Thiện Ý: Việt Nam Đã Và Đang Đi Về Đâu? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 6, 2015

Thiện Ý: Việt Nam Đã Và Đang Đi Về Đâu?

Thiện Ý: “Việt Nam đã và đang đi về đâu?” Cho đến lúc này, câu trả lời tổng quát là “Việt Nam đã và đang đi đến dân chủ” hay là con đường tranh đấu cho mục tiêu, hiện thực lý tưởng mà người Việt Nam không cộng sản theo đuổi trong nhiều thập niên qua đã và đang đi dần đến chiến thắng sau cùng.

Nhưng cái khó là không phải chỉ lý luận, lý giải, mà còn phải chứng minh bằng các sự kiện lịch sử và thực tiễn có tính thuyết phục, để cả những người Việt nam không cộng sản, cũng như những người Việt Nam cộng sản, đều phải nhìn nhận đó là sự thật sẽ hiện thực trong tương lai.

Thực ra, vấn đề “Việt Nam đã và đang đi về đâu” là một câu hỏi đã được nhiều người, trong nhiều thế hệ nằm trong dòng sinh mạng dân tộc đặt ra từ lâu, trong bối cảnh cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam mà cho đến nay đang ở giai đoạn cuối cùng. Ðã có nhiều lời giải đáp, mà lời giải đáp của cá nhân chúng tôi cũng chỉ là một trong nhiều lời giải đáp.

Chúng tôi xin được lần lượt trình bầy một cách khái quát:

I/-LỜI GIẢI ÐÁP ẤY ÐƯỢC ÐƯA RA TỪ KHI NÀO VÀ LÝ GIẢI RA SAO?

Lời giải đáp này của chúng tôi có được, xuất phát từ thực tế do sự kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam không bình thường, đã đưa đến suy tư để tự tìm ra lời giải đáp cho những băn khoăn thắc mắc cá nhân:

1/- Rằng vì sao cuộc chiến tranh Việt Nam khốc liệt kéo dài như thế (1954 – 1975) mà lại kết thúc nhanh gọn như vậy?

2/-Rằng sự kết thúc chiến tranh không bình thườnng như vậy, phải chăng là do nhu cầu cần thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của Hoa Kỳ nói riêng, các cường quốc nói chung?

3/- Rằng nếu đã là do nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới (hay còn gọi là chiến lược toàn cầu mới), thì cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế không thể coi là thắng lợi của phe này (Cộng sản) đối với phe kia (Quốc gia). Vì thực tế, Quốc chưa đánh đã “di tản chiến thuật”, với tốc độ rút quân nhanh hơn tốc độ tiến công của Cộng. Có đánh đâu mà thắng với thua?

4/- Và rằng như thế thì Việt Nam đã và đang đi vào thế chiến lược quốc tế mới đó như thế nào?

Bằng những kiến thức hữu hạn, tài liệu tham khảo hạn chế, kinh nghiệm sống và sự quan sát suy luận trên các dữ kiện, biến chuyển lịch sử và thực tiễn thế giới và Việt Nam, chỉ vài năm sau khi cuộc chiến chấm dứt (1977), chúng tôi đã tìm cách lý giải các vấn nạn trên để đi đến một xác tín sau cùng bằng niềm lạc quan tin tưởng hướng về tương lai Việt Nam. Tương lai ấy là gì?

“Ðó là một tương lai tươi sáng, đầy triển vọng tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam, sau một quá khứ đen tối dưới sự kềm kẹp của ngoại bang, với chiến tranh, độc tài, hận thù, đói nghèo và tủi nhục. Một tương lại trong đó sẽ thực hiện được lý tưởng, ước mơ, hoài bão của nhiều thế hệ dân Việt đã và đang nỗ lực hướng tới. Nghĩa là một tương lai sẽ hình thành được một chế độ dân chủ đích thực, một đất nước phát triển toàn diện đến giầu mạnh, văn minh, tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân lọai. Một tương lai trong đó mọi người dân Việt được sống trong hòa bình, ổn định, đoàn kết yêu thương, tự do, công bình và ấm no hạnh phúc. . .” (1)

Lời giải đáp được lý giải, chứng minh của chúng tôi ngay trong thời khỏang này (40 năm sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc) vẫn là Việt Nam nhất định sẽ đi đến dân chủ, sau một quá trình thời gian phù hợp với nội dung, các bước tiến theo chiều hướng của một thế chiến lược toàn cầu mới. Ðó là quá trình 3 bước:

- Bước 1: Triệt tiêu các chế độ cực hữu toàn cầu nói chung, tại Việt Nam và Ðông Dương nói riêng (vốn là công cụ chiến lược cũ không còn thích dụng). Bước này đã hoàn tất nhanh gọn tại Việt Nam vào ngày 30-4-1975 với sự cáo chung chế độ cực hữu Việt Nam Cộng Hòa (VNCH); tại Campuchia với sự sụp đổ của chế độ Cộng hòa Campuchia ngày 17-4-1975, và tại Lào với sự tiêu vong của chế độ Phouma trung lập thân Mỹ vào ngày 2-12-1975.

- Bước 2: Triệt tiêu các chế độ cực tả toàn cầu nói chung, tại Việt Nam và Ðông Dương nói riêng (cũng là nhân tố chiến lược cũ không còn thích dụng). Bước này đã và đang diễn biến trên phạm vi toàn cầu. Đó là sự đã tiêu vong của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu; đã và đang tiêu vong về mặt bản thể ở mức độ khác nhau tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cũng như các nước CS khác còn sót lại như Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên. Tất cả chỉ còn cái vỏ cộng sản đang từ từ biến chất và biến thể hoàn toàn ở cuối quá trình tiêu vong.

- Bước 3: Hình thành các chế độ dân chủ trung lập, phi liên kết, theo nghĩa đối ngọai đa phương trên nền tảng lợi ích các mặt và hai bên cùng có lợi (ít nhiều), phi ý thức hệ, thiên về chủ nghĩa thực dụng, phù hợp với nhân tố chiến lược mới: hòa bình, ổn định và trung lập (Ðã hình thành chế độ dân chủ có mức độ khác nhau tại Liên Xô và các nước cộng sản cũ ở Ðông Âu; lượng dân chủ đã và đang hình thành và thay thế dần lượng độc tài cộng sản, đã và đang đưa chế độ độc tài toàn trị CS trên đà tiêu vong tại Việt Nam) (2).

Từ lý luận đến thực tiễn, Việt Nam đã và đang đi vào thế chiến lược quốc tế mới như thế nào, qua quá trình 3 buớc trên đây, ai cũng có thể kiểm chứng được qua các sự kiện thực tế xầy ra từ sau ngày 30-4-1975 đến nay.

Trên bình diện lý luận, Việt Nam đang ở trong thời kỳ quá độ từ chế độ độc tài toàn trị cộng sản giả hiệu (đã tiêu vong về mặt bản thể chỉ còn cái vỏ XHCN) tiến đến chế độ dân chủ pháp trị (đã hình thành theo đà tiêu vong của độc tài toàn trị). Chế độ dân chủ pháp trị sẽ hoàn tất ở cuối quá trình chuyển đổi này khi “lượng dân chủ” tích lũy thừa đủ thay thế “lượng độc tài” (theo duy vật biện chứng: lượng đổi, chất đổi). Ðây là sự chuyển đổi trong hòa bình mà người CSVN dù biết vẫn không thể cưỡng lại được, nên ngoài miệng thì vẫn tố cáo và cảnh giác cán bộ đảng viên chống lại cái gọi là “âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”, song chân vẫn phải chạy theo diễn biến này. Vì sao? Vì họ biết rằng “diễn biến hòa bình” là xu thế tất yếu của thời đại (dân chủ hóa toàn cầu về chính trị, thị trường tự do hóa toàn cầu về kinh tế), có muốn cũng không thể cưỡng lại được nên chỉ còn cách “câu giờ” kéo dài thêm thời gian độc quyền thống trị và thụ hưởng các ưu quyền đặc lợi cho gia cấp cán bộ đảng viên CS thêm ngày nào tốt ngày ấy.

Vậy thì Việt cộng chỉ còn cách thực hiện chính sách hai mặt: Một mặt bên ngòai vẫn phải tỏ ra chống “diễn biến hòa bình” bằng miệng cho phù hợp với lý luận của “chủ nghĩa Marx – Lenine” vẫn đang được giai cấp thống trị dùng làm nền tảng tư tưởng ảo (thêm tư tưởng Hồ Chí Minh) cho chế độ (vì không thể xoay ngay 180 độ ); đồng thời cũng cố kéo dài thêm thời gian chuyển đổi theo chiều hướng mới để có thêm thời gian thống trị độc quyền; để có điều kiện thủ lợi được nhiều và dễ dàng hơn thời gian tương lai sau khi chuyển đổi qua chế độ dân chủ cai trị bằng pháp luật. Vì vậy trên thực tế, giai cấp thống trị CSVN vẫn tỏ ra sẵn sàng đi theo chiều hướng mới bằng con đường “đổi mới”, theo một tốc độ phù hợp là để giữ được an toàn quyền và lợi cho đến cuối quá trình chuyển đổi chế độ thành chế độ dân chủ pháp trị.

Trên thực tế, sự chuyển đổi chế độ chính trị kính tế tại Việt Nam bằng “diễn biến hòa bình” (theo cách gọi của người cộng sản) hay bằng “cuộc cách mạnh nhung” (theo thuật ngữ của các nước dân chủ Phương Tây) đã và đang diễn biến như sau:

Trong môi trường “mật ngọt kinh tế thị trường”(lấy ý tục ngữ “ngọt mật chết ruồi” là thuật ngữ chúng tôi dùng) ba tiến trình này đã và đang xẩy ra (ai cũng kiểm chứng được qua thực tế):

- Một là các cán bộ đảng viên cộng sản đã và đang được “tư sản hóa” (làm giầu bằng mọi cách: kinh doanh hợp pháp, móc ngoặc, tham nhũng, đục khoét của công. . . để trở thành các nhà “tư sản đỏ”, “tư bản xám”) và dân thường cũng được tư sản hóa (với các nhà “tư bản trắng”), hình thành giai cấp tư bản (đỏ, xám và trắng) trong nước phù hợp với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa (Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là luận diểm láo khoét, lừa bịp dân và lừa bịp lẫn nhau của Việt cộng).

- Hai là nhà nước CS Việt Nam hiện nay đã và đang được “tư bản hóa” từng bước (giải tư các công ty quốc doanh, phát triển các công ty tư bản ngọai quốc và tư nhân trong nước. . . thị trường tự do hóa)

- Ba là chế đô CSVN đã và đang dược dân chủ hóa từng bước (thực tế nay đã có dân chủ hơn so với 10 hay 20 năm trước đây, đã có tiếng nói đối lập, phê phán công khai chế độ, biểu tình có mức độ và cường độ gia tăng theo thời gian. . .). Theo nhận định và dự kiến của chúng tôi tiến trình này được thể hiện qua 3 thời kỳ: Thử nghiệm dân chủ (1995 – 2005), thực tập dân chủ (2005 – 2015), và hình thành chế độ dân chủ đa nguyên (từ sau năm 2015) .Tất nhiên, đây chỉ là một dự kiến chính trị sẽ không hoàn toàn chính xác về thời gian như dự báo khoa học (3).

Ðể góp phần thiết lập và thúc đẩy quá trình chuyển đổi hòa bình cơ cấu chính trị và kinh tế tại việt Nam, các cường quốc dân chủ nói chung, các cường quốc (G.8) nói riêng đã thực hiện chính sách hai mặt theo kiểu “bàn tay nhung và bàn tay sắt” hay là chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ (đầu tư, viện trợ – dân chủ, nhân quyền).

Một mặt hổ trợ tài chánh cho nhà cầm quyền tồn tại và phát triển theo hướng thiết lập cơ cấu kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Hổ trợ song phương (với một quốc gia giúp Việt Nam) hay đa phương (với nhiều quốc gia), trực tiếp hay gián tiếp qua các tổ chức phát triển vùng (ASEAN)). Hay qua các cơ quan tài chánh quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế…). Mặt khác, tấn công chế độ bằng vũ khí “dân chủ, nhân quyền” như một áp lực thúc đẩy chế độ phải đi đúng theo chiều hướng mới (dân chủ hóa, thị trường tự do hóa) nếu muốn nhận sự trợ giúp tài chánh để phát triển và có cơ hội làm giầu cho giai cấp thống trị.

Theo nhận định của chúng tôi, sở dĩ tập đoàn thống trị CSVN hiện nay chịu chấp nhận con đường đổi mới theo chiều hướng của chiến lược toàn cầu mới, vì biết rằng các thế lực khuynh đảo quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ, dường như “không muốn lật đổ họ bằng bạo lực để thay thế” mà chỉ muốn “cải tạo họ một cách hòa bình” thành một “công cụ chiến lược quốc tế mới trong vùng”(như công cụ cận kề gián chỉ tham vọng bành trướng của Trung Quốc chẳng hạn…). Và vì vậy, trên thực tế CSVN đã chịu “uốn mình” theo chiều hướng mới, để quyền và lợi của giai cấp thống trị vẫn được bảo đảm.

Thực tế là, thế hệ CS già nua thường được cho nắm quyền và hưởng bổng lộc cho đến tuổi về hưu an hưởng tuổi già cho đến chết, với tài sản bòn rút được lúc nắm quyền; thế hệ đảng viên tại chức đương quyền thì được cho đi tham quan, tu nghiệp ngắn hạn dài hạn ở các nước dân chủ tư bản, nhiều nhất là được tham quan, tu nghiệp ở Mỹ. Con cái cán bộ đảng viên CS và cả con cái giai cấp dân giả giầu có được du học đông đảo ở các nước tư bản dân chủ, nhiều nhất vẫn là tại Hoa Kỳ. Ðây là nỗ lực cải tạo nhân sự lãnh đạo tại chức tại quyền, đào tạo giai cấp lãnh đạo mới cho một cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội mới (chế độ dân chủ - kinh tế thị trường tự do). Nghĩa là chiều hướng mới đã và đang tạo điều kiện và nhân tố mới để đưa Việt Nam vào quỹ đạo của chiến lược toàn cầu mới một cách hòa bình.

Nói cách khác, các cường quốc nói chung, Hoa Kỳ nói riêng đang thực hiện chủ trương, chính sách cải tạo cơ cấu và nhân sự của chính quyền chế độ hiện tại thành công cụ chiến lược mới, không ủng hộ chủ trương dùng bạo lực lật đổ, thay thế (Vì không muốn gây đổ vỡ, xáo trộn; và vì dù có muốn cũng không thể thực hiện được do không có một lực lượng đối trọng với đảng CSVN khả dĩ đủ mạnh để làm công việc lật đổ).

II/-KẾT THÚC QUÁ TRÌNH: VIỆT NAM SẼ ÐI ÐẾN DÂN CHỦ NHƯ THẾ NÀO?

Theo dự kiến của chúng tôi, thì Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của quá trình đi vào quỹ đạo của thế chiến lược quốc tế mới. Nghĩa là quá trình hình thành một chế độ chính trị “dân chủ pháp trị đa đảng và cơ cấu kinh tế thị trường tự do”. Quá trình này sẽ kết thúc bằng hai cách:

1.- Một là nếu đảng CSVN tỏ ra khôn ngoan hơn, biết dừng lại đúng lúc, họ vẫn có thể bảo vệ được quyền và lợi cho một tập đoàn thống trị trong quá trình chuyển đổi và sau khi chuyển đổi chế độ từ độc tài toàn trị độc đảng qua dân chủ pháp trị đa đảng, đảng CSVN vẫn có chỗ đứng và tiếng nói trên chính trường (tương tự như ở Nga và các nước cựu cộng sản Ðông Âu). Nghĩa là, ở cuối quá trình chuyển đổi, nếu đảng CSVN chủ động kết thúc quá trình bằng sự tự giác từ bỏ độc quyền thống trị, một mình đi bước trước hay cùng với các lực lượng chính trị quốc gia, dân tộc, dân chủ thiết lập một thể chế chính trị dân chủ pháp trị đa đảng.

Hành động cụ thể khả tín là chủ động tự mình tuyên bố tu chỉnh hay hủy bỏ toàn bộ bản hiến pháp hiện hành, làm bản hiến pháp mới hay sửa đổi biến cải bản hiến pháp hiện hành thành bản hiến pháp dân chủ đa đảng, song song với việc trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị và chấm dứt mọi hành vi bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến hay vì lý do tôn giáo. Ðồng thời, điều chỉnh các văn kiện lập pháp và lập quy cho phù hợp với thể chế dân chủ đa đảng, song song với việc thực thi, tôn trọng, bảo vệ các quyền tự do dân chủ và các nhân quyền cơ bản. . .

Tất cả nhằm hình thành khung cảnh dân chủ đa nguyên, tiền đề chế độ dân chủ pháp trị và tạo niềm tin cho các lực lượng chính trị quốc gia, dân tộc dân chủ (về sự thực tâm của người CS) để bước vào sân khấu chính trị tranh cử với đảng cộng sản (nếu còn giữ nguyên tên đảng) hay đảng của những cựu đảng viên cộng sản (nếu biến thể thay tên khác). Trong điều kiện này, các chính đảng thuộc mọi khuynh hướng có thể nắm quyền bằng phương thức dân cử thông qua các cuộc ứng cử, tranh cử và bầu cử tự do. Nếu đảng cộng sản vẫn là một chính đảng mạnh, được nhân dân tín nhiệm, họ vẫn có thể tiếp tục nắm quyền. Tất nhiên, dù đảng cộng sản nắm quyền hay bất cứ chính đảng nào khác cũng phải cai trị theo hiến pháp và luật pháp chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng đã được ban hành.

2.- Hai là, nếu những người CSVN ngoan cố bám lấy quyền hành, trong điều kiện lượng dân chủ đã tích lũy thừa đủ, thì họ sẽ bị lật đổ bằng chính sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nghĩa là, vào thời điểm đó, mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền CSVN đã không còn là mâu thuẫn với một vài giai cấp trong xã hội, mà trở thành mâu thuẫn đối kháng với mọi giai cấp, với toàn xã hội, giai cấp cầm quyền (là đảng CSVN) sẽ bị cô lập, sẽ tạo ra tiền đề sụp đổ cho chế độ mà chính Lenine đã chỉ ra rằng khi “tình thế cách mạng chín muồi” cách mạng quần chúng nhằm lật đổ chính quyền sẽ nổ ra và chắc chắn thành công. Vì trong tình thế này thì chính sức mạnh vùng lên của nhân dân sẽ quật ngã họ, lúc đó các công cụ bảo vệ chế độ chuyên chính (quân đội, công an…) sẽ đứng về phía nhân dân, sẽ quay súng bắn vào đầu những kẻ cầm quyền độc tài ngoan cố hay sẽ bỏ chạy để mặc làn sóng biểu tình của nhân dân ào lên đè bẹp giai cấp cầm quyền bằng sức nặng của số đông chứ không cần sức mạnh của bạo lực quân sự.

Ðây không chỉ là lý luận Marx - Lenin về đấu tranh cách mạng mà là một thực tế đã xẩy ra tại Liên Xô vào cuối thập niên 1990, khi nhân dân Liên Xô bao vây trụ sở Duma (Hạ viện). Lúc ấy, dân chúng ào lên, quân đội, công an, mật vụ vốn là công cụ bảo vệ nền chuyên chính vô sản Xô viết thiết lập hơn 70 năm ở đất nước này(1917-1991), đã bỏ chạy, chế độ Xô viết đã sụp đổ tan tành, kéo theo sau đó sự tiêu vong của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu, để cùng hình thành chế độ dân chủ pháp trị đa đảng, với cơ cấu kinh tế thị trường tự do như hiện nay,

Việt Nam rồi cũng sẽ có một ngày như thế, nếu… Bởi vì, cây cổ thụ “Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết” và các cành cỡ bự như các nước “xã hội chủ nghĩa Ðông Âu” còn bị “chiều hướng mới không thể đảo ngược” bứng trốc rễ, thì cành nhỏ èo uột như “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” phỏng còn tồn tại được bao lâu nữa?

III/- KẾT LUẬN:

Tựu chung, để trả lời cho câu hỏi“Việt Nam đã và đang đi về đâu?”, chúng tôi có thể khẳng định một cách có căn cứ rằng, “Việt Nam đã và đang đi đến dân chủ và nhất định phải đi đến dân chủ, trên sự tiêu vong từng bước về mặt bản thể chế độ độc tài tòan trị CS (giả danh và giả hiệu)” hiện nay tại Việt Nam

(Xin được mở dấu ngoặc để giải thích: Vì sao trong nhiều bài viết chúng tôi thường đi kèm tính từ “giả danh” sau cụm từ “Đảng viên CS” hay “giả hiệu” sau đảng CS, hay chế độ cộng sản, vì thực tế Việt Nam không hề có đảng viên cộng sản, của một đảng cộng sản, cũng không có chế độ cộng sản theo đúng lý luận lừa mị của chủ nghĩa cộng sản. Tất cả tập đòan thống trị hiên nay chỉ là những kẻ giả danh, giả hiệu theo kiểu gian thương “treo đầu dê bán thịt chó”) .

Vậy thì, do đâu chúng tôi dám khẳng định mà không sợ sai lầm rằng “Việt Nam đã và đang đi đến dân chủ và nhất định phải đi đến dân chủ, trên sự tiêu vong từng bước về mặt bản thể chế độ độc tài toàn trị CS” hiện nay. Vì đó là một tất yếu lịch sử. Chiều hướng mới không thể đảo ngược (dân chủ tất thắng độc tài, môi trường “mật ngọt kinh tế thị trường” sẽ làm tiêu vong cộng sản tịnh tiến). Vấn đề chỉ còn là thời gian và thời gian ấy đến mau hay chậm là tùy thuộc vào cường độ tác dụng của các lực đẩy lực xoay cùng chiều trên đây. Chính những lực đẩy lực xoay cùng chiều này sẽ làm cho trái sung cộng sản rơi rụng sớm hơn dù chưa chín muồi; hay những “con ruồi cộng sản” sẽ phải giãy chết trong “môi trường mật ngọt kinh tế thị trường”.

Thiện Ý
Houston, ngày 15-6-2015

Chú thích:

- (1), (2) và (3): Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới (VNTTCLQTM) được ấn hành lần đầu vào tháng 4-1995. Trong lần tái bản thứ hai năm 2005, sách đã được giới thiệu tại Houston, Texas (tháng 4-2005) do Báo Luật pháp & Đời sống tổ chức và ở Orange County, California (tháng 5-2006) do một số luật sư, văn nghệ sĩ tổ chức, trong một buổi sinh hoạt chủ đề “Việt Nam Con Đường Chúng Ta Đi”. Tại Houston tài liệu này đã được Gs.Tạ Văn Tài, nguyên Giáo sư các trường Luật Việt Nam trước 30-4-1975, hiện là luật sư hành nghề tại Hoa Kỳ, và Nhà truyền thông Lê Văn giới thiệu. Tại Orange County tài liệu này đã được các Luật sư Lâm Lễ Trinh, Nguyễn Phương Minh (Đỗ Thái Nhiên), Trần Sơn Hà, học giả Trần Phong Vũ và giáo sư Thi sĩ Thái Anh Duy lần lượt giới thiệu.

- Xin vào Web Site của Câu Lạc Bộ Luật Khoa: luatkhoavietnam.com, mục “Diễn đàn”, tiểu mục “Tác giả-Tác phẩm” để đọc toàn tác phẩm; và vào Tiểu mục “Hội luận-Phỏng vấn”để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả đã phát thanh về Việt Nam vào tháng 5 năm 1995 nhân dịp ra mắt VNTTCLQTM lần đầu tại Houston, Texas, Hoa Kỳ (tháng 4-1995).

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Thiện Ý: Việt Nam Đã Và Đang Đi Về Đâu? Reviewed by Unknown on 6/18/2015 Rating: 5 Thiện Ý : “Việt Nam đã và đang đi về đâu?” Cho đến lúc này, câu trả lời tổng quát là “Việt Nam đã và đang đi đến dân chủ” hay là con đườ...

Không có nhận xét nào: