Công Đồng Vaticanô II: Một Sứ Điệp Tiên Tri - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 1, 2013

Công Đồng Vaticanô II: Một Sứ Điệp Tiên Tri

Phaolo Phạm Xuân Khôi - “Giải thích Công Đồng dựa trên giả thuyết rằng nó đánh dấu một sự gián đoạn với quá khứ, trong khi trên thực tế nó đại diện cho sự liên tục với đức tin của mọi thời đại, là một sai lầm tỏ tường.”

Dưới đây là bản dịch một phần bài huấn từ của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành cho hội nghị nghiên cứu việc thực thi Công Đồng Vaticanô II, ngày 27 tháng hai năm 2000. Dù đã 13 năm, nhưng những giáo huấn của ĐTC vẫn còn rất thích hợp với chúng ta hôm nay.

* * *

Công Đồng Vaticanô II là một món quà của Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh của Ngài. Vì lý do này, mà Công Đồng vẫn là một biến cố cơ bản không những chỉ cho việc hiểu biết về lịch sử của Hội Thánh ở cuối thế kỷ này, nhưng trước hết và trên hết cho việc khám phá ra sự hiện diện vĩnh cửu của Đức Kitô Phục Sinh bên cạnh Hiền Thê của Người trong quá trình của các biến cố trên thế gian. Qua việc Họp Công Đồng, mà trong đó các giám mục từ tất cả các nơi trên thế giới đã đến cùng Tòa Thánh Phêrô, người ta đã có thể ghi nhận việc di sản 2.000 năm đức tin đã được duy trì trong sự xác thực ban đầu của nó như thế nào.


Với Công Đồng, trước hết Hội Thánh đã có một kinh nghiệm về đức tin, khi phó thác cho Thiên Chúa mà không lưỡng lự, như một người tin tưởng và chắc chắn được yêu thương. Chính hành vi phó thác cho Thiên Chúa nổi bật khi khách quan xem xét [biên bản của Công Đồng]. Bất cứ ai muốn tiếp cận với Công Đồng mà không kể đến chìa khóa giải thích này sẽ không có thể thấu hiều chiều sâu của nó. Chỉ từ quan điểm đức tin, chúng ta mới có thể thấy biến cố Công Đồng như một món quà mà sự phong phú của nó vẫn còn tiềm ẩn, và chúng ta phải biết làm thế nào để khai thác nó.

Ở thời điểm này, tôi nhớ đến những lời quan trọng của Thánh Vincent đệ Lérins: “Hội Thánh của Đức Kitô, người giám hộ quan tâm và thận trọng của các tín điều đươc trao phó cho mình, không bao giờ thay đổi bất cứ điều gì trong đó; Hội Thánh không loại bỏ bất cứ điều gì và cũng không thêm vào bất cứ điều gì; Hội Thánh không cắt bỏ những gì là cần thiết và không thêm những gì là không cần thiết; Hội Thánh không bao giờ đánh mất những gì là của mình và không bao giờ chiếm đoạt những gì thuộc về người khác; nhưng với tất cả lòng nhiệt thành, Hội Thánh chăm lo một cách trung thành và khôn ngoan các tín điều cổ truyền và chỉ mong muốn hoàn thiện hóa và trau dồi những gì đã được ban cho trong những thời đại xa xưa dưới hình thức ban đầu và phác thảo đầu tiên, để tăng cường và củng cố những gì đã nổi bật, cùng phát triển và bảo vệ những gì đã được xác nhận và xác định.”

Vượt Thời Gian và Hợp Thời

Các Nghị Phụ Công Đồng đã phải đối diện với một thách đố thật sự. Thách đố này liên quan đến cố gắng để hiểu một cách sâu sắc hơn về bản chất của Hội Thánh và mối liên hệ của nó với thế giới, ờ một thời đại thay đổi nhanh chóng, để cung cấp một “aggiornamento – sự canh tân” thích hợp. Chúng tôi chấp nhận thách đố này - và tôi cũng là một Nghị Phụ của Công Đồng – và đáp lại nó bằng cách tìm kiếm một sự hiểu biết mạch lạc hơn về đức tin. Những gì chúng tôi đạt được ở Công Đồng là để chứng tỏ rằng nếu con người hiện đại muốn hoàn toàn hiểu mình, người ta cũng cần Đức Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh Người, là điều vẫn tiếp tục trên thế gian như một dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông.

Hội Thánh, Dân Thiên Chúa đang lữ hành trên những chặng đường lịch sử, thật sự là nhân chứng bất diệt cho một sứ điệp tiên tri. Trong khi minh chứng sự mới mẻ của lời hứa, Hội Thánh làm sáng tỏ sự ứng nghiệm của nó. Thiên Chúa, Đấng đã hứa là Thiên Chúa trung thành, Đấng làm tròn lời Ngài đã ban.

Điều này không phải là điều mà Truyền Thống từ thời các Tông Đồ cho phép chúng ta khẳng định mỗi ngày hay sao? Có phải chúng ta không liên hệ đến một tiến trình liên tục của việc truyền thụ Lời cứu độ, là Lời cung cấp cho con người, dù ở bất cứ đâu, ý nghĩa của đời mình hay sao? Sứ vụ của Hội Thánh, được Thiên Chúa ủy thác Lời mặc khải, là công bố cho tất cả mọi người.

Sứ vụ tiên tri này có nghĩa là chịu trách nhiệm về việc làm cho rõ ràng những gì Lời Chúa công bố. Các Kitô hữu không thể uỷ quyền cho người khác nhiệm vụ đem Tin Mừng vào thế gian. Đó là sứ vụ của chính họ như những tín hữu và môn đệ của Đức Kitô! Công Đồng muốn phục hồi chân lý cơ bản này cho mọi tín hữu.

Hội Thánh đã luôn luôn biết quy tắc về việc chú giải trung thực nội dung của các tín điều. Những quy tắc này được thiết lập trong cơ cấu của đức tin chứ không phải ở ngoài đức tin. Giải thích Công Đồng dựa trên giả thuyết rằng nó đánh dấu một sự gián đoạn với quá khứ, trong khi trên thực tế nó đại diện cho sự liên tục với đức tin của mọi thời đại, là một sai lầm tỏ tường. Những gì đã được “tất cả mọi người, luôn luôn, và ở khắp nơi” tin là sự mới mẻ đáng tin cậy cho phép mọi thời đại cảm nhận được ánh sáng phát xuất từ lời của Mạc Khải của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô. 

Thiên Chúa, Hội Thánh, và Con Người

Công Đồng là một hành động yêu thương: “Một hành động cao cả, gấp ba của tình yêu”, như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói trong bài diễn tử khai mạc khóa họp thứ tư của Công Đồng – một hành động yêu thương “dành cho Thiên Chúa, cho Hội Thánh và cho nhân loại.” Hiệu quả của hành động ấy không bao giờ cạn: Nó tiếp tục hoạt động qua động năng phong phú của giáo huấn của nó.

Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum đặt Lời Chúa ở trung tâm của đời sống Hội Thánh với ý thức canh tân. Tính trung tâm này phát xuất từ một tri giác sống động hơn về sự hiệp nhất của Thánh Kinh và Thánh Truyền. Lời Chúa, được duy trì bởi đức tin của các tín hữu dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, cũng yêu cầu mỗi người chúng ta chấp nhận trách nhiệm của mình để duy trì nguyên vẹn tiến trình truyền thụ ấy.

Điều mà Hội Thánh tin cũng là điều mà Hội Thánh làm thành đối tượng của kinh nguyện của mình. Hiến chế Sacrosanctum Concilium đã giải thích cơ sở của một đời sống phụng vụ dành cho Thiên Chúa sự thờ phượng đích thực mà dân được mời gọi để thực thi chức tư tế của Giao Ước Mới phải dâng lên Ngài. Phụng vụ phải cho phép mọi thành phần tín hữu đi sâu vào mầu nhiệm để hiểu thấu vẻ đẹp của việc chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực ra, Phụng vụ là một sự tiền dự dưới thế lời chúc tụng mà các đạo binh của những đấng được chúc phúc dâng lên Thiên Chúa trên trời. Cho nên, trong mỗi cuộc cử hành phụng vụ những người tham dự được ban cho khả năng nếm trước, mặc dù dưới bức màn đức tin, một ít vị ngọt ngào sẽ chảy ra từ việc chiêm ngắm Thiên Chúa trên thiên đàng. Vì lý do này mà tất cả các thừa tác viên (có chức thánh), ý thức trách nhiệm tính thánh thiêng của nghi thức và lớn lên trong sự hiểu biết của họ về những gì mà họ cử hành.

“Đã đến lúc chân lý về Hội Thánh của Đức Kitô phải được khám phá, xếp đặt theo thứ tự, và bày tỏ,” Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói trong sứ điệp của ngài khi khai mạc phiên họp thứ hai của Công Đồng. Với những lời này, vị Giáo Hoàng mà chúng ta không thể quên được đã xác định nhiệm vụ chủ yếu của Công Đồng. Hiến Chế Tín Trong những trang ấy chúng tôi hoàn tất học thuyết được diễn tả bởi Công Đồng Vaticanô I, và chúng tôi niêm phong nó cho một nghiên cứu mới về mầu nhiệm của Hội Thánh.

Communio (Sự hiệp thông) là nền tảng mà trên đó thực tại của Hội Thánh được xây dựng. Nó bắt nguồn từ chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và mở ra cho tất cả những ai đã được rửa tội, là những người do đó được mời gọi đi đến hiệp nhất trọn vẹn trong Đức Kitô. Sự hiệp thông này trở nên rõ ràng trong các hình thức tổ chức khác nhau, trong đó thừa tác vụ của Hội Thánh được thực hiện và trong vai trò của Người Kế Vị Thánh Phêrô như dấu chỉ hữu hình của sự hiệp nhất của tất cả các tín hữu. Mọi người đều biết rằng Công Đồng Vaticanô II nhiệt tình biến “đại kết” thành khao khát của riêng mình. Cao trào gặp gỡ và làm sáng tỏ, đã được thực hiện với tất cả các anh em được rửa tội, là điều không thể đảo ngược được. Chính quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng kêu gọi mọi tín hữu vâng phục, ngõ hầu sự hiệp nhất ấy có thể thành một nguồn mạch truyền giáo hiệu quả. Sự hiệp thông mà Hội Thánh sống cùng với Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần là một dấu chỉ cho việc anh chị em được mời gọi để chung sống với nhau như thế nào.

Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, là hiến chế liên quan đến những câu hỏi cơ bản mà mỗi người được mời gọi để trả lời, lặp lại cho chúng ta ngày nay những lời chưa bao giờ mất thời gian tính của chúng: “Chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời làm người mà mầu nhiệm về con người được thực sự trở nên rõ ràng” (số 22). Những lời này đặc biệt thân thương đối với tôi và tôi muốn đề nghị chúng một lần nữa trong những đoạn văn cơ bản của Huấn Quyền của tôi. Ở đây chúng ta tìm thấy sự tổng hợp thật sự mà Hội Thánh luôn luôn phải nhìn vào trong cuộc đối thoại của mình với những người của hôm nay cũng như với những người của mọi thời đại khác: Hội Thánh biết rằng sứ điệp của mình là một tổng hợp có hiệu quả của kỳ vọng của con người và sự đáp trả mà Thiên Chúa dành cho họ.

Loan báo Đức Chúa Giêsu Kitô

Đức Kitô là chân lý không bao giờ phai tàn: Trong Người, Thiên Chúa đến với mỗi con người, và mỗi con người có thể thấy Thiên Chúa trong Người. Không có cuộc gặp gỡ nào với thế gian sẽ có hiệu quả nếu người tín hữu không nhìn thẳng vào mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Sự trống trải mà nhiều người cảm thấy khi họ phải đối diện với những câu hỏi về nguyên do của cuộc đời và cái chết, về vận mệnh con người và ý nghĩa của đau khổ chỉ có thể được lấp đầy bởi sứ điệp chân lý là Đức Chúa Giêsu Kitô. Tâm hồn con người sẽ luôn luôn “không được an nghỉ” cho đến khi nó có thể nghỉ ngơi trong Người, là sự tĩnh dưỡng thật sự cho tất cả những người “vất vả và gồng gánh nặng nề” (Mt. 11:28).

“Hạt giống bé nhỏ” mà Đức Gioan XXIII đã trồng “với tâm trí và bàn tay lo âu” trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành ngày 25 Tháng 1 năm 1959, khi ngài công bố ý định triệu tập Công Đồng Chung Thứ 21 trong lịch sử Hội Thánh, đã lớn lên và trở thành một cây mà giờ đây những cành cây um tùm và hùng vĩ đang vươn ra trong vườn nho của Chúa. Nó đã sinh nhiều hoa trái trong 35 năm cuộc đời, và nó sẽ sinh nhiều hoa trái hơn nữa trong những năm tới. Một mùa mới đang mọc lên trước mắt chúng ta: Đó là thời gian để suy nghĩ sâu xa về giáo huấn của Công Đồng, thời gian để thu hoạch tất cả những gì mà các Nghị Phụ Công Đồng đã gieo và thế hệ của những năm gần đây đã vun trồng và mong đợi.

Công Đồng Vaticanô II thực sự là một sứ điệp tiên tri cho đời sống Hội Thánh. Nó sẽ tiếp tục như thế trong nhiều năm trong thiên niên kỷ thứ ba chỉ mới bắt đầu. Hội Thánh, phong phú trong những chân lý vĩnh cửu được trao phó cho mình, vẫn sẽ nói với thế giới, công bố rằng Đức Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất thật của thế gian: hôm qua, ngày hôm nay, và mãi mãi!

Công Đồng Vaticanô II: Một Sứ Điệp Tiên Tri Reviewed by Unknown on 1/24/2013 Rating: 5 Phaolo Phạm Xuân Khôi - “Giải thích Công Đồng dựa trên giả thuyết rằng nó đánh dấu một sự gián đoạn với quá khứ, trong khi trên thực tế n...

Không có nhận xét nào: