Thiên Ân: Hôm nay, ngày 17/11/2014, các tiểu thương ở chợ hôm xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bãi chợ vì chủ tịch xã và Ban Quản lý chợ cố ý lợi dụng chức vụ để làm sai quy định của pháp luật trong việc quản lý chợ. Đây là lần thứ 3, các tiểu thương bãi chợ để vào tỉnh “kêu oan”.
Được biết, 2 lần trước, các tiểu thương chợ Hôm, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành đồng loạt nghỉ chợ để vào tỉnh “kêu cứu”. Văn phòng tiếp công dân ở tỉnh đã có công văn yêu cầu chủ tịch huyện và xã sớm giải quyết những vướng mắc cho bà con. Nhưng huyện và xã cố ý phớt lờ chỉ đạo của tỉnh.
Cụ thể, trong thông báo của Văn phòng tiếp công dân của tỉnh Nghệ An, yêu cầu huyện phối hợp với xã để thực hiện quy định thu phí đúng theo quy định của tỉnh. Tức là công nhận chợ Hôm xã Hợp Thành là chợ loại 3, được xếp theo 4 vị trí ( 1, 2, 3, 4) và thu phí theo tháng.
Dù đã có công văn tỉnh chỉ đạo cho chính quyền địa phương thực hiện, nhưng chủ tịch xã và ban quản lý chợ Hôm xã Hợp Thành vẫn cố ý thu phí chợ theo năm. Theo đó, các tiểu thương phải đóng phí cả năm. Nếu ai không chịu đóng phí theo năm thì sẽ bị cưỡng chế, thu hồi ốt.
Tệ hại hơn, 3 năm trước đó, tháng 7/ 2011, sau khi khánh thành chợ, chủ tịch xã đã ép bà con tiểu thương thuê ốt với giá do xã tự “đẻ” ra. Mỗi ki ốt có giá từ 4 đến 11 triệu đồng với thời hạn thuê là 3 năm 1 lần. 3 năm sau, tháng 7/2014, xã lại ép bà con thuê ốt với giá không giảm.
Nhận thấy nhiều ki ốt chợ đã bị xuống cấp, chính quyền xã không chịu tu sửa, vệ sinh môi trường không đảm bảo, các dãy hàng sắp xếp lộn xộn, sau nhiều lần thông báo với ban quản lý chợ mà vẫn không được trả lời, bà con tiểu thương phải tự bỏ tiền túi ra sửa chữa chợ, ban quản lý chợ lại còn thu phí “trên trời” nên nhiều bà con tiểu thương đã có đơn “kêu” xã quan tâm đến đời sống của tiểu thương. Chủ tịch xã, ông Hoàng Văn Lý đã “đáp lại” các đơn “kêu” của bà con bằng cách huy động lực lượng cán bộ và công an ra đóng các ki ốt của dân.
Sau khi các tiểu thương cầm quyết định thu phí chợ do tỉnh ban hành năm 2012 và yêu cầu chủ tịch xã và ban quản lý thu phí theo đúng quy định của tỉnh. Nhưng xã vẫn cố ý thu phí chợ theo quy định… của xã.
Mặt khác, trên phương tiện truyền thông của xã, ông chủ tịch xã còn “đổ tội” cho bà con tiểu thương gây rối, kích động nhân dân.
Điều đáng nói, là chợ Hôm xã Hợp Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được xây dựng nhờ vào 100% vốn không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nhưng người dân không được hưởng lợi từ dự án này.
Lý do là xã đã bán toàn bộ mặt bằng chợ cũ với thời hạn 49 năm cho 3 hộ dân khác là hộ ông Khoa, ông Hồng và ông Thanh, với mục đích là để xây… siêu thị mà không thông qua dân và các tiểu thương. Mặc dù trước đó, 3 hộ dân này chưa từng kinh doanh ở chợ. Sau khi bán xong đất, chính quyền xã đẩy khu chợ mới vào sát nghĩa địa. Nhưng trong sơ đồ chợ khi trình lên ngân hàng ADB, có cả phần đất mặt tiền đã bán cho 3 hộ dân đó. Chợ xây xong rồi, 3 hộ dân trên bắt đầu xây nhà trên đất chợ để… ở. Chính quyền xã không quan tâm đến việc hiện nay có hàng trăm tiểu thương đi chợ không có chỗ để buôn bán. Và trong 50 năm tới, và có thể là mãi mãi, chợ Hôm xã Hợp Thành không thể mở rộng diện tích buôn bán được. Bởi vì trước mặt là dãy nhà của 3 hộ dân, sau lưng là nghĩa địa, hai bên là nhà dân san sát.
Câu hỏi đặt ra, là ai đã dung túng và tiếp tay cho chính quyền xã Hợp Thành bán đất công ích với thời hạn là 49 năm, trong khi luật đất đai quy định rõ, đất công ích không được bán, chỉ được cho thuê với thời hạn là 5 năm?
Ai đã dung túng và tiếp tay cho chính quyền xã Hợp Thành đàn áp dân bằng cách cướp các máy ảnh của dân khi dân quay cảnh các công an đang cưỡng chế ốt của bà con tiểu thương?
Ai đã dung túng và tiếp tay cho chính quyền xã Hợp Thành vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ các tiểu thương chợ Hôm trên phương tiện truyền thông xã rất nhiều lần?
Ai đã dung túng và tiếp tay cho chủ tịch xã tự ý ra quyết định về phân loại chợ? (trong một thông báo trả lời các tiểu thương về việc phân loại chợ, ông chủ tịch xã Hoàng Văn Lý đã ra quyết định công nhận chợ Hôm xã Hợp Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An là chợ loại 2, dù đó chỉ là cái chợ thông thôn, nằm cuối huyện).
Ai đã dung túng và tiếp tay cho ban quản lý chợ Hôm, xã Hợp Thành tự ý thu phí “trên trời” không theo một quy định nào hết?
Ai đã dung túng và tiếp tay cho ban quản lý chợ Hôm xã Hợp Thành tự ý thu tiền điện 3000đ/1kg, trái với quy định của bộ công thương?
Ai đã dung túng và tiếp tay cho chính quyền xã và ban quản lý chợ Hôm, xã Hợp Thành “ép” các tiểu thương kí vào bản hợp đồng thuê lều ốt, trong khi bản hợp đồng còn có nhiều sai phạm?
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra nhưng không có cấp nào chịu trả lời và chịu trách nhiệm trước toàn dân về những sai phạm của mình.
Cuối cùng, bằng cách quản lý quan liêu, tham nhũng và côn đồ, chính quyền các cấp đã biến nhân dân thành “thùng rác nhân dân”.
Thay vì nhận trách nhiệm sai phạm về mình và cố gắng thay đổi cách phục vụ, chính quyền các cấp đã đổ trách nhiệm đó hết lên đầu nhân dân và biến họ thành những “tội phạm” có chủ ý, có sự kích động của các “phần tử xấu”. Với cách làm việc như thế, nhân dân nói chung và các tiểu thương không bức xúc mới là chuyện lạ!
Tệ hại hơn nữa, sau khi phóng viên của báo Đời sống và Pháp luật, báo Giáo dục, báo Dân trí ra bài về những sai phạm của chủ tịch xã và ban quản lý chợ đã cố ý lạm dụng chức vụ để làm sai quy định của pháp luật trong việc quản lý chợ, dẫn đến những sai phạm, làm thiệt hại đến quyền lợi của bà con tiểu thương, thì chính quyền xã còn vu khống, cho rằng đó là “báo ảo” và tìm cách đàn áp những người đi phát báo.
Và hiện nay, khi bà con tiểu thương đòi lại số tiền xã đã cố ý thu phí chợ sai của 3 năm về trước, số tiền lên đến hàng tỉ đồng, thì xã “nhất định không chịu trả” và còn trả lời “thời hạn qua lâu lắm rồi nên không truy thu lại”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tường trình tiếp sự việc này trong thời gian sắp tới.
TNCG
Không có nhận xét nào: