Chiến Sự Ở ĐH Hoa Sen: Gọi Tên Cuộc Chiến Thế Nào Cho Đúng - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 8, 2014

Chiến Sự Ở ĐH Hoa Sen: Gọi Tên Cuộc Chiến Thế Nào Cho Đúng

Đại học Hoa Sen
Ts Trần Vinh Dự - Ts Đàm Quang Minh: Những ngày gần đây, hàng loạt báo chí liên tục đưa tin, thậm chí là đưa tin trực tiếp, về Đại hội cổ đông bất thường của Trường Đại học Hoa Sen. Chuyện gì đang diễn ra tại ĐH này? Bản chất của tranh chấp này có thực sự là câu chuyện giáo dục “vì lợi nhuận/phi lợi nhuận” hay ẩn sau đó là điều gì khác? Cái gì khiến cho các nhà giáo không ngừng bôi nhọ nhau trên các phương tiện truyền thông?

Ngược dòng lịch sử

Tháng 2/1994 đã có một Hội nghị chuyên đề về cải tổ giáo dục đại học Việt Nam với thành phần tham gia vô cùng cởi mở gồm lãnh đạo nhà nước và các nhà khoa học trong nước và Việt Kiều. Trong đó có điểm quan trọng do Bộ trưởng giáo dục thời bấy giờ là ông Trần Hồng Quân nêu: đa dạng hóa các loại hình trường: công lập, bán công, dân lập, tư thục. Đã có nghị định của chính phủ về mở trường đại học tư thục (1993). Tuy nhiên sau đó, chỉ có loại hình dân lập và bán công được thành lập với ghi chú về sở hữu là sở hữu tập thể. Khi Hoa Sen trở thành một trường cao đẳng năm 1999, nó cũng là một trường bán công với tên đầy đủ là Trường Cao đẳng Bán công Hoa Sen.

Năm 2006, nhà nước đã quy định lại và yêu cầu chuyển đổi loại hình từ dân lập thuộc sở hữu “tập thể” thành các trường tư thục với sở hữu theo “cổ phần”. Một loạt trường đại học dân lập hoặc bán công như Thăng Long, Hoa Sen đã được chuyển đổi vào thời gian này. Và sự chuyển đổi này đã để lại nhiều hệ lụy.

Với Đại học Thăng Long, khởi đầu bằng việc đóng góp vô tư của các Việt Kiều tại Pháp và cả chính phủ Pháp. Đột nhiên phải tính giá trị để cổ phần hóa và đã gây mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ. Tuy rằng không ai nghĩ đến chuyện tài chính nhưng cổ phần là thể hiện của quyền lực và công nhận sự đóng góp. Khi đứng trước những con số lạnh lùng của cổ phần, không một ai thực sự cảm thấy hài lòng. Một bộ phận cán bộ chủ chốt của Thăng Long đã phải tách ra và thành lập một trường Thăng Long khác.

Ở Hoa Sen, quá trình được khởi đầu bằng việc cổ phần hoá vào năm 2006 với 51% cổ phần rơi vào tay cán bộ công nhân viên trong trường và 49% rơi vào tay 5 đối tác chiến lược khác. Cấu trúc sở hữu của Hoa Sen dần dần thay đổi với việc các cổ đông ban đầu (kể cả các cán bộ công nhân viên của trường) sang nhượng. Cuối cùng, đã xuất hiện những “nhà đầu tư mới” và mâu thuẫn giữa nhóm này với các lãnh đạo trường bắt đầu phát sinh.

Cuộc chiến mang tên Hoa Sen

Nói như nhà báo Nguyễn Vạn Phú thì “nếu nhìn vấn đề một cách lý trí thì rõ ràng ai nắm cổ phần đa số thì người đó phải được quyền quyết định mọi chuyện thông qua hội đồng quản trị là đại diện cho chủ sở hữu. Luật pháp hiện hành cũng quy định như thế.” Nếu có bất đồng gì thì cứ dựa vào luật pháp và điều lệ hiện hành của trường mà giải quyết. Mà nếu như vậy, thì câu chuyện ở ĐH Hoa Sen đâu trở nên đình đám như hiện nay.

Thực tế là sau 8 năm cấu trúc sở hữu mới của Hoa Sen giờ đã rơi vào tình trạng những cán bộ lãnh đạo trường lâu năm như Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng chỉ còn kiểm soát rất ít cổ phần tại trường này. Tuy nhiên, các nhà quản lý lâu năm vẫn theo thói quen coi trường như tài sản của mình cho dù thực tế trên luật pháp đã không còn như vậy mà nằm trong tay các cổ đông kiểm soát phần lớn cổ phần. Khi phát sinh bất đồng trong thời gian gần đây, các nhà quản lý cũ đã không cam chịu ra đi một cách hoà bình. Các cổ đông “mới” nắm quyền kiểm soát xem ra cũng không làm, hoặc không thể làm được, việc đàm phán để sự ra đi của các “lão thần” diễn ra thuận chèo mát mái, có lợi cho cả hai bên. Ngược lại, cuộc chiến tại Hoa Sen đã diễn ra theo hướng tiêu cực nhất với sự chủ động lôi kéo truyền thông tham dự từ hai phía.

Không cam chịu rút lui, Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng lại gửi thư kêu cứu tới Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ giáo dục & đào tạo và thực hiện một chiến lược truyền thông chống lại các cổ đông “mới”. Theo luồng dư luận này, các cổ đông “mới” được tô vẽ như là loài cá mập, tìm cách ăn tươi nuốt sống Hoa Sen, thôn tính Hoa Sen với mục đích duy nhất là kiếm tiền, với phương pháp và mục đích đều phản giáo dục.

Phía bên kia, dĩ nhiên các cổ đông “mới” cũng phản pháo lại bằng chiến lược truyền thông riêng của họ. Ban lãnh đạo cũ, thay vì được coi là các công thần đã tạo dựng một thương hiệu đại học tư lớn mạnh, thì bị gán mác là những nhà độc tài, chuyên quyền, không tôn trọng trí thức, không có khả năng điều hành, liên tục thay đổi cán bộ quản lý dưới quyền.

Có thể thấy cuộc chiến này không ai là người hưởng lợi. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của các nhà quản lý và của các cổ đông. Những nạn nhân thực sự không phải là họ mà chính là hàng nghìn sinh viên đang học tập tại Hoa Sen. Khi mà lãnh đạo trường không tập trung vào quản lý và phát huy chất lượng mà chỉ tập trung vào tranh dành lẫn nhau, trong khi học phí liên tục tăng, chính tương lai của các em đang là nạn nhân đau xót nhất của cuộc chiến “nồi da xáo thịt” này.

Còn nhớ, đây không phải trường hợp duy nhất khi các bên có liên quan đã sử dụng sai công cụ để giải quyết xung đột. Trường hợp hay được nhắc đến trước đây là ĐH Hùng Vương. Khi các nhà giáo sáng lập hết tuổi tham gia quản lý, Bộ GD&ĐT đã chỉ định HĐQT mới và không gây được uy tín cũng như ủng hộ của nội bộ trường. Sau đó ông Đặng Thành Tâm đầu tư tháo gỡ các khó khăn tài chính và thành lập HĐQT mới. Mâu thuẫn phát sinh khi Hiệu trưởng cũ không bàn giao con dấu khiến hoạt động của trường tê liệt. Mặc dù UBND đã bác bỏ đề nghị của hiệu trưởng cũ và hướng dẫn HĐQT bầu hiệu trưởng mới.

Chỉ trải qua 1 năm sóng gió, toàn bộ sinh viên Hùng Vương không thể ra được trường và được các trường khác giải cứu. ĐH Hùng Vương từ một trường có uy tín với nhiều nhà giáo tâm huyết trở thành điển hình tồi tệ của giáo dục ngoài công lập. Trường hợp của Hoa Sen chưa đến mức như vậy. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất gần đây khiến nhiều người, kể cả phụ huynh và học sinh, buộc phải đặt vấn đề phải chăng Hoa Sen sẽ trở thành một Hùng Vương thứ hai?

Gọi tên cuộc chiến thế nào cho đúng

Trên nhiều phương tiện truyền thông, cuộc chiến này hoặc là được nhìn như cuộc chiến xâm lược của những kẻ vì lợi nhuận chống lại các nhà giáo giàu tâm huyết muốn đóng góp cho đất nước. Trên một số báo chí khác, nó lại được vẽ như thể là sự sa thải những lãnh đạo già cỗi, kém cỏi, và tham nhũng. Ẩn sau những lời qua tiếng lại, nhiều khi là nhục mạ, đó là gì?

Vẫn đề mâu thuẫn giữa các nhà điều hành nắm ít cổ phần và các cổ đông lớn nhưng không trực tiếp điều hành là vấn đề vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi. Có một số người gọi đó là “cuộc chiến chủ giả”. Cuộc chiến này phát sinh vì phía các nhà quản lý vẫn tưởng mình là chủ, mặc dù không còn sở hữu bao nhiêu, và hành xử ngược lại với lợi ích của các cổ đông lớn. Bản chất thật của nó không nằm ở chỗ đạo đức hay mô hình giáo dục nào đúng mô hình nào sai, mà nó nằm chính ở chỗ là mâu thuẫn về lợi ích.

Trong trường hợp của Hoa Sen, có thể đó là chuyện ban lãnh đạo cũ của trường không muốn chi trả nhiều lợi nhuận cho cổ đông. Nếu lợi nhuận giữ lại thì có nghĩa nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các lãnh đạo này. Nếu chi ra trả cổ tức thì hết. Nó cũng có thể là dưới con mắt của các cổ đông lớn, ban lãnh đạo cũ không chịu đổi mới, đã cạn kiệt ý tưởng phát triển, không thể tiếp tục đẩy doanh thu và lợi nhuận lên cao hơn như các cổ đông lớn mong muốn. Vì thế, họ bị các cổ đông lớn tính chuyện sa thải.

Nhận xét về câu chuyện này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, và Nhi đồng của Quốc hội nói rất đúng bản chất vấn đề trên báo Pháp Luật rằng Việt Nam hiện nay không có trường (tư) hoạt động phi lợi nhuận thực sự, “bởi thực tế có vì lợi nhuận mới “đấu” nhau”.

Câu chuyện đấu đá do mâu thuẫn lợi ích không chỉ gắn liền với các đại học tư mà nó cũng thường xuất hiện ở ngay cả các đại học công (nơi vấn đề giáo dục vì lợi nhuận hoàn toàn không tồn tại). Cách đây không lâu, công luận đã phản ánh nhiều thông tin đấu đá tại một số đại học lớn nhất của Việt Nam như Đại học Công nghiệp Tp.HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, hay Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hai trong ba trường hợp kiện cáo trên đã phải giải quyết bằng cách đưa một thứ trưởng của bộ chủ quản về làm Hiệu trưởng để vỗ yên dân chúng.

Thực tế cho thấy rằng dù là trường công hay trường tư thì các cuộc tranh chấp quyền lực vẫn diễn ra. Khi các bên tham gia vào các cuộc đấu đá như vậy, thay vì gọi tên cuộc chiến theo đúng bản chất của nó, họ thường lái dư luận theo các hướng khác như các vấn đề về đạo đức, vấn đề về triết lý giáo dục, hoặc bới móc các lỗi trong quản lý của nhau. Các động thái này giống như tung hoả mù vào dư luận, tạo ra các chủ điểm tranh cãi giả tạo. Thí dụ câu chuyện ở Hoa Sen nếu nhìn đúng bản chất thì chỉ là câu chuyện đấu đá lợi ích, nhưng dư luận trong những ngày gần đây đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và thời gian để thảo luận về một hoả mù mà nó tạo ra – vấn đề giáo dục vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận.

Chiến Sự Ở ĐH Hoa Sen: Gọi Tên Cuộc Chiến Thế Nào Cho Đúng Reviewed by Unknown on 8/12/2014 Rating: 5 Đại học Hoa Sen Ts Trần Vinh Dự - Ts Đàm Quang Minh: Những ngày gần đây, hàng loạt báo chí liên tục đưa tin, thậm chí là đưa tin trực ...

1 nhận xét:

  1. Hình như 2 Tiến sĩ này không hiểu rõ bản chất của cả hai bên, lại tung ra một thứ hoả mù khác, góp phần vào sự lụn bại của giáo dục đại học tư ở Việt nam!

    Trả lờiXóa