VRNs (21.01.2014) – Sai Gon – Hôm qua, ngày 20.01.2014 lúc 8 giờ sáng, tại nhà thiếu nhi quận Thủ Đức, Tòa án nhân dân quận đã đưa ra xét xử lưu động hai bị cáo là bà LTĐP chủ cơ sở mầm non PA cùng nhân viên giúp việc là cô NLTL, cả hai bị khởi tố tội “Hành hạ người khác” theo khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự.
Ngay từ 6 giờ sáng, hàng ngàn người dân hiếu kỳ đã đến xem, có người mang theo cả trứng thối và cà chua. Phiên tòa diễn ra tại hội trường, nên rất ít người có thể lọt vào bên trong để theo dõi. Sau khi phiên tòa khai mạc, các thiết bị truyền hình và truyền thanh mới được đem đến lắp ráp phục vụ cho những người dự khán còn đứng bên ngoài.
Dân vào trong nhà thiếu nhi Thủ Đức rất đông, công an cũng nhiều không kém – VRNs
Phòng Văn hóa và Thông tin quận đã làm làm thay chức năng của tòa gửi thông báo “mời” tất cả những người đứng đầu các nhóm trẻ, trường mầm non trong quận đến dự phiên tòa. Quyền hạn này không được ghi chép trong luật tố tụng.
Một văn bản không tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự – VRNs
Được biết ngày 17.12.2013, báo Tuổi Trẻ đã khởi đăng bài, video clip “Đày đọa trẻ mầm non” xảy ra tại Cơ sở mầm non PA quận Thủ Đức. Theo điều tra của nhóm PV, CTV báo Tuổi Trẻ bà P. và cô L. đã có những hành động như bóp cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt… đối với các trẻ em mầm non theo học tại cơ sở này.
Tóm tắt vụ án
Việc xét xử người vi phạm pháp luật là cần thiết, nhưng việc xét xử lưu động chẳng khác nào làm nhục người bị kết án và phong tỏa con đường trở về làm người lương thiện của họ. Tại một số nước, ngay cả việc chụp ảnh bị cáo trong phiên tòa cũng không được phép, chứ đừng nói đến việc đem bị cáo ra “đấu tố” như trong phiên tòa hôm nay. Thay vào đó, đa số phóng viên pháp đình thực hiện minh họa bằng tranh vẽ (ký họa).
Dân hiếu kỳ đến rất đông – VRNs
VTV tranh thủ làm tin “nóng” – VRNs
Về vấn đề này, trên trang mạng của Tòa án nhân dân tối cao có bài “Xét xử lưu động lợi bất cập hại” của tác giả Phạm Thái viết: “…việc xét xử lưu động đôi khi còn tạo ra sự thiếu công bằng, khách quan trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể, do quá thiên về mục đích răn đe, giáo dục nên thông thường khi xét xử lưu động bị cáo thường phải chịu hình phạt nặng hơn so với xử ở trụ sở Tòa án. Mặt khác, việc xử lưu động thường tốn kém và muốn thể hiện sự thành công của phiên tòa trước dân chúng nên tâm lý của các thẩm phán luôn mong muốn xét xử “xuôi chèo mát mái”, phải đi đến việc tuyên án, nên đôi khi đã cố tình bỏ qua các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa mà lẽ ra phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.”
Và “để thỏa lòng mong ước” của ai đó, Tòa đã tuyên kịch khung mỗi bị cáo 3 năm tù giam.
PV. VRNs
Không có nhận xét nào: