Tại sao Cộng sản không tôn trọng con người? (1) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 11, 2011

Tại sao Cộng sản không tôn trọng con người? (1)

VRNs (15.11.2011) – Roma, Italia – TRONG Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN KHÔNG CÓ CON NGƯỜI

Trong bài “CON NGƯỜI TRONG HIẾN PHÁP CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC“, chúng tôi đã có dịp bàn đến tinh thần “Dân Chủ Thực Hữu” (Democrazia sostanziale) của người Đức nói riêng và của người Tây Âu nói chung, trong phương thức tổ chức Quốc Gia của họ.

Điều đó có nghĩa là:

– không những họ nêu lên trong Hiến Pháp và Luật Pháp của Quốc Gia các điều khoản luật về quyền và tự do của con người,



– mà họ còn tiên liệu các thể thức và quy trách cho cơ chế Quốc Gia phải có trách nhiệm bảo vệ.

* không những bảo đảm cho các quyền căn bản của con người, chống lại mọi vi phạm, bất cứ từ đâu đến,

* mà cơ chế Quốc Gia còn phải tạo điều kiện và phương tiện thích hợp, nơi đâu chính người dân không thể tự mình giải quyết nổi, để giúp cho

“…mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình…” ( Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc)

Người Đức đã đưa các lời tuyên bố về quyền và tự do con người vào chính thân bài của Hiến Pháp, để biến các lời tuyên bố đó thành những điều khoản luật thực định (lois positives) có hiệu lực bắt buộc đối với các cơ chế quyền lực Quốc Gia phải tuân hành:

- “Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó″ ( Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Và sau đây là tinh thần “Dân Chủ Thực Hữu” tiên liệu để thực hành và bảo đảm:

“Các quyền căn bản được kể sau đây có hiệu lực đối với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp như là những quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp” Điều 1, đoạn 3, id.).

Cũng vậy, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc nêu lên các quyền bất khả xâm phạm của con người, bằng cách đặt con người ở địa vị trung tâm điểm và tối thượng trong tổ chức Quốc Gia.

Con người và các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người có trước Quốc Gia. Quốc Gia phải nhìn nhận và bảo vệ nhân phẩm cũng như các quyền liên hệ với nhân phẩm đó:

“Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay như thành phần xã hội, nơi con người phát triển nhân cách của mình…” ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Và sau đây là phương thức “Dân Chủ Thực Hữu” mà dân tộc Ý bảo đảm cho các quyền con người được thực hiện:

“Các bổn phận của Nền Cộng Hoà (đối với các quyền đã được liệt kê) được kể đến trong các điều khoản này sẽ được các cơ quan và tổ chức được thiết lập để chu toàn hoặc bổ khuyết” (Điều 38, đoạn 4 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Nêu lên các tư tưởng trên trong bài viết vừa kể, chúng tôi có đề cập đến việc người dân có được “độc lập, tự do, hạnh phúc” hay

“Không độc lập, Mất tự do, Thiếu hạnh phúc!” (lời của Cha Nguyễn văn Lý),

không chỉ hệ tại ở chỗ Quốc Gia tuyên bố nhiều hay ít các quyền và tự do của con người, mà còn ở chỗ Quốc Gia có tiên liệu các phương thức để thực hiện và bảo đảm cho người dân được hưởng các quyền căn bản của mình không bị vi phạm và tạo các điều kiện thích hợp, để người dân

“triển nở hoàn hảo con người của mình” hay không.

Bởi lẽ tuyên bố trên văn bản (Hiến Pháp hay Luật Pháp) mới chỉ là hình thức “Dân Chủ Thuyết Lý” (Democrazia formale) thôi.

Và nếu Quốc Gia chỉ dừng lại ở hình thức “Dân Chủ Thuyết Lý”, có thể Quốc Gia chỉ là một tổ chức “Dân Chủ Mị dân” (Demagogica).

Đọc những dòng vừa kể, câu hỏi tự nhiên đến với bất cứ ai trong chúng ta là tại sao ở các nước XHCN, trong đó có cả XHCNVN, con người

“Không độc lập, Mất tự do, Thiếu hạnh phúc!”? (Lời Cha Taddeo Nguyễn Văn Lý)

Phải chăng CSVN chỉ tuyên bố “Dân chủ Thuyết Lý “, nếu không muốn nói là “Dân Chủ Mị Dân“?

Câu trả lời chúng ta thường nghe thấy là câu trả lời khẳng định.

Nhưng trả lời như vậy, chúng ta chỉ trả lời đúng một phần, chúng ta chỉ xác nhận thực trạng người dân không được hưởng quyền và tự do của mình một cách “thực hữu“.

Nói cách khác, tổ chức Quốc Gia của nước CS không tiên liệu thực sự các phương thức để thực hiện và bảo đảm cho người dân được hưởng các quyền và tự do của mình mà Quốc Gia cam kết trên Hiến Pháp và Luật Pháp.

Tư tưởng vừa kể có thể bị người CS đối chất. Nhưng giả sử họ có im lặng, chúng ta chỉ mới xác nhận thực trạng không có “Dân Chủ Thực Hữu” ở các nước CS, nhưng vẫn chưa giải đáp được câu hỏi tại sao tổ chức Quốc Gia CS không thực thi “Dân Chủ Thực Hữu” cho người dân?

Đó là điều mà chúng tôi muốn cùng qúy bạn tìm hiểu và suy nghĩ ở những dòng dưới đây của bài đang viết.

1- Pháp Luật trong ý thức hệ CS không có con nguời

Ở các quốc gia dân chủ tự do Tây Âu, Luật Pháp (gồm các điều khoản của Hiến Pháp và các luật lệ thông thường) được hiểu là các thể thức, điều lệ dựa trên đó cuộc chung sống trong cộng đồng Quốc Gia được tổ chức. cfr. Giovanni Sartori, Elementi di teoria politica, Il Mulino, Bologna 1995, 28).

Nhiều cuộc tranh đấu, lật đổ, cách mạng (nhất là cuộc Cách Mạng 1789 của Pháp), cũng như những cuộc chiếm dần quyền hành của “làng xã thôn ấp” (Commons) đối với quyền lực Quân Chủ chuyên chế Anh Quốc qua thành ngữ

“Nếu vua không cho thêm đại diện, thì dân không trả thêm thuế” (No taxation without representation)

Ai trong chúng ta cũng biết.

Tất cả những nỗ lực đó đều quy tụ bắt buộc ai hành xử quyền hành, đều phải sử dụng theo những điều khoản đã được pháp luật quy định sẵn hay thể chế “Quốc Gia Pháp Trị” (État de Droit).

Cũng trong chiều hướng đó, Hiến Pháp, văn bản nền tảng Luật Pháp khởi thủy trên đó một Quốc Gia trong tương lai sẽ được xây dựng, được người dân Tây Âu luôn luôn hiểu đồng nghĩa với:

“Một Văn Bản Bảo Chứng” (Garantisme). Ở Tây Âu, người dân đòi buộc phải có Hiến Pháp, nếu muốn thiết lập Quốc Gia. Hiến Pháp đối với họ là một văn bản luật pháp nền tảng, hay một loạt các nguyên tắc cơ bản, thể hiện một thể chế tổ chức Quốc Gia, nhằm giới hạn mọi cách sử dụng quyền hành tự tung tự tác và bảo đảm một chính quyền có giới hạn” (Giovanni Sartori,op. cit., 25).

Danh từ Luật Pháp đối với các Quốc Gia XHCN không được hiểu trên âm hưởng của cùng một tần số như vừa kể.

Luật Pháp trong các Quốc Gia XHCN luôn luôn được nối liền với ý thức hệ chính trị.

Chính “ý thứ hệ chính trị” (doctrine politique) là nguồn cảm hứng cho ngôn từ, cho việc soạn thảo, hệ thống hoá, áp dụng và phán quyết của mọi hệ thống luật lệ.

Nói tóm lại, chính “ý thức hệ chính trị” ảnh hưởng từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp.

“Ý thức hệ chính trị” hướng dẫn cơ quan lập pháp phải soạn thảo những đạo luật nào, sắp xếp theo hệ thống nào, mục đích mà luật pháp được soạn thảo ra để đạt được và phải cắt nghĩa luật pháp như thế nào để đạt được mục đích.

Và chúng ta không lạ gì ý thức hệ chính trị đã hướng dẫn cuộc Cách Mạng Nga Sô và sinh ra Luật Pháp của Nga Sô, rồi của Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết cũng như của các Quốc Gia theo XHCN, trong đó có cả CSVN, là ý thức hệ của Marx và Engels.

Đối với ý thức hệ chính trị của Marx – Engels vừa kể, Luật Pháp không có nghĩa là những thể thức, điều lệ trên đó cuộc sống chung trong cộng đồng Quốc Gia được tổ chức. Nói khác, Luật Pháp và cưỡng chế tuân giữ là một:

Luật Pháp là ý muốn của giai cấp thống trị. Sự cưỡng chế là dụng cụ của giai cấp thống trị lợi dụng, chiếm được các phương tiện sản xuất trong tay áp đặt ý muốn của mình trên giai cấp bị bóc lột (cfr. Paolo Biscaretti Di Ruffìa, La Costituzione Sovietica del 1977, Giuffré, Milano 1990, 5-12)

Do đó, theo CS, Luật Pháp không có giá trị gì cả nếu được soạn thảo ra trong một xã hội không có giai cấp bị bóc lột và không có sự chống đối giữa các giai cấp, bởi vì lợi thú của cá nhân được hoà hợp nhịp nhàng với lợi thú của tất cả.

Mọi sự kích thích đối đầu giữa người với người tự chúng sẽ tan biến. Luật Pháp không hề hiện hữu trước khi xã hội bị phân chia thành giai cấp và cũng sẽ trở thành vô dụng, biến đi khi xã hội không còn giai cấp nữa ( cfr. Paolo Biscaretti, op. cit., 17-22).

Luật Pháp không có gì khác hơn là “thượng tầng cấu trúc” biểu tượng cho “hạ tầng cấu trúc” nền tảng, là kinh tế đang ở bên dưới.

Nói cách khác, Luật Pháp không gì khác hơn là hệ thống kinh tế được viết ra dưới dạng thức các đạo luật. Quốc hữu hoá một loạt đất đai và cơ xưởng kỹ nghệ là một tiến trình khá đặc biệt. Là tiến trình trong đó giai cấp thống trị vừa thu tóm trong tay Luật Pháp lẫn kinh tế chỉ bằng một hành động độc nhất.

Trong trường hợp thông thường thì Luật Pháp được viết ra cũng như sửa chữa lại mỗi khi hệ thống kinh tế bên dưới cần biểu tượng hoặc bị thay đổi.

Luật Pháp thay đổi theo kinh tế. Hơn nữa Luật Pháp cũng được dùng để thay đổi hệ thống kinh tế.

Không những vậy, Marx và Engels còn đi xa hơn khi họ cho rằng không những chỉ có Luật Pháp, mà cả văn hoá, tình cảm, luân lý và tôn giáo cũng không có gì khác hơn là những biểu tượng “thượng tầng cấu trúc” của hệ thống nền tảng kinh tế ở bên dưới.

Viết đến đây, chắc hẳn quý bạn độc giả cũng như chúng tôi, chúng ta không khỏi đặt câu hỏi: nếu những điều vừa kể, Luật Pháp, văn hoá, tình cảm, luân lý và cả tôn giáo chỉ là “sản phẩm”, là cơ cấu “thượng tầng cấu trúc” của hệ thống kinh tế, nền tảng vật chất bên dưới, như tôn giáo được Marx cho là sản phẩm” thượng tầng cấu trúc “do giai cấp tư sản hay tư bản tạo ra nhằm ru ngủ giai cấp vô sản, bần cố nông bị bốc lột, thì tại sao sau cuộc Cách Mạng Vĩ Đại 1917” của giới vô sản Nga, một số quan niệm “giá trị” của xã hội tư bản vẫn được xã hội Sô Viết và các nước XHCN đem ra dùng?

Những quan niệm về “giá trị” như :

– mọi hành động sát nhân phải bị trừng phạt;

– mọi thủ đoạn cướp bóc, trộm cắp sẽ bị bắt giam;

– tính cách ngay thẳng, tình bạn bè, lòng trung tín, tấm lòng vị tha, đức đại độ là những đức tính luân lý được mến chuộng.

Những quan niệm “giá trị” đó đã có từ ngàn xưa, đã có trong xã hội tư sản và tư bản, vẫn hiện đang có giá trị trong các xã hội dân chủ , tự do, nhân bản Tây Âu hay tư bản chủ nghĩa.

Không biết những điều đó có một giá trị nào trong các quốc gia XHCN không?

Nếu người CS cho rằng họ vẫn tôn trọng thành tín, vị tha, đại lượng, từ bi, thân hữu thì làm sao họ giải thích được sự tồn tại của những giá trị trên, cho dầu nền tảng kinh tế vật chất đã được chuyển hoá từ chế độ lãnh chúa, quân chủ của Nga Hoàng sang kinh tế chỉ huy của Cách Mạng Vô Sản Bần Cố Nông.

Còn nếu người CS cho rằng họ không còn tôn trọng những “giá trị” trên, thì không biết xã hội CS của họ sẽ được mệnh danh là xã hội gì?

Hỏi để người CS và cũng để mọi người chúng ta trả lời.

Còn nữa, một số điều khoản luật tự chúng không liên lạc gì đến quyền lợi phe nhóm, ý thức hệ chính trị, mà do phong tục tập quán và ý thức cách sống phải lẽ của con người có lý trí (bon sens). Người CS không thể nào đem quan niệm thuần vật chất hay thuần ý thức hệ chính trị của họ ra giải quyết được.

– Ở những quốc gia áp dụng luật lái xe bên tay mặt, người ta có thể phạt vạ bằng tiền hoặc rút bằng lái hay câu lưu người lái xe bên tay trái hoặc vượt đèn đỏ chẳng hạn. Điều đó không nhất thiết phải liên hệ đến ý thức hệ tư bản hay XHCN, đến quyền lợi giới tư bản, chủ nhân ông hãng xưởng kỹ nghệ doanh thương hay giới giai cấp vô sản bần cố nông.

– Cũng vậy, phương thức chuyển giao quyền tư hữu từ một chủ thể nầy đến một chủ thể khác, được áp dụng từ khi con người hiện diện trên mặt đất hoặc bằng lối trao tận tay, hoặc bằng khế ước ký kết trên giấy tờ. Phương thức hành xử như vậy của con người, hay Pháp Luật, hay thể thức và điều lệ dựa trên đó cuộc chung sống trong cộng đồng Quốc Gia được tổ chức không hẳn hoàn toàn tuỳ thuộc vào thực trạng vật chất kinh tế “hạ tầng cấu trúc” như chủ trương của Marx – Engels.

– Còn nữa, ngữ vựng, văn phạm, thành ngữ, ý nghĩa của văn mạch trong một ngôn ngữ, ca dao, tục ngữ, thơ văn, tâm tình dân tộc của một nền văn hoá không hẳn tùy thuộc vào kiến trúc “hạ tầng cấu trúc” vật chất của hiện trạng kinh tế và hoàn toàn bị thay đổi vứt đi, khi thể thức và chính hướng kinh tế bị biến đổi. Đành rằng

* “Phi cơ trực thăng” được CSVN đổi thành “Máy bay lên thẳng“,

* “Thủy Quân Lục Chiến” thành “Lính Thủy Đánh Bộ“

* và “Viện Bảo Sanh” được biến thành “Xưởng Đẻ”

để cho cách nói được thanh bai hơn!

Giáo lý của Marx-Engels được chủ thuyết XHCN sao chép nguyên bản cho rằng văn hóa, luân lý, tôn giáo là “thượng tầng cấu trúc” được giai cấp thống trị tạo ra để “ru ngủ” giai cấp bị bốc lột, để họ dễ bề thao túng.

Đọc Điều Răn Thứ Năm “Chớ Giết Người” của Thiên Chúa Giáo, cũng như Giới “Cấm Sát Sinh” của Đức Phật, người CS không dễ gì biện minh cho rằng hai mệnh lệnh tôn giáo đó hoàn toàn do giới lãnh chúa, quân chủ độc tài bày ra, để tự quản chế quyền hành bất chấp luật lệ (legibus solutus) của họ.

Còn nữa, các từ ngữ như

– ”Demokratía” của Hy Lạp, là một danh từ kép, gồm “demos”(dân chúng) và ”krátos”(quyền hành). Như vậy ”Demokratía“: quyền hành của dân chúng, quyền hành thuộc về dân chúng hay “Dân Chủ“, nói theo ngôn từ của chúng ta.

“Isonomía“: gồm isos (như nhau) và nómos (luật lệ). Luật lệ như nhau cho tất cả mọi người hay “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật“.

“Isegoría“: gồm isos (như nhau), agorà (cộng đoàn). Mọi người đều như nhau trong cộng đoàn đang nhóm họp để bàn về đường lối và phương thức tổ chức đời sống Thị Xã (Polis). Nói các khác, mọi người đều có quyền ăn nói như nhau trong cộng đoàn đang nhóm họp hay “Tự do ngôn luận”.

Các từ ngữ “Demokratía, Isonomía, Isegoría” hay ”Dân Chủ, Bình Đẳng Trước Pháp Luật, Tự Do Ngôn Luận” là những quan niệm chúng ta đã có được từ trên dưới 2000 năm nay trong nền văn minh Hy Lạp, trong thời Platon, Aristote và thời các Quốc Gia Cộng Hòa của Athène, thế kỷ thứ 2 – 3 sau Thiên Chúa Giáng Sinh.

Nếu chúng ta còn muốn đi xa hơn nữa, Thánh Kinh của Thiên Chúa Giáo, từ ba bốn thế kỷ trước Thiên Chúa Giáng Sinh cũng đã ghi lại cho chúng ta dấu vết tương tự:

– “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài,

Giống hình ảnh Thiên Chúa, Ngài dựng nên

Người nam, người nữ Ngài dựng nên” (Gen 1, 27)

Chúng tôi vừa nói là ba bốn thế kỷ trước Thiên Chúa Giáng Sinh, thời kỳ mà các nhà sử học và khảo cổ học tìm được những di tích lịch sử cổ kính nhất của các bản Thánh Kinh Cựu Ước được viết, nhưng tư tưởng của đoạn Thánh Kinh vừa trích dẫn không phải chỉ phát xuất từ ba bốn thế kỷ trước Thiên Chúa Giáng Sinh mà đã phát xuất từ lúc con người ý thức về nguyên thủy của mình, tức là từ lúc con người được Thiên Chúa sáng tạo nên.

“Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài…”.

Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa ban cho con người trí khôn ngoan và lòng yêu chuộng tự do, phản ảnh lại trí khôn ngoan vô tận và tự do không biên giới của Ngài. Ngài là Đấng Tạo Hoá, không bị một thọ tạo nào, điều kiện nào giới hạn.

Đó cũng là điều cắt nghĩa tại sao ở bất cứ phương trời nào, bất cứ thời đại nào con người không thể chịu được áp bức, bó buộc, đàn áp, ngược đãi làm thương tổn đến nhân phẩm con người của mình.

Do đó mà nhân loại đã đồng loạt tuyên bố:

- “Tất cả mọi người đều được dựng nên bình đẳng như nhau,

Tất cả đều được ban cho một số quyền bất khả nhượng.

Trong các quyền nầy, quyền được bảo toàn mạng sống, quyền được tự do tìm kiếm hạnh phúc là những quyền thượng đẳng (Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776)

– Và “Các Đại Diện (của Hội Đồng quốc Gia Pháp) đồng thanh tuyên bố rằng các quyền của con người do Thiên phú, bất khả nhượng và cao qúy” (Tuyên Ngôn Nhân Quyền và quyền Công Dân Cách Mạng Pháp Quốc 1789).

Người CS có thể đồng ý hay không, có thể tin hay không những điều chúng tôi vừa trích dẫn và bàn đến, nhưng sự chối bỏ không tin làm cho họ đứng trước vấn nạn không phải dễ giải đáp được.

Vì sao con người ở bất cứ không gian và thời gian nào cũng khao khát hạnh phúc và tự do?

Sự kiện không có gì xa lạ đối với người CS là chính cuộc Cách Mạng 1917 của giới bần cố nông và vô sản Nga chống lại Nga Hoàng là một biện chứng hùng hồn cho những bực tức vì thiếu tự do và mất hạnh phúc của dân chúng.

Nói cách khác, cho rằng Luật Pháp (và tất cả những gì chúng tôi vừa đề cập đến) chỉ là hiện thân “thượng tầng cấu trúc” của nền tảng vật chất kinh tế ở “hạ tầng” là quan niệm quá đơn sơ về con người và về xã hội con người.

NGUYỄN HỌC TẬP
Tại sao Cộng sản không tôn trọng con người? (1) Reviewed by Admin on 11/15/2011 Rating: 5 VRNs (15.11.2011) – Roma, Italia – TRONG Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN KHÔNG CÓ CON NGƯỜI Trong bài “CON NGƯỜI TRONG HIẾN PHÁP CỘNG HOÀ LIÊN BANG...

Không có nhận xét nào: