Phái đoàn của khối quốc hội liên bang tìm hiểu về tình trạng đàn áp Ki-tô-hữu tại Việt Nam
Việt Nam đang trải qua những tiến bộ kinh tế rất nhanh nhưng trong lãnh vực dân chủ, nhân quyền và nhất là tự do tôn giáo vẫn còn những yếu kém. Chủ tịch khối quốc hội liên bang của hai đảng Thiên Chúa Dân Chủ và Thiên Chúa Xã Hội (CDU / CSU) ông Volker Kauder đang ở Việt Nam để tìm hiểu tình hình tại chỗ.
Nơi đây đề tài đàn áp Ki-tô-hữu cũng đóng vai trò quan trọng như đề tài thực thi nhân quyền. Cho dù tình hình mới đây có vẻ bớt căng thẳng, Kauder vẫn đưa vấn đề này ra tại Hà Nội – và để thí nghiệm, ông mời những người đấu tranh cho nhân quyền bị bắt bớ sang Đức Quốc. Cả những người đại diện cho đảng Cộng Sản cũng được mời.
Trước đó, vẫn không chắc là cuộc gặp gỡ có diễn ra được hay không, và nếu có, tất cả những khách được mời có thể đến được không. Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân vừa ra khỏi tù cách đây vài tháng cũng như người cùng chí hướng là luật sư Nguyễn Văn Đài, đã bị tù mấy năm và bị quản thúc. Vị khách thứ ba là Anh Chí, người mà được các cơ quan nhà nước “chiếu cố” một cách mãnh liệt. Nhưng sau cùng cả ba đã ngồi chung một bàn tại khách sạn Metropole - một vị trong họ, trên đường đến khách sạn, đã được cảnh sát ân cần mời đi uống cà-phê, nhưng người này đã cám ơn và từ chối.
Bây giờ những người phê bình có thể trao đổi với nhau qua Facebook
Tại Việt Nam đang có những chuyển động. Cả ba người khách đều để lại ấn tượng này trong buổi đàm thoại với phái đoàn của ông Kauder, trong đó có ông Michael Grosse-Brömer và ông Bernhard Kaster (quản lý viên quốc hội của khối CDU/CSU) cũng như bà Marie-Luise Dött (phát ngôn viên của khối CDU/CSU về chính sách môi sinh). Đảng Cộng Sản vẫn độc quyền thống trị không giới hạn. Sắc thái của thành phố Hà Nội vẫn còn được khắc ghi bởi những lá cờ đỏ búa liềm. Nhưng có những cuộc biểu tình chống lại vụ chặt cây xanh. Qua Facebook những người dân biết nhận xét có thể trao đổi với nhau, mặc dù chính phủ thường xuyên nhúng tay vào mạng lưới thông tin toàn cầu.
Nguy cơ bị bỏ tù không làm người đấu tranh cho nhân quyền sợ hãi
Lê Quốc Quân nhận thấy có nhiều cơ hội hơn cho dân quyền tại Việt Nam, mặc dầu vẫn còn một số những nhà phê bình chế độ bị đánh nhừ tử và bị hành hạ. Với mức độ mà Việt Nam cởi mở thì đảng Cộng Sản phải ưng chuẩn nhiều tự do hơn – đây là niềm hy vọng. Lê Quốc Quân cho rằng: “Hiện nay đang có những cơ hội thuận lợi”. Riêng ông sẽ vẫn tiếp tục tranh đấu cho “dân chủ, tự do báo chí , tự do ngôn luận và tự do tôn giáo”. Viễn cảnh có thể phải vào tù lại không làm ông sợ hãi. Cả ba vị tranh đấu cho nhân quyền đều nghĩ rằng nên có những bài tường trình về cuộc gặp gỡ này. Rõ ràng là họ hy vọng có được sự an toàn cá nhân hơn khi tên tuổi của họ cũng được biết đến tại Đức Quốc. Họ phàn nàn là không được phép xuất ngoại. Họ không được cấp giấy thông hành. Kauder muốn dọn đường cho họ qua nước Đức. Ông mời họ qua thăm Đức Quốc. Trong cuộc gặp gỡ với cấp lãnh đạo chính trị - trong đó có Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh – ông nhấn mạnh, để tiếp tục phát triển mối tương giao với Đức Quốc thì tình trạng nhân quyền cần được cải thiện khẩn cấp.
Kauder nêu lên những yếu kém trong lãnh vực tự do tôn giáo tại Việt Nam
Hầu như trong mọi chuyến công du ở ngoại quốc Volker Kauder đều đặt vấn đề tự do tôn giáo. Đây cũng là lãnh vực mà Việt Nam còn những yếu kém. Thí dụ như Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn không phải là người sau cùng than phiền rằng người công giáo phải chịu những thiệt thòi trong công ăn việc làm. Chẳng hạn trong các cơ quan hành chánh họ thường không được thăng cấp.
Những giáo sĩ khác cho biết họ bị cản trở khi xây nhà thờ. Tiến trình chuẩn y đôi lúc kéo dài hàng mấy chục năm. Đức Tổng Giám Mục phàn nàn giáo hội công giáo không được mở trường học. Mặt khác theo như được biết thì cách trình bày thánh lễ không bị can thiệp vào.
Trong chương trình cũng có một cuộc gặp gỡ với chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (một kiểu tổ chức chỉ huy các nhóm xã hội khác trong Nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), ông Nguyễn Thiện Nhân. Trong một buổi đàm thoại cởi mở ông Nguyễn Thiện Nhân muốn chứng minh rằng tình trạng tự do tôn giáo không đến nỗi tệ, và đưa ra một tập hồ sơ dài 3 trang về tình hình của các nhóm tôn giáo trong nước. Theo tài liệu này thì ngay cả trong quốc hội cũng có những đại diện các tôn giáo.Dựa vào lời tường thuật đầy dữ kiện của người cán bộ này, ông Kauder chụp lấy cơ hội: “Chúng tôi vui mừng vì những mong đợi của chúng tôi được rơi vào những vùng đất phì nhiêu. Một sự cộng tác về mặt kinh tế lâu dài và tốt đẹp cần có những cải thiện trong lãnh vực nhân quyền - cũng như tự do tôn giáo. Về vấn đề này Kauder muốn tiếp tục đối thoại với Nguyễn Thiện Nhân và cũng mời ông đến Đức Quốc.
Bản dịch: Tôn Vinh
Bản gốc bằng tiếng Đức: https://www.cducsu.de/themen/aussen-europa-und-verteidigung/kauder-trifft-menschenrechtler-vietnam.
Không có nhận xét nào: