Basam - 29.7.2013: Về hai vụ án liên quan đến vụ cưỡng chế ngày 5/1/2012 tại Tiên Lãng, Hải Phòng được xét xử phúc thẩm
Hải Phòng, tối ngày 29/07/2013
Thay mặt bà Nguyễn Thị Thương – vợ ông Đoàn Văn Vươn và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền) – vợ ông Đoàn Văn Quý, chúng tôi xin cám ơn nhiều báo điện tử đã thông tin tương đối đầy đủ về diễn biến phiên tòa phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn 1 trong ngày 29/07/2013, như Người Lao Động, Thanh Niên, Vnexpress, Vietnamnet…Chúng tôi xin nhấn mạnh và bổ sung những thông tin sau trong phiên tòa ngày 29/07/2013:
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã bác yêu cầu triệu tập một số lãnh đạo liên quan của huyện Tiên Lãng với lý do là không cần thiết triệu tập thêm. Chúng tôi cho rằng việc triệu tập những người này là cần thiết để xác định rõ nguyên nhân phát sinh sự kiện ngày 05/01/2012 và tình tiết có “thi hành công vụ” đúng pháp luật hay không ?
2. Các bị cáo Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ, Đoàn Văn Vươn đều khẳng định từ ngày 05/01/2012 đến ngày 10/01/2012 bị bắt giữ khi không có lệnh bắt hoặc biên bản phạm pháp quả tang theo quy định của Pháp luật, trong đó bà Thương và bà Báu bị ép buộc viết đơn tự nguyện ở lại để làm việc với cơ quan điều tra. Các bị cáo Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Vệ, Đoàn Văn Quý đều khai đã bị đánh đập, ép cung tại cơ quan điều tra. Bị cáo Đoàn Văn Sịnh khai bị đánh gãy nhiều răng và đã đưa hàm răng mất nhiều răng cho Hội đồng xét xử thấy. Bị cáo Đoàn Văn Quý khai đã bị một Điều tra viên đạp vào mặt trước mặt kiểm soát viên và quản giáo. Bị cáo Đoàn Văn Vệ cho biết một Điều tra viên đã hứa hẹn trả tự do cho bị cáo nếu gia đình bị cáo trao tiền cho Điều tra viên này, bị cáo Vệ đã khai tại phiên tòa sơ thẩm nhưng đến nay chưa thấy cơ quan chức năng nào làm việc với bị cáo về vấn đề này.
3. Luật sư Nguyễn Hà Luân đã hỏi người được coi là bị hại Vũ Anh Tuấn, công an huyện Tiên Lãng về lời khai của ông này tại phiên tòa sơ thẩm rằng có một hố đào khiến cho Đoàn cưỡng chế không thể đi thẳng được từ đê vào khu vực cưỡng chế 19,3 ha, dẫn đến Đoàn cưỡng chế phải đi qua căn nhà 2 tầng của bị cáo Đoàn Văn Quý (nằm ngoài khu vực cưỡng chế 19,3 ha). Luật sư Luân yêu cầu ông Tuấn chỉ rõ vị trí cụ thể hố đáo này trên sơ đồ do chính cơ quan điều tra lập ra, nhưng ông Tuấn đã không chỉ được và từ chối trả lời câu hỏi này.
4. Bị cáo Đoàn Văn Vươn không đồng ý với kết luật giám định của Giám định viên súng đạn Lê Viết Cần, khẳng định chỉ đạo dùng loại hạt chì bắn chim loại nhỏ 2,5 – 3,5 mm, không thể ảnh hưởng đến tính mạng của người khác ở khoảng cách 20 – 30m và sẵn sàng làm mục tiêu thử nghiệm cho việc thực nghiệm bắn đạn hạt chì kích thước này để có kết luận chính xác. Luật sư Nguyễn Việt Hùng hỏi Giám định viên Lê Viết Cần tại sao Đoàn Văn Quý bắn ở khoảng cách 18m, một số chiến sĩ bị trúng đạn, nhưng tính mạng vẫn được bảo toàn, và đến hôm nay trông vẫn khỏe mạnh không như kết luận của Giám định viên này. Giám định viên Cần cho biết ông không được tiếp xúc về các vị trí dính đạn nên không thể trả lời được câu hỏi này. Các ông Vươn và Qúy cho biết không được nhận dạng nhiều mẫu vật quan trọng (mà cơ quan điều tra đã gửi đến cơ quan giám định), có nghĩa chưa thể khẳng định những mẫu vật này liên quan trực tiếp đến 02 phát đạn mà ông Quý đã bắn. Giám định viên Cần không đưa ra được căn cứ, cơ sở khoa học cụ thể nào để đưa ra kết luận giám định về súng đạn.
5. Luật sư Trần Vũ Hải đã yêu cầu trong phiên tòa không sử dụng từ “mìn” khi đề cập đến những vật liệu nổ trong vụ án, vì theo pháp luật Việt Nam, “mìn” là vũ khí quân dụng, trong khi Giám định viên chất nổ không xác định những vật liệu liên quan này là “mìn” và cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm các bị cáo về việc tàng trữ sử dụng vũ khí quân dụng.
6. Những người được coi là bị hại (công an huyện Tiên Lãng) đã từ chối trả lời câu hỏi của một số luật sư yêu cầu giải thích được những mâu thuẫn giữa những lời khai, báo cáo của họ ngay sau khi có sự kiện ngày 05/01/2012 với những lời trình bày sau này.
Trân Trọng
Luật sư Trần Vũ Hải
Không có nhận xét nào: