GNsP (21.06.2015) – Sài Gòn – Những nhà báo có từ 20 năm kinh nghiệm làm báo cách mạng hay báo tuyên truyền trở lên đều tỏ ra ngán gẫm với báo chí cách mạng hôm nay, cả chiều dài kinh lê thê đã qua cũng chán. Thậm chí có nhà báo còn so sánh mình không bằng một nhà báo thời VNCH chỉ mới vào nghề không lâu.
Ý kiến được nhiều người nhắc đến gần đây thuộc về ông Hữu Thọ, một nhà báo cách mạng Việt gốc Hoa, ông nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, đã chê bai báo chí cách mạng hôm nay là gian dối trong một Hội thảo về đạo đức báo chí vừa diễn ra trong tuần rồi tại Hà Nội. Nhận xét này được ông Hữu Thọ lập lại nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.06 trên báo Công Lý, Cơ quan ngôn luật của Tòa án nhân dân tối cao, ngày hôm qua, 20.06:
“Những tồn tại không ít và có việc không nhỏ, nổi lên là thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí bịa đặt, suy diễn gây bức xúc xã hội, có những sai sót mà chúng tôi cũng không thể ngờ…, cùng những hành vi tiêu cực khác mà tôi rất đau lòng khi phải nói lên một sự thật rằng, uy tín của giới báo chí đang giảm sút”.
Một nhà báo nữ đã chấm dứt nghề báo sau 20 năm để chuyển sang làm cho một doanh nghiệp cũng cho biết niềm tự hào là nhà báo ngày nào bây giờ “mĩa mai” làm sao:
“hơn 20 năm sống bằng nghề báo, tôi may mắn đã là một phần của đội ngũ nhà báo chứng kiến sự đổi mới của đất nước, đã từng rất tự hào với nghề nghiệp của mình và hãnh diện chờ đón ngày báo chí VN. Giờ đây khi ai cũng có thể làm báo, nhiều nhà báo chân chính đã phải bỏ nghề và xót xa khi nghề báo ngày càng bị xã hội coi thường và rẻ rúng. Tham gia một cuộc toạ đàm ‘doanh nghiệp với báo chí’ trong vai đại diện cho doanh nghiệp, nhìn thấy những nhà báo trẻ khoác lên mình cái áo thun có dòng chữ này… mới thấy những chữ “ngày hội tôn vinh” sao mà mỉa mai quá.
Còn tác giả của tiểu thuyết Ngọc Trong Đá kiêm nhà báo Nguyễn Đông Thức [Ngyễn Đức Thông] thì cho biết chính mẹ ông đã cảnh báo ông nền báo chí XHCN không được tự do, phải cẩn thận, nhưng vẫn không tránh được những đắng cay của nghiệp báo tuyên truyền. Ông Thức đặt tiêu đề cho một trạng thái trên trang Facebook cá nhân là “Nhớ về 34 năm làm báo XHCN, giờ thấy… nhục nhiều hơn vinh, xấu hổ nhiều hơn tự hào”.
Trong đó, ông Thức kể về việc mình được gọi vào nghề báo, rồi hăng hái với đổi mới, nhưng rồi mau thất vọng: “Sau đó Gorbachev giải tán đảng cộng sản Liên Xô, đặt nó ngoài vòng pháp luật, kéo theo sự sụp đổ tất nhiên của các nước cộng sản Đông Âu. Ông Linh và ban lãnh đạo quay ngoắt 180 độ, chạy theo Tàu (Hội nghị Thành Đô là lúc này), siết chặt văn nghệ và báo chí. Tổng biên tập Vũ Kim Hạnh bị cách chức không cho hành nghề báo nữa, mà vụ ông Hồ Chí Minh có vợ – đăng lại báo Nhân Đạo (Pháp) và Nhân Dân (VN) – chỉ là giọt nước đầy…”
Nhà báo Binh Nguyên chọn cách trình bày suy nghĩ của ông về ngày báo chí cách mạng thoáng qua trong một trạng thái viết về cha của ông, nhà báo Nguyễn Văn Binh:
“Năm nay Ngày của Cha – Father’s Day trùng với ngày Báo chí 21.06, mấy hôm trước nhận được tấm ảnh rất qúy của cha mà anh Bùi Thanh gởi tặng.
Tấm ảnh chụp năm 1974, cha chỉ mới hơn 40 tuổi, đã là dân biểu – trưởng nhóm dân biểu đối lập Hạ nghị viện VNCH và đồng thời là Chủ tịch Ủy ban tranh đấu và tự do báo chí – xuất bản và tấm bảng cha mang có dòng chữ ‘Tần Thủy Hoàng đốt sách giết học trò, Ng.V.Th (Nguyễn Văn Thiệu – tổng thống VNCH) giết chết tự do báo chí…’.
Mình làm báo đã gần 30 năm, nhưng chưa một lần có những hành động dũng cảm, cương trực như cha”.
Kết cục tự nhiên của một nền báo chí tuyên truyền là như thế. Điều này đã xảy ra ở các nước cựu XHCN ở Đông Âu. Chỉ khác thời điểm này, khi Internet trở nên môi trường kết nối và trao đổi thông tin, thì mọi gian dối, tệ hại bị phơi bày nhanh hơn và rõ hơn thôi.
GNsP
Không có nhận xét nào: