Đừng Sợ: Giáng Sinh Xưa Và Nay - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
23 tháng 12, 2014

Đừng Sợ: Giáng Sinh Xưa Và Nay

VRNs (23.12.2014) – Nghệ An – Khởi đi từ biến cố Truyền tin “Sứ thần vào nhà Trinh Nữ Maria và nói: … Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 30). Và hôm nay hai từ “Đừng sợ” thêm một lần nữa lại được các Thiên sứ nói lên để trấn an và đem tin vui cho các Mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa”.

Vấn đề được đặt ra ở đây là: Bối cảnh Giáng Sinh xưa của Đấng Cứu Thế và bối cảnh chính trị, xã hội tại Việt Nam hôm nay có gì giống nhau? Đâu là điều khiến người Việt Nam hôm phải lo phải sợ?

Lời truyền “Đừng sợ” của Sứ thần Gabriel khi truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria và lời ấy cũng được dùng để trấn an các Mục Đồng trong Tin Mừng hôm nay đã diễn ra trong một bối cảnh chính trị, xã hội nhiều biến động và đầy khắc nghiệt.

Chúng ta biết rằng: Vào thời Đấng Cứu Thế Giáng sinh, dân Do Thái bị khống chế bởi hai thế lực là chính quyền La Mã và Herod Antipas. Riêng tại vùng Giuđêa, các sử gia gọi thời kỳ này là “Pax Romana”, ‘Hòa Bình của La Mã’ là thứ hòa bình giả tạo, đầy tang thương. Kinh tế khủng hoảng, luân lý suy đồi, căng thẳng và xung đột giai cấp leo thang … Vậy có khác gì nhân dân Việt Nam hôm nay?

Hôm nay, Hoa Lục như một loại hình “đế quốc La Mã thế kỷ XXI ” và Việt Cộng cũng chính là triều đại “Hêrođê mới”.

Về ngoại bang, Hoa Lục đã và đang công khai thôn tính đất liền và biển đảo Việt Nam. Về thể chế chính trị, người dân Việt Nam đang bị nô lệ dưới hai thể chế độc tài là Trung cộng và Việt cộng. Sự cấu kết tinh vi có hệ thống và có chiến lược của hai thế lực thù địch này đang đẩy con dân Việt Nam vào ngõ cụt của sự bần cùng hóa và sự thất nghiệp. Nền giáo dục và y tế của hai thế lực cùng một định hướng chính trị này đang đặt nền Văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc và sức khỏe của người dân Việt Nam vào tình trạng báo động.

Nếu so sánh với hoàn cảnh dân sinh miền Giuđêa thời đó với nhân dân Việt Nam hôm nay thì đời sống người dân Việt Nam hôm nay còn tồi tệ hơn nhiều.

Chưa bao giờ người dân Việt Nam phải lo sợ về nguồn thực phẩm như phải sống trong giai đoạn này. Khắp nơi tràn lan đủ loại thực phẩm độc hại được nhập khẩu và nhập lậu từ Hoa Lục.

Ngày xưa, khi “Tin đồn” về sự xuất hiện của” Vị Vua Israel, Vua dân Do Thái” đã làm cho các thể chế chính trị đương thời, nhất là triều đại của Hêrôđê bạo chúa hoang mang. Và các “lời tiên tri về Đấng Mêsia sẽ xuất hiện” đã khiến cho các các phe nhóm như Sađốc, Pharisêu, Luật sĩ … lo lắng, vì cả hai thế lực chính trị và tôn giáo ấy sẽ bị hạn chế quyền lực, dân chúng sẽ đi theo “Vị Vua Mới”, đi theo Đấng Cứu Thế và mọi kế hoạch thống trị, bóc lột cũng như những mớ giáo điều luật lệ khác sẽ bị vô hiệu hóa khi dân chúng tiếp cận, biết sự thật và sống theo sự thật.

Ngày nay, trước sự ra đời và phát triển ngày càng nhiều của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, nhà cầm quyền và hệ thống công quyền đã tìm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn để khủng bố, để cản cấm họ. Các nhà đấu tranh dân chủ, các Blogger và các nhà hoạt động thiện nguyện liên tục bị sách nhiễu, bị bắt giam tùy tiện. Nhiều nghi án, án oan đã đẩy hàng trăm gia đình vào ngõ cụt của sự bần cùng, ly tán và bất hạnh.

Ngày xưa, khi bị đặt vào vai trò thẩm phán, Đấng Cứu Thế đã im lặng nhưng là sự im lặng có chủ đích. Im lặng để cứu chứ không phải im lặng để buông xuôi, để thỏa hiệp với cái xấu, cái ác:

Một lần kia, họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?”. Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất” (Ga 8: 111).

Sự im lặng của Đấng Cứu Thế đã thức tĩnh đám luật sĩ, quan quyền và dân chúng thời đó. Họ đã rút lui. Và sự im lặng tích cực ấy đã cứu được một mạng người mặc dù “…người phụ nữ bị bắt quả tang vì phạm tội ngoại tình”. Còn thời nay thì sao?

Ngày nay, cụ thể là gần đây, nghi án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng là những ví dụ điển hình đang được nhân dân và công luận khắp nơi quan tâm. Tuy nhiên, cái mãnh giấy “Hoãn thi hành án” mà chính quyền đưa ra ngày 04.12 vừa qua chưa phải là cái thẻ bài “sinh tử lệnh” dành cho Hải.

Những biểu ngữ, những tiếng gào thét, kêu oan của người nhà tù nhân Nguyễn Văn Chưởng dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội trong những ngày gần đây chưa chắc sẽ may mắn có được tấm giấy “Hoãn thi hành án” như “nạn nhân” Hồ Duy Hải đang có, vì nhiều lúc anh Hải và anh Chưởng có thể sẽ bị kết án tử hình không phải vì tội anh ấy đã phạm nhưng biết đâu lại vì sự quan tâm của công chúng, biết đâu khi một vấn đề nóng bỏng được đưa ra, được công luận chú ý lại khiến cho nhà cầm quyền rơi vào thế “Tiến thoái lưỡng nan”. Và biết đâu để đảm bảo cái gọi là “tính nghiêm minh của Pháp luật”, đảm bảo cái “Uy quyền của đảng phái, phe cánh”. Có thể vào một lúc bất ngờ nào đó, họ sẽ gõ búa kết án tử hình người dân lành như giết một con thỏ hoang? Tất cả đều có thể diễn ra hoặc là giết hoặc là tha.

Chưa bao giờ giữa cái chết và sự sống của con dân Việt Nam trong chế độ này, ở giai đoạn này, lại mong manh, mập mờ … đến như vậy! Khi một nền pháp lý và hệ thống công quyền không thực lòng thương dân lành thì việc họ sẵn sàng dùng dân mình để thị uy quyền lực là điều rất có thể. Tuy nhiên, dẫu rơi vào tình thế nào, mỗi chúng ta đều phải hi vọng Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng sẽ được sống. Hi vọng vào sự thật vì chính “Sự thật sẽ giải thoát” họ ít nữa là về mặt lương tâm của mỗi con người, cả phía nghi phạm, thẩm phán và hệ thống công quyền hôm nay.

Ngày xưa, khi nghe tin Đấng Cứu Thế vừa hạ sinh, Hêrôđê đã lo sợ Đấng Cứu Thế sẽ chiếm vương quyền của mình và khi biết các nhà chiêm tinh đã gặp Đấng Cứu Thế và không quay lại báo tin nên “Hêrôđê vô cùng tức giận và ra lệnh tàn sát tất cả các con trai từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và vùng phụ cận” (Mt 2: 16 18).

Ngày nay, hàng triệu thai nhi đã chết cách oan ức vì những điều luật vớ vẫn “luật sinh đẻ có kế hoạch” và nhiều hình thức bức tử tinh vi khác. Theo thống kê của Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc, Việt Nam hiện là một trong năm nước có phụ nữ phá thai cao nhất thế giới, đứng đầu trong khu vực đông Đông Nam Á . Thật là đáng sợ !

Một thể chế chính trị với “chủ trương đối thoại bằng bạo lực”, với đường lối giáo dục và định hướng an sinh xã hội như vậy có “đáng sợ” không?

Khi một nền pháp lý không nhắm tới quyền lợi chính đáng của người dân và một hệ thống hành pháp không nhắm tới sự công minh của pháp luật mà chỉ nhằm tới việc thị uy dân chúng, nhằm bảo vệ ” lợi ích nhóm”, vậy có đáng để người dân “sợ hãi” không?

Vậy điều gì khiến chúng ta phải lo sợ khi nghĩ về đường lối và những hành động của hai thế lực thù địch là Trung cộng và Việt cộng tại Việt Nam hôm nay?

Lo vì chắc chắn nhóm bảo thủ này sẽ cố thủ quyền lực bằng mọi thủ đoạn, bằng mọi giá nên kinh tế của đất nước sẽ ngày càng khủng hoảng. Hậu quả về lòng thu hận của nhân dân đối với họ sẽ ngày càng dâng tràn. Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra thì tài nguyên cạn kiệt, lòng dân hoang mang và rất dễ dẫn đến một cuộc cách mạng bạo động tự phát mang nặng ý thức báo thù, rửa hận hơn là đòi quyền sống, quyền tự do …

“Tức nước”, tất sẽ “Vỡ bờ”. Sự thật đó đang diễn ra khắp nơi dưới nhiều hình thức nhỏ lẽ và ngày càng lan rộng. Điều này thật đáng lo vì bất cứ sự xung đột nào diễn ra trên đất nước Việt Nam hôm nay cũng đều bất lợi cho người dân và là cái cớ để Trung cộng xen sâu vào chia rẽ lòng dân. Hậu quả cuối cùng là khối đoàn kết dân tộc Việt Nam tiếp tục bị chia năm sẽ bảy và kẻ thủ lợi sau cùng là Trung cộng và nhóm Hán nô tại Việt Nam.

Lo vì khi tài nguyên đất nước bị khánh kiệt cũng là lúc “phong thủy” thế núi, khúc sông, con đường, môi trường sống của người dân Việt Nam bị phá vỡ. Thế hệ sau biết lấy gì để “phục hồi giang sơn”? Cái gì cũng có thể xây dựng bằng tiền, nhưng ” Nguyên khí quốc gia” chỉ có thể xây dựng bằng lòng dân “Nhân hòa”, chỉ có thể bảo tồn và phát huy đúng chừng mực.

Sợ vì “Cùng cực” tất sẽ “Tắc biến”. Nếu sự cố chấp, cầm cự lâu dài của một thể chế chính trị đã tới hồi kết hết thời tất sẽ xãy ra binh đao. “Cái họa” này thật sự chỉ có thể thoát được khi trong “Nội các” chế độ đương thời có một người hoặc một nhóm người có thực tài và có đức nhân trổi vượt, được các nhân sĩ tri thức và nhân dân khắp nơi ngưỡng mộ thì mới mong xoay chuyển được tình thế. Hiện tại chưa ai nhìn ra nhân vật nào?

Sợ vì sự “ăn chia lúc mạt vận” sẽ xảy ra tranh chấp và thanh trừng lẫn nhau dẫn tới những thương vong không đáng có. Tất cả những vụ việc đáng tiếc đã, đang và sẽ xảy ra liên quan tới việc tranh chấp quyền lực ảo và lợi ích nhóm hội, phe cánh trong nội các và hệ thống công quyền đương thời sẽ tiếp tục dẫn tới những nghi án oan sai và hậu quả cuối cùng là những người dân lành, dân nghèo lương thiện phải trực tiếp gánh chịu những hậu quả ấy. Những hậu quả ấy sẽ tiếp tục tạo ra những “mốc đen chính trị” mà muôn đời sau lịch sử sẽ không quên.

Sợ vì trong buổi loạn thời, những người đương nhiệm vì quá cuồng vọng dẫn đến việc lạm quyền cách mê muội mà giết oan dân lành, bắt giam, đày ải những chí sĩ yêu nước. Gây ra tang tóc, chia lìa tình gia đình, tình đồng bào thì nghiệp chướng vốn đã dày nay lại càng cao thêm và buổi mạt vận của họ càng tới gần hơn và đau đớn hơn cả là ngày họ bị nhân dân đưa ra ánh sáng, khi đó người Việt thấy người Việt bên hố tử thần mà không cứu được nhau. Ngạn ngữ Tây Phương có câu: “Làm phản tổ quốc giống như người trong thuyền tự đục thũng thuyền”.

Vậy có lý nào một nhóm nhỏ phản quốc lại tồn tại lâu trong “con thuyền đầy lỗ thủng” đang chở 90 triệu dân Việt Nam sao?

Những thủ đoạn khủng bố mà nhà cầm quyền Việt Nam đã và đang dùng để trấn áp các nhà đấu tranh dân chủ và dân oan tại quốc nội hôm nay chẳng phải là họ đã công khai thể hiện sự bất lực trong đường lối trị quốc và chính sách an dân đó sao?

Bất công lan tràn, kinh tế khũng hoãng, thất nghiệp tràn lan….. Tất cả là những dấu hiệu rõ ràng nhất để khẳng định sự bất tài, suy vong của một thể chế chính trị.

Việc bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến, hù dọa, bắt bớ những nhà đấu tranh ôn hòa, kết án bừa bãi, oan sai những người vô tội là những biểu hiện rõ nhất của sự sợ hãi, sự cô đơn không lối thoát của chính quyền cộng sản Việt nam hôm nay.

Ngày xưa, Đấng Cứu Thế xuất hiện và luôn trấn an dân chúng, trấn an các môn đệ bằng câu nói “Đừng sợ” không có nghĩa là Ngài nói con cái mình, nói dân chúng hãy đứng dậy diệt trừ bọn tham quan ô lại, diệt trừ bọn bán nước cầu vinh nhưng ý Ngài muốn nói “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa (Lc 12,4).

Nếu ngày xưa Đấng Cứu Thế khởi xướng một cuộc ” cách mạng bạo động” liệu triều đại của Ngài có được tôn vinh và tồn tại tới bây giờ không? chắc chắn là không. vì Ngài Giáng sinh không phải để làm ” Vua” theo nghĩa phải bạo động, phải lật đổ’ để chiếm đoạt Ngai vàng, chiếm đoạt quyền lực trần thế nhưng Đấng Cứu Thế đến để làm Vua của lòng người Vua Hòa Bình.

Tuy nhiên, Đấng Cứu Thế đến kêu gọi sống Tha thứ nhưng Ngài không chủ trương im lặng trước cái xấu, cái ác. Chính Ngài đã nói với Thánh Phaolô trong một thị kiến: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh (Tđcv. 18:9).

Đấng Cứu Thế đến kêu gọi sống Tha thứ chứ không chủ trương báo thù rửa hận. Biết rằng Tha thứ là một điều khó, nói lời Tha thứ đã khó và sống Tha thứ càng khó hơn, tuy nhiên dó là điều kiện bắt buộc cho tất cả nhưng ai sống Đức Tin Ki tô giáo. Vì sao vậy?

Chính nhà cách mạng Bất bạo Động, Chính trị gia lỗi lạc Mahatma Gandhi đã quả quyết ” Những kẻ yếu không bao giờ biết tha thứ. Sự tha thứ chỉ có ở những người mạnh”. Bởi đó khi Đấng Cứu Thế kêu gọi nhân loại sống tha thứ là Ngài muốn họ sống mạnh mẽ hơn, sống vĩ đại hơn.

Ngày xưa khi Đấng Cứu Thế Giáng sinh. Dân Do Thái đã đưa ra môt kế hoạch, một chiến lược đưa Ngài lên làm Vua để ” khởi nghĩa” để thoát khỏi đế chế La Mã, thoát khỏi sự độc tài của Hê rô đê bạo chúa. Và những mâu thuẫn nội tại của Người Do Thái xưa cũng là tâm lý chung của không ít người dân Việt Nam hôm nay khi họ quá kỳ vọng vào những người mà họ cho là ” anh hùng của thời đại”.

Họ muốn người này phải làm anh hùng theo kiểu nây và muốn người khác phải đấu tranh theo hướng kia .. Tất cả đều tốt nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn khi những người có thiện chí biết đoàn kết, biết nhìn về một hướng và cùng hành động cách tích cực để tạo áp lực lên chế độ này , buộc họ phải chấp nhận thay đổi. Phải thay đổi thì mới Canh Tân được đất nước. Phải thay đổi thì mới mong có một nền Cộng Hòa lý tưởng, một Việt Nam mới, Dân chủ , Công Bằng và Bác Ái hơn.

Thừa Sai Vinh, VRNs
Đừng Sợ: Giáng Sinh Xưa Và Nay Reviewed by Unknown on 12/23/2014 Rating: 5 VRNs (23.12.2014) – Nghệ An – Khởi đi từ biến cố Truyền tin “Sứ thần vào nhà Trinh Nữ Maria và nói: … Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà...

Không có nhận xét nào: