(PLO) – Đại diện VKS nhận định ông Lê Đức Hoàn đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xử lý.
8g10 sáng nay, TAND tỉnh Phú Yên bắt đầu mở lại phiên xử phúc thẩm vụ 5 sĩ quan công an dùng nhục hình đánh chết anh Ngô Thanh Kiều (32 tuổi, ngụ thôn Mỹ Thuận Ngoài, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên).
Ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, lần đầu tiên có mặt tại phiên tòa. Ảnh: TẤN LỘC
Thẩm phán Võ Nguyễn Tùng, Phó Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Yên, chủ tọa phiên tòa, công bố khai mạc phiên tòa.
Theo báo cáo của thư ký, phiên tòa hôm nay tiếp tục vắng nhiều nhân chứng. Song, người được xem là nhân chứng quan trọng nhất của vụ án - Thượng tá Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án vụ án mà anh Ngô Thanh Kiều là nghi can- lần đầu tiên có mặt tại phiên tòa để tham gia tố tụng với tư cách nhân chứng.
Lần đầu tiên, tòa cho dẫn giải hai nhấn chứng Ngô Thanh Sơn, Trần Minh Cường- hai bị án trong vụ trộm cắp mà Ngô Thanh Kiều là nghi can- đến tham dự phiên tòa.
Ngoài ra, tòa cũng dẫn giải hai nhấn chứng khác là Ngô Thanh Sơn, Trần Minh Cường- hai bị án trong vụ trộm cắp mà Ngô Thanh Kiều là nghi can- đến tham dự phiên tòa.
Chủ tọa phiên đang thẩm tra lý lịch những người tham gia tố tụng.
Theo ghi nhận của PV, không khí phiên tòa hôm nay khá căng thẳng. Chủ tọa phiên tòa không cho các phóng viên báo chí đặt máy ghi âm gần loa phát bên dưới khu vực xử án. Các phóng viên đã đề nghị Văn phòng TAND tỉnh Phú Yên quy định một khu vực đặt máy ghi âm nhưng chưa được phản hồi.
8giờ 50 phút
Tòa bắt đầu thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành.
Bị cáo Thành tiếp tục kêu oan, cho rằng mình không đánh anh Kiều và cho biết hôm nay sẽ đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh bị oan.
BC Thành: Khi vào canh giữ Ngô Thanh Kiều trưa 13-5-2012 tại phòng điều tra tổng hợp trụ sở Công an TP Tuy Hòa, tôi thấy người Kiều đã ướt đẫm mồ hôi, cả áo cũng ướt, hai tay bị còng ra sau ghế, mặt cúi xuống. Tôi hỏi vài câu nhưng Kiều không trả lời nên tôi giơ dùi cui cao su lên dọa.
Đại diện VKS: Vì sao bị cáo dọa Kiều?
BC Thành: Vì khi đó Kiều nhìn tôi khinh khỉnh, tôi thấy bực mình. Lúc này, tôi giơ dùi cui cao su lên định đánh nhưng Kiều la “á, á”, rồi van xin “Xin anh đừng đánh em nữa, sáng giờ em bị đánh bầm dập rồi. Tôi khẳng định tôi không đánh anh Kiều.
Bị cáo Thành trả lời xét hỏi tại tòa
9 giờ 15 phút
BC Thành: Khoảng 11g30, tôi vào phòng canh giữ Kiều thì thấy Quang đứng đối diện Kiều, dùng chân đạp vào còng tay và đánh vào người Kiều. Lúc này, Kiều kêu la, cửa phòng lúc đó đóng.
Trong phòng lúc này có Quyền, Mẫn, Đại. Sau khi ăn cơm trưa, Nguyễn Minh Quyền vào đánh Kiều, khiến Kiều kêu “a, a” nên tôi bỏ ra ngoài
. Lần thứ ba khoảng gần 2 giờ chiều, tôi thấy Quang cầm dùi cui đánh vào Kiều. Lúc này, trong phòng có Lê Đức Hoàn, Quyền, Mẫn.
9 giờ 30 phút
Tòa xét hỏi bị cáo Nguyễn Tấn Quang. Quang phủ nhận lời khai của bị cáo Thành cho rằng Quang đạp vào tay Kiều đang còng.
Bị cáo Nguyễn Tấn Quang trả lời xét hỏi của tòa
BC Quang: Tôi xét hỏi nhưng Kiều không hợp tác nên bức xúc đánh vào chân Kiều. Lúc này, trong phòng chỉ có Quyền và Mẫn. Đến 13g30, tôi vào lại phòng thì thấy Kiều nằm dưới đất. Tôi bảo lấy khăn nhúng nước lau mặt cho Kiều.
LS Nguyễn Văn Thắng, bào chữa cho bị cáo Thành, hỏi: Anh nghĩ gì về lời khai của bị cáo Thành là khi anh đánh Kiều trong phòng có mặt của ông Lê Đức Hoàn?
BC Quang: lúc đó không có ông Hoàn.
LS Thắng: Anh có nhớ tại cơ quan điều tra, có lời khai nào anh nói không được phân công chuyên án?
BC Quang đáp: Tôi không nhớ.
Quang thừa nhận có nhìn thấy Mẫn, Quyền đánh anh Kiều.
10 giờ 00
Tòa xét hỏi bị cáo Nguyễn Minh Quyền.
Theo lời khai của Quyền, Quyền được ông Hoàn phân công cùng Mẫn xét hỏi Kiều. Kiều không khai nhận tham gia trộm cắp cùng Sơn và Cường, nên Quyền nóng giận cầm dùi cui để sẵn trên bàn đánh vào ống quyển 4, 5 cái. Ngoài Quyền còn có Quang, Mẫn, Huy đánh Kiều.
BC Quyền: Khi ra ăn cơm, Kiều vẫn ngồi trên ghế bình thường. Tôi rời khỏi phòng trước, lúc đó, không có Thảo Thành. Khoảng 15 phút sau, Mẫn ra ăn cơm. Lúc đó vẫn nghe tiếng Kiều kêu la.
Bị cáo Nguyễn Minh Quyền
10giờ 20 phút
Tòa xét hỏi bị cáo Phạm Ngọc Mẫn. Mẫn khai nhận có cùng Quyền, Quang, Huy đánh vào vùng chân Kiều. Khi cả nhóm này ra phòng ngoài ăn trưa thì Thành vào thay. Trong lúc ngồi ăn ở ngoài, Mẫn vẫn nghe tiếng Kiều kêu la.
10 giờ 30 phút
Bị cáo Đỗ Như Huy khai mình thấy Mẫn, Quyền xét hỏi anh Kiều nhưng không có biên bản. Huy không phải là thành viên chuyên án, hành động đánh anh Kiều chỉ là tự phát, không bàn bạc trao đổi với ai.
10 giờ 40
Bà Ngô Thị Tuyết (chị ruột nạn nhân Ngô Thanh Kiều) cho biết khi đến bệnh viện đã thấy toàn bộ cơ thể em mình bị đánh bầm dập. Trên người nạn nhân có hơn 70 vết thương nhưng các bị cáo chỉ khai đánh hơn 20 cái.
Bà Tuyết cho biết gia đình bà muốn xin thay đổi nội dung bản kháng cáo trước đây, đề nghị khởi tố thêm tội bắt người trái pháp luật. Đồng thời, đề nghị chuyển đổi tội danh các bị cáo thành tội giết người vì khi bị đánh chết anh Kiều không phải là bị can, bị cáo.
Bà Tuyết nói: “Tôi yêu cầu khởi tố ông Lê Đức Hoàn ba tội: bắt người trái pháp luật, giết người với vai trò đồng phạm và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bà Ngô Thị Tuyết , chị ruột nạn nhân Ngô Thanh Kiều
Ngoài ra, gia đình bị hại còn yêu cầu khởi tố ông Lê Hải Phú (cán bộ Công an tỉnh Phú Yên). Về vấn đề bồi thường, tòa phúc thẩm phải áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước để bồi thường chứ không áp dụng Luật Dân sự như tòa sơ thẩm.
10 giờ 50
Tòa hỏi giám định viên Hoàng Việt (Trung tâm Pháp y Phú Yên): Căn cứ nào đưa ra kết luật giám định Ngô Thanh Kiều chết do chấn thương sọ não?
Giám định viên: Căn cứ vào các vết thương trên đầu, trên người, xung huyết não, tụ máu trong não.
HĐXX: Với chấn thương sọ não, lực tác động mạnh đến mức nào?
Giám định viên: Phụ thuộc vào môi trường, cơ thể người đó, tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Có thể trong trường hợp này, lực đó chưa gây chết người nhưng trong trường hợp khác thì lại gây chết.
Ông Lê Đức Hoàn ngồi ngay sau cha của nạn nhân Ngô Thanh Kiều
11 giờ 00
Tòa tạm nghỉ, chiều nay tiếp tục xét xử
14 giờ 00
Phiên tòa tiếp tục. HĐXX hỏi nhân chứng Hà Văn Đại, cán bộ Công an Phú Yên- người tham gia phối hợp với Công an TP Tuy Hòa điều tra vụ trộm cắp.
Ông Đại khai: “Trong ngày 13-5-2012, tôi vào phòng điều tra tổng hợp Công an TP Tuy Hòa hai lần. Tôi thấy Thành ngồi trên bàn, chân gác lên ghế của Kiều ngồi, cầm dùi cui giơ lên bằng tay trái, đánh hai ba cái vào người Kiều. Khi Thành cầm gậy cao su đánh, Kiều kêu la. Tôi vừa đi vừa thấy. Lúc ăn cơm, tôi cũng nghe tiếng kêu la của Kiều từ phòng điều tra tổng hợp. Khoảng hai ba ngày sau, tôi mới biết người đánh Kiều là Nguyễn Thân Thảo Thành”
Đại diện VKS hỏi: “Vì sao có lúc anh khai Thành cầm dùi cui bằng tay phải, lúc khai bằng tay trái? Lời khai nào đúng?” Ông Đại trả lời: “Lời khai bằng tay trái đúng. Quá trình mới xảy ra, tâm trí bấn loạn nên lời khai với cơ quan công an không chính xác. Lời khai tại tòa sơ thẩm và hôm nay là chính xác.
HĐXX phiên phúc thẩm hôm nay
Từ 14 giờ 20 phút
Tòa tiếp tục xét hỏi nhiều nhân chứng khác đều là cán bộ Công an TP Tuy Hòa. Trả lời các câu hỏi của HĐXX và luật sư liên quan đến việc xét hỏi nghi can Ngô Thanh Kiều trong ngày 13-5-2012, các nhân chứng này đều lặp đi lặp lại một điệp khúc “Lâu quá không nhớ”.
Các nhân chứng hôm nay có mặt tại tòa
15 giờ 25
Lần đầu tiên, tòa xét hỏi ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, với tư cách nhân chứng.
Ông Hoàn trình bày: Chúng tôi đã theo dõi Kiều, Sơn và Cường trộm cắp tài sản. Tối 11 sáng 12-5-2012, các đối tượng gây án bỏ trốn.
Sáng 12-5-2012, chúng tôi mời Ngô Thanh Sơn về trụ sở công an làm việc. Sau đó, phân công tổ công tác lên xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa xác minh. Chiều 12-5, tôi nhận được tin báo hai đối tượng không có mặt. Sáng 13-5, tôi nhận được thông báo đã đưa được Ngô Thanh Kiều về cơ quan công an. Tôi phân công đồng chí Mẫn và một số đồng chí khác xét hỏi Kiều.
Đại diện VKS hỏi: Anh có biết việc các cán bộ cấp dưới có hành vi dùng nhục hình với Ngô Thanh Kiều không?
Ông Hoàn: Tôi có kiểm tra đôn đốc nhưng không phát hiện anh em công an dùng dùi cui đánh Kiều. Tôi không biết có hành vi đánh đập Ngô Thanh Kiều.
Ông Lê Đức Hoàn trả lời luật sư bảo vệ gia đình bị hại
LS Võ An Đôn, bảo vệ cho gia đình bị hại, hỏi ông Hoàn: Căn cứ vào đâu mà ông chỉ đạo bắt anh Kiều? Ông Hoàn: Thưa luật sư, tôi không chỉ đạo bắt cũng như không ra lệnh bắt Ngô Thanh Kiều. Tôi chỉ chỉ đạo anh em tìm địa chỉ của đối tượng, chứng minh hành vi phạm tội.
LS Đôn: Ông nghĩ sao khi trong hồ sơ vụ án, các nhân chứng khai lên xã Hòa Đồng dẫn giải Kiều về theo lệnh của ông?
Ông Hoàn: Tôi chỉ phân công anh em đến xã Hòa Đồng đưa Kiều về trụ sở công an làm việc chứ không ra lệnh bắt.
LS Đôn: Trong ngày 13-5-2012, ông có thường xuyên ra vào chỗ anh Kiều không?
Ông Hoàn: Tôi không thường xuyên vào chỗ Kiều ngồi. Khi anh em làm việc, tôi về phòng làm việc của mình.
Theo lời khai của ông Hoàn, ngày hôm đó ông còn giải quyết nhiều việc khác như làm việc với CA thị xã Sông Cầu, Phòng PC 45 Công an tỉnh. Ông nói thêm: “Trong công việc còn có sự phối hợp chỉ đạo của lãnh đạo chứ tôi không toàn quyền quyết định được”.
Trong khi ông Hoàn trả lời HĐXX, bên dưới phòng xử án có một số người lên tiếng phản đối khiến chủ tọa phải nhắc nhở. Vợ và chị nạn nhân liên tục bật khóc khi ông Hoàn trả lời HĐXX.
Thái độ của gia đình người bị hại khi nghe lời khai của ông Hoàn
15 giờ 50
Chủ tọa tuyên bố phiên tòa kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận.
Kiểm sát viên Huỳnh Văn Tám, đại diện VKSND Phú Yên, trình bày quan điểm giải quyết vụ án.
VKS cho rằng bản án sơ thẩm đã áp dụng Điều 298 Bộ luật Hình sự để xét xử các bị cáo tội dùng nhục hình là có căn cứ, đúng người, đúng pháp luật. Thêm nữa, có cơ sở để kết luận các bị cáo biết việc dùng nhục hình và đã tiếp nhận ý chí của nhau nên phải chịu chung hậu quả gây đa chấn thương phần mềm và việc gây ra cái chết đối với nạn nhân Kiều.
Hành vi của các bị cáo đã phạm tội dùng nhục hình thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự. Bản án sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 1 Điều 298 Bộ luật Hình sự để xử phạt các bị cáo trên là không đúng quy định của pháp luật và không tương xứng với tính chất, mức độ, của hành vi.
Đại diện VKS cũng nhận định đối với ông Lê Đức Hoàn là trưởng ban chuyên án, phó Công an TP Tuy Hòa, đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ những nhận định trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tỉnh, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Bị kêu đi lúc 3 giờ sáng rồi mất mạng
Như PLO đã thông tin, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ 26-3 đến 3-4, TAND TP Tuy Hòa tuyên phạt Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, Công an TP Tuy Hòa) 5 năm tù, Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên) hai năm tù, Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy) 18 tháng tù, Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá) 15 tháng tù cho hưởng án treo, Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, đều là cán bộ Công an TP Tuy Hòa) 12 tháng tù cho hưởng án treo. Các bị cáo đều phạm tội dùng nhục hình.
Theo hồ sơ, do nghi ngờ liên quan đến một vụ trộm, lúc 3g ngày 13-5-2012, Công an TP Tuy Hòa phối hợp với Công an huyện Tây Hòa, Công an xã Hòa Đồng đã đến nhà còng tay, bắt anh Ngô Thanh Kiều đưa trụ sở Công an TP Tuy Hòa. Trong quá trình lấy lời khai, các cán bộ công an trên đã thay phiên nhau đánh đập anh Kiều đến chết. Kết luận giám định pháp y cho thấy trên thi thể anh Kiều có 72 vết thương, tử vong do chấn thương sọ não.
Sau khi báo chí phản ánh, dư luận bày tỏ bất bình vì cho rằng mức án trên đối với các bị cáo quá nhẹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu viện trưởng Viện KSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao chỉ đạo xử lý vụ án đúng quy định pháp luật. Ngày 14-4, Viện phó Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cùng Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Lê Bá Thân đã trực tiếp đến Phú Yên làm việc xung quanh việc xét xử vụ án trên.
Các bị cáo chờ ra vành móng ngựa.
Ngày 29-4, Viện KSND tỉnh Phú Yên có quyết định kháng nghị phúc thẩm số 04/QĐ-KNPT đối với bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa. Theo đó, Viện KSND tỉnh Phú Yên cho rằng các bị cáo phải chịu chung hậu quả gây đa chấn thương phần mềm và việc gây ra cái chết đối với nạn nhân Kiều. Hành vi của các bị cáo Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy đã phạm tội dùng nhục hình thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự. Bản án sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 1 Điều 298 Bộ luật Hình sự để xử phạt các bị cáo trên là không đúng quy định của pháp luật và không tương xứng với tính chất, mức độ, của hành vi phạm tội và hậu quả do các bị cáo gây ra.
Bản kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Yên nhận định: Đối với Lê Đức Hoàn là trưởng ban chuyên án, phó Công an TP Tuy Hòa đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Từ những nhận định trên, Viện KSND tỉnh Phú Yên đề nghị TAND tỉnh xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đại diện hợp pháp của bị hại, chị Võ Thị Tâm (vợ anh Ngô Thanh Kiều) cũng kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa, đề nghị tòa cấp phúc thẩm xét xử lại toàn bộ nội dung vụ án. Gia đình bị hại đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn các tội bắt người trái pháp luật, dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Gia đình bị hại cũng đề nghị giám định lại thương tích của anh Kiều ở vùng bụng và vùng ngực để làm rõ những ai đã làm ruột, tim, gan, phổi, lá lách của nạn nhân bị dập nát. Về trách nhiệm dân sự, gia đình bị hại đề nghị tòa phúc thẩm căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước để bồi thường cho gia đình nạn nhân vì cho rằng đây là trường hợp oan sai trong hoạt động điều tra.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng gửi đơn kháng án kêu oan, cho rằng mình không đánh anh Kiều đồng thời đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra làm rõ hành vi của những người đã đánh chết anh Kiều nhưng không nhận tội. Ngoài ra, hai bị cáo Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 24-6, TAND tỉnh Phú Yên đã phải hoãn phiên tòa phúc thẩm do vắng đến 12 trong 23 nhân chứng được tòa triệu tập.
TẤN LỘC
Theo Pháp Luật
Theo Pháp Luật
Không có nhận xét nào: