Đi Thăm Anh Lê Hiếu Đằng, Có Lẽ… Chưa Phải Là Lần Cuối! - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
9 tháng 12, 2013

Đi Thăm Anh Lê Hiếu Đằng, Có Lẽ… Chưa Phải Là Lần Cuối!

Hạ Đình Nguyên: Chiều thứ 5 ngày 5, tôi đến thăm anh, tại bệnh viện 115, TP HCM, sau nhiều tuần anh không ra được café Boulevard. Bạn bè, ai cũng biết là bệnh tình của anh đã trở nặng.

Anh nằm nghiêng về phía bên phải, mặt xây ra hướng cửa. Tôi bước vào, đi thẳng lại giường bệnh và nắm nhè nhẹ bàn tay anh, trên đó hiện lên những mảng sạm đen. Tôi nhìn anh, mỉm cười và chờ đợi, vì không biết nói lời gì cho thích hợp. Thế là anh nói trước:

“Lần này mình từ biệt bạn thật rồi, Nguyên ơi!”

Bỗng dưng lòng tôi chùng xuống, không còn một ý tưởng nào trong đầu.

Từ biệt thật rồi, tức là anh đã hiểu rõ tình huống của mình. Tôi đọc trong lời ấy một nỗi buồn, như có một mối dây liên hệ đặc biệt khi anh gọi tên tôi. Thật ra, tôi và anh chưa phải là những người bạn thân của nhau lâu ngày. Chỉ gặp nhau nhiều trong hai năm qua. Tôi biết về anh nhưng chưa từng gặp mặt trước 1975. Khi tôi xuất hiện trong phong trào đấu tranh, thì anh đã đi trước và mất hút vào rừng. Anh mang án tử hình vắng mặt. Anh bung ra trong một giai đoạn nút thắt của cuộc chiến. Đúng ra, trong anh em chúng tôi đều có thể mang một cái án như thế bất cứ lúc nào, dễ dàng và bất ngờ trong một phút không may, như một cái va chạm chết người giữa những chiếc xe chạy trên đường phố. Sự hiểm nguy không thể biết chắc là lúc nào, nhưng biết là nó sẽ đến từ rất nhiều hướng và từ nhiều phương án trong âm thầm của hai bên. Những người đấu tranh công khai mang riêng một thân phận của mình, tự biết rằng mình đóng vai trong một vở kịch, và mình tự nguyện nhập vai, không có bụi bờ để tránh né, phải đi thẳng người giữa hai lằn đạn vô hình. Một buổi sáng, trời đất thì bình yên nhưng tôi thì không, bất ngờ bị “tóm” vào tù. Nhưng khi anh mang một cái án tử hình trong người, thì không dễ chút nào, và cho đến cuối đời, có xứng đáng với từ ngữ ấy không, chẳng phải ai cũng làm được, mà anh Đằng làm được. Anh vẫn là người bước lên trước trong tình thế nóng bức càng lúc càng căng, cho đến tận những ngày hôm nay. Anh vẫn là người mang án tử hình đối với mọi thể lực đi ngược lại độc lập tự do. Đó là phẩm chất trung thành với dự phóng tương lai, và nhận ra lằn ranh giữa hai cái đúng và sai, đó là cái dũng trong lương tri của người yêu nước. Khi tôi nằm co ro chân tay ở Côn Đảo, thì anh lội suối băng rừng, làm cái chi đó. Song tất cả đều theo mệnh lệnh từ một nơi, với một niềm tin trong trí mình về hòa bình độc lập - tự do - dân chủ rất chân phương. Rồi cái ngày hòa bình độc lập đã đến, mà tự do dân chủ thì từng bước nhận ra nó ngày càng lùi xa. Anh vẫn đi tiếp những bước tiền phong. Anh kiên trì đấu tranh nội bộ với những “đồng chí” đã từng cùng nhau trải qua bom đạn, cái chí tình ấy không đến đâu, nó vô vọng, đến một lúc phải bung vỡ. Đành thôi!

Những trái tim yêu nước của tuổi trẻ đã ngã xuống dù ở bên này hay bên kia, đều phải được trân trọng, không ai có quyền xúc phạm. Những kẻ đang ném đá từ hai bên, chúng ta chỉ cười vì thấy sự hợm hĩnh và xấu xí của cả hai.

Hãy dẹp đi những lời lẽ mạ lỵ rẻ tiền, những cuộc ném đá vô bổ, để gỡ gạc cho dù sự thắng hay sự thua. Sự hy sinh mất mát là đáng tiếc nhưng đừng nhân danh nó để quá giang thay cho một tầm nhìn. Nếu ngó lịch sử với chỉ một con mắt thì tiếp tục xé lịch sử ra hai dòng. Kẻ thắng chẳng nên tự hào thì người thua càng không nên cưỡng cầu gượng ép. Chúng ta phải trung thành với tương lai. Có ai nên trách cái tuổi 20 đi yêu một người con gái không chính chuyên, ai biết trước? Có những kẻ khoe khoang vô duyên là mình đã sáng suốt từ khi còn ở trong bụng mẹ.

Hãy bịt chặt trái tim rỉ máu của thời đại mình, nhằm góp phần mở tối thoát cho thế hệ sau, bởi chẳng có cách nào khác.

Tuổi trẻ hôm nay không dính dáng gì đến các loại sai lầm đã qua. Họ phải đi tới bằng một tầm nhìn và trái tim mới mẻ mà thời đại đang đặt ra, họ nhẹ nhàng và trân trọng gỡ chiếc ba lô quá khứ để vào kho lịch sử.

Hôm qua, trên mạng đưa tin anh đã chính thức từ giã Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi thầm nghĩ, chuyện tình có dang dở thì dũng cảm để đường ai nấy đi vậy... Có người lên tiếng phẫn nộ rồi quay đi, có người cãi cọ cho cạn tình cạn lý mới đi, lại có người không nói không cười, im lặng quay đi và đóng sập cửa lại sau lưng mình.

Tôi cố làm vui:

“Đã quyết không mong sum họp mãi,

Bận lòng chi nữa lúc chia phôi!”.

Anh nở nụ cười, và một dòng nước chảy xuống khóe mắt phải. Tôi hỏi vì sao, anh nói:

- Mình có bịn rịn gì đâu, vợ mình cứ ngăn cản mãi! Chẳng qua là phải chia tay anh em thôi, ngay trong giai đoạn nút thắt đáng tiếc của lịch sử.

Tôi nhanh nhẩu:

- Đúng rồi, anh đã sòng phẳng, anh đã kịp trả lại cái thẻ…, anh đã tính sổ minh bạch, với cuộc đời, với mối quan hệ xã hội.

Anh là người gốc Quảng, tôi cũng xứ Quảng, nên không nề hà chuyện cãi vã, dù là lúc xe tăng đang đến. Anh nói:

- Không! Mình phải mang ơn cuộc đời, mang ơn xã hội, nhưng chỉ…

Anh dừng lại nửa chừng vì một cơn ho nhẹ. Tôi tiếp lời:

- Chỉ… Nhà nước thôi, phải không?

- Không! – anh lại cãi. Thật ra là Đảng, mà không phải là tất cả, chỉ một số người chủ chốt không biết thay đổi…, chỉ vì say mê quyền lực, một thứ quyền lực ma quái hiện hình trong tình thế nội bộ quá thối nát…

Tôi cố nói đùa cho anh vui:

- Vì cả cái sự nghiệp cá nhân… linh tinh ấy thôi! Cái sự nó sinh ra cái nghiệp, chẳng đáng gọi là sự nghiệp, đúng không?

Tôi muốn trong những ngày tháng khó khăn này, anh nên ra đi trong một tâm thế thanh thản, thay vì đau đáu chuyện nước non, nhưng tôi không biết phải nói lời nào. Lời Chúa hay lời Phật? Hẳn là không phải lời của Mác hay Lê. Anh đã trải qua một tiến trình sinh ly, nay thì tử biệt. Cái năng lượng cuối cùng của người có tín ngưỡng sẽ dồn về một một đấng thiêng liêng vô hình nào đó. Ở anh, tôi không thấy một dấu hiệu nào như thế. Trên giường bệnh anh vẫn cố gắng trả lời phỏng vấn, vẫn là bày tỏ ước nguyện trong trẻo của tuổi thanh niên. Dân chủ nhân quyền chẳng phải là nơi về xứng đáng của cái năng lượng tinh khiết cuối cùng đó hay sao? Anh đã quên đi cái tôi nhỏ nhoi mong manh của mình, và đang thực hành những dặn dò cốt lõi của Phật và Chúa vậy: Vì cộng đồng. Vì tha nhân. Thay vì thông qua kinh kệ, anh chọn con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.

Có mấy người ở ngoài cửa chuẩn bị bước vào thăm anh, tôi vội lui ra, tự nhủ mình nên biết phải chứ, chẳng lẽ giành cướp hết cái năng lượng còn lại ít ỏi của anh. Tôi cố cười thật vui để chia tay.

Khi ra lấy xe về, trong lòng tôi suy nghĩ, anh ấy sẽ được quàn ở đâu bây giờ? Cái nhà chỉ có 3 thước bề ngang đã cho thuê, chỉ sống ở phần bếp đàng sau, không thể để lọt cái quan tài… Thế mà trên mạng, các “đồng chí dư luận viên vì nước vì dân” đã phun ra những lời đá sạn, rằng nước ngoài mua anh mấy tỉ… Từ giã Đảng rồi thì anh cũng chẳng thích gì vào cái nhà tang lễ số 8 Lê Quý Đôn, cái nơi mà bóng râm ấy còn rớt hột, mà chưa chắc họ đã cho… Cái nghĩa trang Mai Dịch ngoài kia người dân gọi là Mắc Dịch. Hôm qua nghe tin công an làm “mưa nhân tạo” ở đoạn đường Võ Thị Sáu, ở ngay cái chỗ mà dân oan thường ngồi tụ tập chờ đưa đơn khiếu kiện, họ phải vất vả co ro núp tránh, cái oan chồng chất lên dân oan. Cả đến cái không gian cũng đang bị vò bóp.

Hôm nay, Sài Gòn nắng đẹp, trời không mưa, không gió bão, nhưng không thấy ai vui vì “Quốc hội” vừa phủ một màu xám xịt lên cả đất nước. Và sau đó là sự ra đi của cụ Nguyễn Kiến Giang, đã hé lộ thêm một mảng tối hôi hám của lịch sử Đảng, mà thế hệ chúng tôi biết ít ỏi, lại muộn màng.

Trở lại thực tế, tôi tự hỏi: Anh Đằng sẽ nằm ở đâu bây giờ?

Bất ngờ, sáng sớm hôm sau, tôi lại nhận cuộc gọi trực tiếp của anh. Với cái giọng vui và ấm áp, anh báo tin: Bác sĩ Nguyễn Đắc Diên cũng đã thông báo ra khỏi Đảng. Tôi nói với anh, đó là hiệu ứng của một tiến trình của con số 97,59% và chúc anh ráng khỏe.

H. Đ. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Đi Thăm Anh Lê Hiếu Đằng, Có Lẽ… Chưa Phải Là Lần Cuối! Reviewed by Unknown on 12/09/2013 Rating: 5 Hạ Đình Nguyên: Chiều thứ 5 ngày 5, tôi đến thăm anh, tại bệnh viện 115, TP HCM, sau nhiều tuần anh không ra được café Boulevard. Bạn bè,...

Không có nhận xét nào: