chế độ Hà Nội đặt bút ký cam kết tôn trọng nhưng không thực hiện trong thực tế.
Những người ký kiến nghị cho rằng nhiều điều khoản trong dự thảo Hiến Pháp mới chỉ nhằm giới hạn các quyền của công dân “để đàn áp các công dân thực thi quyền tự do như đã diễn ra trong thực tế trong những năm qua ở nước ta.” Các quyền công dân trong dự thảo sửa đổi vẫn có cái đuôi “theo sự quy định của pháp luật” chỉ là dùng Bộ Luật Hình Sự cho quyền chế độ quyền đàn áp nhân dân, vi phạm nhân quyền.
Ký tên vào bản kiến nghị, ngoài những trí thức nổi tiếng trong nước như Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Tương Lai, Lê Ðăng Doanh, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Duy Hiển, Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Hoàng Tụy, v.v... người ta còn thấy có cả một số đảng viên đảng CSVN từng nắm những chức vụ quan trọng như cựu bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Ðình Lộc, Tống Văn Công, nguyên tổng biên tập báo Lao Ðộng, Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên Cứu của ông Thủ Tướng Phan Văn Khải, Hoàng Xuân Phú, viện trưởng Viện Toán Học ở Hà Nội, Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc Hội, Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của ông Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, v.v...
Trang mạng Bauxite Vietnam ngày 23 tháng 1, 2013 đăng lại danh sách 3 đợt ký kiến nghị đòi sửa đổi Hiến Pháp bỏ độc quyền cai trị cho đảng CSVN gồm 574 người chỉ trong vòng 1 ngày công bố. Danh sách này sẽ còn được cập nhật trong những ngày sắp tới.
Ngày 25 tháng 12, 2012, trang mạng Bauxite Vietnam công bố một bản “Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến Pháp tại Việt Nam” đòi bãi bỏ điều 88 của Luật Hình Sự, đến nay đã có hơn 3 ngàn người ký tên.
* Ðảng cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo
Bản tin của tờ Hà Nội Mới (cơ quan tuyên truyền của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội) ngày 23 tháng 1, 2013 tường thuật “Cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992.”
Trong đó ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội, phó trưởng Ban Biên Tập dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 nói rằng lần sửa Hiến Pháp này “đặc biệt là nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân.”
Nói khác, điều 4 của bản Hiếp Pháp 1992 dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN vẫn được giữ lại và chỉ sửa chữa râu ria mà thôi.
Không mấy ai tin rằng khi bản Hiến Pháp được sửa đổi năm nay sẽ đem đến thay đổi thật sự. Công an vẫn đánh chết người rồi đổ cho người ta “tự tử,” các cuộc bầu cử từ trên xuống dưới vẫn “đảng cử dân bầu,” các công ty quốc doanh “lời giả lỗ thật” vẫn là “chủ đạo” của nền kinh tế để các quan dùng làm sân sau tiếp tục đục khoét, tham nhũng.(TN)
Không có nhận xét nào: