Văn Hóa Từ Chức - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 6, 2015

Văn Hóa Từ Chức

Ở đời, người ta vẫn thường nói với nhau : “Leo lên ghế thì khó nhưng xuống ghế càng khó hơn”.

Nói như thế để nói rằng con người ta thường bám chức bám quyền đến độ không biết điểm dừng của mình ở đâu. Khi không biết điểm dừng, người ta sẽ bám ghế và làm hại nước hại dân.

Ở miền đất đồng khô cỏ cháy, sản sinh ra một vị anh hùng đó là ông Nguyễn Sự. Trải qua 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), ông Nguyễn Sự vừa làm đơn xin nghỉ trước tuổi. Ông Sự sinh năm 1957, 37 tuổi Đảng, 21 năm giữ các chức vụ lãnh đạo TP Hội An.

Những năm qua, ông khá nổi tiếng khi : Năm 2001, ông Nguyễn Sự được UNESCO trao giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hội An; năm 2005 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì đã có nhiều đóng góp cho Hội An; năm 2012, được trao giải thưởng “Văn hóa Phan Chu Trinh”.

Đang ở trên đỉnh cao của danh vọng cũng như được tín nhiệm cao của dân nhưng ông đã “từ quan”. Giải thích về việc đang được tín nhiệm cao nhưng xin nghỉ việc, ông Nguyễn Sự nói nếu ông tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội thử sức.

Một lần nữa ông Nguyễn Sự làm một việc không giống ai. Trong khi nhiều người chạy đua để giữ chức, giữ ghế thì ông xin nghỉ. Nhiều người đoán già đoán non, thậm chí gọi điện thoại về Hội An hỏi có phải vì ông Sự vì sức ép mà thôi chức?

Hỏi ông thì ông cười, bảo: “Nói thế tội anh em! Không ai ép cả. Chỉ thấy đến lúc mình phải rời vị trí và nghỉ ngơi đúng nghĩa. Tôi định nghỉ từ lâu nhưng anh em không cho. Bây giờ anh em vẫn thuyết phục nhưng tôi quyết rồi. Trước khi nghỉ, tôi vẫn hoàn thành tất cả công việc của mình cho đến phút chót”.

Hẳn nhiên trong thời gian tại vị, ông cũng có những thành công cũng như thất bại. Thành công rõ nét nhất đó là “cải tổ” phố cổ Hội An. Sau khi “cải tổ” thì Hội An trở thành điểm du lịch tốt bậc nhất nhì cả nước và thu hút khá đông khách du lịch trong cũng như ngoài nước.

Trong thời gian lãnh đạo, ông Nguyễn Sự khiêm tốn tự nhận chưa am hiểu nhiều về phố cổ, về du lịch nhưng đã có những quyết định đúng đắn về việc tôn tạo giữ gìn nhà cổ và những di sản để phát huy được giá trị lâu dài cho hiện tại và tương lai. Những dự án như đêm phố cổ, phố không động cơ xe máy, treo đèn lồng trên phố… lúc khởi động chưa phải đã nhận được sự nhất trí cao nhưng rồi những lợi ích thiết thực từ những dự án ấy đã khiến người dân Hội An dần tự giác, hào hứng tham gia.

Trước tiên, nhiều người còn nhớ việc lập lại trật tự vỉa hè bằng cách lấy sơn vạch đôi cái vỉa hè nhỏ, thuyết phục những người dân ở mặt tiền chia đôi vỉa hè cho người đi bộ và người buôn thúng bán bưng trong ngõ. Việc tưởng dễ dàng nào ngờ gặp sự phản ứng quyết liệt của một số hộ dân. Họ chửi ghê gớm như quyết định đó lấy đi miếng cơm của họ. Ông Sự cùng anh em đi vận động giải thích với từng gia đình để họ hiểu, việc đó là để cho dân sinh hoạt và mưu sinh dễ dàng hơn. Hơn một năm trời không hôm nào ông Sự về nhà trước 24 giờ. Bây giờ không cần những vạch đỏ đó thì trật tự vỉa hè vẫn nguyên như thế!

Việc cấm ô tô vào phố cổ khi đưa ra cũng bị phản ứng dữ dội. Ông Sự giải thích cho dân hiểu tại sao phải cấm, vì nhà cổ xuống cấp, ô tô chạy vào rung động, gây ồn làm nhà cửa bà con nhanh hỏng hơn. Cấm xong ô tô rồi đến lượt cấm nốt xe máy. Lúc đầu là ban đêm, sau là ban ngày, nửa ngày rồi cả ngày… Từ vài khu phố, nay cả phố cổ mọi người đều vui vẻ chấp hành.

Đặc biệt nơi ông đậm nét khiêm hạ bằng lời xin lỗi khi ông làm sai.

Đã không ít lần ông xin lỗi dân về những việc làm hay những quyết định chưa đúng. Ông cho rằng mình không phải là người hoàn hảo và cũng mắc không ít sai lầm. Còn nhớ thời kỳ Hội An trồng hàng loạt cây hoa sữa khiến người dân phản ứng, ông Sự đã xin lỗi người dân vì chủ trương là do ông đề ra, sau đó sửa sai bằng cách chặt toàn bộ hoa sữa và thay bằng loại cây khác.

Hẳn nhiên sống ở đời không bao giờ làm vừa lòng hết mọi người. Nơi ông Sự, chuyện từ chức phải chăng là một hành động can đảm, một bài học tuyệt vời cho các vị lãnh đạo.

Ông cảm nhận những hạn chế của mình để rồi ông vui vẻ bước xuống đỉnh cao của danh vọng, chiếc ghế của quyền lực.

Bài học từ chức, văn hóa từ chức là bài học, là văn hóa hay mà các vị lãnh đạo nên học hỏi và áp dụng để cho anh chị em đồng loại bớt khổ hơn.

Trong thực tế, đời cũng như đạo, có những vị khả năng không còn, sức khỏe hạn chế cũng như năng lực đã cạn nhưng vì ham chức ham quyền cứ bám víu để tìm danh tìm lợi. Phải hết sức can đảm để nói tiếng nói từ chức như ông Nguyễn Sự.

Ước mong những vị lãnh đạo cần trung thực với chính mình để xem năng lực lãnh đạo của mình. Nếu như không còn khả năng hay quá tuổi, nên chăng xin từ chức và nghỉ hưu để dân nhờ dân lợi.

Mic Thanh Châu
* Hình ông Nguyễn Sự và nhà văn Nguyên Ngọc
Văn Hóa Từ Chức Reviewed by Unknown on 6/15/2015 Rating: 5 Ở đời, người ta vẫn thường nói với nhau : “Leo lên ghế thì khó nhưng xuống ghế càng khó hơn”. Nói như thế để nói rằng con người ta thư...

Không có nhận xét nào: