Bác Sang có trách nhiệm đối với Phương Uyên - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 11, 2012

Bác Sang có trách nhiệm đối với Phương Uyên

Ngô Đình Thu - Sau khi hội nghị Trung ương 6 bàn chuyện cá lòng tong bế mạc thành công mà không đưa ra quyết định nào sáng giá, các ủy viên Bộ Chính Trị và 175 ủy viên trung ương đảng xoa tay hài lòng vì đã thực hiện được câu “đồng hội đồng thuyền, chúng ta tha cho chúng mình” một cách tuyệt vời! Càng thơ thới hân hoan hơn hết là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thoát khỏi kỷ luật.

Nhưng người ngậm bồ hòn làm ngọt có lẽ là ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Vì thế khi trở về Sài Gòn để làm cái việc gọi là “tiếp xúc cử tri”, loại cử tri có chọn lọc, ngày 17/10 bác Sang có dịp bộc bạch nhiều điều nghe qua thì hay mà ngẫm lại chẳng ra gì.

Trước hết ông thừa nhận vấn nạn tham nhũng là “sự thật không thể né tránh”. Đảng và chính quyền làm còn chưa tốt và đã nhận lỗi trước nhân dân. Cái mà người dân cần nghe ông nói là việc lâu nay nhà nước chống được giặc tham nhũng đến đâu thì ông không nói mà ông chỉ nhận lỗi suông. Tuy nhiên, ông Sang cũng “đề nghị toàn dân cùng tham gia đấu tranh chống tham nhũng”. Ông nói: “Chúng tôi có lỗi lớn, nhưng cô bác anh chị cũng phải nghĩ về trách nhiệm của mình, cùng hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng".

"Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào?"

Bác Sang kêu gọi người khác vì trách nhiệm công dân mà mạnh dạn lên tiếng nói thẳng, nói thật cùng đảng chống tham nhũng, nhưng chính bản thân bác ấy không dám mạnh dạn nói ra tên thật của một đồng chí của bác trong Bộ chính trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mà bác Sang chỉ áp dụng lối nói tránh né bằng cách dùng chữ “Đồng chí X” khiến nhiều người dân rất bất bình và nghi ngờ lời kêu gọi thống thiết của chủ tịch nước. Rõ ràng những lãnh đạo cộng sản luôn luôn có lối nói giấu đầu lòi đuôi đáng khinh bỉ như trước đây, cứ giả làm người mù người điếc gọi “tàu lạ” hay “nước lạ” khi nói tới quân xâm lược Bắc Kinh! Họ cứ nghĩ một cách chủ quan là họ nói như thế nào dân sẽ nghe và tin như thế ấy, nhưng họ cố tình không biết thời thế đã đổi thay. Thái độ ấy cũng không có gì đáng ngạc nhiên đối với một “hảo nô lệ” như Hà Nội suốt nhiều thập niên qua. Chẳng những người dân bất bình và nghi ngờ mà đã hoàn toàn mất tin tưởng và chán ghét tất cả những gì mà lãnh đạo cộng sản nói ra.

Ông chủ tịch nước còn khẳng định: "Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”. Có lẽ bác Sang là người quen đứng trên mây chứ dân tộc này đã bị “trù úm” rất lâu rồi. Kể từ ngày đảng được cho ra chào đời tại Hồng Kông ngày 3 tháng 2/1930 với sự tiếp tay đỡ đẻ của đảng Trung Quốc cho đến những ngày tháng gần đây, có bao giờ dân tộc Việt Nam được đảng cho hít thở không khí dân chủ tự do ngày nào? Đảng chẳng những đã trù úm dân tộc này mà còn ra sức bóp nghẹt, kềm kẹp mọi dân quyền bằng hệ thống nhà tù học được từ Liên Xô và Trung Quốc. Những gì gọi là tập trung dân chủ, chuyên chính vô sản, chủ nghĩa xã hội chỉ là hình thức biện minh cho một thể chế độc tài toàn trị xây dựng trên bạo lực.

Trong lúc bác Sang và các bác khác đang trổ tài ba hoa lừa mỵ dân chúng trên báo đài lề phải thì vụ một sinh viên bị công an “bắt cóc” vẫn làm dư luận rất quan tâm lo lắng. Sinh viên Nguyễn Phương Uyên của Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM bị bắt vào khoảng hơn 11 giờ sáng, ngày 14 /10/1992. Có khoảng 10 người mặc thường phục và sắc phục vào bắt cô Phương Uyên và ba người bạn trong nhà trọ đưa đi. Họ chỉ nói là để xác minh một số vấn đề rồi cho về. Cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên lúc đầu bị đưa lên công an Phường Tây Thạnh, sau đó bị giải lên công an Quận Tân Phú, TP HCM và mất tích từ đó đến nay trong khi gia đình không hề được thông báo gì. Những người bạn của Phương Uyên cho biết cô bị bắt vì “làm thơ chống Trung Quốc” và công an thu được những bức hình bất lợi cho cô lúc kiểm tra điện thoại ở phòng trọ.

Nếu chỉ vì “làm thơ chống Trung Quốc” mà bị công an bắt giam, hóa ra chống Trung Quốc xâm lược biển đảo nước ta ngày nay trở thành “chống nhà nước Việt Nam”. Điều này khiến ai cũng thấy đảng và nhà nước Việt Nam không thể chối cãi bản chất chư hầu bán nước của mình. Thay vì đề cao, khuyến khích thanh niên noi gương tiền nhân giữ nước, đảng lại đục bỏ lòng yêu nước, thẳng tay đàn áp bắt bớ thanh niên theo lệnh thiên triều Bắc Kinh. Đảng trả lời sao trước lịch sử và nhân dân?

Sau khi nghe tin con bị bắt, người cha cô Phương Uyên từ Phan Thiết tìm vào công an Phường Tây Thạnh để hỏi tin con gái mình. Công an nói ở đây “không có xảy ra vụ việc đó, không có bắt giam ai hết!" Câu trả lời trắng trợn của công an Phường Tây Thạnh đã tố cáo trước công luận cái pháp quyền xã hội chủ nghĩa lâu nay nhà nước rêu rao là “tốt đẹp gấp triệu lần các nước dân chủ Tây phương” chỉ là mớ giấy lộn. Trong một xã hội mà côn đồ và công an là một đồng một cốt thì số phận của người dân Việt thật bấp bênh không khác lúc nào gươm cũng kề cổ.

Mẹ của nữ sinh viên bị "mất tích" Nguyễn Phương Uyên cũng cùng chồng lặn lội vào Sài Gòn tìm con nhưng cũng thất vọng vì lối trả lời vô trách nhiệm của các cơ quan an ninh. Bà Nguyễn Thị Nhung cũng bày tỏ về con mình trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC: "Với những hành vi ngang tàng bạo ngược của Trung Quốc, xâm chiếm lãnh hải, làm những chuyện không ai mà không biết, thì sinh viên, học sinh suy nghĩ như thế, theo tôi không có gì là nghiêm trọng".

Khi nghe tin con bị giam giữ tại Long An, bà đã làm đơn khiếu nại công an bắt con mình sai pháp luật theo hình thức bắt cóc và khủng bố, không tuân theo tiến trình quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra cơ quan Công an cũng vi phạm các qui định về chế độ tạm giam, khi từ chối cho gia đình gửi dòng chữ: “MẸ YÊU CON” vào cho con mình. Người ta suy nghĩ thế nào về lòng “nhân đạo” của những người cầm quyền khi đối xử một cách vô cảm tình cảm của một bà mẹ đối với một cô gái chưa phải là tội phạm? Chẳng lẽ ba chữ “MẸ YÊU CON” lại là một sự vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự “tuyên truyền chống nhà nước”?

Mới đây, theo thông báo chính thức ký ngày 20/10 của công an tỉnh Long An, nơi đang giam giữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, thì cô bị bắt tạm giam điều tra với tội danh là "tuyên truyền chống nhà nước XHCNVN, theo điều 88 Bộ luật hình sự". Trước những diễn tiến đầy nguy hiểm cho bạn mình, một tập thể sinh viên trường Đại học CNTP bạn học của Phương Uyên đã gởi một “Thư cầu cứu khẩn cấp” cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về trường hợp này.

Bức thư mô tả “Về việc làm của bạn Nguyễn Phương Uyên xét cho cùng tất cả đều xuất phát từ tinh thần yêu nước của tuổi trẻ”. Họ cũng nhắc lại lời của ông Sang trước đây: “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt” cũng như những lời lẽ quyết liệt mới đây trong dịp tiếp xúc với cử tri TP HCM. Các sinh viên ấy cũng tin tưởng chỉ có ông mới giúp được cho bạn họ! Đến đây thì rõ ràng bác Sang phải có trách nhiệm đối với Phương Uyên và sự vi phạm dân quyền của công an đối với những điều đã được ghi trong hiến pháp: tự do ngôn luận, tự do báo chí và các quyền công dân khác được ghi trong hiến pháp 1992. Đây cũng chính là cơ hội bằng vàng để chủ tịch nước thể hiện lòng can đảm của chính mình “làm gương” cho dân chúng, những người mà ông đã hết lời khuyên bảo “đừng sợ” sự sai trái của người cầm quyền.

Nếu chủ tịch nước không sợ bị “trù úm” thì chính ông phải đứng lên bảo vệ một cô gái 20 tuổi yêu nước bị cột vô điều 88 Bộ luật hình sự một cách phi lý. Ông có dám đứng về phía nhân dân không trong khi ngày nay ai ai cũng phải thừa nhận dã tâm xâm lược Việt Nam của Bắc Kinh? Chẳng lẽ bao nhiêu đất đai biển đảo đã bị mất về tay Trung Quốc chưa đủ để mở mắt những người cầm quyền, ngoài việc sống vinh thân phì gia trên lưng của người dân Việt. Bên cạnh đó, tệ tham nhũng trong đảng cầm quyền trở thành chuyện công khai diễn ra hàng ngày hàng giờ, nhưng hệ quả của tai họa mất nước còn khủng khiếp gấp ngàn lần nạn tham nhũng. Tai họa mất ấy càng ngày càng tiến gần và đang hiện diện không chỉ ngoài biển đảo xa xôi mà ngay trong đời sống hàng ngày của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây cũng có lời kêu gọi các cấp cán bộ đảng viên phải có lòng “tự trọng” để không sa vào tham nhũng và phục vụ đất nước tốt hơn. Lời khuyên chí lý ấy nếu áp dụng vào bác Sang tất nhiên bác ấy phải vì lòng tự trọng tối thiểu của một cán bộ cao cấp của đảng mà lên tiếng công khai can thiệp cho Phương Uyên và cho tất cả những người công chính đang bị cầm tù vì đã can đảm nói lên tiếng nói lương tâm của mình. Đó cũng là tiếng nói của lương tâm dân tộc đang bị thế lực đen tối của đảng “trù úm” liên tục hàng chục năm qua.

Nếu thực sự còn có chút lương tâm nào đó, thay vì đi kêu gọi và thúc giục mọi người, bác Sang còn chần chờ gì mà không cứu cô sinh viên Phương Uyên trong cương vị một chủ tịch nước. Một tiếng nói can thiệp công khai của ông Sang ít nhất cũng còn giữ được ít nhiều giá trị về những lời kêu gọi của ông và những lãnh đạo khác gần đây. Kết quả ra sao thì chưa thể biết vì thông thường việc nói và làm của những người cộng sản không bao giờ đi đôi.

Nhưng lần này nếu bác Sang dám lên tiếng, ít ra nó cũng tránh được việc người dân gộp chung những bài diễn văn hùng hồn của chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các trò “nhận lỗi đểu” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng!

Bác Sang có trách nhiệm đối với Phương Uyên Reviewed by Em Binh on 11/15/2012 Rating: 5 Ngô Đình Thu - Sau khi hội nghị Trung ương 6 bàn chuyện cá lòng tong bế mạc thành công mà không đưa ra quyết định nào sáng giá, các ủy ...

Không có nhận xét nào: