Nguyễn Văn Thạnh - 16.3.2013: Lãnh đạo thơ ngây: Lịch sử phong kiến Trung Quốc có một bài học sâu sắc giữa lý thuyết và thực tế của công việc lãnh đạo. Chuyện kể rằng: có một vị Vua trẻ được cha truyền ngôi cho sau một thời gian được các các quan dạy dỗ cẩn thận về lễ nghĩa, đạo quân tử trong cuộc sống. Vì vua trẻ mới lên ngôi nên lân bang nhòm ngó. Nhân cơ hội này, vua nước bên cạnh tiến quân đánh chiếm. Vị vua trẻ cùng tướng lĩnh xuất quân nghinh chiến. Phát hiện quân giặc đang tràn qua sông, các tướng lĩnh khuyên vua nhân cơ hội họ đang qua sông hãy tiến đánh để tiêu diệt. Các tướng cho rằng đây là một cơ hội tốt để phục kích. Vị vua trẻ không đồng ý vì cho rằng quân tử không đánh lén, đánh lúc người ta khó khăn, phải để quân bên kia qua sông rồi đánh đàng hoàng mới quân tử. Các tướng lĩnh khuyên thế nào vua cũng không chịu, còn ra lệnh chém đầu vì cho rằng làm tướng mà có hành vi tiểu nhân. Cuối cùng quân giặt tràn qua sông, sắp lại đội hình, đánh bại và tiêu diệt vị Vua trẻ, đất nước điêu tàn vì họa ngoại xâm.
Lãnh đạo phải là người hiểu biết cuộc sống nhất:
Khi chúng ta sống thành tập thể, tất yếu chúng ta cần có lãnh đạo. Trong gia đình thì bố hoặc mẹ, trong lớp học thì cử ra lớp trưởng, trong công ty thì có giám đốc, trong một làng thì có trưởng làng, trong một đất nước thì có thủ tướng, tổng thống. Chúng ta thấy một đặc điểm chung của người lãnh đạo là người giỏi dang, có khả năng nổi trội hơn những người còn lại để dẫn dắt tập thể đi đến thành công. Để làm được điều đó họ có kiến thức, sự hiểu biết hơn những người còn lại hoặc khả năng thực tiễn của họ tốt hơn. Những người như vậy xứng đáng được nhận vai trò lãnh đạo và tập thể cũng cần họ.
Bất kỳ tập thể nào dù qui mô: gia đình, công ty hay tỉnh thành, đất nước nếu diễm phúc có người lãnh đạo giỏi đều phát triển, lãnh đạo tồi thì sẽ khốn khó, thất bại.
Người lãnh đạo không chỉ am tường về kiến thức khoa học mà họ còn là người rất hiểu về cuộc sống, hiểu về lòng người, nhân tình thế thái. Suy cho cùng lãnh đạo là làm việc với con người nên phải hiểu về con người sâu sắc. Nhiều nhà khoa học rất giỏi nhưng nếu không hiểu được lòng người, hiểu cuộc sống thì không bao giờ làm lãnh đạo thành công. (Nhà bác học thiên tài Einstein đã từ chối chức tổng thống Israel vì cho rằng về khoa học thì mình biết chút ít còn về xã hội thì mù tịt. Lạ kỳ là ở VN nhiều vị ngồi ghế lãnh đạo là do có bằng GS-TS. Cứ có bằng cấp cao là nghiễm nhiên ngồi vào ghế lãnh đạo).
Lãnh đạo ở Việt Nam: u mê hay giả khờ ?
Ở Việt Nam, từ con nít đến người già ai cũng biết đến nạn mãi lộ, công an giao thông chặn xe ăn tiền. Để xảy ra vấn nạn này là do trao quyền quá nhiều cho công an: họ có quyền chặn bất kì xe nào để khám xét, đòi hỏi giấy tờ; có quyền đưa xe về đồn, giam giữ xe,….Rồi hệ thống điều tra, xét xử ở Việt Nam lại tập trung quyền lực về một mối; truyền thông, báo chí lại do quan chức nhà nước nắm giữ. Từ mối quan hệ pháp luật bất bình đẳng này nên các chủ xe phải đưa tiền cho CSGT để tránh rắc rối làm hỏng việc làm ăn. Ai mà không thích tiền, công an cũng là con người chứ đâu phải thánh. Chuyện công an đứng đường ăn mãi lộ là chuyện tất yếu. Thế mà một lãnh đạo cao cấp của ngành-nguyên thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm khi nói về nạn mãi lộ, từng băn khoăn “không hiểu ngoài đường có cái gì mà ai cũng xung phong ra đứng đường?”.
Rồi vấn đề chạy chức, chạy quyền ở VN nó cũng hiển nhiên như vấn đề mãi lộ khi mà một nền chính trị độc tôn, bưng bít, chủ nghĩa lý lịch,….và mối lợi lớn khi có chức có quyền. Một cơ chế như thế thì tất yếu là người xin việc, người tiến thân phải mang tiền đi hối lộ người ra quyết định ảnh hưởng đến công ăn việc làm, sự vinh quang, giàu có của mình. Điều này gần như người dân nào cũng biết, cũng thấy, chỉ trừ gã khờ hoặc kẻ tâm thần. Ấy vậy mà tại diễn đàn Quốc Hội-nơi tập trung những người được cho là trí tuệ hơn quần chúng nhân dân-lại lớn tiếng là “không có chuyện chạy chức, chạy quyền”, “ai biết (chạy chức, chạy quyền) đưa bằng chứng để chúng tôi xử lý”. Dân chúng nghe chỉ biết nghẹn họng và lắc đầu cho tầng lớp lãnh đạo nước nhà.
Rất, rất nhiều ví dụ như thế để thấy trình độ của lãnh đạo ở Việt Nam. Không biết họ đang u mê hay giả khờ?
Cấp lãnh đạo thừa hành giả khờ để kiếm ăn thì còn được, cấp lãnh đạo đường lối mà giả khờ để kiếm ăn thì dân tộc này chỉ có nước điêu tàn. Một ông thủ tướng mà không biết là tiến hành xây dựng các quả đấm thép quốc doanh thì sẽ tạo ra lợi ích nhóm, tham nhũng, hối lộ, phá nhiều hơn làm,….và tất yếu là thất bại để lại núi nợ cho nhân dân thì không biết trí tuệ của ông ở mức nào. Khi bị chất vấn trước quốc hội, ông còn tự tin “tôi không ký quyết định nào sai”.
Một phó chủ tịch nước lại không biết cơ chế chính trị hiện hành sẽ bị lũng đoạn, bao che, mất dân chủ là tất yếu. Vị này còn tự tin nói trước quốc dân đồng bào “nền dân chủ XHCN nước ta gấp vạn lần nền dân chủ TBCN”.
Cấp cao nhất lãnh đạo nước ta hiện nay là ông tổng bí thư, lẽ ra ông thấy ngay tình cảnh đất nước mắc phải. Một đảng của ông phủ bóng từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, phủ bóng từ quốc hội qua chính phủ đến tòa án; phủ bóng từ phó hiệu trưởng một trường mầm non (muốn lãnh đạo phải là đảng viên) đến vị thủ tướng; phủ bóng từ anh loa phường đến đế chế VTV, đảng ông đã che kín 330.000 Km2 của đất nước; nắm trong tay nguồn ngân sách lên đến hàng chục tỷ USD/năm và quyền in tiền không giới hạn thì tất yếu người ta phải ùn ùn xin vào đảng. Rõ ràng ông phải biết tình thế trên đưa đến một tất yếu: nếu đảng ông mở cửa thì người đó được diễm phúc bước qua cánh cửa để có cơ hội vào thiên đường, nếu từ chối thì xem như số phận gian truân, vất vả hơn. Cơ chế này dẫn đến tất yếu là mọi người phải ca vang đảng ta là thiên tài vĩ đại, là sáng suốt, văn minh.
Một nguyên thủ quốc gia mà không thấy tình trạng xâu xé của con dân trong nước: một nhóm nhỏ kiếm ăn, giàu có trên lưng toàn dân thì dân tộc đó suy thoái là tất yếu. Ông kêu lên “lợi ích nhóm thao túng, lũng đoạn đất nước” mà không biết rằng chính cái đảng ông trong thế độc tôn là một nhà máy liên tục ngày đêm sản xuất ra các sản phẩm lợi ích nhóm, một bộ phận không nhỏ tham nhũng, đục khoét của dân. Lẽ ra các ông phải thấy từ lâu chứ không phải để mọi chuyện tanh bành rồi các ông mới vò tai, bứt tóc la lên có lợi ích nhóm thao túng đất nước. Lẽ ra các ông ngồi trên cao, được nhân dân cung phụng biệt thự máy lạnh, xe đưa đón, kẻ hầu người hạ, các ông phải là người thấy trước dân chứ không phải để đến khi mọi chuyện tan nát lộ rõ như ban ngày.
Một dân tộc mà có nhiều người như vậy ngồi ghế chỉ đạo, trong khi người tài thật sự phải ngồi tù là một dân tộc bạc phước. Dân tộc đó tất yếu phải đói nghèo, phải mang thân làm nô lệ cho người ta; con trai khỏe mạnh phải đi tha phương khắp nơi trên thế giới để bán sức, con gái lành lặn, xinh đẹp phải nhẫn nhục làm vợ khắp thiên hạ mới có miếng ăn.
Tinh hoa lãnh đạo quyết định vận mệnh dân tộc:
Thách thức to lớn cho dân tộc ta trong thời đại ngày nay để đi đến con đường văn minh phú cường là làm sao đưa cho được những người con tài năng, có tâm, có tầm xứng đáng lên ngồi ghế lãnh đạo. Đây là một bài toán nan giải mang tính thời đại, đòi hỏi phải cả dân tộc chung tay mới giải được. Suy cho cùng đây cũng là trách nhiệm của mọi người mang trong mình dòng máu Việt Nam. Nếu chúng ta thiếu tinh thần trách nhiệm, tỵ nạnh, trông chờ thì mãi mãi nó không giải quyết được và thân phận chúng ta mãi là nước nhược tiểu bị ức hiếp.
Con đường để người tài được ngồi ghế lãnh đạo đất nước:
Làm sao để một nhân tài sinh ra trong mái tranh đâu đó trên đất mẹ có cơ hội ngồi trên chiếc ghế quyền lực để dẫn dắt đất nước đi lên?
Trước tiên xã hội phải thừa nhận quyền được mở miệng của mọi người dù là miệng sang như quan và hèn như dân. Đây chính là quyền tự do ngôn luận, được mệnh danh là linh hồn của tự do. Chỉ khi nào quyền này bảo đảm thì dân chúng mới có cơ hội được lắng nghe người tài nói. Trong hàng trăm tiếng nói thì tiếng nói được lắng nghe nhiều nhất là tiếng nói của trí tuệ và lương tâm.
Điều này không thì vẫn chưa đủ, chúng ta cần có cơ chế để người tài được tự do ứng cử và người dân được toàn quyền quyết định lá phiếu của mình để bầu ai xứng đáng làm lãnh đạo đất nước. Cơ chế này được gọi là bầu cử tự do. Và môi trường đi theo là quyền sống không sợ hãi được bảo đảm. Bất cứ công dân nào bị quyền lực gây ra nỗi sợ hãi đều được cộng đồng biết và giải quyết.
Như vậy ta thấy rằng khi nào các quyền con người được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ thì nhân tài mới có cơ hội xuất hiện để lãnh đạo đất nước.
Tự do ngôn luận và bầu cử tự do chính là cơ chế để đưa người tài năng lên làm lãnh đạo đất nước. Nước Mỹ thực hiện tốt hai cơ chế này nên luôn bầu được vị tổng thống tài năng nhất mọi thời để lèo lái đất nước non trẻ 300 năm đi đến siêu cường. Nếu đất nước chúng ta bảo đảm cơ chế này thì toàn dân sẽ không bị đói quây đói quắt trong những năm bao cấp hay tiêu điều vì khủng hoảng kinh tế như ngày nay.
Chúng ta cần xây dựng văn hóa chính trị hiện đại:
Năm 2006, khi nền kinh tế hoàng kim, chính phủ hồ hởi đầu tư một lượng lớn tiền bạc qua các công ty quốc doanh với niềm tin thúc đẩy chỉ số tăng trưởng. Một nhóm người trẻ, đứng đầu là ông Trần Huỳnh Duy Thức thấy được nguy cơ, các ông đã viết nhiều bài cảnh báo gửi các lãnh đạo cấp cao nhưng không được để ý, đoái hoài. Để có tiếng nói ảnh hưởng hơn, nhóm đã cử các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long tự ứng cử đại biểu quốc hội. Các ông bị thất cử cùng với việc các ông sau đó bị tòa án kết tội hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đã làm cho nhiều người suy nghĩ không tốt về các ông. Dư luận cho rằng các ông là những người ham mê quyền lực, muốn tiến thân nhưng vì không được nên bất mãn chế độ, chống phá nhà nước. Đây là một chết điểm trong nhận thức của dân chúng nên chính quyền dùng lực lượng truyền thông khổng lồ để khai thác, gây sự ngộ nhận cho người dân. Tôi mong đất nước này có nhiều người tự tin ửng cử, vận động tranh cử để nền chính trị sôi động, vấn đề của đất nước được nhân dân biết.
Qua vụ việc này, ta thấy một vấn đề lớn mà đất nước mắc phải. Đó là chưa xây dựng được nền văn hóa chính trị hiện đại. Trong nền chính trị hiện đại, quyền lực đến từ nhân dân. Họ ủy trị cho chính trị gia qua phiếu bầu. Chính trị gia muốn có quyền lực thì phải có được lá phiếu người dân. Cơ chế này tất yếu dẫn đến các chính trị gia phải thuyết trình chủ trương đường lối của họ, phải công khai, họ phải cạnh tranh với các chính trị gia còn lại. Điều này người dân chúng ta chưa sẵn sàng. Người dân có suy nghĩ không tốt về những ai tự ứng cử, vận động tranh cử. Họ cho rằng đó là những người tham vọng quyền lực, những người muốn nổi tiếng, muốn ngồi vào ghế lãnh đạo để vinh thân, phì gia. Chính lối suy nghĩ này đã tạo điều kiện cho những chính trị gia mị dân, ủ mưu che dấu tham vọng quyền lực, vận đồng ngầm phe cánh lên ngôi, gạt bỏ người trung thực, minh bạch trong sinh hoạt chính trị.
Văn hóa chính trị hiện đại không chỉ là chuyện ứng cử, vận động tranh cử của chính trị gia mà còn là văn hóa ủy quyền của người dân. Để người dân chỉ trao lá phiếu cho ai có tài năng giải quyết các vấn đề của đất nước, họ phải quan tâm đến chính trị, quan tâm đến đất nước, quan tâm đến con đường đi của lá phiếu mình liệu có được bảo đảm hay bị lừa dối, thao túng. Dân các nước có nền văn hóa chính trị hiện đại thường rất nhiệt tình trong việc bầu cử, theo dõi tiến trình bầu cử, lên án, biểu tình khi thấy có vấn đề gian lận. Còn ở nước ta, bầu cử chính quyền tiến hành rầm rộ nhưng dân chúng thì sao cũng được. Người bi quan cho rằng sẽ không ích gì trong cơ chế hiện nay, tuy nhiên nếu người dân bắt đầu quan tâm sinh hoạt chính trị thì mọi sự sẽ thay đổi dần dần theo chiều hướng tốt lên. Một nền văn hóa tốt không bao giờ có liền mà phải xây dựng từ từ. Những bài viết về chính trị của tác giả Đoan Trang giúp xây dựng nền văn hóa chính trị hiện đại rất nhiều.
Làm thế nào để ý chí của một con người nhỏ bé thành sức mạnh của cả một dân tộc? Quá trình này đến từ hai bên: chính trị gia và người dân. Chính trị gia phải mạnh dạn ứng cử, vận động tranh cử; người dân không thờ ơ chính trị, vung vít lá phiếu cho hết trách nhiệm.
Nếu không xây dựng được văn hóa chính trị hiện đại thì nền chính trị nước nhà còn bị thao túng, còn bị nhầm lẫn khi đưa người bất tài lên ghế lãnh đạo. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa là cái gốc của phát triển là vì vậy.
Dân chủ là một cách thức chung sống với nhau, cách thức quản lý đất nước dựa trên hai nền văn hóa: nền văn hóa kinh tế tư nhân tự do và nền văn hóa chính trị hiện đại. Chưa xây dựng được hai nền văn hóa này thì chưa thể xây dựng được nền dân chủ (dân VN hiện nay phần lớn không thiện cảm với kinh tế tư nhân và việc tự ứng cử, tranh cử). Vận động chính trị có chăng là sự đổi ngôi của các hình thức độc tài.
Không có nhận xét nào: