Báo Chí Và Người Làm Báo Trong Một Chế Độ Độc Tài Toàn Trị - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 6, 2015

Báo Chí Và Người Làm Báo Trong Một Chế Độ Độc Tài Toàn Trị

Song Chi: Đặc điểm của báo chí trong một chế độ độc tài: không đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên mà phải đặt quyền lợi của chế độ đang cai trị đất nước trên tất cả, “ông chủ” của những nền báo chí ấy không phải là nhân dân, bởi vì nó không phục vụ lợi ích của đông đảo nhân dân, nhất là những con người bé nhỏ không thể cất tiếng nói trong xã hội như tầng lớp lao động, những người nghèo, bất hạnh, phận con sâu cái kiến… mà phục vụ trước hết là giai cấp cầm quyền, sau đó là những kẻ có tiền.

Báo chí ở VN dưới chế độc tài toàn trị do đảng cộng sản nắm quyền suốt bảy thập kỷ qua, là một nền báo chí như vậy. Nó phải phục vụ cho sự tồn tại của chế độ, của đảng cộng sản, chịu sự kiểm duyệt, cầm tay chỉ việc của Ban Văn hóa Tư tưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương…

Ngay cả bây giờ, ở thời điểm năm 2015, so sánh với báo chí của chế độ VNCH đã bị “bức tử” từ 40 năm trước, báo chí của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN vẫn thua xa hàng dặm về mức độ tự do, dân chủ.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, báo chí “cách mạng” VN nhìn chung đã thừa hưởng, tiếp thu được nhiều tố chất của nền báo chí ở miền Nam, nếu so với báo chí ở miền Bắc trước năm 1975 không chỉ sặc mùi tuyên truyền đậm đặc mà còn khô cứng, nghèo nàn, đơn điệu, quê mùa từ phần trình bày, kỹ thuật in ấn, phông chữ, cung cách đưa tin, viết bài. Báo chí sau 1975 hiện đại hơn từ kỹ thuật, cho đến cung cách làm báo.

Sau khi ‘đổi mới” và đời sống kinh tế có khá lên thì báo chi càng “khởi sắc” hơn với đủ loại báo ngày, tập san, nguyệt san, tạp chí, báo ảnh… đẹp đẽ bắt mắt về hình thức, và “tự do” hơn trong việc khai thác những khía cạnh đời thường của các nghệ sĩ, những người nổi tiếng, những khía cạnh vật chất của cuộc sống-một điều hoàn toàn không hề có so với báo chí miền Bắc trước năm 1975.

Nhưng sự thay đổi bề ngoài ấy không hề thay đổi cái bản chất, cái mục đích chính của báo chí trong chế độ cộng sản. Đó là phải tuyên truyền, bảo vệ chế độ, có tính định hướng rõ ràng, phải là “vũ khí” của đảng.

Chỉ có điều, báo chí bây giờ lại có thêm một khía cạnh tệ hại thứ hai là xu hướng “lá cải hóa” tràn lan, nhất là những tờ báo mạng, tập san, tạp chí, báo ảnh, phụ trương…Hoặc khai thác tỉ mỉ những yếu tố giật gân trong những vụ án cướp giết hiếp xảy ra hàng ngày trong xã hội và cả trên thế giới, hoặc chạy theo khai thác đời tư những người nổi tiếng, giới showbiz…

Hãy thử lướt qua hàng chục, hàng trăm tờ báo mạng, hoặc cầm trên tay hàng chục những tờ phụ trương, tạp chí bắt mắt bày đầy trên các sạp báo, chúng ta sẽ thực sự lo ngại, thậm chí rùng mình vì kinh hãi. Vì sao người ta có thể vô lương tâm, vô trách nhiệm đến thế khi cho ra đời những bài báo, tờ báo như vậy, và mức độ ‘lá cải’ này chỉ có tăng lên trong những năm qua chứ không hề có dấu hiệu giảm sút, mặc cho dư luận nhiều lần lên tiếng bất bình, phẫn nộ, mặc cho nhiều cuộc hội thảo của người trong nghề về tình trạng này.

Là một người cũng từng nhiều năm làm báo trong môi trường VN trước khi rời nước ra đi và bây giờ vẫn tiếp tục viết lách với tư cách một người viết tự do, tôi không lạ gì bầu không khí làm báo ở VN, những giới hạn “đèn vàng” mà người làm báo không thể vượt qua, sức ép đối với những người làm báo chân chính khi muốn viết lên sự thật, và một sức ép khác là phải bảo đảm yêu cầu có người đọc.

Trừ những tờ báo đảng như Nhân Dân, Quân đội nhân dân…báo chí VN nói chung cũng phải tự cân đối, tự thu tự chi bằng nguồn bán báo và nguồn thu từ quảng cáo, nhất là những tờ báo online chỉ sống hoàn toàn bằng quảng cáo, nên phải tính đến yếu tố “câu khách”. Từ sự thúc bách phải có người đọc, nhiều tờ báo đã chạy theo khai thác tối đa những đề tài giật gân như vừa nói trên.

Các nước tự do dân chủ cũng có báo “lá cải”, kể cả báo khiêu dâm. Nhưng ở các nước ấy có những quy định rất chặt chẽ về đạo đức nghề báo, có luật pháp rõ ràng, và nếu nhà báo vượt quá giới hạn hoặc viết ẩu, viết bậy thì cá nhân hoặc tập đoàn nào là “nạn nhân” sẽ kiện ra tòa và không chỉ phóng viên mà cả ban biên tập, chủ bút, cả tờ báo đó cũng bị phạt một cách xứng đáng. Còn ở VN, nếu một cá nhân hay một công ty nào bị một phóng viên vì lý do nào đó viết ẩu, viết sai, thậm chí vu khống, bôi nhọ, lắm khi cũng chẳng muốn kiện vì có kiện cũng chưa chắc đã được gì, mà chỉ mất thì giờ, mệt mỏi thêm. Với tâm lý ấy người ta thường đành là cho qua, và các nhà báo vô lương tâm hoặc yếu kém về tay nghề cứ vậy mà tồn tại, tiếp tục viết bậy!

Từ khi internet phát triển, rồi blog, các trang mạng xã hội và những tờ báo ngoài luồng, những tờ “dân báo” ra đời, chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của dòng báo chí ngoài luồng và các trang mạng xã hội này đối với một bộ phận người dân và ngay cả đối với báo chí “chính thống” ra sao. Nhiều người đã được “mở mắt” thức tỉnh từ khi đọc báo bên ngoài, biết được những sự thật về lịch sử, về xã hội, về chế độ mà đảng và nhà nước cố tình bưng bít, bóp méo bao lâu nay. Con số người bỏ không đọc, không tin vào báo đảng, ngược lại theo dõi thường xuyên các tờ báo bên ngoài, các trang mạng xã hội ngày càng nhiều. Ngay báo chí “chính thống” của nhà nước cũng bị tác động bởi báo ngoài luồng.

Bất cứ một thông tin dối trá, một bài viết tuyên truyền sặc mùi tuyên giáo, một hành động phản cảm hay một lời phát biểu dốt nát, ngu xuẩn của một ông quan bà nghị nào đó, những chi tiết sai sót, phi lý của một vụ án oan hay một vụ án có tính chất chính trị, một điều luật, chính sách ngớ ngẩn mới được thông qua…tất cả đều nhanh chóng bị đưa ra mổ xẻ trên các tờ “dân báo”, các trang mạng xã hội. Không chỉ một hai lần, báo chí “chính thống” phải điều chỉnh hoặc âm thầm gỡ bài khi bị báo ngoài luồng “bóc mẽ” những sự dối trá, sai sự thật.

Không ít nhà báo đang ăn lương ở một tờ báo nào đó vẫn theo dõi báo bên ngoài và nhiều khi lấy tin từ các báo, blog bên ngoài hoặc lặng lẽ thay đổi quan điểm trong một bài viết của mình. Còn các quan to quan nhỏ trong bộ máy nhà nước VN, không rõ họ có bao giờ dám đọc báo ngoài luồng không, nhưng có một điều chắc chắn là họ hiểu được “tác động” của dòng báo chí đó dối với chế độ và họ lo ngại. Ngược lại, con số blogger, nhà báo tự do bị xách nhiễu, bị hành hung, bị tống giam vào tù với những bản án cực kỳ khắc nghiệt vì những bài blog, bài báo của mình ngày càng nhiều, đã đưa VN vào trong danh sách những quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất, là kẻ thù của internet. Những blogger, nhà báo tự do ấy đã phải trả một cái giá không hề rẻ cho việc viết lên sự thật, với khao khát cung cấp những thông tin đa chiều cho người dân VN.

Họ là những anh hùng. Còn những nhà báo anh hùng khác nữa, là những nhà báo vẫn đang làm việc cho một tờ báo của nhà nước, nhưng cố gắng không trở thành bồi bút hoặc không góp phần “ xả rác” vào xã hội bởi những tin bài của mình.

Tôi vô cùng khâm phục những nhà báo tử tế, chân chính còn sót lại giữa làng báo thiếu vắng tự do dân chủ và tràn ngập những cướp, giết, hiếp, mông đùi hở hang…như ở VN.

Những nhà báo ấy đã phải xoay sở tìm cách “lách” sao cho thông tin thuộc loại “nhạy cảm” về mặt chính trị xã hội có thể đến được với người đọc, hoặc ít nhất, viết cách nào đó để người đọc có thể đọc và hiểu giữa hai hàng chữ những gì người viết thực sự muốn nói. Họ đã phài tận dụng những cơ hội hiếm hoi khi báo chí được “thả lỏng” giây lát. Ví dụ như trong mối quan hệ phức tạp và bất tương xứng giữa hai đảng, hai nhà nước Việt-Trung, đôi khi quan hệ giữa hai bên trở nên xấu đi và nhà cầm quyền VN cảm thấy cần phải để báo chí “xả” một chút, hoặc để báo chí chuyển tải thông điệp về tình trạng xấu đi đó đến nhà cầm quyền Trung Quốc. Báo chí được dịp đưa những thông tin như tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí VN, tàu TQ rượt đuổi, cướp bóc, đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt, hay Trung Quốc đang cấp tập xây cất, biến các bãi đá ngầm trên biển Đông thành những hòn đảo nhân tạo và những căn cứ quân sự nguy hiểm trong tương lai như thế nào…

Những lúc ấy báo chí khởi sắc hẳn lên, nhiều bài báo mạnh mẽ lên án Trung Quốc, các nhà báo lúc ấy đang thực sự đứng về phía người dân VN, nói lên tâm trang uất ức, phẫn nộ, tình cảm thật sự của người dân VN đối với nhà cầm quyền Trung Quốc và những chinh sách bành trướng, xâm lược, mưu mô thâm độc của họ.

Tất nhiên, những lúc mở xả như vậy rất hiếm hoi và có thể lại đóng lại bất cứ lúc nào nếu nhà cầm quyền cảm thấy có thể làm cho Bắc Kinh tức giận hoặc nếu những người lãnh đạo Trung Nam Hải lại tìm được cách nào đó vừa xoa dịu vừa khống chế đám lãnh đạo cao cấp nhất của VN.

Làm báo ở VN khốn nạn như vậy đấy.

Bên cạnh đó là rất nhiều người cũng mang danh nhà báo nhưng không hề mảy may động lòng trước hiện trạng đất nước, dân tộc cũng như viễn cảnh không mấy sáng sủa của VN trước tham vọng ngày càng rõ và quyết tâm ngày càng sắt đá của Bắc Kinh. Những dạng ấy nhiều lắm. Hoặc tiếp tục bưng bô nịnh bợ chế độ, tuyên truyền những điều dối trá về đảng và nhà nước cộng sản, về lịch sử, hiện tại và cả tương lai, điên cuồng chống lại con đường tốt đẹp hơn cho VN là thoát khỏi chế độ độc tài độc đảng lạc hậu và gây hại cho đất nước cho dân tộc như lâu nay. Hoặc chỉ chăm chăm khai thác những đề tài “cướp, giết, hiếp”, mông đùi, đời tư người nổi tiếng, cổ vũ cho lối sống chạy theo bản năng của con người, chạy theo vật chất, nhà lầu, xe hơi, thời trang hàng hiệu khi suốt ngày viết “thiếu gia” này mới tậu con xe tiền tỷ, diễn viên kia sắm nhà lộng lẫy, người mẫu nọ có bồ là đại gia tiêu tiền như nước, hoa hậu kia khoác lên người bộ cánh hàng chục ngàn USD, đeo chiếc nhẫn kim cương “khủng”…

Không ai hồ nghi gì về sức mạnh của báo chí. Sức mạnh ấy nếu được đặt vào những nhà báo chân chính có tài có đức, trong một môi trường báo chí tự do dân chủ, có thể tạo ra những thay đổi biến chuyển theo chiều hướng tích cực cho xã hội, cho đất nước. Và ngược lại. Trong một xã hội độc tài và tôn thờ đồng tiền như VN hiện nay, báo chí không thể làm tốt được chức năng tôn trọng sự thật, phục vụ lợi ích của đất nước, nhân dân, ngược lại ngày càng biến tướng và tệ hại.

Nhiều người làm báo không lương tâm khi đưa ra một vụ án chưa thực sự khởi tố, người bị tình nghi vẫn chưa bị kết tội đã thay mặt tòa kết án người ta, giết chết người ta về mặt uy tín xã hội. Có những bài báo khi viết về những vụ án hiếp dâm, đã không thèm che mặt nạn nhân hoặc có làm mờ và ghi tắt tên nhưng lại đưa những thông tin về trường học, cơ quan hoặc đưa hình ảnh nhà cửa khiến những người nào biết nạn nhân có thể dễ dảng đoán ra. Nhất là những vụ án mà nạn nhân hay người phạm tội là trẻ vị thành niên, cuộc đời vẫn còn dài trước mắt, sẽ sống ra sao sau khi vụ án đi qua.

Có những bài báo khai thác nhiều kỳ một vụ án giết người không chỉ từ lúc kẻ thủ phạm ra tay thủ ác mà cả quãng đời trước đó và sau đó trong trại giam, thông tin về cha mẹ người yêu hay vợ, chồng được đưa tuốt lên mặt báo. Hay vụ những người mẫu bán dâm, báo chí khai thác tối đa, phỏng vấn cả chồng, mẹ chồng tương lai của một người mẫu trong số đó, cuộc đời người mẫu này coi như không còn có cửa làm lại, cho dù sau khi mãn hạn tù. Và vô số những ví dụ về những cách đưa tin bài thiếu lương tâm như vậy mà chúng ta có thể bắt gặp tràn ngập trên báo chí VN.

Chưa nói đến khía cạnh lớn hơn là dối trá, bóp méo sự thật. Biết bao nhiêu sự dối trá trong suốt chiều dài nắm quyền của đảng cộng sản mà nhờ có internet, báo chí bên ngoài, người dân VN mới biết được, nhưng vẫn còn rất nhiều thông tin nằm trong bóng tối chưa bị lộ ra.

Một môi trường làm báo thiếu vắng tự do, đầy nghịch lý, những kẻ bồi bút bưng bô chế độ thì leo cao, hưởng mọi vinh quang phú quý, những người viết sự thật thì bị xách nhiễu, buộc thôi việc, hoặc bị tù; những kẻ viết tin bài vớ vẩn lá cải thì sống khỏe còn những nhà báo chân chính thì đau khổ vì không thể viết được theo đúng lương tâm mình.

Trong một môi trường như vậy, những người làm báo chỉ còn lại sự đối diện với chính mình. Rằng trước khi đặt bút viết bất cứ cái gì, tự hỏi mình bài viết ấy sẽ phục vụ cho ai, cho đất nước, nhân dân hay cho nhà cầm quyền, có lợi cho đất nước hay có hại; đối với những bài viết có liên quan đến số phận con người cụ thể, thì cuộc sống của họ sẽ ra sao sau khi bài báo được đưa ra. Nếu làm được như thế tin rằng những bài viết dối trá, bóp méo sự thật lịch sử, nhằm nịnh bợ chế độ và làm ngu dân, hay những bài viết dễ dãi khai thác phần bản năng của con người, sẽ có thể bớt đi.

Mọi vinh hoa phú quý, danh hiệu nhận được từ chế độ chả có nghĩa lý gì. Sự phán xét lâu dài của lịch sử, của nhân dân mới là sự phán xét mà không một ai có thể tránh được.

Nhân ngày Báo chí “cách mạng” VN 21.6
----------

Nguyễn Đình Ấm: Ngày kỷ niệm buồn của giới báo chí cung đình cộng sản

Hôm nay gọi là “ngày báo chí cách mạng VN”, là ngày báo chí “nô bộc” của đảng CSVN như nhà báo Lê Phú Khải nói. Ngày này giới báo chí “công cụ” kỷ niệm có lẽ là buồn nhất so với những ngày trước kia, do làm “công cụ” thời nay cũng khó hơn bao giờ hết.

.Hôm trước ông Hữu Thọ cỡ “cây đa, cây đề” trong giới đã thốt lên ” 50 năm cầm bút nhưng chưa chưa bao giờ thấy báo chí mất uy tín như bây giờ”!

Điều đó là tất nhiên thôi, thưa ông. Bởi vì, báo chí chuyên tuyên truyền cái tốt, thêu dệt thành tích cho đảng, nhưng bản thân đảng lại tha hóa, tham nhũng “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” thì chẳng khác gì bắt anh thợ sơn phải sơn lên bức tượng gỗ đã mục nát.Hơn nữa, dân cầm bút có kẻ ngu dốt, coi đồng tiền, bát gạo hơn phẩm giá, nhân cách, nhưng cũng không ít người thông minh có lương tâm, họ thấy việc viết lên những điều sai bản chất, làm ngơ trước sự thật là một sự sỉ nhục, hổ thẹn, nên cũng không đang tâm làm nô bộc một cách mẫn cán. Làm sao không áy náy khi một lời nói cửa miệng rất bình thường chỉ của ông bộ trưởng Đinh La Thăng (không tính đến lãnh đạo cao hơn) cũng được hàng chục tờ báo nhao nhao đăng trên trang nhất, trong khi cả ngàn bà con dân oan ngày đêm lang thang, khắc khoải khắp các cửa quan ở Hà Nội, Sài Gòn đi khiếu nại đòi công lý, hàng nghìn người xuống đường diễu hành bảo vệ cây xanh, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược cả tuần, cả tháng, cả năm, khi Trung Quốc ngày đêm xâm phạm biển đảo, cướp bóc giết hại dân ta, xây công trình quân sự trên đảo của ta… mà 700 tờ báo không hề “biết”, hãn hữu khi “biết” cũng chỉ dám gọi là “tàu lạ”. Họ biết, họ đang chịu nhục lừa dối dư luận, nhân dân và cả bản thân họ.


Do cách đây cỡ hơn chục năm trở về trước nhà cầm quyền chưa nhiều kinh nghiệm khắc chế những tờ báo có “hàm lượng” sự thật “vượt ngưỡng” như Tuổi trẻ, Thanh Niên… nên nghề báo tỏ ra vừa dễ sống, lại có vẻ có quyền hành, hãnh diện, vì vậy một bộ phận lớn sinh viên đổ xô vào học nghề này, làm cho giá các suất vào học viện báo chí nghe nói lên rất cao, và hàng năm xuất ra cả vài trăm nhà báo. Nhưng những năm gần đây, báo chí bị kiểm soát chặt hơn về nội dung. Tất cả những sự thật không có lợi cho đảng CS bị hạn chế. Khi báo chí xa rời sự thật thì nó còn giá trị gì, ai muốn đọc? Vì vậy, dù số đầu báo tăng, nhưng độc giả lại giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy trong số SV báo chí ra trường, phần lớn chỉ “con ông cháu cha” trong làng báo và một số con nhà giàu xin được việc, còn lại về quê làm ruộng, đi công nhân, bán hàng, làm “đầu sai vặt” không công, chuyên xin quảng cáo cho các tờ báo dưới danh nghĩa “thử việc”. Nhiều tay tổng biên tập rất dã man, lợi dụng các cháu phóng viên thử việc “không từ cái gì”. Hiện nay số sinh viên báo chí ra trường thất nghiệp rất lớn.

Khi nghề báo còn chút “thơm tho”, một số phóng viên “có máu mặt” ở các báo lớn van nài lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo cơ quan chạy chọt cơ quan chức năng để ra tờ báo, tạp chí, tập san… với phương châm tự nuôi, tự lo kinh phí để làm tổng biên tập, dẫn đến các tạp chí, tập san, trang điện tử mọc lên như nấm, nhưng nay ít độc giả, ít quảng cáo, đời sống cán bộ, phóng viên khó khăn, nhiều tờ “chạy ăn từng bữa”.

Nhiều tờ báo lớn không ăn ngân sách đảng buộc phải tiếp cận sự thật để có độc giả trước kia như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Việt Nam net, Đất Việt… nhưng gần đây bị “đì”, bị thay lãnh đạo, nên ngày càng phải xa rời sự thật, dẫn đến số phát hành, số độc giả ngày càng sa sút, tờ báo trở nên tầm thường nên càng khó khăn. Để cầm cự và giữ độc giả, hầu hết các báo “tự nuôi” phải tìm đến các nội dung câu khách như cướp, giết, hiếp, chân dài lộ hàng, váy ngắn, chân kheo…

Xã hội lưu manh thì nhà báo cũng là sản phẩm của xã hội ấy. Ngoài săn lùng, đăng tải những thông tin nhơ nhớp, nhiều nhà báo cũng dùng mọi mánh khóe để kiếm tiền như “5 cái bệnh” ông Hữu Thọ nói: “đâm thuê, chém mướn, dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp, trấn lột tiền, bảo kê, rủ nhau “đánh hội đồng”… Những nhà báo này dù có đời sống vật chất cao hơn đồng nghiệp nhưng chất lưu manh của họ trước sau cũng bị lộ tẩy, có thể nhiều kẻ sợ họ nhưng cũng không ít người khinh ghét, ghê tởm… Nhà báo khi bị dân nghi ngờ, không tin tưởng thì không còn ai cung cấp thông tin mặt trái xã hội, nên chỉ còn con đường nô bộc ôm chân kẻ mạnh và tồn tại ngoài nghề nghiệp.

Mặc dù xã hội đang băng hoại mọi mặt, nhất là đạo đức, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều nhà báo chân chính, họ biết tôn trọng sự thật, yêu nước, thương nòi, tuy nhiên vì bát cơm manh áo họ phải theo đuổi nghề “nói dối”. Dù vậy, họ không an tâm khi làm ngơ trước sự thật, chỉ nêu một nửa sự thật… nên họ lăn lộn tìm sự thật và lợi dụng mọi cơ hội để nói lên sự thật. Đó là các bài báo tố cáo tiêu cực, tham nhũng, độc ác… ở các quan chức cỡ “được phép”, lách đưa các thông tin có vẻ vô tình nhưng nói lên sự thật phũ phàng mà đảng không muốn, đăng tải trên mạng xã hội, ngầm cung cấp cho các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ khi biết các thế lực đang “chiến” với nhau… Những nhà báo này phải luôn đề phòng, đương đầu với nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Năm nay kỷ niệm ngày 21/6, giới báo chí phụng sự đảng nhận nhiều sự “đau đớn”. Hàng loạt vụ phóng viên bị đánh, cướp máy ảnh, máy quay khi đang hành nghề. Đặc biệt, chỉ một phần rất nhỏ số vụ được điều tra xử lý hình sự (năm 2014 là 2/16 vụ).

Đúng thôi! Nhà báo dù có cái danh “quyền lực thứ 4″ nhưng cũng chỉ là nô bộc, đặc biệt công an không thể ưng nhà báo vì là đó lực lượng gần như duy nhất ít sợ họ, đồng thời tố cáo họ nhiều nhất.

Cái buồn nữa của năm nay là chiêu trò “quy hoạch” lại báo chí.

Theo ước tính, khoảng 70% số các ấn phẩm đảng khó kiểm soát sẽ bị xóa và hàng nghìn phóng viên, nhà báo cuộc sống vốn đã gieo neo đang bị đẩy ra đường. Ngay từ đầu năm nay và những ngày này nhiều gia đình, phóng viên mất việc đang chạy xô các cửa để xin vào tờ báo này, cơ quan nọ, nhưng số có “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” không nhiều… Từ nay giá vào học viện báo chí tuyên truyền của đảng bị giảm là cái chắc.

Tờ tạp chí Hàng không Việt Nam – nơi tôi công tác trước đây – ra đời từ năm 1983, là cơ quan ngôn luận duy nhất của ngành hàng không Việt Nam. Khi chúng tôi còn làm việc, biết dân VN không có kiến thức về hàng không nên số nào cũng có bài tư vấn về máy bay, sử dụng máy bay, đi máy bay… Tờ tạp chí tự nuôi, không tiêu đồng nào của nhà nước, năm nào cũng nộp ngân sách hàng trăm triệu… Thế nhưng khi vừa có chủ trương quy hoạch báo chí, ngày 25/3/2015 bộ Giao thông Vận tải lập tức rút giấy phép khi bài vở maket tháng Tư đã làm xong, tiền quảng cáo đã vào tài khoản… Thế là lập tức cả chục con người bị xáo trộn công tác, nhiều cháu nay bơ vơ, nghe nói đã phải mất khoản tiền lớn để vào đây… Nhận xét về sự vụ này, CTV Thanh Lê nói trên FB: “Đó là anh Thăng muốn ghi điểm với cấp trên…”.

Ở bộ GTVT còn 5 tờ báo, tạp chí nữa chung số phận “ghi điểm” và không biết cả nước là bao nhiêu. Bao nhiêu nhà báo, phóng viên nguyện làm nô bộc cho đảng CS mà cũng không xong?

21/6 năm nay quả là kỷ niệm buồn của giới báo chí “cách mạng” của đảng CS.

N.Đ.A. 
Báo Chí Và Người Làm Báo Trong Một Chế Độ Độc Tài Toàn Trị Reviewed by Unknown on 6/22/2015 Rating: 5 Song Chi: Đặc điểm của báo chí trong một chế độ độc tài: không đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên mà phải đặt quyền lợi của chế...

Không có nhận xét nào: