Phản Biện Để Phát Triển - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 5, 2013

Phản Biện Để Phát Triển

Pierre Darriulat
Pierre Darriulat, Lam Hồng - 6.5.2013: Một trong nhiều đức hạnh của khoa học là nuôi dưỡng tư duy phản biện. Đó có thể là lý do vì sao chúng ta phải truyền dạy khoa học cho con cháu mình.

Tôi luôn ngạc nhiên vì các sinh viên trẻ khi tới phòng thí nghiệm của tôi thường tỏ ra dễ dàng chấp nhận quan điểm của thầy cô giáo. Họ dễ tin vào những gì mà họ được dạy, thay vì tin vào những gì họ thật sự thấu hiểu. Họ không chất vấn những gì thầy chỉ bảo, và thường có xu hướng cho rằng các vấn đề luôn đi kèm sẵn theo giải pháp do các thầy cô giáo có trách nhiệm cung cấp. Như vậy, họ chỉ quen giải quyết những vấn đề đã được người khác giải quyết hàng nghìn lần, và lời giải thì sẵn có đâu đó trong ‘cẩm nang của giáo viên’.

Trong phòng thí nghiệm của tôi, các em sinh viên phải sử dụng nhiều thiết bị cũ kỹ có tuổi đời cao hơn cả tuổi đời của các em, là những thiết bị điện tử của thập kỷ 80 trước đây được viện trợ như quà tặng. Đôi khi những thiết bị này không hoạt động như mong muốn, và lẽ ra đó chính là cơ hội tuyệt vời để khám phá tìm ra những sai sót. Nhưng trong các trường hợp như vậy, các sinh viên trẻ của tôi hoàn toàn bị động mất phương hướng, trong nhận thức của họ chưa hề có tình huống phải xử lý những vấn đề mà bản thân thầy của họ không có câu trả lời.

Tâm lý thụ động ở các sinh viên trẻ Việt Nam, khiến họ không dám chất vấn lời nói của thầy giáo, dường như xuất phát từ quan niệm rằng chân lý là sản phẩm của một vài nhân tài như Einstein hay Newton mà cứ lâu lâu nhân loại lại sinh ra một người, những bậc siêu phàm được các thần linh lựa chọn để hé lộ chân lý, và tất cả chúng ta chẳng cần làm gì khác ngoài học theo những chân lý này. Những quan niệm kiểu như vậy không những hoàn toàn sai lầm, mà còn gây một ảnh hưởng rất tiêu cực trong sự phát triển trí tuệ của thanh niên. Nó làm nản lòng mọi nỗ lực, khuyến khích tính thụ động và sự cam chịu.

Khi nhận xét thái độ ở những học trò của Pythagoras, những người nhắm mắt tin tưởng tuyệt đối mọi lời dạy của thầy giáo, Cicero1 đã đặt ra cụm từ “Ipse dixit” – có nghĩa là “Người đã nói vậy” – nhằm phê phán niềm tin mù quáng rằng hễ các bậc tiền bối bề trên nói gì cũng đều là sự thực. Ở phương Tây, trong suốt một giai đoạn kéo dài khoảng 17 thế kỷ, người ta coi mọi điều mà Aristotle và các học trò của ông nói là chân lý, đơn giản chỉ vì “Người đã nói vậy”, và tin rằng mọi lời nói của bề trên (“argumentum ad verecundiam”) là cơ sở đầy đủ chứng minh cho sự thật.

Mới chỉ trong ba thế kỷ trở lại đây, cùng với sự phát triển biến đổi căn bản về kinh tế và xã hội, các cộng đồng xã hội – thay vì chỉ một số ít cá nhân – đã bắt đầu biết đặt câu hỏi chất vấn về sự tồn tại của những thể chế đang hiện hữu, và áp dụng cách tiếp cận duy lý khi phân tích các tác nhân có tính định đoạt đối với tương lai của mình. Kể từ đó tư duy phản biện mới trở thành một phẩm chất được coi trọng, và sinh viên được giảng dạy một cách cởi mở rằng họ không nên nghe theo bất kỳ lời khẳng định nào khi chưa tự mình kiểm nghiệm, và không nên coi luận điểm nào là đúng khi chưa được xác minh bằng những biện pháp khoa học chặt chẽ nghiêm ngặt.

Khoa học dạy chúng ta luôn chất vấn những gì từng được coi là đúng trong ngày hôm qua nhưng chưa chắc sẽ đúng đắn trong ngày mai. Chất vấn là cách giúp Khoa học phát triển. Chúng ta phải chấp nhận rằng những chân lý của ngày hôm nay sẽ phải được điều chỉnh để phản ánh đúng hơn những thực tế mới mà con người quan sát được trong tự nhiên. Cái giá phải trả cho điều này là chúng ta phải từ bỏ quan niệm chấp nhận một chân lý tuyệt đối. Đây là khác biệt căn bản [giữa khoa học thực nghiệm] với toán học, nơi chân lý không bao giờ thay đổi. Newton từng đúng trong thời của ông ta, nhưng Einstein chứng minh rằng Newton đã sai: cơ học của Newton từng là chân lý của ngày hôm qua, nhưng thuyết tương đối là chân lý của ngày hôm nay. Và tới ngày mai, một chân lý mới sẽ mở ra, giúp phản ánh đồng thời cả trọng lực lẫn vật lý lượng tử ở quy mô vật chất Planck, những lĩnh vực vốn hiện nay còn chưa tương thích với nhau. Nhận thức được quy luật này buộc con người phải biết khiêm tốn, và khích lệ những nỗ lực tìm kiếm các chân lý tốt hơn, hay phá bỏ đi các tường rào cấm kỵ cản trở những nỗ lực tìm kiếm như vậy.

Không có tư duy phản biện là một điểm yếu nghiêm trọng; những người chỉ biết vâng lời tất yếu sẽ trở thành nô lệ, và không thể thích nghi với kỷ nguyên khó khăn mà thế hệ trẻ ngày nay đang bước vào, một thế giới nơi họ sẽ phải chiến đấu để tồn tại. Thách thức ngày nay cần họ giải quyết không phải là chiến tranh hay nạn đói giống như các thế hệ cha ông từng trải qua, mà là những biến động chóng mặt về kinh tế và địa chính trị mà hành tinh của chúng ta đang trải qua. Họ phải tìm cách thích nghi với toàn cầu hóa, với những thay đổi nhanh chóng về địa chính trị ở châu Á, với sự gia tăng dân số, và sự di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, lột xác từ một xã hội tiểu nông sang công nghiệp hóa, với những vấn đề về môi trường là hệ quả của nạn ô nhiễm và nóng ấm toàn cầu. Họ cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ để đối diện với những thử thách này trong hiện tại và tương lai.

Bằng tư duy phản biện, thế hệ trẻ ngày nay cũng phải học cách nói “không” khi cần thiết. Cũng như trước đây khi Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chiến đấu vì độc lập tự do mà chẳng hề có trong tay những cuốn sách cẩm nang của giáo viên, họ đã biết nói “không” và tin rằng lý tưởng và quan điểm của mình là đúng đắn. Cũng như Galileo Galilei, Giordano Bruno, và Miguel Serveto từng nói “không” để giữ vững quan điểm riêng của mình sau khi chứng minh tính đúng đắn của chúng.

Chúng ta cần chuẩn bị cho thế hệ trẻ đối diện với tương lai với thái độ có trách nhiệm và chín chắn như vậy. Tư duy phản biện không có nghĩa là phê phán tất cả những gì ta không thích, mà có nghĩa là phân tích kỹ lưỡng chính xác và không đặt niềm tin của mình trên những cơ sở phi lý. Nói “không” không có nghĩa là tỏ ra tiêu cực hoặc tùy tiện, mà là sự không tuân phục khi ta thấy điều đó là cần thiết cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Cách đây không lâu, một người đàn ông có tên là Stefan Hessel3 qua đời. Ông là người đã khích lệ lớp trẻ phẫn nộ một cách chính đáng trước sự vi phạm trắng trợn đạo đức và lẽ công bằng ở các phương thức và hoạt động tài chính hiện hành trên thế giới, phẫn nộ vì những bất bình đẳng rõ rệt giữa người và người, và phẫn nộ với thái độ vô trách nhiệm của số đông ngày nay trước những vấn đề cấp bách của hành tinh. Sách của Stefan Hessel có hàng triệu độc giả trẻ trên khắp thế giới, thông điệp của ông trở thành khẩu hiệu của những cuộc biểu tình lớn được tổ chức từ Madrid tới Phố Wall. Sức mạnh từ thông điệp ấy không chỉ từ việc vạch ra những mặt trái trong xã hội đương thời vốn đang tồn tại một cách quá hiển nhiên, mà còn ở tính xây dựng, thể hiện ở phương thức tiếp cận có tính kiến tạo giải pháp thay vì chỉ khuyến khích nổi loạn một cách thường tình – phá thì rất dễ, xây mới khó.

Khoa học phải là trường rèn luyện trí tuệ và ý thức đạo đức, giúp sinh viên mở rộng nhãn quan của họ, điều mà chúng ta cần khuyến khích để giúp họ đối diện với tương lai như những người trưởng thành. Chúng ta không nên sợ rằng như vậy sẽ khiến họ trở nên quá tự do, khó kiểm soát, và cũng không nên nghĩ rằng việc che mắt họ sẽ giúp họ tránh phải đối diện với những nghịch cảnh của thế giới xung quanh. Điều tốt nhất ta có thể làm là chuẩn bị tối đa cho họ đối diện với tương lai bằng trí tuệ và ý thức trách nhiệm. Những năm gần đây đã có nhiều người trong số họ bắt đầu mở rộng tầm nhìn trước thế giới xung quanh: họ đang đi đúng hướng, và thời gian sẽ giúp họ tiếp tục tiến bước xa hơn.
 
Thanh Xuân dịch
Phản Biện Để Phát Triển Reviewed by Unknown on 5/08/2013 Rating: 5 Pierre Darriulat Pierre Darriulat, Lam Hồng - 6.5.2013:   Một trong nhiều đức hạnh của khoa học là nuôi dưỡng tư duy phản biện. Đó có t...

Không có nhận xét nào: