Bốn mươi năm sau chiến thắng, Đảng Cộng sản vẫn cai trị Việt Nam với bàn tay sắt. Nhưng với chủ nghĩa tư bản bè phái, nạn tham nhũng và bất bình đẳng đang đầy rẫy, nhiều người cho rằng chiến thắng của nó là một chiến thắng rỗng không.
Từ một xã hội tan nát bị đình trệ bởi đói nghèo và thiếu lương thực trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, chính quyền xã hội chủ nghĩa độc tài của Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi lớn lao kể từ ngày Sài Gòn sụp đổ trước quân đội cộng sản bốn thập niên trước.
Hôm Thứ Năm, những người cầm quyền Đảng Cộng sản sẽ tập trung để chứng kiến một cuộc diễn hành quân sự tại Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn xưa - để kỷ niệm ngày những chiếc xe tăng của họ tiến vào thành phố, khiến miền Nam do Hoa Kỳ hậu thuẫn đầu hàng và thống nhất đất nước.
Cuộc chiến đã để lại hàng triệu cái chết của người Việt cũng như 58 nghìn binh lính Mỹ được gửi qua để ngăn chặn bước tiến của quân cộng sản.
Nhưng giới chỉ trích nói rằng bên thắng cuộc Đảng Cộng sản hiện nay đã bị phá sản về ý thức hệ, với việc chính quyền từ bỏ giấc mơ xã hội bình đẳng của người chủ tịch sáng lập Hồ Chí Minh và tiến hành việc kiểm soát chặt chẽ sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng.
"Đây không phải là một quốc gia cộng sản," Lê Công Định, một luật sư và nhà phê phán chính quyền nói, ông vẫn bị giam giữ tại gia sau khi bị kết án vào năm 2010 vì tội lật đổ chính quyền.
"Họ nắm quyền lực bằng cách áp dụng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản của Mác và Lê Nin -- đó là lý do vì sao họ vẫn cố gắng tiếp tục tư tưởng này. Nhưng cái chúng ta thấy trên đường phố Việt Nam là chủ nghĩa tư bản, không phải là chủ nghĩa cộng sản," ông nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại căn hộ bị theo dõi nghiêm ngặt ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật sư Lê Công Định trả lời phỏng vấn của AFP ngày 10 Tháng Tư 2015 tại TP HCM |
Những người theo Đảng đã ca ngợi những thành quả của thời kỳ đổi mới từ những năm cuối 1980 -- tỉ lệ tăng trưởng đầy ấn tượng, đầu tư ngoại quốc tăng cao, và tỉ lệ nghèo đói giảm mạnh.
Nhưng theo Huy Đức, một tác giả nổi tiếng từng viết một cuốn sách về Việt Nam thời hậu chiến, ông giải thích với AFP rằng "Bên thắng cuộc đã thay đổi để trở thành bên thua cuộc."
Sự giận dữ của dân chúng đối với chính thể độc đảng đang âm ỉ qua hàng loạt những căn bệnh, bao gồm chênh lệch thu nhập ngày càng cao, tranh chấp đất đai và những vụ tham nhũng bê bối -- thường liên quan đến các cán bộ đảng giàu có.
Nhưng sự thịnh vượng vừa có được trong vài thập niên vừa qua có nghĩa là phần đông dân chúng có vẻ tạm hài lòng chấp nhận tình trạng hiện tại, các chuyên gia cho biết.
Và giới thanh niên đang tìm việc làm ở miền Nam được xem là mang tính cởi mở về xã hội và thiên về thị trường tự do hơn so với thủ đô Hà Nội bảo thủ.
Trận chiến ý thức hệ
Nguyễn Văn Quang, 63 tuổi, thương phế binh Nam Việt Nam, nói chuyện với AFP |
Đối với những người Việt lớn tuổi hơn từng sống qua chiến tranh, sự chia rẽ về ý thức hệ giữa những người cộng sản thắng cuộc và những người miền Nam bị gọi là "ngụy" -- bù nhìn -- vẫn chưa hàn gắn được.
"Đã có sự thống nhất trên danh nghĩa kiểm soát chính trị, quản lý quốc gia, nhưng không có việc hoà nhập về tư tưởng," Nguyễn Ngọc Bích, một luật sư 70 tuổi ở miền Nam từng trải qua 12 năm trong trại cải tạo sau chiến tranh nói với AFP.
Ngay sau khi miền Nam đầu hàng, hàng trăm nghìn người đã trốn chạy trên những chiếc thuyền ọp ẹp -- nhiều người đã chết đuối trong cuộc hành trình -- tạo ra một cộng đồng Việt Nam ly hương đông đến 4,5 triệu người, thường xuyên chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Hà Nội.
Cho đến nay, khi một quan chức cao cấp nào đến thăm Hoa Kỳ cũng đều bị những người biểu tình phản đối với cờ Nam Việt Nam.
Các nhà sử học nói rằng có đến 200 nghìn người miền Nam ở lại đã bị đưa đến các trại cải tạo, trong đó người tù cuối cùng được biết là vào năm 1992.
Với hệ thống truyền thông và giáo dục bị kiểm soát nghiêm ngặt, các chuyên gia nói rằng nhiều người Việt vẫn không biết được tầm mức của việc trả thù trong giai đoạn sau chiến tranh.
Chính quyền đã bác bỏ việc tổ chức các trại tập trung và bất kỳ những cáo buộc về việc trả thù.
Không có "việc phân biệt đối xử hoặc những hành động vô nhân đạo nào đối với những người thuộc chế độ cũ," Vũ Hồng Nam, chủ nhiệm uỷ ban về người Việt ở nước ngoài của Đảng Cộng sản nói với AFP.
Chỉ có một phần nhỏ trong cộng đồng người Việt hải ngoại chống đối chính quyền, ông nói thêm.
"Họ ra đi với định kiến và định kiến này vẫn giữ nguyên như cũ trong thời gian qua," ông nói.
Tôi vất vả một mình
Những thương phế binh miền Nam đang đợi lãnh quà từ một hội từ thiện |
Về mặt kinh tế, số phận của miền Nam sau khi sụp đổ đã lặp lại như những gì từng xảy ra ở miền Bắc sau khi cộng sản nắm chính quyền vào năm 1954 -- chính phủ trưng thu đất đai, nhà cửa, xí nghiệp, và các hiệu buôn.
Công cuộc đổi mới trong những năm cuối 1980, bắt đầu vì kinh tế suy sụp, đã đem lại thịnh vượng nhưng mạng lưới của đảng đã ngốn hết những thành tựu vừa tạo ra, các nhà phê bình cho biết.
"Không hề có nền tảng đạo đức trong phát triển," luật sư Bích nói, ông cho rằng các doanh nghiệp nhà nước đa số được điều hành bởi những người có quan hệ tốt hơn là người có tài.
Chính quyền nói rằng họ đang trừng phạt nạn hối lộ, trong khi giữ nền kinh tế đi đúng hướng tăng trưởng ở mức 6,2 trong năm 2015 -- liên tục trong suốt 24 năm phát triển kể từ khi cải cách kinh tế bắt đầu vào năm 1991.
Nhưng đối với nhiều người từng chiến đấu trong phe thua cuộc, nỗi khổ của họ vẫn không chấm dứt khi trận chiến đã ngưng.
Những người lính miền Bắc chiến đấu cho Cộng sản được hưởng lương hưu và hỗ trợ y tế, trong khi những người lính miền Nam thì không được may mắn như thế.
"Tôi không hề nhận được bất cứ thứ gì từ chính quyền Việt Nam, hoàn toàn không," cựu chiến binh miền Nam Nguyễn Văn Quang, 63 tuổi nói. Ông bị cụt cả hai chân lên đến đầu gối trong chiến tranh.
"Tôi từng là người lính, tôi chiến đấu cho miền Nam Việt Nam... nhưng cuộc đời tôi, so với những người lính Cộng sản, vẫn còn vất vả. Và tôi vẫn vất vả một mình."
Không có nhận xét nào: