Nelson Mandela, Nhà Dân Chủ Vĩ Đại - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 12, 2013

Nelson Mandela, Nhà Dân Chủ Vĩ Đại

NELSON MANDELA, NHÀ DÂN CHỦ VĨ ĐẠI

Hiếm có một lãnh tụ của một quốc gia nào trên thế giới qua đời sau khi về hưu mà đón nhận được lòng tiếc thương vô vàn và sự tôn kính to lớn từ khắp nơi trên thế giới như Nelson Mandela. Cờ tang không những được treo ở Nam Phi mà còn được treo ở Mỹ, Anh, Úc...và nhiều quốc gia khác.

Mandela trở nên vĩ đại không phải chỉ vì ông đã hy sinh cả cuộc đời để đấu tranh và cuối cùng đánh đổ được nhà nước độc tài apartheid mà vì sau đó ông đã không dành thành quả cách mạng cho riêng đảng ANC của ông để rồi tiêu diệt các đảng phái khác, hoặc dành riêng cho chủng tộc da đen của ông để rồi đẩy người da trắng xuống thành công dân hạng hai. Sự vĩ đại đến với ông khi ông biết xây dựng một nhà nước dân chủ trong đó mọi đảng phái, mọi sắc dân kể cả sắc dân da trắng, tầng lớp hơn trăm năm qua đã áp bức người da đen bản xứ, đều được đối xử bình đẳng và có quyền lợi ngang nhau.

Ông xứng đáng được lịch sử đời đời ghi danh vào hàng vĩ nhân của nhân loại. Các nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới đã không hết lời ca ngợi ông.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tuyên bố trước quốc dân: "Dân tộc ta đã mất đi một người cha. Mặc dù chúng ta biết ngày này sẽ đến nhưng không có gì có thể làm giảm cảm giác của chúng ta về một sự mất mát sâu sắc. Sự đấu tranh lâu dài không mệt mỏi của ông cho tự do đã mang lại cho ông sự tôn trọng của thế giới. Sự khiêm tốn, niềm đam mê và lòng nhân đạo của ông đã mang lại cho ông tình yêu của nhân loại."

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Tôi chỉ là một trong số hàng triệu người được “truyền lửa” từ chính cuộc đời cố tổng thống Nelson Mandela. Hành động chính trị đầu tiên của tôi, hành động đầu tiên mà tôi có liên quan đến việc đưa ra một chính sách chống chủ nghĩa Apartheid. Tôi đã nghiên cứu các bài phát biểu của cố tổng thống. Ngày mà cựu tống thống Nam phi được ra tù đã cho tôi cảm giác về những gì con người có thể làm được khi họ có hi vọng và không bị áp chế bởi nỗi sợ hãi.

"Và cũng giống như nhiều người trên thế giới này, tôi không thể tưởng tượng cuộc sống của tôi sẽ thế nào nếu không có tấm gương của cố tống thống Nelson. Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ áp dụng những gì mà tôi đã học được từ ông. Gia đình tôi bày tỏ sự tiếc thương vô hạn và lòng biết ơn đối với con người vĩ đại này"

" Ông đã làm được nhiều hơn những gì mong đợi. Hôm nay, ông đã ra đi. Chúng ta đã mất đi một người “có ảnh hưởng, can đảm và tận tâm”. Giờ đây, ông đã không còn là của riêng ai nữa, ông đã thuộc về lịch sử. Cả cuộc đời, ông đã hi sinh vì tự do của đất nước”.

“Với phẩm chất kiên cường và lòng mong muốn không lay chuyển trong việc hy sinh tự do của mình cho tự do của mọi người, Madiba đã lay chuyển Nam Phi và lay chuyển tất cả chúng ta. Hành trình từ một tù nhân trở thành Tổng thống Nam Phi của ông càng tô đẹp thêm một niềm tin lớn lao rằng nhân loại và các nước trên thế giới có thể thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn”

"Cam kết chuyển giao quyền lực cho nhân dân và hòa giải với những người từng bắt tù ông tạo ra một mẫu mực mà tất cả nhân loại đều mong muốn"

Vợ chồng Obama đi thăm nhà tù từng giam giữ Mandela

Thủ tướng Anh David Cameron nói: "Ánh sáng tuyệt vời đã đi ra khỏi thế giới", và cho biết tại Số 10 Downing, trụ sở chính phủ Anh sẽ treo cờ rủ để tưởng nhớ Mandela. "Nelson Mandela là nhân vật cao voi vọi trong thời đại chúng ta, một huyền thoại sống và bây giờ sau khi chết - một anh hùng toàn cầu thực sự ""Được gặp ông là một trong những vinh dự lớn nhất của đời tôi. Tôi xin được chia sẻ nỗi đau buồn của gia đình ông và toàn thể người dân Nam Phi cũng như người dân trên khắp thế giới, những người mà cuộc sống của họ đã đổi thay nhờ lòng dũng cảm của ông".

Thủ tướng Úc Tony Abbott nói: " Nelson Mandela là một trong những nhân vật vĩ đại của châu Phi, cũng là một trong những nhân vật vĩ đại của thế kỷ trước, ".

Thái tử Charles: " Mandela là hiện thân của lòng dũng cảm và hòa giải. Ông cũng là một người đàn ông hài hước tuyệt vời và có một niềm say mê thực sự cho cuộc sống. Thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo đầy cảm hứng và một người đàn ông vĩ đại."

Mandela, de Clerk và mục sư Desmond Tutu tại Zurich năm 2004.

Tổng thống da trắng cuối cùng của Nam Phi, FW de Klerk , nói rằng thành tựu lớn nhất của Mandela là thống nhất đất nước và thúc đẩy hòa giải giữa người da đen và người da trắng trong thời kỳ hậu apartheid ."Ông là một người gắn kết vĩ đại. Việc nhấn mạnh vào sự hòa giải là di sản lớn nhất của ông" Ông De Klerk, người thả Mandela ra khỏi nhà tù vào năm 1990 và sau đó hòa đàm để kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc, cho rằng Mandela " nhân đạo " và " từ bi " đã hiểu được nỗi sợ hãi của thiểu số da trắng ở Nam Phi khi đất nước chuyển đổi sang nền dân chủ.

Mandela và de Klerk chia sẻ giải Nobel Hòa bình năm 1993. De Klerk là một trong hai phó tổng thống trong chính phủ của Mandela sau khi ANC giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1994.

Nhiều lãnh tụ và cựu lãnh tụ của các quốc gia dân chủ trên thế giới sẽ có mặt tại Nam Phi để nghiêng mình trước linh cửu của ông. Đó là vợ chồng tổng thống Mỹ Bacrack Obama, TT Anh David Cameron...vợ chồng các cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, Goerge Bush, Jimmy Carter, cựu TT Anh Tony Blair...(Nguồn Huỳnh Ngọc Chênh)

Bắt đầu ngày cầu nguyện cho Mandela

Người dân Nam Phi đặt hoa để tưởng nhớ vị tổng thống quá cố

Hàng ngàn người dân Nam Phi sẽ tham gia vào ngày ‘cầu nguyện và suy tưởng’ cho cố Tổng thống Nelson Mandela, người vừa từ trần.

Tổng thống Jacob Zuma sẽ tham dự một thánh lễ ở nhà thờ ở Johannesburg trong khi các nghi thức liên tôn khác cũng sẽ diễn ra trong ngày.

Một lễ tưởng niệm quốc gia sẽ được tổ chức vào thứ Ba ngày 10/12, tức năm ngày trước Quốc tang vào ngày 15/12.

‘Hát cho Madiba’

Người dân Nam Phi đã có những đêm thắp nến kể từ khi ông Mandela qua đời hôm thứ Năm ngày 5/12.

Tổng thống Jacob Zuma đã kêu gọi người dân đến các sân vận động, các hội trường, nhà thờ, thánh đường Do Thái, các đền thờ hôm Chủ nhật ngày 8/12 để tưởng nhớ Mandela.

“Trong khi để tang, chúng ta nên cất cao tiếng hát, nhảy múa và làm tất cả những gì chúng ta muốn để tôn vinh cuộc đời của nhà cách mạng phi thường này, người đã giữ cho tinh thần tự do sống mãi và đưa chúng ta đến một xã hội mới. Hãy hát cho Madiba,” ông nói và gọi Mandela bằng tên ông trong bộ tộc.

Cựu Tổng thống Thabo Mbeki, người kế nhiệm Mandela, cũng sẽ tham dự một lễ cầu nguyện ở giáo đường Do Thái Oxford Shul ở Johannesburg trưa hôm nay ngày 8/12.

Các chính trị gia cao cấp khác và các quan chức của Đảng Đại hội Dân tộc Phi cũng tham gia các buổi cầu nguyện trên khắp đất nước.

Tâm điểm của các hoạt động tưởng niệm cho đến nay là tư gia của Mandela ở vùng ngoại ô Houghton của Johannesburg và ở ngôi nhà cũ của ông ở Soweto. Ở những nơi này, người dân thắp nến và đặt hàng ngàn bó hoa.

Thi hài ông Mandela sẽ được quàn ở Pretoria, đầu não của Chính phủ Nam Phi, trong ba ngày 11, 12 và 13/12.

Công chúng đã được khuyến khích đứng dọc con đường và tạo thành ‘hàng rào danh dự’ khi thi hài của ông được đưa đến nơi quàn.

Đoàn xe tang chở linh cữu của ông sẽ đi qua các con đường của Pretoria trong ba ngày liên tiếp trước khi diễn ra lễ an táng vào Chủ nhật ngày 15/12.

Hôm thứ Bảy ngày 7/12, Chính phủ Mỹ thông báo rằng Tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ tham dự lễ tưởng niệm vào ngày 10/12 cùng với ba cựu tổng thống khác là Jimmy Carter, Bill Clinton và George W Bush.

Múa hát ca ngợi Mandela là một trong những hoạt động tưởng nhớ của người dân Nam Phi

Một bộ trưởng Nam Phi đã dự đoán rằng sân vận động 95.000 chỗ ngồi được trưng dụng cho lễ tưởng niệm này sẽ tràn ngập người dân.

‘Cây baobab của gia đình’


Hôm thứ Bảy ngày 7/12, gia đình Mandela đã ra thông cáo đầu tiên kể từ khi ông qua đời. Thông cáo cho biết những đau khổ mà gia đình đã trải qua trong hai ngày qua và trong tuần sắp tới.

Thiếu tướng Matanzima, phát ngôn nhân của gia đình Mandela, đã so sánh cố Tổng thống Mandela với cây baobab khổng lồ trên đất Phi châu tỏa bóng mát và che chở cho gia đình Mandela.

Một thông báo của Chính phủ Nam Phi nhắc lại những suy nghĩ của Mandela khi ông được hỏi ông muốn được tưởng nhớ như thế nào.

“Sẽ rất vị kỷ nếu nói tôi muốn được tưởng nhớ như thế nào,” Mandela trả lời, “Tôi để việc này cho người dân Nam Phi quyết định. Tôi chỉ muốn có một bia đá đề tên ‘Mandela’”.

Chương trình của lễ Quốc tang, theo thông báo của Chính phủ Nam Phi, như sau:

Quân y được giao nhiệm vụ chăm sóc thi hài của Mandela trước khi được quàn.

Chủ nhật ngày 8/12: lễ cầu nguyện và suy tưởng trên khắp Nam Phi để tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của Mandela.

Thứ Ba ngày 10/12: lễ tưởng niệm chính thức tại sân vận động FNB ở ngoại ô Johannesburg với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới cũng như thường dân.

Từ ngày 11 đến 13/12, ‘một số vị khách quý quốc tế có chọn lọc’ sẽ được viếng thi hài Mandela tại Tòa nhà Union ở Pretoria.

Thứ Bảy ngày 14/12, thi hài của ông sẽ được đưa từ căn cứ không quân Waterkloof ở Pretoria đến Eastern Cape rồi sau đó sẽ linh cữu sẽ được rước từ phi trường ở Mathatha đến quê nhà của ông ở Qunu.

Lễ tang sẽ diễn ra ở Qunu vào Chủ nhật ngày 15/12.

Trong suốt thời gian này, các công sở trên toàn Nam Phi treo cờ rủ và sổ tang được mở trên khắp đất nước và trên mạng để người dân gửi lời chia buồn. (Nguồn: BBC)


Nelson Mandela, Nhà Dân Chủ Vĩ Đại Reviewed by Unknown on 12/08/2013 Rating: 5 NELSON MANDELA, NHÀ DÂN CHỦ VĨ ĐẠI Hiếm có một lãnh tụ của một quốc gia nào trên thế giới qua đời sau khi về hưu mà đón nhận được lòng...

Không có nhận xét nào: