Lao Động Việt chia sẻ với bạn một số kinh nghiệm về cách tổ chức đình công.
Đã đi làm, có ai muốn đình công đâu. Để đừng có đình công, lẽ ra công đoàn phải bênh quyền lợi của công nhân, nhưng họ chỉ bảo vệ quyền lợi của chủ, vì họ là công đoàn của nhà nước không phải của chúng ta.
Vậy, nếu không thể chịu đựng thêm nữa, thì chúng ta chỉ còn cách đình công. Thường thì trước khi đình công, công nhân bị bóc lột thậm tệ, bị bắt tăng ca, không đảm bảo lương bổng và an toàn lao động, nhưng sau đình công thì cải thiện ít nhiều.
Trong bài này, LĐV chia xẻ với bạn một số kinh nghiệm về cách tổ chức đình công.
Bước 1: Thăm dò ý kiến công nhân. Dĩ nhiên, bạn không nên làm một cách ồn ào. Với bạn hữu, bạn hỏi thẳng, với người chưa quen thì hỏi khéo léo, thí dụ lắng nghe họ nói về vụ đình công ở công ty khác.
Sau khi thăm dò, nếu bạn nghĩ một số người sẽ cùng bạn tổ chức đình công, và nhiều người sẽ tham gia đình công, thì bạn mới tiến tới.
Bước 2: Chọn ngày đình công. Nên chọn ngày dễ cho công nhân (thí dụ, sau ngày phát lương) để công nhân cầm cự được lâu, và khó cho công ty (thí dụ, trước ngày giao hàng) để công ty không thể chờ lâu được.
Bước 3: Quyết định đòi gì cụ thể, và viết xuống. Thí dụ, “Chúng ta đình công để đòi công ty: 1-Trả các tháng lương còn nợ 2-Tăng lương ..%”.
Viết xong, hãy đọc lại và bàn với nhau: Nếu công ty chỉ nhân nhượng điều này nhưng bỏ điều nọ, thì tập thể công nhân có sẽ chấp nhận không?
Chỉ nên đòi những gì đa phần công nhân đều nhất định muốn. Nếu đòi quá nhiều điều, khi công ty nhượng bộ một phần thì công nhân sẽ bị chia rẽ, có người muốn tiếp tục đình công, có người không.
Tờ giấy nói trên, sau khi đánh máy lại, cũng dùng để phổ biến trong tập thể công nhân. Các bạn viết “Mọi người chúng ta sẽ đình công” thay vì “Chúng tôi kêu gọi mọi người tham gia đình công”, vì sau cuộc thăm dò trên đây thì những gì các bạn viết đã phản ảnh ý muốn của tập thể công nhân rồi.
Công nhân đang đọc truyền đơn. Hình của LĐV |
Bước 4: Phổ biến. Cách tốt nhất để phổ biến là truyền miệng, nhất là nếu nhiều công nhân sống gần nhau. Nhưng truyền miệng có thể sẽ không đủ nếu công nhân quá đông. Các bạn cũng có thể truyền tay tờ giấy nói trên và, nếu điều kiện cho phép, để tờ này ở vài điạ điểm. Nếu các bạn biết số điện thoại của một số công nhân thì hãy mua sim để gởi tin nhắn, thí dụ “Tat ca chung ta se dinh cong bat dau tu ngay mai de doi tang luong 15%”.
Bước 5: Khi cuộc đình công bắt đầu rồi, thường thì lúc này các viên chức công đoàn cùng phái đoàn nhà nước đến để vừa vuốt ve vừa hù doạ nhằm dập tắt đình công. Có thể công ty sẽ nói muốn tìm những người đại diện cho công nhân, ngoài mặt nói là để đàm phán, nhưng cũng là để đuổi việc. Nếu những điều các bạn viết đã phản ảnh đúng nguyện vọng của tập thể, thì tự nhiên nhiều công nhân sẽ lên tiếng nói lên những điều đó.
Bước 6: Làm cách nào để tiếp tục hoặc chấm dứt đình công? Khi cuộc đình công đang tiếp diễn, các bạn nên nói chuyện với nhiều công nhân để quyết định ngày mai nên chấm dứt đình công hay chưa, bằng cách cân nhắc giữa một bên là: Công nhân có hài lòng với những gì công ty đưa ra không?, bên kia là: Công nhân còn cầm cự được bao lâu nữa (còn công ty thì sao)?
Sau đó, các bạn phổ biến quyết định này bằng cách truyền miệng, nhất là với những công nhân có uy tín. Và cũng có thể dùng sim gởi tin nhắn như trên. Nếu rải tờ rơi thì tránh những chỗ trước đây đã rải, vì có thể công ty cùng nhà nước đang dòm ngó.
Bước 7: Sau khi cuộc đình công chấm dứt, bạn làm gì? Lúc này, các bạn không nên yên lặng mà cần phải nêu nổi bật những lợi ích đã đạt được, cũng bằng cách truyền miệng, dùng tin nhắn, và nếu cần thì rải tờ rơi.
Mục đích của các bạn lúc này là nuôi dưỡng tinh thần đồng đội trong nhóm công nhân tổ chức đình công, cũng như tinh thần đoàn kết của mọi công nhân. Làm vậy thì các bạn dọn đường để sau này đòi thêm những gì lần này chưa được.
* * *
Khi bắt tay vào việc thì còn có nhiều chi tiết nữa. Lao Động Việt sẵn sàng chia xẻ kinh nghiệm thêm với bạn, xin mời bạn đến trang mạng LaoDongViet.org hoặc gởi email đến chao@laodongViet.org. Chúc các bạn thành công.
Không có nhận xét nào: