Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 11) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 1, 2014

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 11)

Tôi bảo: “Hai phần ba là xương thì có.”

Anh cãi: “Cậu biết đếch gì, này lưỡi này tai, này mồm này má, này óc; xương không bao nhiêu đâu.”

Và anh nói đúng thật.

Anh nói xong nuốt nước bọt làm tôi thèm lây.

Những tháng rét, chúng tôi ăn sắn độn cơm và ăn lá bắp cải già nấu muối. Nói là 12 kg sắn gạo, nhưng có lẽ chỉ còn độ 9, 10 kg thôi. Lĩnh gạo ở mậu dịch về làm gì có cân đủ, về để ở kho chuột bọ lại hao hụt đi, phát đến nhà bếp còn độ 10 kg, nhà bếp lại giữ lại cháy để nuôi lợn nữa.

Lá bắp cải già đen, nấu trong chảo, cho muối vào nước đen sì có vị nồng, người ngoài nhìn không dám ăn nhưng chúng tôi ăn ngon lắm. Giá nhà bếp họ cho đủ mặn thì tốt quá. Nhưng muối cũng bị hạn chế, có li-mít. Chúng tôi thường đổ một bò nước vào canh để cho nó được nhiều hơn. Và húp hết canh rồi mới ăn đến cơm và những lúc đó tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, tại sao ở ngoài đời lại phải ăn cơm với thức ăn nhỉ. Cơm không cũng đã ngon lắm rồi hà tất gì còn phải thức ăn nữa.

Cơm ăn rất ít khi còn nóng. Vì từ nhà bếp lên đến buồng giam phải mất thời gian chừng hai tiếng đồng hồ. Này nhé: cơm ở chảo, xúc ra thùng. Ra thùng rồi, lại phải cân. Cân xong gánh để ở sân trại. Hôm nào mưa thì để ở hè. Trời rét cơm canh nguội rất nhanh. Quản giáo trực mở cửa từng khu một cho ra lấy cơm. Khu C trước, rồi Khu B, rồi mới đến Khu A. Ðến Khu A thì cơm đã nguội lắm rồi. Ðem vào buồng lại phải dằm nát ra để chia cho đều, cho công bằng. Chia bằng cân tiểu ly tự tạo từng xuất một. Thế là nguội lạnh hết cả. Ăn cơm xong coi như không ăn. Vì ăn vào lại thấy rét thêm. Hình như cơ thể phải tỏa ra năng lượng để hâm nóng cơm canh cho bằng với nhiệt độ ở trong người.

Quàng chăn vào mà ăn, ăn xong vẫn thấy rét. Cái đói và cái rét đi song hành với nhau. Cơ hàn thiết thân mà. Và những lúc đói rét đó, chúng tôi mong Tết đến lắm. Dù thế nào đi nữa, Tết ở các trại dưới bao giờ cũng có bánh chưng. còn được phát cả kẹo bánh nữa. Dù ít nhưng cũng gọi là có. Và vì vậy mà tôi mong Tết đến lắm. Tôi thèm một cái kẹo bột dỗ trẻ con quá đi mất thôi.

Tết đến may ra được một bữa no. Lại có thêm tí đường. Những ngày lễ 1-5, 2-9, tù có được ăn thịt trâu, bò, hoặc lợn. Tù hình sự gọi thịt là “mều.” Ðược dăm ba miếng thịt thêm mấy miếng lòng, thế là đời tươi rồi.

Những ngày ấy bụng tôi nó hơi lưng lửng. Chỉ riêng có Tết, cơm + canh + thịt + bánh chưng là tôi được gần no. Tôi luôn nghĩ đến câu: “Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết.” Nên cái bánh chưng phát chiều 30 Tết cùng tất cả kẹo bánh tôi dồn cả vào sáng mồng một. Ăn hết cơm canh thịt thà xong tôi bóc cái bánh chưng ra ăn tiếp. Hết cái bánh chưng tôi tráng miệng nốt chỗ kẹo bánh. Ăn liền một lúc. Vươn vai đứng dậy. Thế là hết Tết.

Ngay ở các trại dưới, Tết chỉ hai ngày, chỉ có hai chứ không có ba. Vì sáng mồng ba Tết đã phải đi làm rồi. Với tù, Tết bắt đầu từ chiều 30. Bữa chiều 30 Tết bao giờ cũng có lòng trâu lòng lợn, thêm tí thịt thủ, tý mỡ vào canh lá bắp cải già. Chả là sáng 30 Tết, trại làm thịt lợn, thịt trâu để cho Ban Giám Thị, Ban Chỉ Huy bộ đội gói bánh chưng.

Bữa sáng mồng một tù được ăn thịt hẳn hoi. Chiều lại ăn cơm rau như thường. Sáng ngày mồng hai lại được ăn một bữa thịt nữa. Chiều mồng hai lại ăn rau có thêm nước luộc thịt. Thế thôi. Thường thì tù vẫn còn đói.

Ðấy là ở các trại dưới. Trại Ngọc, Yên Bái; trại Da Thịnh, Tuyên Quang; Phong Quang, Lao Kay; Tân Lập, Phú Thọ; Tân Sơn, Lạng Sơn; và Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc...

Còn ở Cổng Trời năm đó, năm Nhâm Dần 1961...

Chiều 30 Tết. Rét cắt ruột, cắt thịt, cắt da. Bầu trời xám xịt ảm đạm đầy mây. Trại tù im ắng quá. Tôi đứng ở cửa sổ, nhìn qua song cửa gỗ lim, thấy anh Nguyễn Hữu Ðang đứng ở sân trại nói với phó giám thị trại quỷ xứ người Ðức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi lắng nghe lỏm bõm.

“Thưa ông, theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam thì đến chiều 30 Tết, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng gia tiên và ở các trại dưới tù cũng đều được cải thiện ăn thêm... Mong rằng ông cũng cho anh em chúng tôi...”

Có tiếng quát cao giọng ngắt đứt lời của anh Nguyễn Hữu Ðang.

“Không có gì cho các anh hết cả. Biết chưa. Cấm không được đòi hỏi, yêu sách lôi thôi gì... Cho thế nào ăn thế...”

Rồi quỷ sứ quay ngoắt người bước ra cổng trại và rồi chiều 30 Tết năm ấy vẫn lá bắp cải già nấu muối đen sì.

Không có gì hơn.

Hai ngày Tết trôi qua. Ðến sáng ngày mồng ba, Cố Hoàng làm một bài thơ vịnh cái Tết đó đọc cho tôi nghe. Thơ rằng:

Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay

Chiều 30 Tết vẫn ăn chay

Bánh chưng mong đợi thời không có

Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay

Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo

Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy

Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn

Khốn nạn thân tôi đến thế này...

Tôi vốn ghét những người làm thơ không hay. Khốn nỗi, những người làm thơ không hay lại rất hay làm thơ. Và đã làm thơ thì thế nào cũng níu kéo một người nào đó để đọc cho nghe. Tôi khổ sở vì phải nghe những bài thơ đó. Hồi nhỏ, tôi thấy thầy tôi ngồi cùng các vị túc nho hay chữ, lúc trà dư tửu hậu đùa cợt có nói câu:

“Ai mà nói dối, thì ăn câu đối cụ Nghè Bản” và các cụ cười ầm lên.

Tôi không rõ cụ Nghè Bản là ai và ở đâu. Nhưng suy luận ra chắc là câu đối của cụ thối lắm nên mới có câu nói cửa miệng đó.

Nó cũng như câu nói của Thánh Quát: “Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An.” Ấy đến bây giờ đây, ở đâu cũng thấy làm thơ, thơ hay đến không ngửi được cũng đăng báo, xuất bản thành tập làm khổ người xem, người đọc.

Hình như ở đất nước này, ai ai cũng thích làm thơ. Ngay thằng tôi đây, một người Việt Nam chân chính, tôi cũng mắc cái tật cũng làm thơ như ai. Nhưng vì tôi là con nhà binh, nên làm thơ chỉ đạt đến trình độ của mấy ông quan võ ngày xưa mà thôi. Nghĩa là:

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đấy

Còn tiếp...

Bài liên quan: Cổng Trời Cắn Tỷ (kỳ 10) 
Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 12)

Nguồn: Người Việt online
Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 11) Reviewed by Unknown on 1/24/2014 Rating: 5 Tôi bảo: “Hai phần ba là xương thì có.” Anh cãi: “Cậu biết đếch gì, này lưỡi này tai, này mồm này má, này óc; xương không bao nhiê...

Không có nhận xét nào: