Đôi Điều Lạm Bàn Về Lịch Sử Việt Nam Hiện Đại Từ Sau Tháng 8/1945 - Bài 5&6 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 4, 2015

Đôi Điều Lạm Bàn Về Lịch Sử Việt Nam Hiện Đại Từ Sau Tháng 8/1945 - Bài 5&6

Trần Quí Cao: Bài 5: Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ năm 1975 tới nay
Cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đã kết thúc bằng chiến thắng của Hà Nội vào ngày 30/4/1075.

Nếu tạm quên đi sự đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi mà cuộc chiến này gây ra cho dân tộc, công cuộc thống nhất hai miền cũng khiến nhiều người hy vọng vào một tương lai hòa giải hòa hợp dân tộc và tái thiết đất nước. Nhưng, rất nhanh chóng, người dân miền Nam sững sờ vì sau những lời đường mật đầu môi chót lưỡi “chiến thắng này là chiến thắng của cả dân tộc” của kẻ thắng cuộc, chính quyền mới đã nhanh chóng đưa phần lớn quân cán chính phía bại trận “đi học tập”, thực chất là vào các trại tù, giam giữ năm, mười, mười lăm năm với tội danh “ngụy quân, ngụy quyền” phản quốc. Cũng trong thời gian đó, tài sản của các “phạm nhân” này bị chính quyền Cộng sản các cấp tịch thu, cha mẹ, vợ con bị đày đến những nơi ma thiêng nước độc được gọi là “Khu kinh tế mới”.

Sau hai mươi năm, chính quyền Hà Nội lại cho áp dụng kịch bản giống như Cải cách ruộng đất và Cải tạo công thương ở miền Bắc cuối những năm năm mươi. Hàng loạt điền chủ, tài chủ và các nhà doanh nghiệp phải ngậm đắng nuốt cay đưa tài sản của mình vào cái gọi là “Quốc doanh” hoặc “Hợp tác xã”, để rồi chỉ sau một thời gian ngắn, làm ăn thua lỗ, lại trắng tay…

Đến lúc này thì, không chỉ đồng bào miền Nam, mà ngay cả đồng bào miền Bắc vốn từ lâu bị tuyên truyền tín điều Cộng sản, cũng đã thức tỉnh. Họ hiểu ra rằng, “Sự nghiệp Chống Mỹ cứu nước và Giải phóng miền Nam” thực ra chỉ là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Chính quyền Hà Nội, qua tín hiệu đèn xanh của Trung Cộng, phát động chiến tranh xâm chiếm miền Nam để gom đất nước về một mối dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi “Giải phóng miền Nam”:

1) Chế độ độc tài đảng trị của Cộng sản Việt Nam được áp đặt trên toàn bộ đất nước Việt Nam thống nhất. Chế độ này phá vỡ hoàn toàn môi trường khai phóng để dân tộc phát triển. Từ đó cho tới nay, trên lãnh thổ Việt Nam không gì có thể phát triển ra ngoài cái bóng bao trùm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam lớn hơn quyền lực của nhân dân. Quyền lợi của đất nước phải hy sinh cho quyền lợi của Đảng.

2) Cả miền Nam bị tàn phá và thương tổn tận gốc rễ bởi các chính sách hay chiến dịch như “Học tập Cải tạo” (thực chất là bỏ tù không xét xử các viên chức chính quyền và quân đội miền Nam thua trận), “Đánh tư sản mại bản, tư sản công thương nghiệp” (thực chất là tước đoạt của cải của dân chúng miền Nam). Từ các các đợt “Đổi tiền” đến chiến dịch “Bài trừ Văn hóa phản động đồi trụy” được tiến hành dưới nhiều hình thức, chứng tỏ chính quyền dã tuyên chiến với Văn hóa, triệt để xóa bỏ tri thức mà nhân loại phải mất hàng ngàn năm mới tích lũy được. Các hệ tư tưởng triết học, các thành tựu khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật bị xem là kẻ thù của Chủ nghĩa Cộng sản phải được tận diệt để thay bằng một nền văn hóa mới giàu tính Đảng và tính Giai cấp. Song hành với đó là chính sách phân biệt tuyển sinh vào các trường đại học, hủy diệt nhân tài. Sự nhếch nhác của nền giáo dục hiện nay chính là hệ quả của những chủ trương sai lầm đó.

Đất nước vừa hòa bình sau 30 năm chiến tranh thảm khốc, lẽ ra phải khoan sức dân, phải ban hành và thực thi các đạo luật khuyến khích, hỗ trợ sản xuất để dân giàu, nước mạnh, thì trái lại, Đảng lại chủ trương một nền kinh tế khép kín, triệt hạ tất cả các phương tiện sản xuất, cơ chế xã hội lẫn nguồn nhân lực. Hậu quả của chính sách này là cả nước đói nghèo.

3) Thảm nạn thuyền nhân. Bị áp bức về tự do tư tưởng, trong tình trạng đói nghèo không lối thoát, người miền Nam nghĩ đến chuyện bỏ quê hương ra đi tìm miền đất hứa. phong trào thuyền nhân làm rúng động lương tâm thế giới. Hàng triệu người vượt biển trốn chạy chế độ Cộng sản trên những con thuyền mỏng manh. Theo các nguồn tin không chính thức, trong những cuộc vượt biển tìm tự do có một không hai trong lịch sử nhân loại đó, ít nhất ba trăm ngàn người bỏ xác trên biển bởi bão tố, hải tặc, thậm chí, còn không ít nạn nhân bị chính lực lượng công an Cộng sản thủ tiêu sau khi đã thu vàng theo những hợp đồng bán chính thức.

4) Các cuộc chiến mới. Cuộc chiến biên giới Tây Nam với Campuchia; cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Trung Quốc hải chiến và chiếm thêm biển đảo của Việt Nam…

5) Hội nghị Thành Đô. Khi hệ thống các nước Cộng sản sụp đổ trên qui mô toàn cầu, tất cả các nước Đông Âu từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, chính quyền Cộng Sản Việt Nam quay sang thần phục chính quyền Cộng sản Trung Quốc, “mở đầu một thời kì Bắc thuộc mới” theo lời ông Nguyễn Cơ Thạch, người bị loại khỏi Bộ Chính trị vì chủ trương độc lập với Trung Cộng. Nội dung các văn bản ký kết tại Hội nghị Thành Đô, nơi các lãnh đạo Việt Nam sang chầu hầu Thiên triều, cho tới nay vẫn chưa được bạch hóa, và do đó, vẫn còn là một bí mật chính trị của Việt Nam. Đó cũng là trở ngại rất lớn cho Việt Nam trên con đường thoát Trung, nghĩa là độc lập với Trung Quốc.

Những ai còn nghi ngờ về quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận kẻ xâm lăng làm thầy làm bạn thì xin mời xem Hồi ức và suy nghĩ của Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, một nhân chứng quan trọng của giai đoạn đó. Đọc để biết rằng, trong khi nhiều người đã nhận thức rõ: “Cái bất biến của Trung Quốc là tham vọng bá quyền”, và “Mặt bành trướng bá quyền của Trung Quốc đậm nét hơn mặt xã hội chủ nghĩa ” thì sau sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa năm 1988, ông Lê Đức Anh vẫn tuyên bố năm 1990: “Ta phải tìm đồng minh, đồng minh này là Trung Quốc”; còn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì phát biểu: “Dù bành trướng thế nào đi nữa thì Trung Quốc cũng là một nước xã hội chủ nghĩa!”. Tưởng cũng nên nhắc lại, theo một nguồn tin, chính ông Lê Đức Anh đã ra lệnh quân đội không bắn trả khi quân Trung Cộng đánh chiếm Gạc Ma và giết 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hai năm trước đó.

6) Sau Hội nghị Thành Đô, Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Cộng. Nước Việt Nam lệ thuộc mọi mặt về chính trị, văn hóa, kinh tế, và cả quân sự trong tình trạng Trung Quốc ngày càng lấn chiếm đất liền và các vùng biển đảo của Việt Nam.

7) Nền chính trị đất nước bị tha hóa, bất lương hóa toàn diện. Dối trá nối tiếp dối trá. Lừa đảo nối tiếp lừa đảo. Bạo ngược nối tiếp bạo ngược. Các cơ quan đầu não của Nhà nước như Quốc hội, Tòa án, Chính phủ… khó được xem là đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Một nền chính trị như vậy cực kỳ nguy hại cho dân tộc bởi vì nó phá hủy ý chí và tinh thần của cái thiện, cái công bằng, cái liêm chính, cái đạo đức trong xã hội, đồng thời nó phá hủy khả năng cộng đồng để phát triển và giữ nền tự chủ quốc gia.

Cho tới nay, Việt Nam vẫn còn là một trong vài nước rất ít ỏi trên thế giới duy trì chính thể độc tài, toàn trị của một đảng không chính danh. Chính quyền xóa bỏ các quyền tự do căn bản mà người dân. Chế độ này ngày càng bạo ngược, tham nhũng công khai bằng nhiều cách. Chính quyền vẽ ra và thông qua một cách khuất tất các dự án hàng tỉ đô la để chia chác bất chấp sự phản đối của dân chúng. Về ngoại giao thì chính quyền có biểu hiện bạc nhược tìm sự che chở của Trung Quốc, về nội trị thì đàn áp nghiệt ngã những người bất đồng chính kiến, phản đối xâm lược. Tính không trung thực và thiếu lương thiện đã trở thành lối hành xử thường nhật của nhà cầm quyền. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, cho nên phong hóa dân tộc suy đồi, đạo đức dân tộc thoái hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mất đi không có gì là lạ.

8) Chính sách gọi là “Đổi mới” của Đảng Cộng sản Việt Nam thật ra chỉ là sửa lại những gì mà họ đã liên tục phạm sai lầm.
Nền kinh tế của miền Nam trước ngày 30/4/1975 đã có rất nhiều căn bản để phát triển. Chính cuộc chiến “Chống Mỹ cứu nước” do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động đã phá hủy cơ sở hạ tầng miền Nam, khiến miền Nam phải dồn sinh lực để chống trả thay vì phát triển. Sau năm tháng 4/1975, các chính sách đánh tư sản, xóa bỏ thành phần kinh tế tư nhân, ngăn sông cấm chợ, tuyên truyền tư tưởng thù địch với Thế giới tự do… trên thực tế đã đày cả nước vào đói nghèo. Chính sách “Đổi mới” của Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là sửa lại các sai lầm ghê gớm của chính họ, áp dụng lại nhiều yếu tố căn bản của cách quản lý kinh tế miền Nam trước đây. Tuy nhiên đấy chỉ là những đổi mới không triệt để.

Yếu tố chủ chốt của cách quản lý kinh tế, xã hội của miền Nam trước kia là tinh thần dân chủ và pháp trị. Đảng Cộng sản không dám áp dụng tinh thần đó, nên sự đổi mới chỉ nửa vời. Chính sách đổi mới rốt cuộc chỉ khơi dậy được một phần nhỏ tiềm năng dân tộc, và sau một khoảng thời gian là các khuyết tật của xã hội nảy sinh, lại đẩy đất nước rơi vào bế tắc. Hiện nay, nền kinh tế và chính trị Việt Nam đang nằm trong tay các nhóm lợi ích, đất nước đang kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, và trong thế lệ thuộc mọi mặt vào Trung Quốc. Điều này cũng có nguyên nhân từ việc đổi mới không triệt để.

Ông Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo lỗi lạc được thế giới kính trọng, từng nói: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi vì so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.

Nếu lấy các tiêu chí về kinh tế, về xã hội, về chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người, mức độ tham nhũng… để so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Philippines… thì Việt Nam đứng sau cùng!

Với các thành quả quản lý đất nước như vậy, một nhà cầm quyền tự trọng và thực sự vì dân có thể tự hào không? Có thể kể lể công lao của mình không? Dân chúng có hài lòng không?

Những thành quả đó mang lại lợi ích cho dân chúng hay mang lại sự suy thoái cho đất nước?

Bài 6: Kết luận

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tuyên truyền rằng, dân tộc Việt nam phải mang ơn trời biển của họ, vì họ đã lãnh đạo dân tộc tiến hành các quá trình và tổ chức các sự kiện lịch sử trọng đại đi đến thành công:

1) Cách mạng Tháng Tám, 2) Kháng chiến chống Pháp, 3) Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và 4) Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau năm 1975.

Nếu gọi những sự kiện lịch sử đó là “thành công”, thì “thành công” ấy dành cho ai?

Chỉ có một câu trả lời đơn giản là, trong khi nó mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam, thì ngược lại, nó gây ra không biết bao nhiêu thảm họa cho dân tộc Việt Nam.

Nếu xem xét kỹ các quá trình/sự kiện lịch sử kể trên, ta thấy rõ hậu quả của quá trình/sự kiện trước tạo điều kiện cho quá trình/sự kiện sau. Hậu quả của quá trình/sự kiện sau thảm khốc và lâu dài hơn hậu quả của quá trình/sự kiện trước. Nếu gom tất cả các hậu quả đó lại và tính lũy kế, đây thực là một thảm họa quá lớn, diễn ra trong một thời gian quá dài trên đất nước này, giống như căn bệnh nan y để lại cho các thế hệ sau nhiều di chứng.

Hãy làm một phép so sánh dưới đây với Thái Lan và với Hàn Quốc, những nước mà lúc cuộc chiến “Chống Mỹ cứu nước” của Việt Nam mới bắt đầu, nền kinh tế của họ còn thua xa miền Nam Việt Nam (xin xem bài 4 Hậu quả của cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước”), và chế độ chính trị của họ chưa hội đủ các yếu tố của nền Tự do Dân chủ như Việt Nam Cộng hòa.

Năm 1960, GDP/đầu người Nam Việt Nam gấp 221% lần Thái Lan. Sau 15 năm “Chống Mỹ” cứu nước và 38 năm dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2013, GDP/đầu người Việt Nam bằng 33% Thái Lan! Nếu đột nhiên vào cuối năm 2013, người dân Thái Lan thấy GDP/đầu người của họ chỉ còn một phần ba, từ 5,676 USD GDP xuống 1,902 USD, và hơn thế, nếu từ một chính thể Dân chủ, người dân được hưởng các quyền Tự do căn bản, mà trở thành một chính thể Độc tài toàn trị, tước đoạt tất cả các quyền Tự do tối thiểu, đó thật sự là một Đại thảm họa.

Năm 1960, GDP/đầu người Nam Việt Nam bằng 144% Hàn Quốc. Sau 15 năm “Chống Mỹ cứu nước” cùng 38 năm dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2013, GDP/đầu người của Việt Nam bằng 7% của Hàn Quốc. Nếu đột nhiên vào cuối năm 2013, người dân Hàn Quốc thấy GDP/đầu người của nuớc họ chỉ còn ít hơn một phần mười ba, từ 25.975 USD xuống 1,902 USD, và hơn thế, nếu từ một chính thể dân chủ, người dân được hưởng các quyền tự do căn bản, mà trở thành một chính thể độc tài toàn trị, tước đoạt tất cả các quyền tự do tối thiểu, đó cũng thật sự là một Đại thảm họa.

Thái Lan và Hàn Quốc có hai điều căn bản khác Việt Nam:

1) Họ là đồng minh của Mỹ trong khi Việt Nam chống Mỹ.

2) Họ theo chính thể Dân chủ, đa đảng giống như Mỹ, ngược lại, Việt Nam thiết lập chính thể Độc đảng và toàn trị theo mô hình Nga Xô và Trung Cộng.

Trước năm 1960, Trung Cộng không hề dám động tới miền Nam Việt Nam, GDP/đầu người của Trung Quốc là 92 USD so với miền Nam Việt Nam là 223 USD. Văn hóa miền Nam miền Nam, tuy có vài nét tương đồng với văn hóa Trung Quốc, nhưng hoàn toàn không chịu sự chi phối của Trung Quốc, trái lại rất tự tin về khả năng tự chủ của mình. Chỉ vì cuộc nội chiến khốc liệt, Cộng sản miền Bắc làm cho miền Nam suy yếu, nên đầu năm 1974 Trung Quốc, với sự đồng lõa của chính quyền Cộng sản, tiến công chiếm một số đảo trên quần đảo Hoàng Sa.

Chỉ vì Đảng Cộng sản Việt Nam thần phục tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh để bám giữ quyền lực toàn trị mà từ Hội nghị Thành Đô tới nay, trong vòng 25 năm, Việt Nam đã bị nhà cầm quyền Trung Cộng gặm nhấm dần lãnh thổ trên biên giới phía Bắc như Ải Nam Quan, thác Bản Giốc… Mặt khác Trung Quốc còn bày ra trăm thứ mưu ma chước quỷ, dẫn dụ Đảng Cộng sản Việt Nam vào mê lộ “mười sáu chữ vàng”, “bốn tốt”… nên đã sang nhượng dần cho chúng những vùng đất, vùng biển có vị trí kinh tế, địa chính trị tối quan trọng đối với an ninh quốc gia như khai thác Bauxite Tây Nguyên, Khu công nghiệp Vũng Áng cùng hàng trăm dự án với thời hạn 50 năm, để chúng tự do tàn phá tài nguyên đất, biển, hủy hoại môi trường sống. Trung Quốc luôn có tham vọng khống chế Biển Đông, chúng đang xây dựng các công trình quân sự trên các đảo chiếm được để uy hiếp Việt Nam. Dã tâm của Trung Nam Hải là rất rõ, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam có nhận ra hay có dám nhận ra?

Như vậy, nếu lấy mục tiêu là quốc gia độc lập, dân tộc phát triển và người dân Việt Nam được sống trong môi trường tự do, dân chủ, no ấm, văn minh… thì hậu quả những gì Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm hoàn toàn đi ngược chiều hướng này. Thực sự, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất thành công trong việc đi ngược chiều với nguyện vọng phát triển của dân tộc. Không ai ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có thể khiến dân tộc cần cù thông minh của quốc gia giàu tài nguyên này nghèo đói suốt mấy chục sau “Giải phóng”. Không ai ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có thể khiến dân tộc giàu tinh thần chống ngoại xâm này cúi đầu nhịn nhục nhìn Trung Quốc chiếm cứ lãnh thổ trên đất liền và biển đảo của tổ quốc thiêng liêng! Không ai ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có thể khiến dân tộc Việt Nam cúi đầu chịu sự thống trị lâu dài bằng chế độ độc tài và toàn trị của những kẻ tham tàn phá hại đất nước và và cầu lụy Trung Quốc xâm lăng!

Vậy thì nguyên nhân nào Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa được dân tộc vào các cuộc chiến phi lý và tàn khốc như vậy mà họ đã đạt được mục đích?

Trong cả hai cuộc chiến gối đầu nhau, ngọn cờ Giải phóng dân tộc và giành độc lập được Đảng Cộng sản triệt để giương cao làm tiêu đề cho việc phát động nhân dân. Xét từ quá trình lịch sử ngàn năm Bắc thuộc, tám cuộc kháng chiến chống xâm lược Tàu, tám mươi năm dưới ách thực dân Pháp, phát xít Nhật, và sau nữa là hai trăm năm mươi năm nội chiến qua các thời kỳ, đã nung nấu tinh thần quật khởi của người Việt. Cho nên đại bộ phận dân tộc sẵn sàng nghe theo tiếng gọi “có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến) quyết hy sinh giành độc lập.

Thuận theo đà đánh Pháp, Đảng Cộng sản tiếp tục kêu gọi dân chúng vùng lên đánh Mỹ. Dù thời thế đã thay đổi, dù Mỹ tới miền Nam với tư cách đồng minh tương trợ “ngăn chặn làn sóng đỏ vượt qua vĩ tuyến 17”, dù dân chúng miền Nam đang có đời sống no ấm và tự do hơn dân chúng miền Bắc nhiều lần, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên truyền dối trá: Mỹ nô dịch miền Nam, dân chúng miền Nam bị bóc lột cùng cực, đói nghèo. Chế độ cai trị sắt máu cùng chính sách bưng bít thông tin, tuyên truyền láo khoét có tác dụng với đồng bào miền Bắc vốn bị bịt mắt bởi “bức màn sắt”.

Tuy nhiên, từ trong lòng miền Nam, một phần không nhỏ dân chúng cũng ủng hộ cuộc chiến phát động bởi miền Bắc. Trong số đó, có không ít thuộc tầng lớp trí thức. Sau khi đất nước thống nhất và đặt dưới quyền toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều người trong số họ mới tỉnh ngộ. Tầm nhìn của trí thức Việt Nam ngắn như vậy sao? Hay là phần lớn trong giới “trí thức” Việt Nam thực chất chỉ là những người có bằng cấp, có chuyên môn hẹp, nhưng chưa có đủ “kiến văn” về mọi mặt của đời sống, về các khuynh hướng chính trị của thế giới? Do đó họ bị phần thiển cận trong khát vọng “độc lập” lôi cuốn?

Trước năm 1975, Việt Nam đã có một nửa đất nước theo chính thể Dân chủ tự do, và một nửa kia theo chính thể Độc tài toàn trị. Rốt lại, một nửa theo chính thể Dân chủ, chẳng những không đem lại Tự do cho đồng bào miền Bắc, mà còn đánh mất Tự do của chính mình.

Một số người cho rằng tất cả tội lỗi là do Đảng Cộng sản Việt Nam. Có nên đặt vấn đề một cách khác chăng nếu người dân Việt nam hiểu biết hơn về thời cuộc, về khuynh hướng chính trị thế giới, và hơn hết là có lòng bao dung và chấp nhận nhau hơn, có tinh thần khoa học hơn để xem xét sự việc từ nhiều mặt, và do đó, ít tính cực đoan hơn, thì Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ sức đẩy đất nước này vào những cuộc chiến nồi da xáo thịt tàn khốc như vậy không? Có đủ sức tròng cái ách toàn trị lên đầu dân tộc không? Nếu vậy thì dân tộc chúng ta sẽ tiến bước về hướng hòa bình hay hướng chiến tranh? Và cuối cùng sẽ là một thể chế tự do hay nhà nước độc tài?

Nếu đặt vấn đề như vậy, lòng dân sẽ thanh thản hơn, ít thù hận nhau hơn. Để Việt Nam nằm trong hoàn cảnh hôm nay, mỗi người chúng ta đều có phần “cộng đồng trách nhiệm” (chữ của Huy Đức). Lời khôn ngoan ngàn xưa còn đó: “Dân tộc nào, chính quyền nấy”. Thế hệ cha, anh của chúng ta đã có lựa chọn của họ. Thế hệ chúng ta, thế hệ đang làm chủ xã hội, có lựa chọn của chúng ta. Chúng ta không dứt bỏ quá khứ, nhưng chúng ta cũng không để những thế hệ đã, hay đang bước ra ngoài dòng chảy của cuộc thời đại, áp đặt lên chúng ta lối sống theo kiểu họ muốn, nhất là khi ý muốn của họ đã bị tha hóa, xuất phát từ lòng ích kỷ muốn bám giữ quyền lực và quyền lợi phe nhóm.

Thời đại toàn cầu hóa, thông tin hóa, kiến thức thay đổi hàng ngày, tại sao dân tộc Việt Nam ta cam chịu để những thế lực dùng bạo lực bắt chúng ta phải:

1) Giam suy nghĩ và kiến thức trong một cái lồng chật hẹp và cũ kỹ của Chủ nghĩa Cộng sản?

2) Xây dựng mô hình xã hội bởi một học thuyết đầy sắt máu ra đời cách đây gần hai trăm năm, đã bị loài người vứt vào sọt rác lịch sử từ lâu?

3) Chấp nhận những người lãnh đạo mà chúng ta không bầu chọn, để họ ngang nhiên thiết lập chính thể độc tài và toàn trị trên xã hội chúng ta?

4) Chấp nhận những người lãnh đạo mà chúng ta thấy rất không xứng đáng, thậm chí thấy đang bán rẻ quyền lợi thiêng liêng của Tổ quốc cho ngoại bang?

Thời gian cầm quyền toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá đủ dài để dân chúng hiểu rõ các thảm họa Đảng mang lại cho dân tộc. Sự trỗi dậy quá mạnh và quá nhanh về quân sự của Trung Quốc trong thế không tương xứng với cách hành xử quá thiếu trách nhiệm của họ với hòa bình và phát triển của thế giới, khiến tình cảm và quyết tâm chính trị của thế giới nghiêng về ủng hộ Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra là, bao lâu nữa lịch sử đất nước mới sang trang trong khi chúng ta đã trả giá quá nhiều, nhưng đã học đươc mấy phần bài học đáng học? Và đã sẵn sàng thực hành một cách có hiệu quả chưa?

Câu trả lời nằm trong hợp lực của dân tộc Việt và của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi nào hợp lực có chiều hướng về dân chủ, tự do, khi đó vận nước sẽ phục hưng. Trong thời gian ngắn ngủi từ nay tới đó, tôi tin rằng những người Việt Nam mong muốn có chính thể tự do để sống và phát triển đang, bằng nhiều cách thức, hoạt động để xoay chiều hợp lực này về hướng Văn minh.

T.Q.C.


Tài liệu tham khảo

Bên Thắng Cuộc – Giải Phóng. Huy Đức. Nhà xuất bản OsinBook, 2012
Bên Thắng Cuộc – Quyền Bính. Huy Đức. Nhà xuất bản OsinBook, 2012
Các bài viết của Nguyễn Trung. http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/
Chính Đề Việt Nam. Ngô Đình Nhu. Do Dân Luận đăng từ ngày 20/11/2013 tới ngày 01/12/2013 - https://www.danluan.org/thu-vien/

Với độ lùi thời gian, các sự kiện chính trị xảy ra trên thế giới như việc Nga và Đông Âu từ bỏ thuyết Cộng sản, việc Tàu nổi lên thành một thế lực tranh chấp với Mỹ và châu Âu, Tàu lấn chiếm và khống chế Việt Nam với sự thần phục của Đảng Cộng sản Việt Nam… cho thấy các tiên đoán chính trị của tác phẩm này chính xác tới mức nào! Tác phẩm này rất nên đọc.

Hồi Ức và Suy Nghĩ. Trần Quang Cơ. Tài liệu do Nghiên Cứu Quốc Tế đăng ngày 22/5/2014 -http://nghiencuuquocte.net/forums/topic/hoi-ky-tran-quang-co/

Đọc để biết thêm chứng cớ về mưu đồ khống chế Việt Nam của Trung Cộng. Đọc để biết ông Trần Quang Cơ, dù thuộc phe miền Bắc, có cùng quan điểm với ông Ngô Đình Nhu về dã tâm truyền kiếp xâm chiếm và nô thuộc Việt Nam của Trung Quốc.

Đọc để biết rằng nhiều khuôn mặt lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi cầu sự che chở của Trung Cộng, đã chấp nhận chính sách bành trướng của Trung cộng đối với Việt Nam, chấp nhận Trung Cộng chiếm đất, giết dân Việt Nam.

The Pentagon Papers, Gravel Edition. Boston: Beacon Press, 1971.

Tập tài liệu gồm 4 tập, cho thấy ý đồ của Hoa Kỳ là bảo vệ phần còn lại của châu Á khỏi bị nhuộm đỏ bởi Trung Cộng sau khi Mao chiếm toàn bộ Trung Hoa lục địa. Thực là đáng tiếc khi Việt Nam không biết tận dụng thời cơ này để phát triển, mà thay vào đó là “tử chiến” với Hoa Kỳ để đưa đất nước vào vòng chậm tiến bởi chính thể độc tài và toàn trị!

Từ Hiệp Định Paris đến “Bên Thắng Cuộc”. Nguyễn Ngọc Giao. http://www.diendan.org/viet-nam/tu-hiep-dinh-paris-den-ben-thang-cuoc

Đọc để biết một quan điểm của không ít nhà trí thức về cuộc chiến Việt Nam dưới góc nhìn “yêu nước - phản quốc” gắn liền với “giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân đế quốc”. Quan điểm này nghiêng về ủng hộ sự thống nhất đất nước bởi Bắc Việt.

Từ Thực Dân Tới Cộng Sản. Hoàng Văn Chí. www.vietnamvanhien.net

Xem Phần 1 - Cái vinh và cái nhục của một tiểu nhược quốc (trang 12-30) để thấy những điểm tương đồng với các chương I và II của Chính Đề.

Và xem các phần khác để thấy tác giả, dù không ủng hộ hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, vẫn chia sẻ mối lo Việt Nam lệ thuộc Trung Cộng nếu Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục theo chủ nghĩa Cộng Sản.

Về chính phủ của Bảo Đại và Trần trọng Kim. Phạm Cao Dương.

http://nghiencuulichsu.com/2014/05/29/ve-chinh-phu-cua-bao-dai-va-tran-trong-kim/

Theo nhận định riêng, bài viết này phản ánh quan điểm về chính phủ Trần Trọng Kim của nhiều người Việt Nam quan sát thời cuộc một cách thầm lặng.

Việt Nam 1945-1995: Chiến Tranh, Tị Nạn và Bài Học Lịch Sử. Lê Xuân Khoa. Blog Ba Sàm, đăng trong thời gian 30/1/2023-06/3/2013.

Tài liệu dài, chứa nhiều tư liệu và kiến thức về một giai đoạn lịch sử. Văn phong dễ đọc, trình bày cái nhìn về thời cuộc của một trí thức trong lãnh vực giáo dục, và cung cấp các kiến thức có ích về thời đệ nhất Cộng Hòa của miền Nam.

Vietnam War (Alternate Tittle: Second Indochina War). Ronald H. Spector (Last Updated 10-28-2014). Encyclopaedia Britannica. http://www.britannica.com/EBchecked/topic/628478/Vietnam-War/

Tóm lược về cuộc chiến Việt Nam lần thứ hai, khởi đầu từ khi Việt Nam bị chia hai bởi hiệp định Genève năm 1954 cho tới khi chế độ Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Xem để biết và hiểu cách người phương Tây nhìn cuộc chiến Việt Nam thời đó.

Bài liên quan:  
Đôi Điều Lạm Bàn Về Lịch Sử Hiện Đại Việt Nam Từ Sau Tháng 8/1945 - Bài 1&2
Đôi Điều Lạm Bàn Về Lịch Sử Hiện Đại Việt Nam Từ Sau Tháng 8/1945 - Bài 3&4
Đôi Điều Lạm Bàn Về Lịch Sử Việt Nam Hiện Đại Từ Sau Tháng 8/1945 - Bài 5&6 Reviewed by Unknown on 4/24/2015 Rating: 5 Trần Quí Cao: Bài 5: Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ năm 1975 tới nay Cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đã kết...

Không có nhận xét nào: