Tổ chức này ra tuyên bố nói họ có bằng chứng là chính quyền Việt Nam đã lấy cớ không có thật để kết án các bloggers. |
BBC - Tổ chức Phóng viên Không biên giới chuyên vận động cho tự do thông tin có trụ sở tại Pháp ra thông cáo báo chí nói họ có thể chứng minh là bị cáo Lê Văn Sơn (blogger Paulus Lê Sơn), người vừa bị tòa án Việt Nam kết án 13 năm tù, là vô tội.
Theo họ "ông Paulus Lê Sơn đã không dự sự kiện Việt Tân trong thời gian từ ngày 25 - 30 tháng Bảy, chỉ đơn giản vì ông dự một khóa đào tạo do RSF tổ chức tại Bangkok".
"Khóa học này dành cho các bloggers từ nhiều nước châu Á khác nhau tại Đông Nam Á, là về quản lý và danh tiếng của mạng xã hội", theo RSF (Reporters sans frontieres).
'Xem bằng chứng mới'
"Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bản án đối với ông Paulus Lê Sơn và bảy bloggers khác đồng thời kêu gọi phải thả họ ngay lập tức," RSF tuyên bố.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ, luật sư Trần Thu Nam thuộc Văn phòng luật sư Tín Việt, người tham gia bào chữa cho 7 bị cáo tại phiên xử 14 người hôm 9/1/2013 ở Nghệ An, trong đó có bị cáo Lê Văn Sơn, cho biết ông sẽ tìm cách thẩm định bằng chứng ngoại phạm mới này.
Theo luật sư Trần Thu Nam, ông chỉ biết đến chi tiết mới có chứng cứ ngoại phạm này vào tối ngày 10/1/2013.
Ông cũng cho biết thêm là tổ chức Phóng viên Không biên giới đã qua một người tại thành phố Hồ Chí Minh liên lạc với ông và tổ chức này đã gửi cho ông một bức ảnh ông Lê Văn Sơn ngồi cùng một số người khác, mà RSF nói là trong chương trình đào tạo của tổ chức này ở Bangkok.
"Đây là một chứng cứ nếu có thể xác định được là có thật thì có thể chứng minh bị cáo Lê Văn Sơn không có tội,"
"Tuy nhiên để xem xét chứng cứ đó và để chứng cứ đó được các cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam chấp thuận và cho rằng đó là một chứng cứ có thật thì phải qua một quá trình xác minh và đánh giá chứng cứ," luật sư Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết thêm đã yêu cầu RSF cung cấp bức ảnh đầy đủ và tìm cách liên lạc với những nhân chứng ngồi cùng trong ảnh với ông Lê Văn Sơn, liệu các nhân chứng này có thể đứng ra chứng minh cho ông Sơn được hay không.
Ngoài ra luật sư Nam cũng muốn RSF cung cấp thêm các giấy tờ khác nếu có chứng minh về khoảng thời gian mà theo luận tội của cáo trạng và luận tội của tòa án là ông Sơn đã tham gia sự kiện Việt Tân thì ông Sơn mới có cơ hội được chứng minh là mình vô tội.
Nhiều hạn chế
Vẫn theo luật sư Nam cho biết, mặc dù làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận làm luật sư bào chữa cho các bị cáo ngay từ giai đoạn điều tra (tháng 11/2011) nhưng do điều 58, khoản 1 của Bộ luật hình sự đối với các tội về an ninh quốc gia, luật sư chỉ được tham gia khi giai đoạn điều tra đã hoàn tất, do vậy đã bị hạn chế nhiều trong việc tiến hành bào chữa để bảo đảm các quyền lợi của các bị can.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới nói Lê Văn Sơn không tham dự sự kiện Việt Tân |
Ngay chính tại phiên xử, các luật sư đã đưa ra các luận cứ là các bị cáo không có tội và đề nghị thả tự do cho họ ngay tại tòa nhưng đã không được chấp nhận.
Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã khép án tù nhiều năm cho 14 bị cáo theo Công giáo và Tin Lành vì tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Phiên tòa sơ thẩm được biết kết thúc vào khoảng 16:00 giờ chiều, giờ địa phương, hôm thứ Tư 9/1.
Ba bị cáo Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa và Lê Văn Sơn (Paulus Lê Sơn) bị án cao nhất, mỗi người 13 năm tù giam và tiếp tục chịu lệnh quản chế tại địa phương 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Các bị cáo này đều bị buộc tội hoạt động cho đảng chính trị Việt Tân ở hải ngoại, mà chính quyền trong nước liệt vào dạng tổ chức khủng bố.
Trong số họ có ba sinh viên đang học tại các trường đại học và ba doanh gia.
Theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, "người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; trong khi người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm".
Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội đã ra thông cáo bày tỏ 'vô cùng quan ngại' và kêu gọi chính phủ Việt Nam 'trả tự do cho các cá nhân này và tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức'.
Trong khi đó, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch khu vực châu Á cũng lên tiếng bất bình và gọi các cáo buộc hình sự này là 'hoàn toàn xa rời thực tế và chỉ càng phác họa sự thiếu khoan dung của chính quyền đối với những người bày tỏ ý kiến khác với ý kiến chính thống'.
Không có nhận xét nào: