Bà Bùi Trân Phượng - Đại Học Hoa Sen: “Họ Muốn Biến Tôi Thành Tội Đồ…” - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 8, 2014

Bà Bùi Trân Phượng - Đại Học Hoa Sen: “Họ Muốn Biến Tôi Thành Tội Đồ…”

Ảnh bên: Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng đại học Hoa Sen. Như Người Đô Thị đã thông tin, tại đại hội đồng cổ đông bất thường – đại học Hoa Sen diễn ra ngày 2.8, Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng đại học Hoa Sen đã ủy quyền cho luật sư tham dự, cùng với thư ngỏ bà gửi các cổ đông. Tuy nhiên, nội dung thư ngỏ này đã không được trình bày tại đại hội. Tương tự, ông Trần Văn Tạo, chủ tịch Hội đồng quản trị đại học Hoa Sen cũng vắng mặt và gửi thư ngỏ đến đại hội, được chủ tọa đoàn tiếp nhận nhưng không đọc rộng rãi. Để rộng đường dư luận và tôn trọng tính thông tin đa chiều liên quan đến các cáo buộc đưa ra tại đại hội, chúng tôi đăng tải nội dung hai thư ngỏ này và chưa nhận định gì. Các tít bài do Người Đô Thị đặt.

Kính gửi: quý cổ đông trường đại học Hoa Sen.

Thưa quý cổ đông,

Do Đại hội đồng cổ đông bất thường này được triệu tập tùy tiện, dựa trên một sự giải thích pháp luật đầy lạm dụng nên tôi phản đối và do đó không thể đến dự được. Từ nhiều tháng nay, tôi là mục tiêu tập trung của một chiến dịch đả phá, vu cáo, đe dọa cá nhân muốn biến tôi thành một tội đồ dưới mắt các cộng sự viên đã từng rất gần gũi với tôi và dưới mắt dư luận. Xin nói ngay là chiến dịch đả phá và vu cáo này không làm cho tôi mảy may nao núng, tôi hết sức thanh thản vì tự biết bản thân không có một ý đồ hay một mưu cầu cá nhân nào đi ngược lại hay nằm trên lợi ích của tập thể.

Từ ngày du học về nước đến nay, tôi đã đổ mọi sức lực của mình cho sự nghiệp giáo dục, từ 1991 cho trường Hoa Sen và luôn luôn làm như vậy vì giáo dục là chọn lựa một đời của tôi rồi. Tuy nhiên, không thể để cho những luận điệu gian trá độc chiếm diễn đàn và sự thật cần phải được làm sáng tỏ đối với tất cả các cổ đông. Do đó, tôi xin phép làm mất một ít thời gian của các vị với bức thư ngỏ này.

Tôi nhận thấy, trong 10 vấn đề cáo buộc của nhóm cổ đông, có đến 6 cáo buộc liên quan đến công ty TNHH nhà hàng, khách sạn và du lịch Vĩnh An và những hoạt động liên quan đến công ty này, cụ thể là chương trình đào tạo cử nhân Quản lý khách sạn – nhà hàng quốc tế của HSU liên kết với trường Kinh doanh quốc tế Quản lý du lịch và khách sạn thuộc Vatel Development (“Chương trình Vatel”). Tôi xin được trình bày rõ hơn về các vấn đề này để quý cổ đông có cơ hội được nắm bắt thông tin một cách chính xác và đầy đủ nhất.

1.Các vấn đề liên quan đến Vĩnh An

Ngày 30.5.2014, thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kết luận thanh tra số 03/KL-TTr liên quan đến “Hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài của công ty TNHH nhà hàng, khách sạn và du lịch Vĩnh An”. Tất cả những vấn đề mà nhóm cổ đông nêu ra đều đã có kết luận của ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có những vấn đề đã được giải quyết và có vấn đề còn phải đợi các cơ quan chức năng xem xét và có quyết định về những kiến nghị của thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể là:

- Vĩnh An đã khắc phục những sai phạm liên quan đến hoạt động của công ty theo đúng như Quyết định số 24/QĐ-XPHC và 25/QĐ-XPHC ngày 21.4.2014, đã tiến hành nộp phạt vi phạm hành chính, tiến hành hoàn trả học phí thu vượt cho sinh viên;

- Liên quan đến chương trình Vatel, theo kết luận thanh tra, đại học Hoa Sen đang chờ đợi Quyết định của bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở kiến nghị của cục Đào tạo với nước ngoài. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng chương trình Vatel là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng của đại học Hoa Sen, chương trình này đã và đang nhận được những phản hồi tích cực từ phần lớn sinh viên và phụ huynh.


Lễ hội ẩm thực của Nhà hàng Vatel. Ảnh:hoasen.edu.vn

Cũng như mọi mô hình mới được đưa vào thực hiện trong cuộc sống, chương trình Vatel không thể nào tránh khỏi có những “độ vênh” nhất định so với những quy định hiện hành, và trong quá trình thực hiện khó có thể tránh khỏi những thiếu sót… Nhưng không thể vì vậy mà bác bỏ tất cả công sức của những người đã đứng ra tạo lập mô hình đào tạo mới này. Tôi còn nhớ cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Các đồng chí cứ mạnh dạn tìm tòi. Tìm tòi thì có thể sai. Có sai thì sửa...".

Dù chỉ mới mở ra hơn hai năm, nhưng đến nay chương trình này đã có gần 200 sinh viên theo học. Chúng ta không thể chỉ vì một vài sai sót của chương trình này (và trên thực tế những sai sót đó đã được khắc phuc) mà phủ định mặt tích cưc là cơ bản của nó. Tôi xin khẳng định với quý vị cổ đông là Ban giám hiệu và Hội đồng quản trị trường đại học Hoa Sen sẽ tiếp tục kiến nghị với bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện thuận lợi để đại học Hoa Sen duy trì và phát triển chương trình này.

Ngoài ra, trong bản “Báo cáo về các sai phạm của hiệu trưởng”, ban tổ chức cuộc họp này có viết “trong kết luận thanh tra cũng như các quyết định xử lý hành chính đã nêu rõ bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng đại học Hoa Sen đồng thời là giám đốc công ty Vĩnh An phải chịu trách nhiệm trực tiếp” (cuối mục 6, trang 6/9 của báo cáo). Tôi không biết ban tổ chức đã trích dẫn nội dung này từ quyết định xử lý hành chính và kết luận thanh tra nào với nội dung như vậy?

2.Việc giấu doanh thu 119 tỷ đồng

Nhóm 30% tố cáo có việc “giấu doanh thu”. Một lần nữa, đây là thủ đoạn đánh tráo khái niệm mà nhóm sử dụng thường xuyên nhằm gây ngộ nhận trong dư luận. Trong báo cáo đề ngày 23.4.2014 gửi Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đại học Hoa Sen, chính bà Phạm Thị Thủy cũng nói “Số liệu tích lũy 119 tỷ đồng đều được thể hiện trong báo cáo tài chính hằng năm”. Tại sao bây giờ bà Phạm Thị Thủy, một trong những thành viên tích cực của nhóm 30%, lại đi gọi sự việc này là “giấu doanh thu”, nói ngược lại những điều mà chính mình đã nói trước đây? Rõ ràng là để cường điệu sự việc rồi sau đó đổ vấy cho người khác với ác ý. Tôi xin khẳng định đây không phải là trường hợp “giấu doanh thu” mà là ghi hạch toán sai chỗ trong báo cáo tài chính hằng năm của trường đại học Hoa Sen, vì đã ghi số tiền này vào các dòng “Học phí thu trước” và/hoặc “Nợ phải trả” thay vì ghi đúng chỗ là vào dòng “Doanh thu”. Khi xem xét vấn đề, Ban kiểm soát của nhà trường cũng kết luận rằng đây là trường hợp “bộ phận kế toán ghi sổ doanh thu hạch toán không đúng trong báo cáo tài chính”.

Vấn đề quan trọng là sau khi được kế toán trưởng báo động về sự việc này, tôi, với tư cách hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen, đã nhanh chóng báo cáo với Hội đồng quản trị và sau đó đã tiến hành khắc phục hậu quả theo pháp luật với cơ quan quản lý về thuế. Trước mắt, theo ý kiến tham mưu của kế toán trưởng, nhà trường đã truy nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 2/2013-2014 vào ngày 8.5.2014 và nộp lãi chậm nộp thuế vào ngày 9.5.2014 với tổng số tiền là mười lăm tỷ ba trăm sáu mươi mốt triệu năm trăm bốn mươi ba nghìn bốn trăm mười tám đồng (15.361.543.418 VNĐ), trong đó tiền nộp lãi vì chậm nộp thuế là ba tỷ bảy trăm chín mươi bốn triệu chín trăm bốn mươi lăm nghìn một trăm chín mươi chín đồng (3.794.945.199 VNĐ).

Về trách nhiệm đối với sự việc 119 tỷ đồng này, đổ vấy mọi trách nhiệm cho hiệu trưởng là thêm một sự đổi trắng thay đen nữa của nhóm 30%. Và Ban kiểm soát nhà trường đã chính thức kết luận bà Phạm Thị Thủy, với tư cách phó hiệu trưởng phụ trách tài chính, là người đã để cho tình trạng vi phạm xảy ra. Tôi thiết nghĩ không cần phải nói gì thêm khi chính những người đã từng làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bà Phạm Thị Thủy và Ban kiểm soát với ý thức đầy đủ về nhiệm vụ của mình trước cổ đông đã quả quyết rằng bà Phạm Thị Thủy chính là người chủ trương và ra lệnh phải thực hiện việc hạch toán sai này, đưa đến hậu quả không tốt cho nhà trường.

Tòa nhà Nguyễn Văn Tráng được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với tiêu chí "đại học xanh". Ảnh:hoasen.edu.vn

3.Sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Nguyễn Văn Tráng

Trước hết, nói về số liệu: nhóm 30% đưa con số 22,9 tỷ đồng “phát sinh”. Ai cũng hiểu ở đây nhóm 30% muốn nói rằng so với dự toán được duyệt, chi phí tổng cộng của tòa nhà 8 Nguyễn Văn Tráng đã vượt 22,9 tỷ đồng. Con số này hoàn toàn sai. Số liệu đúng là: trong tổng số sáu nhà thầu tham gia xây lắp và trang bị cho tòa nhà, có ba phát sinh ngoài dự toán, tổng cộng là ba tỷ chín trăm chín mười lăm triệu đồng (3.995.000.000 VND). Số liệu tôi nêu đã được công ty xây dựng Langdon Seah thẩm tra về khối lượng thi công và đơn giá. Nhưng trong vấn đề này, yếu tố quan trọng nhất theo tôi là rốt cuộc, trường Hoa Sen đã phải chi bao nhiêu cho công trình. Báo cáo tài chính cuối cùng cho thấy tổng chi phí xây lắp và thiết bị thực cho công trình là thấp hơn so với ngân sách được duyệt (201.420.492.412 đồng so với dự toán được duyệt là 202.801.915.976 đồng). Như vậy, nếu hiểu lời cáo buộc của nhóm 30% là nhằm để tố cáo sự lãng phí hay thất thoát tiền của đại học Hoa Sen thì trước những số liệu mà tôi vừa trình bày, phải kết luận rằng lời cáo buộc này là một sự xuyên tạc sự thật trắng trợn.

Kế đến, xin nói về sự lủng củng, mâu thuẫn trước sau trong lời cáo buộc của nhóm 30%. Nhóm 30%, để phục vụ mục đích tối hậu là bôi đen để lật đổ, thậm chí không còn để ý đến chính lập luận của bản thân mình: một mặt họ nói bừa rằng “Ban dự án xây dựng Nguyễn Văn Tráng…..không tuân thủ quy chế mua sắm, đầu thầu”. Nhưng mặt khác, họ lại viện dẫn Điều 32 Quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học Hoa Sen cho phép hiệu trưởng “được quyết định đầu tư mua sắm tài sản trang thiết bị ngoài kế hoạch không vượt quá 20% giá trị đầu tư nếu đã có kế hoạch được Hội đồng quản trị duyệt”. Như vậy, giả sử như có khoản phát sinh 22,9 tỷ đồng như nhóm 30% nói đi nữa thì với tỷ lệ của 22,9 tỷ đồng trên tổng ngân sách đã được duyệt là trên hai trăm ba mươi lăm tỷ không trăm năm mươi sáu triệu một trăm tám mươi sáu nghìn đồng (235.056.186.000 VNĐ), tỷ lệ dưới 10%, thì hiệu trưởng, theo Quy chế nhà trường vẫn có quyền quyết định chi. Huống hồ gì sự thật ở đây như nói trên, phát sinh chỉ có 3,99 tỷ đồng.

Cuối cùng, xin nói về chất lượng của công trình. Ngoài mặt mỹ quan và tiện lợi trong sử dụng cho việc dạy và học mà mọi người làm việc hay chỉ đến tham quan tại tòa nhà số 8 Nguyễn Văn Tráng đều có thể thấy, cần nói rằng tòa nhà đã được cấp mọi Giấy chứng nhận về chất lượng xây dựng công trình theo quy định, bao gồm: Giấy chứng nhận phù hợp về chất lượng công trình xây dựng; và Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực, cả hai giấy chứng nhận đều do công ty TNHH Apave Việt Nam & Đông Nam Á cấp ngày 6.11.2013. Đây là một công trình mà mọi người trong đại gia đình Hoa Sen đều có thể tự hào một cách rất chính đáng.

Mô hình đào tạo của đại học Hoa Sen đặt ra nhu cầu phải tuyển dụng các giảng viên, có khi là cả cán bộ quản lý là người nước ngoài. Ảnh: hoasen.edu.vn

4.Những bất ổn về quản lý nhân sự

Trước hết, phải khẳng định một nguyên tắc then chốt trong công tác quản lý nhân sự ở đại học Hoa Sen, đó là phân cấp quản lý. Theo nguyên tắc này, hiệu trưởng chỉ phụ trách và quyết định về các phó hiệu trưởng; các phó hiệu trưởng phụ trách về nhân sự lãnh đạo của các khoa; lãnh đạo khoa phụ trách cấp trưởng của các bộ môn, phòng ban… Vì vậy, mặc dù mọi quyết định về nhân sự do hiệu trưởng ký, nhưng đều trên cơ sở ý kiến của từng cấp đã được phân quyền.

Có thể nói, với định hướng phát triển theo các mô hình giáo dục, đào tạo tiên tiến và phát triển với tốc độ nhanh, đại học Hoa Sen có chiến lược đa dạng hóa nguồn nhân lực cho giai đoạn 2010 -2020. Vì vậy, việc tìm kiếm nhiều giảng viên giỏi, có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề luôn là lựa chọn hàng đầu của ban giám hiệu. Để đạt được mục tiêu này thì việc luôn tuyển chọn giảng viên mới và thay đổi những người không đạt yêu cầu là lẽ thường tinh. Mặt khác, mô hình đào tạo của đại học Hoa Sen đặt ra nhu cầu phải tuyển dụng các giảng viên, có khi là cả cán bộ quản lý là người nước ngoài, mà những cán bộ, giảng viên này, trong phần lớn trường hợp, chỉ ký kết hợp đồng với trường có thời hạn (thông thường là 3 năm) do căn cứ theo Giấy phép lao động hoặc do ý nguyện muốn thay đổi môi trường làm việc của họ. Điều này lý giải về tỷ lệ nghỉ việc tại trường khá cao. Tuy nhiên, không thể đánh giá hoạt động hiệu quả của trường thông qua những con số cơ học như vậy, mà phải theo dõi cả một quá trình trưởng thành của đại học Hoa Sen.

Trên đây là những nội dung tôi muốn trình bày với quý vị cổ đông. Đây không phải là quan điểm hay cách giải thích của bản thân tôi mà là sự thật có thể được xác nhận bằng chứng cứ để đập tan những luận điệu hết sức sai trái của nhóm 30%. Tôi cũng như đại đa số cổ đông, chúng ta, tuy chỉ là cổ đông nhỏ, nhưng hết sức trung kiên với Mục tiêu – Sứ mệnh – Tầm nhìn của trường đại học Hoa Sen. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của sự thật (“Không ai có thể lấy tay che được bầu trời”) và vào sự công minh của đa số cổ đông trước nguy cơ thao túng của một nhóm cổ đông, tuy người ít nhưng nhiều phương tiện và chiêu trò.
Trân trọng kính chào.

Bùi Trân Phượng
Hiệu trưởng

Ông Trần Văn Tạo: “Cuộc họp bất hợp pháp, mọi quyết định vô giá trị…”

Kính gửi: quý cổ đông trường đại học Hoa Sen.

Thưa quý vị cổ đông,

Trước hết tôi phải nhắc lại rằng đối với phần lớn cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu, tập thể cán bộ – nhân viên và sinh viên đại học Hoa Sen cũng như cá nhân tôi, việc tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường này là sự vi phạm pháp luật Nhà nước và Quy chế của đại học Hoa Sen.

ông Trần Văn Tạo, chủ tịch Hội đồng quản trị đại học Hoa Sen

Vì vậy mọi văn bản do cái gọi là Ban tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường đưa ra hoàn toàn vô giá trị. Vì mục tiêu chính và duy nhất của những người tổ chức đại hội đồng cổ đông phi pháp này là nhằm vu cáo và bôi nhọ để lật đổ Hội đồng quản trị, chiếm đoat đại học Hoa Sen. Cho nên, với trách nhiệm là chủ tịch Hội đồng quản trị đại học Hoa Sen, tôi phải có đôi lời với các cổ đông của đại học Hoa Sen.

Theo báo cáo đưa ra trước cuộc họp hôm nay, người ta kết tội Hội đồng quản trị thiếu trách nhiệm và coi đó là lý do để tiến hành “bãi nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị hiện hành” và “bầu cử thành viên Hội đồng quản trị mới”. Chúng ta sẽ khách quan phân tích một cách vắn tắt những sự vu khống này:

1.Trước hết, về lời buộc tội “từ chối triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường”: Sau khi nhận được yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông của nhóm cổ đông tự nhận sở hữu trên 31% tổng số cổ phần của đại học Hoa Sen, Hội đồng quản trị đã nghiên cứu một cách nghiêm túc và đã có văn thư phúc đáp đúng theo thời hạn quy định của pháp luật cho nhóm cổ đông nói trên. Trong thư trả lời ngày 19.6.2014 Hội đồng quản trị đã nêu rõ những lý do mà Hội đồng quản trị cân nhắc chưa triệu tập ngay đại hội đồng cổ đông bất thường: ”Hội đồng quản trị nhận thấy việc triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường vào lúc này theo yêu cầu của nhóm cổ đông nêu trên là không phù hợp, bởi những lý do sau đây:

Hội đồng quản trị nhận thấy hầu như tất cả những vấn đề mà nhóm cổ đông nêu ra đều đã có kết luận của chánh thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 03/KL – TTr, ngày 30.5.2014), trong đó có những vấn đề đã được giải quyết và có vấn đề phải đợi các cơ quan chức năng xem xét, quyết định về những kiến nghị của thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo…

Do thời điểm hiện nay, đại học Hoa Sen đang tập trung cao độ nhân lực và thời gian cho công tác trọng tâm của nhà trường là tuyển sinh chuẩn bị khai giảng năm học mới nên việc triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường là khó có thể tiến hành được ”.

Không cần bình luận thêm thì quý vị cổ đông cũng thấy có phải là Hội đồng quản trị đã từ chối triệu tập đại hội đồng cổ đông hay không?! Bằng việc chưa (chứ không phải là từ chối) triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường, Hội đồng quản trị đã đặt lợi ích của hàng trăm giáo viên - nhân viên, hàng ngàn sinh viên, những người đang cần cù lao động để làm nên tên tuổi của đại học Hoa Sen, lên trên hết, lên trên lợi ích của một nhóm người bất chấp đạo lý và công lý muốn rắp tâm chiếm đoạt đại học Hoa Sen càng sớm càng tốt.

Lễ khai giảng năm học 2013 – 2014 của đại học Hoa Sen. Ảnh: hoasen.edu.vn

2. Với những giải thích trên thì cũng không cần nói thêm về hai lời buộc tội khác trong báo cáo, do những người triệu tập đại hội đồng cổ đông này nêu ra. Những gì cần trả lời về dự án Vatel, về công ty Vĩnh An thì kết luận thanh tra của bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm rõ, những vi phạm đã được xử lý hành chính thông qua việc nộp phạt, số học phí thu vượt đã được hoàn trả cho học viên... và những biện pháp tiếp theo còn phải chờ đợi ý kiến kết luận của bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như UBND TP.HCM. Chúng ta còn muốn gì hơn nữa, còn có thể làm gì hơn nữa?

Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nếu không có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Hội đồng quản trị thì khó có thể nhanh chóng có được những kết luận nói trên của thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy không thể buộc tội “thiếu trách nhiệm trong việc quản lý , giám sát” cho Hội đồng quản trị.

3. Nhân đây tôi cũng muốn nói đôi điều về chương trình Vatel, điều mà những người tổ chức cuộc họp này luôn lấy ra làm dẫn chứng cho “những sai lầm của đại học Hoa Sen”. Có thể khẳng định chương trình Vatel là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng của đại học Hoa Sen. Trong tương lai mô hình đào tạo này sẽ được xã hội chào đón và nhân rộng, như là phần lớn sinh viên và phụ huynh của đại học Hoa Sen hiện đang tích cực tham gia và ủng hộ mô hình đào tạo này. Hội đồng quản trị đại học Hoa Sen đã, đang và sẽ tiếp tục kiến nghị với bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép duy trì và phát triển chương trình này.

Tuy nhiên, những mô hình mới đưa vào ứng dụng trong cuộc sống sẽ không thể nào tránh khỏi có những “độ vênh” nhất định so với những quy định hiện hành, ví dụ như đầu bếp giỏi giảng dạy cho chương trình Vatel không đạt yêu cầu về học vị (thạc sỹ) cho việc đào tạo cử nhân…

Tôi hoàn toàn không có ý định bao che cho những khuyết điểm của chương trình Vatel, điều mà Hội đồng quản trị đã có kiểm điểm nghiêm khắc, tôi chỉ muốn nói rằng: khi đưa một mô hình mới vào cuộc sống, người ta phải tự mò mẫm tìm con đường đi, và như vậy sai sót là khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng nhất là những người mở đường phải có một động cơ trong sáng, một lương tâm trong sạch, hết lòng vì sự nghiệp.

Nói đến những điều này tôi lại nhớ đến những ngày tháng khó khăn của thành phố chúng ta, khi mà lãnh đạo thành phố phải tìm những biện pháp “vượt rào” nuôi sống người dân, giữ vững ổn định để phát triển. Mọi người vẫn nhắc đến câu nói của bí thư Thành ủy Võ văn Kiệt lúc bấy giờ với chị Ba Thi: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi chị”.

4. Nhắc đến người phụ nữ anh hùng của thành phố chúng ta, tôi cũng muốn nói đến một thành viên khác của Hội đồng quản trị, người mà ban tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường này muốn thông qua những lời buộc tội đối với Hội đồng quản trị để “kết án” - đó là bà hiệu trưởng Bùi Trân Phượng.

Tôi không bảo vệ hay bào chữa cho bà Phượng, điều đó nếu thấy cần thiết bà hiệu trưởng sẽ tự làm. Tôi cũng không dùng diễn đàn này để khen ngợi hay nói đến công lao đối với đại học Hoa Sen của bà Phượng, tình cảm và sự ủng hộ đối với bà hiệu trưởng của tập thể giáo viên – nhân viên, sinh viên đại học Hoa Sen trong bối cảnh dồn dập có những tin nhắn vu cáo bà phát tán rộng rãi trên mạng những ngày vừa qua … đã nói lên tất cả.

Với tư cách là chủ tịch Hội đồng quản trị, tôi thấy mình có trách nhiệm phải công bố kết luận của Hội đồng quản trị đối với lời cáo buộc “nghi vấn có tư lợi về tài chính” của bà Phạm Thị Thủy đối với bà Bùi Trân Phượng. Sau hai ngày họp kéo dài, với những trao đổi nghiêm túc của cả hai phía, Hội đồng quản trị đã đi đến kết luận như sau: “Trong báo cáo của chị Thủy có nêu có những dấu hiệu có tư lợi của bà Bùi Trân Phượng tại Vĩnh An, nhưng đến thời điểm này, không có căn cứ nào cho thấy có tư lợi của bà Phượng”.

5. Ông bà ta thường nói: năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn. Không phải bất cứ thành viên nào của Hội đồng quản trị cũng dốc hết tâm huyết của mình cho đại học Hoa Sen. Những sai phạm của chương trình Vatel, cũng như sai phạm về tài chính của đại học Hoa Sen (như sai phạm về việc hạch toán sai 119 tỷ đồng mà trong báo cáo của cuộc họp này gọi là “che giấu doanh thu”)… đã gây những thiệt hại lớn cho đại học Hoa Sen cả về tài chính lẫn uy tín. Bên cạnh trách nhiệm tập thể, Hội đồng quản trị cũng phải thành thật thừa nhận có trách nhiệm cá nhân của thành viên Hội đồng quản trị.

Ban kiểm soát đại học Hoa Sen đã có kết luận tại cuộc họp ngày 8.5.2014 là bà Phạm Thị Thủy, với tư cách phó hiệu trưởng phụ trách tài chính đại học Hoa Sen, đồng thời cũng phụ trách tài chính của công ty Vĩnh An, là người đã để cho tình trạng vi phạm xảy ra. Trên cơ sở kiến nghị của chánh thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo, kết luận của Ban kiểm soát và kiến nghị của hiệu trưởng đại học Hoa Sen, ngày 7.7.2014, Hội đồng quản trị đã ra quyết định miễm nhiệm chức danh phó hiệu trưởng của bà Phạm Thị Thủy.

Là người để xảy ra những sai phạm nói trên, nhưng bà Thủy lại là một trong những người khởi xướng cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường này, yêu cầu Hội đồng quản trị và hiệu trưởng đại học Hoa Sen phải chịu trách nhiệm và giải trình về những vấn đề tài chính của đại học Hoa Sen và Vĩnh An.

Đến đây, có lẽ tôi không cần bình luận gì thêm về những lời tố cáo đối với Hội đồng quản trị.
6. Cuối cùng, cho phép tôi được nói ngắn gọn về cá nhân. Đúng là trước đây đã có lúc tôi nghĩ đến việc từ chức chủ tịch Hội đồng quản trị để tập trung vào những việc khác. Tuy nhiên, với trách nhiệm của một người Đảng viên tôi không thể cho phép mình rời bỏ đại học Hoa Sen vào thời điểm quan trọng và khó khăn hiện nay. Tôi sẽ dồn toàn tâm trí và nghị lực để bảo vệ những giá trị giáo dục cao quý và xây dựng trường đại học Hoa Sen ngày càng phát triển vững mạnh.

Thưa quý vị cổ đông,

Để kết thúc tôi xin khẳng định một lần nữa là cuộc họp ngày hôm nay được tổ chức bất hợp pháp, mọi quyết định của cuộc họp là vô giá trị. Những người rắp tâm gây ra sự kiện này sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước xã hội, pháp luật, chính quyền và đặc biệt là đối với cổ đông, tập thể cán bộ và sinh viên trường đại học Hoa Sen.
Những kẻ gieo gió chắc chắn sẽ gặt bão.

Trần Văn Tạo
Chủ tịch Hội đồng quản trị
Bà Bùi Trân Phượng - Đại Học Hoa Sen: “Họ Muốn Biến Tôi Thành Tội Đồ…” Reviewed by Unknown on 8/03/2014 Rating: 5 Ảnh bên : Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng đại học Hoa Sen . Như Người Đô Thị đã thông tin, tại đại hội đồng cổ đông bất thường – đại học ...

Không có nhận xét nào: