Chân Dung Quyền Lực Của Một Dân Biểu Mỹ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 1, 2015

Chân Dung Quyền Lực Của Một Dân Biểu Mỹ

Khải Huyền [*]: Vào ngày 09 tháng 12 năm 2014, dân biểu Cộng Hòa tiểu bang Utah là Jason Chaffetz và vợ là bà Julie được mời đến dự tiệc holiday hàng năm tại Tòa Bạch Ốc. Món chính của bữa tiệc là thịt trừu. Văn nghệ hát nhạc giáng sinh carols. Tổng thống và đệ nhất phu nhân chụp hình lia lịa với quan khách.

Ông Chaffetz kể lại rằng, trong đêm dạ tiệc đó, ông đã kéo chánh văn phòng của Obama là Denis McDonough ra một góc để, với tư cách tân chủ tịch ủy ban giám sát và cảỉ cách chính phủ của Hạ Viện - House Committee Oversight and Government Reform, dằn mặt bảo McDonouth hãy coi chừng. Ông Chaffetz nói thẳng vào mặt McDanough: “Nếu tớ là dân biểu cộng hòa ở tận tiểu bang Utah xa xôi mà còn biết về cái cơ quan mật vụ Secret Service nhiều hơn đằng ấy thì có vấn đề đó nghe cha.”

Thực vậy, không đầy ba tháng trước đó, một kẻ lạ tay cầm dao nhảy qua hàng rào song sắt, chạy về phía Nhà Trắng, băng qua văn phòng cơ quan mật vụ Secret Service, rồi vào tòa nhà đang có hai ông nói chuyện. Sau vụ này, ông Chaffets lại nổi cơn tam bành lục tặc về một việc xảy ra riêng biệt và bị giữ bí mật. Đó là vụ các nhân viên mật vụ đã cho phép một nhà thầu có hồ sơ hình sự về sung đạn và bị bắt được vào thang máy có Obama đang đứng trong đó để đi lên lầu. Tại một buổi điều trận công khai, ông Chaffetz đã ép giám đốc mật vụ, lúc đó là bà Julia Pierson, phải thú nhận là bà đã không báo cho tổng thống biết về vụ thang máy này. Ngày hôm sau bà từ chức.

Khi được hỏi ông Chaffetz kể câu chuyện trên có thật không, một phát ngôn viên của ông McDonough xin miễn bình luận, nhưng thực tế chứng minh là ông McDonough không coi thường lời cảnh báo dằn mặt của ông Chaffez. Số là vào đầu tháng Giêng năm nay, chính phủ Obama tiếp tục cải tổ thành phần nhân sự của cơ quan mật vụ khi bãi nhiệm 4 trưởng ban cao cấp của cơ quan, trong đó có người cầm đầu ban bảo vệ tổng thống.

Đây là chiến thắng ngoạn mục của đảng cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện kể từ năm 2010 trong nhiệm vụ giám sát các hoạt động của chính phủ Mỹ. Và đây cũng là chiến thắng cho cá nhân ông Chaffetz được bầu vào chức chủ tịch ủy ban trong tháng 12 năm rồi.

Phe Cộng Hòa cho hay hành xử theo kiểu Chaffetz mang lại nhiều lợi ích cho họ. Ông là một giám sát viên mật ngọt chết ruồi theo cái nghĩa luôn kèm theo nụ cười khi tố cáo các thuộc hạ của ông Obama làm việc độc đoán và chuyên chế một cách tàn bạo. Bộ trưởng Nội An Jeh Johnson hay cố vấn Obamacare Jonathan Gruber tự cho mình xui tận mạng khi bị Chaffetz hạch hỏi không nương tay trong các vụ điều trần. Chaffetz là một trong những tiếng nói lớn giọng nhất tại quốc hội trong cuộc điều tra vụ lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi ở Libya bị tấn công. Ông cũng hết sức kêu gọi chấm dứt biện pháp rà soát cơ thể hành khách tại phi trường bằng máy móc điện tử.

Ngay lúc này, ông Chaffetz cho hay tiếp tục điều tra vụ sở thuế IRS kỳ thị với các hồ sơ của phe Cộng Hòa xin miễn thuế hay vụ đi bộ mang súng nghênh ngang vào tòa Bạch Ốc hoặc kiểm tra an ninh tại các sứ quán Hoa Kỳ.

Có người sẽ than ôi giào toàn là chuyện cũ rồi khổ lắm nói đi nói lại mãi. Phải, nhưng, tuy là chuyện cũ song vào tay ông Chaffetz lại mang một nhãn hiệu mới. Nói cụ thể hơn là ông ta cố ý dùng những vụ này làm đề tài cho cuộc tổng tuyển cử năm 2016 như là những chứng minh hùng hồn cho thấy liên bang là một chính phủ kềnh càng to lớn như rất là vô tích sự. Câu hỏi đặt ra cho phe Cộng Hòa là liệu ông chủ tịch mới này có làm nên chuyện hay không?

Quyền lực của ủy ban giám sát

Ủy ban giám sát Hạ viện có thẩm quyền tài phán điều tra vô giới hạn. Trong thời gian vừa qua, ủy ban đã tổ chức những phiên điều trần về mọi vấn đề từ cầu thủ dùng thuốc tăng sức steroid trong môn dã cầu baseball cho đến bàn đạp xăng của xe Toyota bị trục trặc. Mục tiêu của ủy ban là thúc đẩy các cơ quan liên bang phải minh bạch hơn và giảm tệ nạn hành chánh quan liêu.

Nhưng khi nói đến phân quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp thì ủy ban có khuynh hướng đổ dồn cặp mắt cú vọ vào hành pháp. Ví dụ, dưới trào Clinton Dân chủ, chủ tịch ủy ban lúc đó là Dan Burton đã gửi 1,000 trát đòi tòa Bạch Ốc ra điều trần để bị chất vấn này nọ.

Ông Chaffetz có thẩm quyền kêu bất cứ ai ra điều trần cũng như đòi được cung cấp bất cứ tài liệu hay văn kiện nào của chính phủ. Ông cũng có một ngân sách 4.5 triệu Mỹ kim để chi trả và có một đội ngũ do thám mật báo viên rải rác khắp cơ quan liên bang.

Ông Chaffetz cũng ngồi vào ghế chủ tịch ủy ban với danh thơm tiếng tốt hơn hẳn người tiền nhiệm là dân biểu Darrell Issa bị mang tiếng là vượt thẩm quyền, khi thì quá nhẹ tay khi thì quá nặng tay hoặc làm việc không đến nơi đến chốn dễ bị tư pháp hỏi thăm. Ví dụ ủy ban hạch sách các nhân chứng trong một chừng mực đủ đô thì nhân chứng sẽ khuất phục tâm phục khẩu phục. Nhưng nếu hạch sách thái quá mà không đạt kết quả thì vô tình bị nhìn như là tên lưu manh, phản diện. Phe Dân Chủ thường hay vẽ chân dung Cộng Hòa theo hình ảnh trên. Cựu phụ tá Nhà Trắng là ông David Plouffe, có một lần đã nói móc Issa trên Twitter khi gọi ông này là “Mr. Grand Theft Auto” (Ông Đạo Đạo Chích Xế Hộp), ám chỉ cách đây 35 năm, Issa đã bị truy tố tội này ở Ohio nhưng không bao giờ bị xét xử.

Các đồng nghiệp đều biết Chaffetz không bao giờ để bị mắc bẫy quai hàm như thế. Trong 6 năm tại quốc hội, ông Chaffetz rất được các đồng nghiệp Dân Chủ nể vì. Trong khi ông Issa cắt microphone của dân biểu dân chủ Elijah Cummings thuộc tiểu bang Maryland và thành viên của ủy ban thì Chaffetz và Cummings lại đến thăm địa hạt cử tri lẫn nhau hồi Tháng 8 năm ngoái. Hai bên gắn bó một phần do trong hai gia đình có người bị ung thư. Sau chuyến thăm nhau, Cummings nói với tờ tuần báo TIME rằng mặc dù ông và Chaffetz có nhiều điều không đồng ý với nhau nhưng lúc nào cũng thấy Chaffetz là người không bao giờ bất đồng ý với ông

Kể từ khi ngồi vào ghế chủ tịch ủy ban, ông Chaffetz quyết xóa sạch di sản của Issa. Ông thay chân dung các chủ tịch tiền nhiệm trong phòng họp của ủy ban, kể cả chân dung Issa. Thay vào đó là hình thắng cảnh tiểu bang Utah, hình các nhân viên bưu điệp và đài tưởng niệm Lincoln Memorial. Khi Issa hỏi chân dung của mình đang treo ở đâu thì được trả lời bởi Chaffetz như sau: “Có gì đâu, tôi biết chính phủ chỉ muốn treo tôi. Vì thế nếu ông muốn biết, sang hỏi Obama thì sẽ biết.” Đây cũng là một tín hiệu báo cho các giới chức chính phủ Obama biết rằng Chaffetz này khác với Issa rất xa.

Đi với dân là con đường tiến thân chính trị khôn ngoan

Chaffetz, đọc là chafe-itz, chào đời tại ngoại ô thành phố San Jose, bắc California, nơi cũng có đông người Việt tỵ nạn định cư, vào năm 1967, vị chi năm nay 49 tuổi. Mẹ là bà Peggy có tiệm chụp hình và bố là ông John một thương gia. Cầu thủ dã cầu huyền thoại Sandy Koufax của đội Dodgers là cha đỡ đầu của Chaffetz. Lý lịch như thế cho thấy vị tân chủ tịch là một người hâm mộ thể thao nhất là môn bóng bầu dục football. Ông học khá giỏi để được cấp học bổng tại đại học Brigham Young University và định cư lập nghiệp tại thành phố Provo, tiểu bang Utah. Chaffetz đến với chính trị trong thời gian học đại học và với một động cơ không ngờ. Chaffetz là đồng chủ tịch ủy ban vận động cho ứng cứ viên dân chủ Michael Dukakis tranh chức tổng thống Mỹ vào năm 1988. Thực ra đây là do liên hệ gia đình hơn là do chủ trương đảng phái. Số là ông Dukakis lấy người vợ đầu tay của ông John Chaffetz bố. Ông Dukakis thua thảm hại ở Utah nhưng lại kích thích chàng sinh viên Chaffetz nẩy sinh tham vọng quyền lực. Sau khi làm cho vài hãng dinh dưỡng da như Nu Skin, Chaffetz làm giám độc vận động tranh cử thành công cho ông Jon Huntsman đắc cử thống đốc Utah.

Bốn năm sau, Chaffetz trở thành một ứng cử viên Quốc Hội, gia nhập đảng Cộng Hòa Utah với nhãn hiệu Tea Party trước khi phe này nổi đình nổi đám như hiện nay. Ông thúc đẩy Anh ngữ trở thành quốc ngữ và chống ân xá cho di dân bất hợp pháp. Chủ trương đi sát với người dân bình thường đã giúp Chaffetz đánh bại dân biểu CH sáu nhiệm kỳ trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng và thắng đối thủ dân chủ dễ dàng.

Đơn vị bầu cử là thành phố Provo của dân biểu Chaffetz phải mất 7 tiếng rưỡi đồng hồ lái xe để đi từ đầu này tới đầu nọ. Vì thế mà nhà dân cử thường phải ngồi sau tay lái chiếc Ford 150 để tiếp xúc với cử tri. Đơn vị bầu cử này trẻ nhất nước và Utah là tiểu bang có số sanh cao nhất nước nhưng lại là tiểu bang có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Cũng giống như nhiều người dân Utah, ông Chaffetz là tín đồ đạo Mormon thuần thành. Ông Chaffetz cho hay đạo Mormon nổi tiếng là trong sạch trong đời sống nên đó cũng là một lợi thế cho sự nghiệp chính trị của ông. Ông cho hay ông chỉ mắc phải một tật xấu là khoái ăn fast food, nhất là món hamburger.

Thành phố Provo được các công ty kỹ thuật chiếu cổ đổ về xây dựng nhà máy vì đất rẻ rề và có một lực lượng công nhân tay nghề cao. Ông Chaffetz muốn cả nước Mỹ phải giống Provo, nghĩa là mỗi thành phố phải có công ăn việc làm cho mọi người, kinh doanh sầm uất và mọi người trẻ trung, hạnh phúc và trình độ học vấn cao.

Sở thích riêng của nhà lập pháp trẻ này là thú chụp hình loài nhím khi được nghỉ ngơi. Phụ tá cho ông trong những chuyến đi dã ngoại chụp hình là cô con gái 14 tuổi tên Kate.

Trong một chuyến đi chụp hình nhím gần đây nhất tại khu phát triển gia cư Park City. Ông Chaffetz tìm thấy một con nhím trong một bụi cành cây khô. Ông tiến đến gần nó. Con nhím nằm im bất động như thể chết. Ông cầm máy hình tiến thật sát. Lông nhím tua tủ. Ông nhìn thấy mặt con nhím và nâng ống kiếng máy hình dí sát vào mặt con nhím. Nếu ông bấm click một cái mà con nhím vẫn nằm im thì ông sẽ có một bức hình tuyệt đẹp. Còn nếu con nhím phóng chùm lông như phi tiêu vào mặt ông phó nháy Chaffetz thì chắc chắn phải vào bệnh viện. Người vui nhất không ai khác là Tòa Bạch Ốc.

“Bố ơi, coi chừng bố chết đấy!” cô con gái Kate nói to.

“Không sao đâu con gái rượu của bố,” ông Chaffetz nói. “Bố quen nguy hiểm từ lâu rồi mà con!”

[*] Viết theo một bài phóng sự trong tuần báo TIME số ra ngày 02-2-2015 nhưng phát hành trước một tuần
Chân Dung Quyền Lực Của Một Dân Biểu Mỹ Reviewed by Unknown on 1/30/2015 Rating: 5 Khải Huyền [*] : Vào ngày 09 tháng 12 năm 2014, dân biểu Cộng Hòa tiểu bang Utah là Jason Chaffetz và vợ là bà Julie được mời đến dự ti...

Không có nhận xét nào: