Hải Đăng: Nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế này dường như cùng chia sẻ quan điểm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an khi lão tướng này khẳng định sức mạnh vượt trội của Hoa Kỳ, đối tác duy nhất ông cho là Việt Nam có thể liên minh để đứng mũi chịu sào trước thế lực phương Bắc. Vị Thiếu tướng này tuyên bố chúng ta phải chơi bài ngửa: "Việt Nam không liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc nhưng chúng ta cần sức mạnh của Mỹ để răn đe mọi thế lực ngoại bang muốn xâm lược Việt Nam"
Qua các tuyên bố có thể thấy, ước muốn liên minh đang là nhu cầu bức thiết nhất hiện nay của đa số nhân sĩ trí thức, ngay cả trong hàng ngũ quân đội và công an. Khi Việt Nam không thể tự mình đủ sức bảo vệ đất nước thì các câu bùa chú không thể thay thế cho tư duy sáng tạo nhằm tìm ra giải pháp tối ưu, biết đặt an nguy của dân tộc lên trên tất cả.
ĐỒNG THUẬN NỘI BỘ & ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ
Hối hả bồi đắp 7 bãi đá và rặng san hô để tạo ra các hòn đảo nhân tạo là hành động rất quyết đoán của Trung Quốc trong chiến lược biển hiện nay. Hành động ấy khẳng định tham vọng đòi chủ quyền trên toàn bộ các đảo, đá và các thực thể khác ở Biển Đông và "vùng biển tiếp giáp" được gộp thành yêu sách "đường đứt khúc chín đoạn”. Thiết lập sự hiện diện ngay tại trung tâm Biển Đông bằng cách phi pháp ấy, Trung Quốc đang muốn vẽ lại ranh giới địa lý của Đông Nam Á.
Thế trận các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông giờ đây không còn là nguy cơ tiềm ẩn nữa mà đã trở thành mối đe dọa trực tiếp và công khai không chỉ đối với Việt Nam, đa số thành viên ASEAN, mà ngay đối với cả các bạn bè lẫn đối tác ngoài khu vực Đông Nam Á như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ốtxrâylia và nhiều nước khác. Căn cứ vào những bức ảnh vệ tinh chụp được, trận đồ mà Trung Quốc đang triển khai trên Biển Đông được thấy rất rõ, kết nối quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cướp từ Việt Nam năm 1974 với hệ thống 7 bãi đá, rặng san hô tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam và Philippines và đã cấp tốc cải tạo trong những tháng qua. Các bãi đá, rặng san hô đó bao gồm: Tư Nghĩa (Hughes Reef), Gạc Ma (Johnson South Reef),Ga Ven (Gaven Reef), Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef), Én Đất (Eldad Reef) và Vành Khăn (Mischief Reef).
"Bình chân như vại" là nguy hiểm
Bài học từ cuộc vận động quốc nội lẫn quốc tế chống lại việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 không bao giờ cũ. Làm sao quên được làn sóng dâng trào trong cả nước và nhiều nơi trên thế giới hồi "mùa Hè đỏ lửa” năm ngoái khi Trung Quốc “cắm” giàn khoan khủng vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam! Tuy nhiên, vận hành hệ thống 7 bãi đá và rặng san hô nói trên nguy hiểm hơn việc hạ đặt giàn khoan 981 rất nhiều. Tiến trình Trung Quốc gia cố và mở rộng các hoạt động bồi đắp và xây dựng thành chuỗi đảo nhân tạo ấy cho thấy những tính toán chiến lược dài hạn hơn của họ trên Biển Đông. Hạ đặt Hải Dương 981 tuy là bước đi khá nguy hiểm, nhưng thực chất lại có cách xử lí và thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho các nước như Việt Nam. Trong khi đó, dù diễn ra chậm chạp và khó nhận biết, nhưng chủ trương bồi đắp đảo nhân tạo lại nguy hiểm hơn rất nhiều, vì giá trị chiến lược và khả năng thay đổi cục diện mà chuỗi đảo sẽ mang lại cho Trung Quốc khi được phát triển đầy đủ.
7 hòn đảo nhân tạo sẽ cung cấp rào cản để đối phó với bất kỳ kết quả bất lợi nào từ Tòa án Trọng tài Quốc tế hiện đang xem xét đơn kiện của Philippines chống lại Trung Quốc. Bởi vì, các đảo nhân tạo không nằm trong phạm vi thủ tục pháp lý đang tiến hành. Gạt được các cứ điểm quân sự trá hình ấy khỏi trận đồ pháp lý, Trung Quốc có thể tự tung tự tác trong việc đe dọa trực tiếp đối với Việt Nam, hoặc cô lập Việt Nam thông qua việc tấn công hoặc hù dọa các thành viên ASEAN khác. Trong bối cảnh ấy, nếu không có những đột phá về tính toán chiến lược, phải thừa nhận rằng, cả Việt Nam lẫn ASEAN khó có thể có bất kỳ hành động chính trị và ngoại giao nào đối phó với Trung Quốc. Nguy hiểm hơn, với thế trận hiện nay, Trung Quốc sẽ có thể chủ động hành sự, hay phản ứng trước các sự cố nẩy sinh tại chỗ một cách nhanh chóng hơn nhiều so với trước đây. Việt Nam sẽ còn ít thời gian để đáp trả. Các nhà phân tích quân sự Việt Nam và quốc tế đều nói tới nguy cơ Bắc Kinh dễ dàng tấn công đánh chiếm các hòn đảo do Việt Nam trấn giữ mà các lực lượng Việt Nam sẽ trở tay không kịp.
Để đối phó, cho dù chỉ trên tầm ngắn hạn, chúng ta phải làm sống lại tinh thần Diên Hồng trong thời đại mới. Vấn đề không phải là "hòa" hay "đánh”. Vấn đề là trên dưới phải đồng lòng và quyết tâm, trong ngoài phải biết chia sẻ giá trị và kết nối thành một khối. Phải vô hiệu hóa càng sớm càng tốt cái triết lý của kẻ chuyên đi bắt bí và ức hiếp. Không thể để cho Trung Quốc thực hiện phương châm "cái gì của tôi là của tôi, còn cái gì của anh thì có thể đưa ra đàm phán”. Không! Đảo bị cướp quyết không thể là đảo bị mất! Trung Quốc đã chiếm giữ bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của chúng ta trên 40 năm nhưng không hề có một quốc gia nào công nhận chủ quyền trên cơ sở chiếm đoạt bằng vũ lực ấy của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng, thời gian chờ đợi không phải là vô hạn. Chúng ta phải khẩn trương hành động trong khoảng thời gian ngắn còn lại! Lẽ phải ở phía chúng ta, sự công chính ủng hộ chúng ta. Chúng ta hãy cùng các quốc gia trong và ngoài khu vực kiến tạo nên một trật tự quốc tế mới để hậu thuẫn cho xu hướng hòa bình và công lý trở lại với Biển Đông. "Bình chân như vại" lúc này là nguy hiểm và sẽ đắc tội với tiền nhân.
Bùa chú không thay được giải pháp
Chiều 5/3, tại họp báo thường kỳ, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố: "Việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó”. Trong tình hình hiện nay, những tuyên bố routine như thế này rõ ràng không mấy tác dụng. Vấn đề dư luận bức xúc hiện nay là nếu Trung Quốc cứ tiếp tục đà lấn tới như thế, liệu Việt Nam có nên liên minh với các nước khác hay không để tự bảo vệ chính mình trong tình huống khẩn cấp. Giới nghiên cứu chính sách đều đồng ý, Việt Nam sẽ không liên minh với nước này để chống nước kia, nhưng chúng ta rõ ràng cần sự hỗ trợ từ quốc tế "chống lưng" giúp Việt Nam đảm nhiệm được sứ mệnh duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Quan điểm này được phản ánh trong phát biểu của TS. Lê Hồng Hiệp, từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: "Việt Nam chỉ có thể hòa hiếu với Trung Quốc nếu Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nếu Trung Quốc dùng bạo quyền để cưỡng bức thì chúng ta không thể mềm yếu để rồi mãi mãi đánh mất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vì một thứ ‘hữu nghị viễn vông’… Trong khi tìm mọi cách cố gắng duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và tương kính với Trung Quốc, chúng ta (Việt Nam) cũng nên sẵn sàng theo đuổi các mối quan hệ liên minh với các đối tác ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau để đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông”[1].
TSKH. Lương Văn Kế từ Đại học Quốc gia Hà Nội tiến xa hơn khi ông kiến nghị Việt Nam cần điều chỉnh chính sách “ba không”, theo đó Việt Nam từng cam kết không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế này dường như cùng chia sẻ quan điểm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an khi lão tướng này khẳng định sức mạnh vượt trội của Hoa Kỳ, đối tác duy nhất ông cho là Việt Nam có thể liên minh để đứng mũi chịu sào trước thế lực phương Bắc. Vị Thiếu tướng này tuyên bố chúng ta phải chơi bài ngửa: "Việt Nam không liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc nhưng chúng ta cần sức mạnh của Mỹ để răn đe mọi thế lực ngoại bang muốn xâm lược Việt Nam"[2]. Qua các tuyên bố có thể thấy, ước muốn liên minh đang là nhu cầu bức thiết nhất hiện nay của đa số nhân sĩ trí thức, ngay cả trong hàng ngũ quân đội và công an. Khi Việt Nam không thể tự mình đủ sức bảo vệ đất nước thì các câu bùa chú không thể thay thế cho tư duy sáng tạo nhằm tìm ra giải pháp tối ưu, biết đặt an nguy của dân tộc lên trên tất cả.
"Lụt sẽ lút cả làng". Thế trận biển đảo nhân tạo chính là sản phẩm từ “kinh lược hải dương” của Trung Quốc đang đe dọa lợi ích cốt lõi của các nước trong và ngoài khu vực. Nhiều nước, trong đó có các nước lớn đã lên tiếng. Một vài thành viên ASEAN cũng đã tuyên bố phản đối. Việt Nam đã bày tỏ thái độ nhưng cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Phải tố cáo trước công luận quốc tế: thế trận đảo nhân tạo của Trung Quốc là âm mưu áp đặt quyền kiểm soát quân sự, giám sát mọi hoạt động không quân và hải quân của các nước trong và ngoài khu vực. Không chỉ bày tỏ thái độ mà Việt Nam cần phải thay đổi cả quan niệm về tập hợp lực lượng trên trường quốc tế khi hữu sự. Không chỉ hợp tác và đấu tranh, mà vấn đề là phải nhấn mạnh tinh thần đấu tranh kiên quyết để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng không thể đánh đổi và vượt qua mọi giới hạn để hợp tác toàn diện với đối tác bên ngoài khi cần thiết.
Theo ý kiến của GS. Carl Thayer (Ốtxtrâylia) Việt Nam có thể tác động đến thái độ của Trung Quốc thông qua các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ ở cấp độ song phương và đa phương. Giới lãnh đạo Việt Nam cần thẳng thắn nêu bật vấn đề này với Trung Quốc. Việt Nam cần huy động sự trợ giúp từ khối ASEAN và từ cộng đồng hàng hải quốc tế. Điều tốt nhất mà các nỗ lực này có thể đạt tới là thuyết phục được Trung Quốc hành động với sự tự kiềm chế và minh bạch hơn về ý định của mình. Việt Nam có thể làm việc chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các cường quốc hàng hải khác để áp dụng một loạt "chiến lược áp đặt cái giá phải trả" (cost-imposition strategy) trên Trung Quốc. Những chiến lược áp đặt giá phải trả khả dĩ thực hiện được là nhờ sáng kiến từ Trung tâm vì An ninh Mới của Mỹ (CNAS) ở Washington DC. Chiến lược này nhằm chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng các hành động của họ sẽ tạo ra phản ứng ngược lại từ phía các quốc gia khác, khiến cho Trung Quốc khó mà tiếp tục con đường hiện tại, phải cân nhắc hơn thiệt về các hành động của họ trong tương lai[3]./.
Bài 2: Trật tự sẽ bị đảo lộn
[1]http://nghiencuuquocte.net/2014/12/28/song-ngam-dia-chinh-tri-khu-vuc-va-lua-chon-cua-viet-nam/
[2]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/01/150102_vn_2015_foreign_relation_views
[3]http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150302-bien-dong-viet-nam-va-cac-de-doa-tu-the-tran-dao-nhan-tao-trung-quoc/
Nguồn: Văn Hóa Nghệ An
Không có nhận xét nào: