Triển Vọng Về Một Liên Minh Châu Á Từ Các Tranh Chấp Ở Biển Đông - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 7, 2014

Triển Vọng Về Một Liên Minh Châu Á Từ Các Tranh Chấp Ở Biển Đông

Subhash Kapila, cố vấn các vấn đề chiến lược thuộc nhóm nghiên cứu Đông Nam Á của Ấn Độ./ Người Đô Thị

Trước sự leo thang xung đột nhằm độc chiếm và thống trị biển Đông của Trung Quốc, các quốc gia Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc và có thể cả Úc có động lực để gắn kết thành một khối xung quanh các nước lớn ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ nhằm tập trung sức mạnh để “chiếu tướng” chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trong khu vực.(*)

Biển Đông nổi lên như một điểm nóng dễ bùng phát ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 có cội nguồn từ hành động xâm lược chủ yếu của Trung Quốc chống lại Việt Nam trong một phần tư cuối cùng của thế kỷ 20, đó là việc Trung Quốc đánh chiếm các quần đảo của Việt Nam: Hoàng Sa năm 1974 và một phần Trường Sa năm 1988. Việc đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa (đã bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực) chỉ dựa vào cái gọi là lịch sử mơ hồ từ xa xưa.

Những nước cờ táo tợn của Trung Quốc

Trung Quốc gần đây đã gắn cho Biển Đông cái mác “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” và khái niệm này xảy ra đồng thời với những tham vọng chiến lược được hình thành nhanh chóng của Trung Quốc để nổi lên như một cường quốc nổi trội ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Việc sáp nhập Hoàng Sa và tiếp theo là Trường Sa là những nấc thang mở đường cho nước cờ cuối cùng này.


Trung Quốc đã chống lại tất cả các cố gắng giải quyết xung đột bằng kiểu cho rằng “không có xung đột trên biển Đông”, rằng “sự mở rộng biển trong khuôn khổ đường chín đoạn là lãnh thổ Trung Quốc có chủ quyền và vùng biển Trung Quốc có chủ quyền”. Đáng lưu ý là cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa hề cung cấp toạ độ chính xác của đường chín đoạn. Nên biết, sự mơ hồ luôn là thương hiệu của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ!

Kiểu hành xử mang tính ép buộc, độc đoán và đẩy tình hình đến miệng hố chiến tranh của Trung Quốc đã sinh ra hai chuyển biến chiến lược có ý nghĩa quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ nhất, bằng “thành tích” gây xung đột đã xảy ra liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa và sự mở rộng đáng kể các xung đột trên biển Đông (đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam), Trung Quốc đã tạo “sự mất lòng tin chiến lược” trong các nước láng giềng đối với Trung Quốc. Ý định của Trung Quốc là đáng ngờ và cái kiểu cách hành động mang tính xâm lược từng bước trên biển Đông của Trung Quốc đã làm tăng nỗi ám ảnh dần đến hiện thực về mối “đe doạ Trung Quốc” đang lơ lửng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ hai, sự chuyển biến đáng kể nữa là mục đích của Trung Quốc ngày càng đáng ngờ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương dính dáng đến an ninh và ổn định trên biển Đông, và người ta có thể thấy ngày càng rõ về một cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là lực lượng hải quân.

Chiến lược cường quyền, bá chủ và tham vọng lãnh thổ

Xét về thực chất, có thể xác nhận rằng Trung Quốc kiên trì chống lại các giải pháp xử lý xung đột xuất phát từ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vì ý nghĩa quan trọng của các quần đảo này trong tính toán chiến lược của Trung Quốc nhằm có được vị trí “phong toả biển” và “kiểm soát biển” mở rộng trên hầu hết khu vực biển Đông phục vụ cho chiến lược phòng thủ và tấn công của mình. Bất kỳ giải pháp giải quyết xung đột nào cũng bị Trung Quốc chống lại vì nó sẽ làm giảm các vị trí quân sự của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giảm vị trí thống trị của Trung Quốc trên biển Đông.

Những hành động gây xung đột nhằm độc chiếm biển Đông của Trung Quốc có ba mục đích chiến lược rất rõ ràng: 1. Giành vị trí là nước mạnh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với việc thống trị biển Đông. 2. Nổi lên vị trí ngang bằng về chiến lược với Mỹ. 3. Loại bỏ sự hiện diện quân sự tiền tiêu của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang đẩy nhanh khả năng biến biển Đông thành cái gọi là “biển đảo Trung Quốc” nhằm đạt được các mục đích song song của họ: một mặt, không ngừng tăng nguy cơ xung đột và chính sách “bên miệng hố chiến tranh” trên biển Đông như trong thời gian qua; mặt khác, chuẩn bị sáp nhập hành chính quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào đại lục!

Ý nghĩa chiến lược của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong tính toán chiến lược tổng thể của Trung Quốc cần phải được nhấn mạnh vì chiến lược này liên quan đến sự tuân thủ của Trung Quốc, mặc dù không chắc chắn, đối với các tiến trình giải quyết xung đột.

Quần đảo Hoàng Sa đặt dưới sự kiểm soát quân sự đầy đủ của Trung Quốc kể từ năm 1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt của Việt Nam. Hoàng Sa nằm gần căn cứ hải quân chính của Trung Quốc trên đảo Hải Nam, nơi có các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc đặt ở căn cứ hải quân Tam Á. Hoàng Sa dưới sự chiếm đóng quân sự của Trung Quốc cho phép Trung Quốc mở rộng cú đấm hải quân nhiều hơn vào vùng biển Thái Bình Dương. Nó cũng cho phép Trung Quốc có quyền thống trị các tuyến hàng hải trên biển Đông có xu hướng đi sát các nước có biển ở khu vực Tây Thái Bình Dương để tránh các đảo rải rác trong quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa với các đường băng và các căn cứ hải quân cho phép Trung Quốc có những hoạt động quân sự bên sườn của lực lượng quân sự Việt Nam trong trường hợp có đụng độ quân sự trong tương lai. Mặt khác, quần đảo Trường Sa tuy xa bờ biển Trung Quốc nhưng có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Trung Quốc ở chỗ đó là trung tâm chỉ huy đóng ở biển Đông để Trung Quốc lấy đó làm đòn bẩy quân sự để kiểm soát biển Đông, có thể khống chế mật độ lưu thông hàng hải đông đúc đi ngang qua vùng biển này.

Như vậy, nếu biển Đông đặt dưới quyền bá chủ của Trung Quốc về chiến lược và quân sự sẽ cho phép Trung Quốc siết chặt “tĩnh mạch” của các đồng minh quân sự của Mỹ trong khu vực Tây Thái Bình Dương và tác động đến việc Mỹ điều chuyển sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này.

Trữ lượng dầu khí, trữ lượng khoáng sản dưới đáy biển và các vùng đánh cá mở rộng - tất cả những yếu tố mang lại ý nghĩa kinh tế quan trọng đó tại biển Đông - là có thật nhưng là thứ yếu trong tính toán chiến lược của Trung Quốc như đã phân tích.

Liên tục nhấn mạnh tới tầm quan trọng kinh tế của biển Đông trong các tranh luận quốc tế về chiến lược sẽ tạo cho Trung Quốc một màn khói để nguỵ trang cho những mục đích chiến lược thực sự về hình ảnh thống trị đầy đủ của Trung Quốc trên biển Đông. Chủ trương “cùng hợp tác quản lý, khai thác tài nguyên trên biển Đông” được đề cập trong các tranh luận quốc tế như là một hình thức giải quyết xung đột là khá nguy hiểm vì có thể sẽ dẫn tới xu hướng thừa nhận “thành quả xâm lược lãnh thổ” của Trung Quốc. Chủ trương đó sẽ không đảm bảo trả lại cho Việt Nam chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Triển vọng về liên minh châu Á trước chiến lược bá quyền của Trung Quốc

Khi Nga và Mỹ (trước tháng 7.2014) giữ sự dè dặt thận trọng đối với tranh chấp ở biển Đông, triển vọng rõ nét về một liên minh châu Á đã nổi lên. Liên minh đó có thể kết thành một khối xung quanh các nước lớn ở châu Á như Ấn Độ và Nhật Bản.

Là các nước lớn ở châu Á, Nhật Bản và Ấn Độ có những lợi ích quan trọng đối với an ninh và ổn định trong khu vực biển Đông. Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có các tranh chấp với Trung Quốc và trong nhận thức của các nước này về các mối đe dọa, Trung Quốc là một mối đe doạ rất rõ ràng.

Việt Nam là nước trung tâm ở Đông Nam Á đang đấu tranh mạnh mẽ với việc leo thang xung đột của Trung Quốc ở biển Đông. Thật có ý nghĩa khi quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Ấn Độ và quan hệ an ninh giữa Việt Nam với Nhật Bản đang tăng lên. Mối quan hệ đối tác chiến lược đang tiến triển tốt giữa Nhật Bản và Ấn Độ đã và sẽ gây khó chịu cho Trung Quốc. Xét về triển vọng, điều này có thể trở thành hạt nhân để Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc và có thể cả Úc gắn kết thành một khối để “chiếu tướng” chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trong khu vực biển Đông.


Việc Trung Quốc tận dụng sự không cân xứng về sức mạnh quân sự để tiến hành các hành động xâm lược trong tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Nhật Bản và Philippines có thể dẫn đến việc các nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu tiến hành cái gọi là “cơn sốt chạy đua vũ trang” để nâng cao sức chiến đấu của họ nhằm chống lại sức mạnh của Trung Quốc như một kiểu ngăn chặn tối thiểu.

Biển Đông giờ đây như “một thùng thuốc súng” dễ phát nổ do các hành động leo thang xâm lược của Trung Quốc đối với các quốc gia tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, do Trung Quốc âm mưu hiện thực hoá yêu sách đường chín đoạn phi lý trên biển Đông. Với sự ngoan cố và hung hãn dễ nhận thấy của Trung Quốc trong các diễn biến gần đây và trên các diễn đàn quốc tế, có thể thấy người châm ngòi cho “thùng thuốc súng” biển Đông chỉ có thể là Trung Quốc chứ không ai khác.

Triển Vọng Về Một Liên Minh Châu Á Từ Các Tranh Chấp Ở Biển Đông Reviewed by Unknown on 7/19/2014 Rating: 5 Subhash Kapila, cố vấn các vấn đề chiến lược thuộc nhóm nghiên cứu Đông Nam Á của Ấn Độ./ Người Đô Thị Trước sự leo thang xung đột nhằ...

Không có nhận xét nào: